Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Nhà sư Thích Tâm Mẫn đã đến Quảng Trị
29/04/2011 20:50 (GMT+7)

Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Nhà sư Thích Tâm Mẫn sinh ngày 6/7/1977 tại xã Duy An, Duy Xuyên, Quảng Nam với tục danh là Lê Minh. Sau “tai nạn nghề nghiệp” không mong muốn đã xảy ra, Lê Minh ân hận nên xuất gia tu tại chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP. HCM) từ năm 2004. Tại đây, tu sĩ trẻ đã phát nguyện lạy hành hương và quyết định chọn pháp tu “nhất bộ nhất bái” (bước một bước, lạy một lạy)của Phật giáo rèn luyện thân thể, tâm ý và niềm tin kiên định để hoàn thành chí nguyện cũng như tìm lại các giá trị văn hóa, lịch sử của phật giáo trên con đường tu nghiệp của mình.


Nhà sư lễ lạy hành hương trước bao ánh mắt hiếu kỳ của bàn quân thiên hạ. Ảnh: Lê Tấn Lộc.

Lịch trình lạy hành hương mỗi ngày của nhà sư Thích Tâm Mẫn thường chia làm hai thời: từ 4 giờ – 9 giờ và 16 giờ – 21 giờ (những lúc đường khá vắng vẻ). Hành trình của “Thầy trò Đường Tăng Việt Nam” bắt đầu xuất phát từ TP. HCM ngày 27/1/2009 (tức mồng 2 Tết Kỷ Sửu) nhằm hướng đến núi Yên Tử đến nay đã đi được gần hai phần ba chặng đường. Khi đến Quảng Trị, “Đường Tăng” vẫn trong tình trạng sức khỏe tốt, tâm nguyện vẫn bền bỉ và bất biến, vẫn duy trì đều đặn bước một bước, lạy một lạy…, nhưng trán đã bị u một cục to bằng cốc trà do phải lạy sát đất (phần trán tiếp xúc với mặt đường quá nhiều lần nên đã chai sạn) suốt chặng đường đã vượt qua.

Nhà sư Thích Tâm Mẫn “nhất bái” trên đoạn đường đang thi công ở phường Đông Lễ (TP. Đông Hà). Ảnh: Lê Tấn Lộc.

Cũng như bao người hiếu kỳ ở những nơi nhà sư đi qua, người dân Quảng Trị đổ xô ra đường, đi theo nhà sư Thích Tâm Mẫn xem hành lễ. Lực lượng giữ trật tự công cộng cũng xuống đường phòng chống tình trạng ùn tắc giao thông.

Ở Quảng Trị, những địa danh mà mỗi khi nhắc đến ai cũng rùng mình về sự chết chóc trong những năm tháng chiến tranh như: “Đại lộ kinh hoàng”, Cầu Trắng Quảng Trị hay căn cứ Dốc Miếu… là những nơi mà nhà sư Thích Tâm Mẫn đến lễ lạy nhiều nhất. Thậm chí khi đã ra đến Đông Hà rồi, nhưng nhà sư vẫn quay ngược lại Hải Lăng tiếp tục hành lễ.

Nhà sư và chiếc xe đón hài cốt liệt sĩ cùng đi qua cung đường “Đại lộ kinh hoàng”. Ảnh: Lê Tấn Lộc.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại được ở Quảng Trị:

Một số tăng ni, phật tử tự nguyện quét dọn đoạn đường bụi bẩn (do đang thi công) chuẩn bị cho nhà sư đi qua. Ảnh: Lê Tấn Lộc.

Dù không phải là phật tử, nhưng có người vẫn mặc áo lam xuống đường cầu nguyện cho nhà sư. Ảnh: Lê Tấn Lộc.

Nhà sư đến đâu bà con tăng, ni phật tử đi theo đến đó. Ảnh: Lê Tấn Lộc.

Nhiều người dân địa phương đứng hai bên đường chờ hàng giờ đồng hồ trước lúc nhà sư đến. Ảnh: Lê Tấn Lộc.

Băng đĩa ghi lại hành trình của nhà sư trong nhiều năm qua bán rất đắt. Ảnh: Lê Tấn Lộc.

Đang bán cho người này thì người khác gọi mua nên thằng bé... búi mắt. Ảnh: Lê Tấn Lộc.

 

Nhà sư Thích Tâm Mẫn vẫn còn hơn 600 km đường bộ ở phía trước đầy thử thách. Ảnh: Lê Tấn Lộc.

Mỗi bước chân trong việc làm của nhà sư Thích Tâm Mẫn để lại cho mọi người tại mỗi nơi đi qua nhiều điều đáng suy ngẫm. Với tốc độ di chuyển bình quân khi lễ lạy khoảng 2km/ngày, chuyến hành hương về nguồn của nhà sư Thích Tâm Mẫn dự kiến kéo dài khoảng bốn năm. Điều gì sẽ xảy ra trong suốt quãng đường còn lại? Nhà sư sẽ làm gì khi đến được Trúc Lâm Yên Tử? Chúng ta hãy chờ theo dõi những bản tin tiếp theo từ Bắc cầu Hiền Lương. Hãy cùng nhau cầu chúc cho hạnh nguyện của nhà sư sớm được hoàn tất viên mãn.

Bài, ảnh: LÊ TẤN LỘC

Các tin đã đăng:
Về đầu trang