Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tiếng nói đạo Phật trong thời đại của smartphone & 3G
05/01/2018 20:45 (GMT+7)





Ấn phẩm Tuần báo và Nguyệt san của Báo Giác Ngộ

Điều này là một minh chứng cho thấy, chưa bao giờ thông tin được truyền thông đa chiều và mạnh mẽ như thời đại ngày nay, mà Phật giáo cũng không ngoại lệ. Khi thông tin có trợ thủ đắc lực là công nghệ, thì liên minh công nghệ thông tin đã biến thành con quái vật khổng lồ ngày càng đầy uy lực với những tốt xấu bất phân minh mà con người gần như hoàn toàn bị phụ thuộc.

Kể từ khi thuật ngữ internet lần đầu tiên xuất hiện với công chúng vào thập niên 70, rồi bùng nổ vào thập niên 90, con người đã tận hưởng cách thức liên lạc thông tin với nhau một cách tuyệt vời mà trước đó chưa bao giờ có, thông qua 3 từ world wide web. Từ đó đến nay, khi cả thế giới gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh và 3G, mọi thứ trở nên quá khó để kiểm soát. Đạo Phật và cách thức hoằng pháp cũng không nằm ngoài sự phát triển này. Giờ đây, chỉ cần một ngón tay lướt trên màn hình, người ta có thể đọc kinh điển, sách vở, nghe pháp thoại và nhiều hình thức khác để học Phật pháp. Vậy thì, hệ giá trị thông tin trong Phật pháp đứng ở đâu và có ý nghĩa như thế nào trong thế giới thông tin hiện đại này?

Bản chất của thế giới thông tin hiện đại

Về mặt hình thức, bên cạnh các mô hình truyền thống như tivi, báo in, radio… thông tin hiện nay được chuyển tải qua các nền tảng mới như website, mạng xã hội, blogs, email, apps… Tất cả đều nằm trong chiếc smartphone và được lan truyền nhanh với tốc độ khó đo lường qua kết nối 3G, chỉ trong 1 giây một mẩu tin nhỏ đã lan khắp toàn cầu. Nhanh mạnh nhất hiện nay có thể nói là mạng xã hội trong đó ông lớn Facebook chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu với số người dùng vượt ¼ dân số thế giới, và hơn 1/3 dân số Việt Nam. Mọi thông tin kinh tế chính trị xã hội gạo cơm mắm muối đều có thể tìm thấy tại đây.

Truyền thông đạo Phật cũng nằm trong xu hướng chung. Chỉ vài phút lên Facebook hay YouTube, người ta dễ dàng tìm thấy các trang uy tín, từ “thương hiệu cá nhân” như Đức Dalai Lama, Sư ông Thích Nhất Hạnh, Pema Cheron, Matthieu Ricard… đến các cơ quan báo chí như Báo Giác Ngộ (Việt Nam), Tricycle: The Buddhism review (Mỹ), Shambhala Sun magazine (Canada)… và cả các trang do nhóm cá nhân nào đó lập nên như Lời Phật Dạy, Phật pháp vô biên, Phật pháp nhiệm mầu, The Mindfulness bell… Hình thức thể hiện rất phong phú, từ sách điện tử, sách nói audio, rồi video pháp thoại, kể chuyện bằng hình ảnh… Trang nào cũng có hàng trăm ngàn lượt yêu thích và theo dõi. Ở Việt Nam đăng tải thì tận Mỹ đã có thể đón nhận được trong tích tắc. Nếu so với thời của ngài Huyền Trang sang tận Tây Thiên thỉnh kinh thì có lẽ hệ thống tải thông tin hiện đại vượt lên hơn cả phép thần thông của Tôn Ngộ Không rồi.

Nhìn về khía cạnh nội dung, thông tin liên quan đến đạo Phật giờ đây nhiều hơn, dễ hiểu hơn, gần gũi với đời sống cũng có mà học thuật hàn lâm cũng không thiếu. Có không ít nội dung xa rời kinh điển Phật giáo. Điều gì mà mang màu sắc thiền hay đạo Phật một chút đều có thể gắn vào lời của Đức Phật, gây nên sự xáo trộn về chuẩn mực triết lý. Bên cạnh những nội dung lành mạnh, hữu ích thì cũng không hiếm thông tin xấu, xuyên tạc, sai lệch, có hại cho người đọc. Có thể nói, nội dung là vô thiên lủng và bất kiểm soát.

Con người giao tiếp trực diện và đa chiều

Con người, chủ thể của giao tiếp thông tin, đang thụ hưởng một đế chế truyền thông mới đầy sức mạnh. Họ có cơ hội tìm kiếm các luồng thông tin cao hơn, phục vụ mọi nhu cầu, từ việc giải trí đơn thuần cho đến nghiên cứu cao cấp. Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên toàn cầu, chỉ cần với chiếc điện thoại thông minh và 3G, họ có thể tìm kiếm thông tin và tự tạo ra thông tin.

Thông tin là một dạng thức ăn của tâm trí. Khi con người ăn quá nhiều sẽ bị bội thực. Không phải mọi thức ăn trên internet đều ngon và bổ dưỡng. Có vô số nội dung độc hại làm cho đầu óc dần dần mụ mị và càng tiến gần đến với vô minh hơn.

Thế giới thông tin ngày nay cho phép con người trao đổi trực diện trên internet (mô hình live stream, video chat…), giao tiếp đa chiều (comment, like, share…) và vô giới hạn, ai cũng có thể nói lên suy nghĩ của mình. Mặt trái của điều này là con người ngày càng dễ chửi rủa và ném đá nhau trên mạng xã hội. Đây cũng có thể được xem như độc dược, ngấm vào tâm trí người đọc từng ngày.

Trên hết, một sự thật đã được chứng minh, sống phụ thuộc vào chiếc điện thoại, con người dần dần trở nên cô đơn. Càng cô đơn thì họ càng gắn chặt đôi mắt của mình vào màn hình. Trong quán cà-phê, bạn bè không trò chuyện với nhau mà mỗi người ôm một chiếc điện thoại. Trong gia đình, cha mẹ con cái giao tiếp với nhau qua tin nhắn. Vòng tròn cô đơn ngày một rộng hơn, như vòng xoáy trôn ốc bất tận. Tưởng là được giao tiếp đa chiều và trực diện, nhưng thực tế khi chạm mặt người ta không nói được gì nhiều với nhau. Khi không được chia sẻ thật sự, con người ngày càng đánh mất kết nối. Kết nối kém, con người ngày càng không thấu hiểu nhau. Không hiểu nhau thì tình thương ngày càng phai nhạt. Con người chỉ chạm vào nhau qua màn hình trong suốt, nhưng con người không thể chạm được vào tâm hồn của nhau.

Rõ ràng, sự cô đơn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc con người không có được sự an lạc. Đây chính là lúc cần có một giải pháp chăm sóc tinh thần cho con người, nếu không họ sẽ tiếp tục trôi dạt không định hướng trong môi trường ảo đó. Truyền thông đạo Phật nói riêng và tôn giáo nói chung sẽ đóng vai trò quan trọng này.


Giác Ngộ Online  - 1 trong 3 sản phẩm của báo Giác Ngộ

Tiếng nói của đạo Phật

Có lần, tôi share trên trang FB của mình một đường link từ báo Giác Ngộ nói về việc điều phục cơn giận theo tinh thần đạo Phật, ngoài những comment công khai trên trang, tôi còn nhận được 2 tin nhắn gửi riêng với nội dung giống nhau. Một người nói nhờ đọc bài báo đó mà biết kiềm lại cơn nóng giận nơi làm việc, người khác thì nhẹ nhàng hơn khi nói chuyện với chồng. Cả hai đều cảm thấy biết ơn vì nội dung đó đã đến với họ kịp thời.

Đi sâu vào các trang uy tín có liên quan đến đạo Phật đã kể trên, nhìn vào lượng tương tác để thấy sức ảnh hưởng của đạo Phật lớn lao như thế nào. Những bài viết ngắn, những bài báo thật sự được cộng đồng chia sẻ khắp nơi, giúp con người tìm thấy các giá trị như biết lắng nghe, tâm từ bi, hạnh kiên nhẫn…. Ví dụ, Sư ông Thích Nhất Hạnh trích dẫn lời Phật dạy sau đây đã nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ: “Quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa tới, hãy sống với giây phút hiện tại”. Hoặc một câu kinh điển khác của Đức Dalai Lama cũng nhận được hàng triệu lượt thích trên khắp thế giới: “Tôn giáo của tôi là sự tử tế”. Nếu như trước đây, những lời dạy này chỉ giới hạn trong một không gian nhỏ hẹp, thì nay, với công nghệ thông tin, các giáo huấn này đã được lan tỏa đi khắp nơi, lợi lạc cho cộng đồng được nhân lên vô số lần.

Tại Việt Nam, báo Giác Ngộ là một trong những tờ báo đạo Phật uy tín hàng đầu với bề dày 42 năm hoạt động, đưa Chánh pháp đến với các Phật tử nói riêng và đại chúng nói chung, từ những lời dạy căn bản cho đến học thuật chuyên sâu. Những bài báo trên trang Giác Ngộ online cũng nhận được sự yêu thích và chia sẻ rất lớn từ độc giả.

 Smartphone là phương tiện được đa số sử dụng để truy cập thông tin hiện nay

Ai cũng cần nơi nương tựa. Tựa vào Phật pháp là một trong những giải pháp tối ưu. Truyền thông Phật giáo chính là con thuyền chuyên chở Chánh pháp. Đạo Phật vốn là đạo của sự uyển chuyển, linh hoạt biến hóa đi vào đời sống dưới các dạng thức phù hợp và dấn thân vì con người. Cho nên việc đạo Phật góp tiếng nói vào thế giới thông tin đa chiều và phức tạp hiện nay là lợi lạc lớn lao. Do đó, các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đạo Phật, hoằng dương Phật pháp cần biết áp dụng một cách khéo léo cách thức truyền thông hiện đại để đưa tinh thần và triết lý của đạo Phật đi sâu vào các cộng đồng và xã hội.

Tiếng nói đạo Phật không ồn ào, không phải là tin “giật gân” mà nhẹ nhàng tinh tế, nằm ở một góc nào đó trong dòng thông tin ngồn ngộn hiện nay. Nhưng đó là một góc thâm sâu và hữu ích, đưa con người đi đến nhận thức đúng, tỉnh táo đón nhận thông tin và thấu cảm bản chất thực của cuộc sống. Từ nhận thức, đến thấu hiểu rồi hành động theo Phật pháp, con người sẽ có cơ hội hướng đến cuộc sống an lạc. Bản chất vẫn là giúp con người trở về với tâm, các công nghệ thông tin kia rút cục cũng chỉ là phương tiện chuyên chở, cho nên, nội dung đúng đắn và hữu ích, đi vào chánh đạo là cách mà truyền thông Phật giáo cần lưu tâm. Khi có sự kết hợp tốt giữa phương tiện truyền thông hiện đại cùng với nội dung Chánh pháp, thì đại chúng sẽ nhận được lợi ích vô cùng to lớn không thể nghĩ bàn.

Bùi Lan Xuân Phượng

http://giacngo.vn/thoisu/sukienvande/2017/12/30/73749A/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang