Yêu
cổ vật như một phần không thể thiếu của đời sống, Dương Phú Hiến
bảo, cổ vật cũng có thần thái, linh hồn, người chơi đạt đến độ là
người phải nắm giữ được cái thần sắc đó, và biết trò chuyện với từng
cổ vật, bởi mỗi cổ vật đều có một câu chuyện riêng. Nếu ai đó, từng
quan tâm đến thú chơi này của người Hà thành xưa, hẳn cũng sẽ điểm
mặt đặt tên những cây đa cây đề trong làng đồ cổ, những Huệ "muối",
Đức Minh, Can "đường", Lương Quang phố Bà Triệu. Dương Phú Hiến, bậc
hậu sinh khả úy này cũng đang tiếp nối dòng chảy đó. Ông là cháu đời
thứ 4 của dòng họ Dương, từng có kỵ nội là Dương Phú Hữu, làm quan Bộ
lại trong triều nhà Lê. Dòng họ Dương nhà ông cũng có đến 21 văn bia
được đặt trang trọng trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhưng điều quan
trọng nhất ông được thừa kế từ các cụ kỵ, đó là một gia tài vô giá
của những cổ vật, một dòng chảy văn hóa, được nối liền trong mạch
sống tâm linh của người Việt. Thế nên, Dương Phú Hiến không coi đồ cổ
là một món hàng, bán mua, trao đổi, mà với ông là một thú chơi.Với
gia sản bây giờ lên tới hàng triệu đô la, nhưng ngay cả thời xa xưa
nghèo khó, nhìn thấy một cổ vật quý, Dương Phú Hiến không ngần ngại,
xúc cả những thúng gạo, lúa cuối cùng đi để đổi cho bằng được, khi
chỉ là một mảnh sành vỡ có niên đại xa xưa, khi là cả một chum tiền
cổ, chả có giá trị gì đối với người dân lao động, nhưng lại vô giá
đối với người sành đồ cổ như ông. Đó là những giá trị vô giá của văn
hóa, và lịch sử. [Image] Ông Dương Phú
Hiến và cổ vật sưu tầm được. Ông đang sở hữu những bộ sưu tập
độc đáo, đó là hàng trăm pho tượng Phật giáo, cả bộ kiếm cổ truyền đời,
mà nhiều thanh kiếm chỉ được biết qua những huyền thoại, hay hàng
ngàn những bình gốm cổ, có những chiếc trị giá cả triệu đô, chất đầy
cả mấy gian phòng nhà ông, địa chỉ quen thuộc của hội chơi đồ cổ
không chỉ ở đất Hà Nội và từ khắp nơi trên thế giới tìm về.Những pho tượng huyền bíKhông
hiểu có một mối lương duyên nào mà Dương Phú Hiến biết rất nhiều về
những pho tượng. Từ bé, ông vẫn thường theo mẹ lên chùa, và sau này
đi bộ đội, nhiều lần bị thương, ông cũng được các nhà sư cứu giúp, và
nương mình nơi cửa Phật. Phật giáo, đặc biệt là các pho tượng, đối
với ông có sức hấp dẫn đến kỳ lạ. Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm,
và trở thành một phần đời sống gần gũi trong tâm linh của người Việt.
Vì thế, các pho tượng Phật ở Việt Nam cũng rất nhiều, nhưng có một
thời, chúng đã bị đốt và phá bỏ đi rất nhiều bức tượng quý, nhiều bức
bị vùi lấp trong lớp bụi của thời gian. Dương Phú Hiến chính trong
thời kỳ đó, lại may mắn mua được rất nhiều pho tượng quý, cả những
bức tượng gỗ thả trôi sông rất đẹp.Người xưa từng nói, "nhất tượng,
nhì tranh, tam sành, tứ sứ". Có những pho tượng mà bây giờ, dù có
rất nhiều tiền cũng không mua được. Đó là bức Tượng chuẩn đề, được đúc
liền khối bằng đồng đen 4.5 tấn, có lịch sử hàng ngàn năm từ đời nhà
Lý, thế kỷ X - XI. Hồi đó, ông đã mua bằng một tạ gạo, vào cái thời
kỳ, gạo còn là sự sống còn, thì một tạ gạo quả là khủng khiếp. Bức
tượng thể hiện sự biến thể trong biến pháp của nhà Phât. Sự biến hình
của Phật tùy vào từng thời điểm cụ thể, người xem linh nghiệm một
điều rằng, ở đâu cũng có Phật, và Phật ở trong tâm mỗi người. Bức
tượng thể hiện sự tinh xảo trong công nghệ chế tác của người xưa, và
là một trong những bức hiếm hoi còn lại về một thời kỳ thịnh của Phật
giáo Việt Nam. Bức tượng Phật trăm tay nghìn mắt trong bộ sưu tập
của ông cũng rất đặc biệt. Ở Việt Nam, có rất nhiều biến thể của bức
tượng này, thể hiện quyền lực, quyền uy của nhà Phật. Nhưng với những
bức tượng đồng đen của Dương Phú Hiến, vẫn có những giá trị riêng, từ
những đường nét chạm khắc, đến những chạm trổ tinh luyện, thể hiện
văn hóa tín ngưỡng của người Việt xưa.Ông quan niệm, đàn ông có 4 cái
dưỡng, chơi cây để dưỡng tâm, chơi cá, chim thì dưỡng trí, chơi cổ
vật thì dưỡng thần, và thờ Phật dưỡng tâm linh. Mỗi cổ vật đều có một
đời sống tâm linh riêng, và điều quan trọng là người chơi phải nắm
được cái thần thái, hồn cốt của nó.Và bộ kiếm độc nhất vô nhịTrong
một lần tổ chức triển lãm ở Bảo tàng Lịch sử, Dương Phú Hiến đã có
dịp "khoe" với bạn bè về một trong những bộ sưu tập tâm huyết nhất
của mình. Đó là bộ kiếm hơn 100 chiếc, mà có những chiếc đến nay chỉ
còn độc nhất vô nhị. Vốn là con nhà võ, ông mê kiếm từ bé, giữ kiếm
còn hơn cả mạng sống của mình. Đây là bộ sưu tập gia truyền được để
lại từ mấy trăm năm trước của các đời cụ kỵ, và chủ yếu của Trung
Quốc và Nhật. Có những thời kỳ, vì lý do khách quan, gia đình ông đã
phải bọc lại chôn xuống đất.Trong bộ sưu tập kiếm của Dương Phú Hiến
có rất nhiều thanh kiếm báu, đó là bộ Song trùng kiếm, dài 22m, chuôi
được làm bằng da cá, nặng 18kg, cho thấy kỹ nghệ luyện thép công phu,
cả một dòng tộc chỉ có một thanh kiếm, chém sắt như chém tàu chuối.
Gia tộc Dương Phú Hiến mua tìm được thanh kiếm này từ đội quân Quan
Đông trốn trại. Bộ song trùng kiếm trong sưu tập của ông có 2 thanh
gươm, được coi là kiếm vợ, kiếm chồng. Thư hùng kiếm, một loại kiếm
đặc biệt chỉ có một chiếc duy nhất, không lặp lại, được dùng cho một
dòng tộc quyền thế, thân vương. Thanh kiếm độc này được một nhà tư
bản mua lại từ tay quân cờ đen Lưu Vinh Phúc, khi chúng đi qua Việt
Nam. Và may mắn cũng có trong bộ sưu tập của nhà ông.Ngoài ra trong
bộ sưu tập hơn 100 chiếc kiếm của gia tộc họ Dương nhà ông còn có
những thanh gia bảo kiếm, kiếm của những dòng họ danh gia, được dùng
mang tính chất giáo dục nên nếp trật tự của con cái trong gia đình,
và chí khí của một kẻ trượng phu, Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Thanh kiếm báu của từng gia tộc thể hiện quyền uy, gia pháp của gia
tộc đó. Trong bộ sưu tập kiếm độc đáo của ông, chỉ có duy nhất một
chiếc kiếm ngắn của vua Hàm Nghi, vỏ làm bằng ngà voi. Phía trên vỏ
có triện khắc chữ của vua Hàm Nghi. Thanh kiếm này thực sự có ý nghĩa
trong bộ sưu tập của ông, bởi, văn hóa kiếm của người Việt, xét về
bề dày lịch sử không thể so sánh được với Trung Quốc và Nhật Bản về
công nghệ tôi luyện thép, cũng như những bí kíp truyền đời của người
dụng kiếm. Nhưng kiếm là biểu tượng của sự uy quyền và vương pháp của
các triều đại phong kiến. Bộ sưu tập kiếm này đã đồng hành cũng dòng
tộc họ Dương nhà ông từ 300 - 400 trăm năm trước.Sống chung với cổ
vật, trò chuyện với chúng từng ngày, người đàn ông này vẫn ấp ủ nhiều
ước nguyện, và trăn trở. Ông bảo, Việt Nam có một thời đã từng chảy
máu cổ vật, khi ta chưa hiểu hết những giá trị của nó. Nhưng hiện
nay, có một dòng chảy ngược đang trở về. Chưa bao giờ, người chơi cổ
vật lại đông như lúc này, chỉ riêng đất Hà thành đã có đến hai ngàn
người chơi. Có một dòng chảy cổ vật từ nước ngoài đang vào Việt Nam,
khiến cho người chơi năm châu bốn bể, đặc biệt là Nhật, Trung Quốc
đều tìm về. Nhưng cũng có một thực tế khác, là thị trường cổ vật ở Việt
Nam chưa được điều tiết bởi pháp luật, mạnh ai nấy chơi, những cổ
vật vô giá vẫn chỉ nằm trong tay các cá nhân, chứ chưa có sự bảo trợ
của Nhà nước.Ở các nước văn minh, các cổ vật được đóng dấu bảo hiểm
và có một sàn cổ vật minh bạch cho người chơi, điều đó hạn chế nạn
chảy máu cổ vật. Nếu được sự bảo trợ của Nhà nước, thị trường cổ vật
Việt Nam sẽ minh bạch hơn, và vì thế, giá trị của các cổ vật cũng được
nâng tầm.Dương Phú Hiến vẫn mơ ước về một bảo tàng của tư nhân, để
ông được đem những cổ vật của mình trưng bày cho mọi người xem. Bởi
với ông, mỗi cổ vật đều có linh hồn và những giá trị của lịch sử, và
đó là những giá trị chung của nhân loại, cần để được mọi người chia sẻ
và thưởng lãm
Khánh Linh
http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2011/1/143168.cand