GN - Nghĩ thế để quay về sám hối chứ đừng đổ thừa ai hết...
Thế nhưng, chính mỗi người vẫn
cứ “phải” thực hiện cái xấu, ác trong ba nghiệp (ý-khẩu-thân) để rồi cứ mãi
“sống chung” với cái xấu, cái ác trong mình và xung quanh mình từ ngày này qua
ngày khác, từ kiếp này sang kiếp khác.
Ngoài
nghiệp lực chi phối thì sự thiếu cố gắng gìn giữ những điều hiền thiện đã thấy
và đã làm cũng như sự thiếu chú tâm, thiếu kiên nhẫn, thiếu một đại nguyện lớn
- tẩy rửa, chuyển hóa những xấu ác (Phật dạy là tam độc: tham, sân, si) thành
từ bi hỷ xả (bốn tâm vô lượng) - nên ta cứ trầy trật mãi trong đường luân hồi
sanh tử, biểu hiện rõ rệt ngay trong kiếp sống này với lúc thì an lạc, khi lại
khổ đau...
1
Tướng từ tâm sinh, tướng của khổ
đau, của ba đường dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) đâu phải đợi tới lúc thân
người này hoại diệt, mạng chung thì mới biểu hiện đâu; nó vẫn thường biểu hiện
rất tinh tế trong từng ý niệm khởi sinh hàng ngày, hàng giờ mà do thiếu chánh
niệm nên ta không biết, không nhận ra. Thật vậy, kỳ thực, trong đời này ta đã
“lội” qua rất nhiều cảnh giới từ chính ý niệm lành-dữ lăn tăn của mình.
Đa số chúng ta dễ dàng đứng về
“phe” thiện trong ánh nhìn về cái xấu, cái ác biểu hiện nơi một ai đó và sẵn
sàng cũng như rất nhiệt tình giập tới tấp, tơi tả... con người hoặc chúng sinh
mang hình hài của những bất thiện nói chung đó. Ngược lại, những cái xấu, cái
ác ẩn tàng trong ta thì mình lại không nhìn ra, hay có khi nhìn ra nhưng lại
dùng những vỏ bọc khác để bao biện, “ban” cho nó một lý do để tồn tại và sống
còn rất dai dẳng trong mình một cách “thỏa đáng”.
Chẳng hạn như, khi là đệ tử Phật,
học được năm giới quý báu, trong đó có giới không sát sanh. Mình hiểu rõ nhân
quả của sự sát sanh sẽ đưa tới những quả vị chẳng lành, và cũng hiểu rõ, ăn
chay chính là gián tiếp không sát sanh, góp phần bảo vệ sự sống của loài khác,
nuôi lớn từ bi... nhưng đôi khi (hay nhiều khi) mình không vượt qua được những
“cái khó” thường tình trong đời sống hàng ngày như giao tế, như phải “theo” ai
đó nên mình cứ phải ăn mặn. Song, kỳ thực, nếu lòng mình quyết tâm đến nơi đến
chốn, thì thay vì “theo” người khác, sao mình không dũng mãnh theo Phật, theo
tiếng nói đầy bi-trí trong mình và lập ra một lộ trình giúp người khác - rất có
thể và trước tiên là người thân thương bên cạnh mình cũng theo điều tốt mà mình
đã thấy, biết, đang theo đuổi và thực tập?
Do vậy, chỉ cần mình nhìn cho kỹ,
thì mình sẽ thấy, thực ra điều cốt lõi của vấn đề là ở nơi đáy sâu tâm mình,
chưa đủ vững chãi trong niềm tin chơn chánh mà mình đang đi, chẳng hạn khi ăn
chay một thời gian, mình thấy... đời mình cũng chẳng khá hơn lên, nên mình suy
nghĩ lại, rồi thối thất Bồ-đề tâm, rồi mình nêu ra những “cái khó” mà mới nghe
qua, có thể rất có lý. Và, kết luận “câu trả lời cuối cùng” của mình cho những
“cái khó” nêu ra đó chính là “quay về lối cũ của ngày xa xưa”, lại sống theo
cách cũ, tập khí lâu nay...
Luân hồi chính là như thế. Là mình
đi chưa tới nơi thì đã vội quay về, “rớt xuống” trở lại điểm xuất phát, thậm
chí vì chưa thấy được kết quả (vốn cần một thời gian đủ dài mới thấy) rồi mình
phỉ báng con đường mình đã đi trước đó rất tốt đẹp. Đó chính là biểu hiện của
người thiếu một niềm tin nên không những không đi xa mà trở lại còn tệ hơn lúc
mới bắt đầu. Cái này có thể là nghiệp quá khứ ta đã từng cản trở con đường hiền
thiện của người khác nhưng nguyên nhân chính vẫn là ta không đủ vững chãi để đi
trọn con đường, vì mình phát nguyện chưa có tha thiết, trên bước đường thực tập
mình chưa có sự cố gắng, chưa nỗ lực, chưa lắng nghe và không chịu học hỏi từ
những vị thầy minh triết quanh mình. Đồng thời, cũng đã quên nương tựa Tam bảo,
không khẩn thiết quy y các vị Tổ sư đã chứng đắc Thánh quả, là bậc Thánh nhân
giữa cuộc đời. Do vậy, mới có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để chỉ cho
nguyên nhân hiện tại, nơi chính bản thân mình giải đãi, tu học còn… chưa ngon
lành là nguyên nhân chính yếu, thay vì đổ thừa cho người khác “hãm hại”, “khuyến
dụ” mình hay do hoàn cảnh, nghịch duyên cứ “tìm” tới mình hoài…
2
Tất nhiên, mỗi người một hoàn
cảnh, một con đường nên miễn sao sống tốt là được, rồi tốt chừng nào mừng chừng
ấy, ít ra thì cũng làm cho cái xấu, cái ác trong mình giảm thiểu dần dần, theo
lộ trình. Nhưng, tín-hạnh-nguyện phải đầy đủ, nhất thiết phải kiên cường, nếu
không thì trước sau gì mình cũng sẽ tiến tới ba bước, có khi thụt lùi tới mười
bước như đã nói ở trên. Nên, nhìn cái tiến rồi đo bước lùi mà trừ ra, có khi
mình lùi dữ dội, mang số âm mà mình không biết nên ngộ nhận, và trách rằng,
chuyện tu của mình sao nhiều năm tháng mà không có tới đâu hết trơn hết trọi;
nản chí, bỏ đạo cũng từ đây mà ra!
Biết thế, để sách tấn chính mình,
để niệm cho làu làu câu, “Con nguyện nương theo Phật, lấy giáo pháp làm phương
tiện, y chỉ giới luật làm thầy mà gìn giữ thân tâm, nuôi lớn huệ mạng của
mình”.
Những vị thầy đi trước dạy mình
rằng, nếu có khó khăn trên bước đường tu tập hay gặp phải nhiều chướng ngại,
thấy toàn điều xấu ác, gặp toàn người bất thiện thì nên quay về sám hối. Vì đó
có thể là “lỗi lầm xưa” nhưng rất có thể là hiện tại mình “tu chưa tới”, nghĩa
mình không-xứng với tên gọi hay hình tướng mà mình đang “mặc” vào mình (như
chiếc áo đại diện cho tên gọi “đệ tử Phật môn”) nên dẫn tới phước đức tổn giảm,
oan gia trái chủ, cũng như đủ dạng bất thiện nhân đó sẽ tìm tới quấy phá, hiện
tướng không lành, dẫn dụ mình vào ác đạo. Ma chướng sanh ra là do mình khởi
những niệm bất thiện, đi sai Chánh pháp - lời Phật dạy là chính, còn ma vương tới
thử thách hoặc quấy phá thì thường chỉ có đối với những bậc tu hành sắp đạt
đạo. Nghĩ thế để quay về sám hối chứ đừng đổ thừa ai hết, càng không được vì
thế mà thối chí, thất tâm tu học ban đầu!
3
Trở lại chuyện cái ác, nó sinh ra
do tâm mình, theo đúng quy luật “tướng từ tâm sinh” mà Phật đã dạy. Thế nên,
nếu mình sinh ra nơi đời mà mình xấu quá, ác quá và hoàn cảnh xung quanh mình
toàn người xấu ác giống mình nghĩa là đời nào đó mình đã từng khởi niệm ác, nói
và làm toàn những điều xấu, rơi vào trọng tội... Quán niệm như vậy để “hồi đầu
sám hối”, để cứ thế mà ân cần lạy xuống, rồi niệm niệm không ngơi rằng, “từ nay
cho đến vô lượng vô thỉ kiếp sau, cho tới khi thành Phật, con nguyện đoạn tất
cả việc ác, làm tất cả việc lành”.
Tất nhiên, nguyện thế thì ngay
trong đời sống phải hành, từ a, bờ, cờ..., làm những việc vỡ lòng như bắt đầu
nghĩ tới chúng sinh đang khổ mà thương cho tới nghĩ tới thấy chúng sinh làm bậy
cũng... thương trong ý niệm “rồi đây họ sẽ phải chịu quả khổ, sinh ra trong
đường ác đạo, tội nghiệp quá, thương quá”. Đó chính là sửa (tu) từ bước một,
phải tập sửa như thế thì mới khá lên được! Cái khá từ trong tâm sẽ đưa tới cái
khá nơi thân mình, nơi hoàn cảnh mình sống, chánh báo - y báo rõ ràng vậy thôi.
Cụ thể, chẳng hạn hồi chưa biết tu
thì mặt mình nhìn khó đăm đăm, không có lấy nụ cười, lúc nào cũng hầm hầm hố
hố, nhưng tới khi học lời Phật dạy, mình biết tặng người khác nụ cười, biết làm
cho người khác an tâm và nở nụ cười...
Ở một góc nhìn khác, có ai đó nói
rằng, mỗi sự vật hiện tượng sanh ra đều có một “sứ mạng” nào đó; nên cái xấu
sanh ra mang sứ mạng làm “bảo chứng” (biểu hiện hình tướng) chứng minh cho
tham-sân-si còn hiện diện trong tâm mỗi người, mỗi chúng sinh nên mình chưa thể
thoát ra được thế giới thiện-ác, hay toàn ác - để phản tỉnh. Đó cũng là thấy,
hễ trong tâm người nào đó, chúng sanh nào đó đã tràn ngập từ bi, trí tuệ sáng
rỡ thì họ sẽ vượt thoát cõi Ta-bà uế trược này mà sanh lên đất Phật, vào quốc
độ chỉ toàn người hiền thiện, thanh cao, cho đến chứng Thánh, thành Phật.
Đồng thời, nếu nó (cái ác) là một
sự-dụng-công thì biểu hiện ấy giống như là lửa thử vàng, để cho cái thiện, điều
cao thượng “chín” hơn, đạt đến cảnh giới cao hơn thay vì cứ tầm tầm, nếu nó
chưa đủ chín, chưa tới độ chín của “vàng mười”. Nhìn như vậy, bởi Phật đã từng
nhìn thấy điều đó ở Đề Bà Đạt Đa, người lúc nào cũng thị hiện cái ác để làm cho
Phật... thành Phật, đạt tới Đại Từ bi, Đại Trí tuệ, Đại Giác ngộ.