Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Cần môn ''Văn hóa Phật giáo'' trong đào tạo cử nhân Phật học
PGS.TS. Nguyễn Công Lý
21/07/2012 21:12 (GMT+7)


Đã vài chục năm qua, chúng tôi có cái may mắn và cơ duyên là được cộng tác với giáo hội Phật giáo trong việc đào tạo, giảng dạy tại các trường Phật học, đặc biệt là ở Học viện Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, hay tham gia các khóa bồi dưỡng giảng sư cao cấp do Trung ương giáo hội tổ chức, vì thế ít nhiều cũng có vài trăn trở, nghĩ s uy về chương trình đào tạo Cử nhân Phật học. Ở đây, tôi chỉ đề xuất một môn học nên bổ sung ngay trong chương trình đào tạo, đó là môn Văn hóa Phật giáo.

Có đề xuất trên là bởi, theo tôi được biết, hiện chưa có môn học này trong chương trình đào tạo Cử nhân ở Học viện Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng không rõ các Học viện Phật giáo khác ở nước ta (Huế, Hà Nội, Cần Thơ) trong chương trình đào tạo có môn học này không.

Theo chủ quan của cá nhân, đây là môn học vừa mang tính cơ sở lại vừa mang tính chuyên ngành, mà trong chương trình đào tạo của các Khoa như Khoa Hoằng pháp, Khoa Phật giáo Việt Nam, Khoa Phật giáo thế giới thuộc các Học viện nên đưa vào. Nói cách khác đây là môn học nền tảng, không thể thiếu trong chương trình đào tạo Cử nhân Phật học.

Về mục tiêu, môn học này giúp cho học viên tìm hiểu những giá trị văn hoá Phật giáo, qua con đường hoà bình và bằng sức thuyết phục của trí tuệ - từ bi, đã thâm nhập văn hoá các dân tộc châu Á, Châu Âu; tạo lập nền tảng đạo đức, phong tục, lễ nghi v.v.. của các dân tộc đó. Trên cơ sở đó, định hướng cho học viên tự chọn để nghiên cứu về một vấn đề văn hoá Phật giáo cụ thể.

Về nội dung cơ bản, môn học này sẽ giới thiệu cho học viên nhận biết rõ sự hình thành và phát triển của Phật giáo, văn hoá Phật giáo, từ một tôn giáo có tính quốc gia đến tôn giáo quốc tế, những thành tựu và đóng góp của văn hoá Phật giáo cho toàn thể nhân loại, thông qua các thành tố văn hóa Phật giáo: Văn hoá nhận thức Phật giáo; Văn hóa tổ chức cộng đồng trong Phật giáo; Văn hoá nghệ thuật Phật giáo.

Tại Khoa Văn hóa học, Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TP. HCM, mấy năm gần đây trong chương trình đào tạo Cử nhân chuyên ngành Văn hóa học có thiết kế môn học này và tôi có may mắn là được lãnh đạo khoa mời giảng dạy môn học đó. Môn Văn hóa Phật giáo (The Buddhistic Culture) có mã môn học: CUL W21, được thiết kế với dung lượng 3 tín chỉ (45 tiết, mỗi tiết = 50 phút), bố trí học vào học kỳ 4, khi sinh viên đã vào học chuyên ngành.

Về chương trình môn học, khi thiết kế, bên cạnh những yêu cầu bắt buộc như: Tên môn học, Số tín chỉ, Phân bố thời gian, Điều kiện tiên quyết, Mục tiêu môn học, Mô tả vắn tắt nội dung môn học, Nhiệm vụ của sinh viên, Tài liệu học tập, Tiêu chuẩn đánh giá si nh viên, Thang điểm, Kế hoạch giảng dạy, thì phần Nội dung chi tiết của môn học được chúng tôi biên soạn thành 4 chương với nội dung cụ thể như sau:

Chương 1. Sự hình thành và phát triển của Phật giáo

1.1. Phật giáo nguyên thuỷ và hệ thống tư tưởng  cơ bản: Tứ diệu đế; Bát chánh đạo; Thập nhị nhân duyên

1.2. Phật giáo truyền bá ra quốc tế

- Phật giáo Tiểu thừa và Thế giới Phật giáo Tiểu thừa

- Phật giáo Đại thừa và Thế giới Phật giáo Đại thừa

Chương 2. Văn hoá nhận thức Phật giáo

2.1. Tổng quan về hệ thống kinh điển Phật giáo

- Những lần kết tập kinh điển

- Hệ thống kinh điển Tiểu thừa

- Hệ thống kinh điển Đại thừa

- Hệ thống thể loại kinh văn Phật giáo

2.2 Vũ trụ quan (Bản thể luận) Phật giáo và ảnh hưởng của nó trong đời sống tư tưởng, đời sống tâm linh con người

2.3 Nhân sinh quan (Giải thoát luận và con đường tu chứng) Phật giáo và ảnh hưởng của nó trong đời sống tư tưởng, đời sống tâm linh con người

2.4 Quan hệ con người và môi trường trong nhận thức Phật giáo

2.5 Việc dịch kinh Phật đối với sự phát triển ngôn ngữ và văn chương ở các nước châu Á Chương 3. Văn hoá tổ chức cộng đồng trong Phật giáo

3.1. Giáo đoàn, Giáo hội và Tín đồ

- Tổ chức Giáo đoàn, Giáo hội

- Tăng chúng

- Sinh hoạt của người xuất gia

- Giới luật

- Quy định của Tăng già

- Tín đồ Phật giáo (Phật tử)

3.2 Phật giáo với xã hội và gia đình

- Phật giáo với bổn phận xã hội

- Phật giáo với gia giáo và nền nếp gia đình

3.3 Chùa chiền - Thiền viện - Tịnh xá

- Chùa, Thiền viện như một cơ sở tôn giáo

- Chùa, Thiền viện như một cơ sở văn hoá, giáo dục, y tế, kinh tế...

3.4 Phong tục, nghi lễ liên quan đến Phật giáo

3.5 Lễ tết, lễ hội liên quan đến Phật giáo

Chương 4. Văn hoá nghệ thuật Phật giáo

4.1 Kiến trúc Phật giáo

4.2 Điêu khắc Phật giáo

4.3 Hội hoạ Phật giáo

4.4 Âm nhạc Phật giáo

4.5 Trang phục Phật giáo

4.6 Văn học Phật giáo

Với nội dung chương trình được thiết kế như trên, như đã nói, rõ ràng đây là môn học cơ sở của chuyên ngành, tạo nền tảng giúp cho sinh viên có kiến thức trọng tâm và cơ bản để học các môn học khác có tính chuyên sâu như: Kiến trúc Phật giáo, Điêu khắc Phật giáo, Hội họa Phật giáo, Văn học Phật giáo, v.v..

Mặt khác, trong nội dung chương trình như trên chắc chắn có một số kiến thức mà sinh viên đã từng được học tập và nghiên cứu khi học môn Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, như: Phật giáo nguyên thủy; Tư tưởng  cơ bản của Phật giáo nguyên thủy (Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên); Sự phân chia các phái bộ Phật giáo; Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa; Những lần kết tập kinh điển, v.v.. nhưng ở đây trong chương trình môn học xin giới thiệu lại cho có hệ thống, lôgic thì thiết nghĩ cũng không phải là thừa.

Vì tầm quan trọng của môn học, viết bài này, chúng tôi hy vọng các vị Tôn đức lãnh đạo các Học viện Phật giáo đặt tại các vùng miền của đất nước nên tính toán để đưa môn Văn hóa Phật giáo vào trong chương trình Cử nhân Phật học để đào tạo ở một số Khoa cụ thể mà ở trên có đề cập.

TP. HCM, ngày 14-4-2012

PGS.TS. NGUYỄN CÔNG LÝ

Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM

http://www.phattuvietnam.net

Các tin đã đăng:
Về đầu trang