Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Hoằng pháp, hộ pháp: cần nhiều tiếng nói xây dựng hơn nữa
Minh Thạnh
24/07/2012 06:17 (GMT+7)




Gần đây, trên các đơn vị truyền thông, trang mạng Phật giáo, mảng đề tài hoằng pháp, hộ pháp được quan tâm nhiều hơn. Số lượng bài viết nhiều hơn, ý kiến cũng đa dạng. Tất nhiên, bạn đọc đều chờ mong một sự đáp ứng hay chuyển biến nào đó. Tuy vậy, điều này không phải là dễ có trong một sớm một chiều, càng không phải muốn là được ngay kết quả.

Từ đó, có một số ý kiến phản hồi băn khoăn. Những ý kiến như vậy không phải ít, đại loại như “nói chuyện với khoảng không”, “nước đổ lá… sen”…, tạo thành một luồng âm hưởng, có thể nói là thất vọng.

Thông cảm với những suy nghĩ như thế và đúng là sự thực cũng có thể như thế. Nhưng, điều chúng tôi muốn chia sẻ, là những tiếng nói xây dựng về những vấn đề hoằng pháp, hộ pháp, dù có kết quả hay không kết quả, dù được đáp ứng hay không được đáp ứng, vẫn là hết sức cần thiết.

Suy tư, lên tiếng về những vấn đề hoằng pháp, hộ pháp, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng là điều hết sức cần thiết đối với người Phật tử có tâm đạo.

Phật pháp, thường được ví như mặt trời (Phật nhật), là nguồn ánh sáng vi diệu cho muôn loài. “Phật nhật tăng huy” (Mặt trời Phật pháp thêm sáng) là ước vọng chung của tất cả người con Phật. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm khi có những điều có thể làm lu mờ ánh sáng Phật pháp, khiến cho có người không đến được với đạo.

Nếu có những vấn đề như vậy, người Phật tử phải phát hiện và chia sẻ điều đó với mọi người, cùng tìm hướng giải quyết. Cần phải nói là điều rõ ràng, nhưng nếu nói chưa giải quyết được vấn đề, thì cần phải nói lại, nói nhiều hơn nữa, tiếp tục tác động, cho đến khi thật sự có chuyển biến.

Nếu vì trước mắt tạm thời chưa có kết quả, mà vội vã bỏ cuộc, buông tay, thì trước hết chúng ta là người nản chí, đâu còn là những người con Phật có tâm đạo.

Tâm đạo đòi hỏi chúng ta không được quay mặt đi trước những vấn đề, dù tiếng nói có thể chưa đem lại kết quả. Chính vì nói chưa có kết quả, nên người Phật tử có tâm đạo cần phải quan tâm nhiều hơn, có tiếng nói sao cho phù hợp với những yêu cầu của việc giải quyết vấn đề. Đặt vấn đề một, hai lần chưa đủ, thì trở lại, nhắc lại nhiều lần. Cho dù gặp phải cảnh “nước chảy lá… sen”, chúng ta vẫn không quên câu “Nước chảy đá mòn”.

Hoằng pháp, hộ pháp không phải là con đường bọc nhung, trải thảm. Phải thấy rằng luôn luôn có những trở ngại, thử thách cần phải vượt qua. Đó không phải là một cuộc dạo chơi thoải mái, muốn gì được đó. Như vậy, thì có khi những suy tư của chúng ta chưa được chia sẻ, mong mỏi của chúng ta chưa được đáp ứng, đó là điều bình thường. Vấn đề là chúng ta còn tiếp tục trên đường hay không, hay là sớm nản chí, bỏ cuộc. Chuyện càng khó, càng tất yếu phải đầu tư nhiều hơn để vượt qua. Thực tế luôn luôn đòi hỏi ở chúng ta cái “vững”, cái dũng.

Do vậy, đọc trên báo, trên trang mạng Phật giáo, thấy những vấn đề đã được nêu ra, nhưng chưa giải quyết, thậm chí chưa chuyển động chút nào, lại được nêu lại, nhắc lại, chúng tôi cho đó là điều đáng mừng, không có gì phải băn khoăm cả.

Những ý kiến, lời nói đã là chánh ngữ, phục vụ cho mục tiêu hoằng pháp, hộ pháp, thì việc nhắc lại không bao giờ thừa, bất kể hoàn cảnh như thế nào. Nếu thực tiễn giải quyết vấn đề đòi hỏi cần phải nhắc lại, thì việc nhắc lại là càng trở nên cần thiết.

Mong rằng, những người Phật tử cầm bút có đạo tâm, những tờ báo, trang mạng Phật giáo thường xuyên trở lại với những vấn đề hoằng pháp, hộ pháp đã nêu ra nhưng chưa đạt được tác động như ý muốn, tiếp tục kiên trì với những đề tài có ích cho Đạo pháp và nhân sinh. Nếu đó còn là vấn đề, thì không phải là sự lặp lại nhàm chán, mà là sự nhắc nhở cần thiết để hướng đến việc giải quyết.

MT

 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang