Một trong những chiêu thức quen thuộc, thường dùng trong việc cải đạo tín đồ Phật giáo là tìm cách ly gián người Phật tử với Tam Bảo. Trong ba ngôi Tam Bảo, ly gián người Phật tử với Tăng Bảo là điều đơn giản, dễ dàng hơn cả. Vì tăng bảo hiện tiền là phàm tăng, có thể còn nhiều khuyết điểm, nhược điểm trong đời sống tu tập, rất dễ khai thác phục vụ cho mục tiêu cải đạo.
Tôi xin kể lại câu chuyện một thầy tu Phật giáo cải đạo đi nói chuyện ở các buổi truyền giảng ở nhà thờ Tin Lành vào những năm 1978 – 1980 để kêu gọi những tín đồ Phật giáo khác làm theo ông ta, là cải đạo.
Người tu sĩ Phật giáo cải đạo đó, nay tôi đã nhớ được tên, là Huệ Nhật. Ông này sau đó qua Mỹ, trở thành mục sư, vẫn đem chuyện gốc gác nhà sư và việc cải đạo của mình ra để dụ dỗ Phật tử cải đạo. Ông ta viết một quyển sách rất cực đoan, bôi nhọ Phật giáo và lịch sử Việt Nam, là quyển Từ áo cà sa đến thập tự giá.
Tôi được một người bạn theo đạo Tin Lành tha thiết mời đi nghe Huệ Nhật nói chuyện ở một buổi thuyết giảng. Nghe giới thiệu ông này từng là tu sĩ, tôi đi nghe vì tò mò muốn biết thực hư như thế nào. Trên diễn đàn nhà thờ, ông ta nói chuyện tương đối đứng đắn, phần lớn là suy nghĩ của bản thân. Nhưng điểm đáng nói là mời gọi gặp riêng để “giải đáp thắc mắc”.
Nghi ông này là sư giả, tôi đăng ký gặp riêng. Huệ Nhật nói chuyện rất lão luyện, biết ngay tôi nghi ngờ xuất xứ, ông ra đi ngay vào việc chứng minh mình từng là sư tăng một cách tự nhiên.
Điều Huệ Nhật làm và nhiều người đi cảo đạo tín đồ Phật giáo cũng là như ông ta, là chứng minh hiện nay không còn đạo Phật thực sự, đạo Phật chân chính. Vẫn nói đức Phật là một nhà hiền triết, Phật pháp là có giá trị, nhưng nói đến Tăng sĩ Phật giáo là họ đổi giọng, nói về những biểu hiện của cuộc sống xa hoa, trần tục, ăn chơi, mục đích rõ ràng là ly gián.
Nói chuyện với tôi, Huệ Nhật đi sâu vào đời tư các vị thượng tọa lớn (khi đó Phật giáo miền Nam có rất ít hòa thượng). Việc làm này vừa chứng minh Huệ Nhật xuất thân từ chính Phật giáo, vừa để làm tôi hoang mang dao động. Ông ta nói về điều được gọi thú chơi xe hơi của các thượng tọa trước năm 1975. Ông ta nói thoăn thoắt thầy nào thích loại xe gì, Pháp, Đức, Mỹ hay Nhật sản xuất, thường xuyên đổi xe ra sao. Nghe cứ y như thật.
Huệ Nhật cố vẽ vời hình ảnh các vị thượng tọa lãnh đạo Phật giáo lợi dưỡng, xa hoa, chơi trò đắt tiền theo kiểu đại gia, và nói điều đó như là lẽ tự nhiên đối với đạo Phật ngày nay.
Qua cách làm của những người đi cải đạo tín đồ Phật giáo như thế, chúng ta thấy việc tăng sĩ sống đời xa hoa sẽ có lợi cho việc cải đạo như thế nào. Phần lớn Phật tử tất nhiên không thể là người giàu, nói như thế thì ắt phải sinh ra mặc cảm. Những người đi cải đạo tín đồ Phật giáo còn lồng vào đó lời khuyên, rằng có tiền thì tự mình làm phước, đừng cúng cho thầy đổi xe mới…
Thế nhưng, Huệ Nhật lại nói chuyện trước 1975, lúc đó (1978) rất khó kiểm chứng. Tôi có để ý tìm hiểu sự thật thì đó là chuyện bịa đặt. Xe hơi một số thượng tọa sở hữu vẫn còn, sau 1975 hầu như không bán đi đâu được vì không ai mua. Nhưng đều là loại xe rẻ tiền, bình dân như Citroen loại 2 ngựa, Toyota loại 2 cửa, xe Van (vừa chở khách, vừa hoạt động dịch vụ). Một số ít các thầy thỉnh thoảng vẫn còn đi những loại xe rẻ tiền đó.
Qua việc này, chúng ta thấy cuộc sống xa hoa của người Tăng sĩ Phật giáo đã được lợi dụng như thế nào trong việc cải đạo tín đồ Phật giáo. Sự thật không có thì người ta bịa ra, vẽ vời, thêm thắt, một nói thành mười, biến việc chỉ dùng xe hơi bình dân làm phương tiện đi lại (điều bình thường trước năm 1975), thành những tay chơi xe hơi đại gia.
Trong bài “Phản cảm người tu sử dụng… đồ hiệu”, có dẫn suy nghĩ của một người sống với mức lương công chức: “Lúc đó ngẫm lại không biết với mức lương công chức như mình khi nào mới mua nổi…”.
Cái tâm trạng mặc cảm như thế là cái mà Huệ Nhật muốn có ở tôi qua cuộc nói chuyện lúc đó, cũng như là điều mà tất cả những người đi cải đạo tín đồ Phật giáo muốn có ở những đối tượng của mình. Sự xa hoa bao giờ cũng tạo ra một khoảng cách nghèo/giàu. Người đời cần khoảng cách đó để tôn mình lên, để nhìn xuống mọi người chung quanh, để hợm mình kiêu hãnh. Còn với người tu, những điều đó, sẽ rất bất lợi cả trong thế nghiệp lẫn đạo nghiệp. Những người đi cải đạo tín đồ Phật giáo lấy đó để chứng minh cho việc không còn một đạo Phật chân chính thật sự, mà chỉ còn những người lợi dụng lòng tin Phật để sống giàu sang, xa hoa, để làm lung lay tín tâm người Phật tử.
Khoảng cách giàu nghèo bao giờ cũng đem tới cho đại đa số người nghèo sự ác cảm, bất mãn, và từ đó, mâu thuẫn. Đó là điều không tránh khỏi. Phật giáo chúng ta cần cẩn trọng với điều đó.
Còn đối với nhà Phật, tinh thần sống “thiểu dục, tri túc” là một nguyên tắc căn bản. Thiểu dục, tri túc (ít muốn, biết đủ) thì không thể xa hoa với hàng hiệu, hàng hóa, phương tiện cao cấp. Nếu sống xa hoa thì trái với tinh thần, lý tưởng của nhà Phật là điều rõ ràng. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến tác động tiêu cực của điều đó.
Những lực lượng cải đạo tín đồ Phật giáo đang gương mắt nhìn vào đời sống Tăng Ni để khai thác những điều có lợi cho họ như đã trình bày. Chuyện bé có thể xé ra to. Một thì nói thành mười, thành trăm, để phục vụ cho mục tiêu cải đạo.
Vì sự nghiệp chung và đạo nghiệp của chính mình, quý vị Tăng Ni hãy hết sức thận trọng với những tác động vô cùng nguy hại của đời sống xa hoa. Vấn đề không phải chỉ là phản cảm.
MT