Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Viết nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Sau ống kính người Thầy
20/11/2013 13:57 (GMT+7)

 những con người chỉ vô tình bắt gặp trong cõi nhân gian. Bằng tình yêu, sự đam mê và lòng nhiệt huyết với nghệ thuật nhiếp ảnh, đến nay, thầy giáo Nguyễn Xuân Hữu Tâm đã là chủ nhân của hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước. 

Tận tâm “gõ đầu trẻ”

Tháng 11, Huế bước qua những ngày thu mơ phai rất khẽ khàng rồi chuyển sang tiết trời đông căm căm cùng những màn mưa dầm dề và trắng xoá. Tôi hẹn gặp thầy Tâm tại một quán cafê bên cạnh Bưu điện tỉnh sau khi anh (theo cách xưng hô thân mật của tôi) vừa chạy xe đi săn lùng những vẻ đẹp của cuộc sống đời thường. Lưng đeo ba lô chứa đồ nghề máy ảnh, áo khoác chuyên dụng và một chiếc xe máy đủ khoẻ để chạy đường trường - đó là hình ảnh thường xuyên bắt gặp về anh hệt như những người nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Thầy Tâm gây ấn tượng với người đối diện bởi dáng vẻ điềm đạm, dung dị cùng tính cách hiền lành, chân thật của một người thầy giáo.  

Sinh năm 1968 tại phường Thuỷ Lương, thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm Huế, thầy Tâm được phân công về giảng dạy bộ môn Công nghệ tại trường THCS Vinh Thanh - một ngôi trường nhỏ giáp biển thuộc xã Vinh Thanh của huyện Phú Vang. Gắn bó với ngôi trường này suốt gần 18 năm, vừa giảng dạy vừa đảm nhiệm công việc Tổng phụ trách và Bí thư chi đoàn với rất nhiều kỷ niệm vui buồn, cho tới năm học 2006 - 2007 anh được điều chuyển công tác về trường THCS Hùng Vương, thành phố Huế.

Một nhà giáo luôn hết lòng với học sinh 

Tận tụy gắn bó với nghề từ ngày ấy, càng yêu mến những gương mặt học trò thơ ngây của mình, anh càng nhận ra rằng, cái nghề nhà giáo thật sự là một vinh dự lớn lao nhưng cũng vô vàn trách nhiệm. Vì vậy, với tất cả tấm lòng của một người Thầy, anh luôn nhiệt huyết phải tìm ra được những cách thức truyền đạt bài giảng một cách hiệu quả và phù hợp nhất đối với từng học sinh. Anh tiếp cận những phương pháp giảng dạy mới trong đó có việc sử dụng giáo án điện tử và nỗ lực ứng dụng linh hoạt vào từng bài giảng của mình. Bởi vậy, hầu hết các tiết giảng của anh đều làm cho học sinh cảm thấy hứng thú và dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Ngoài ra, với việc tham gia chủ nhiệm lớp, thầy Tâm còn luôn trăn trở với những gia cảnh khác nhau của học sinh mỗi khoá học. Anh gần gũi, thân thiện với từng học trò, âu lo với những thiếu sót của các em cũng như không quản ngại cực nhọc giúp các em đạt kết quả tốt trong học tập và phát triển toàn diện bản thân. Chính sự chia sẻ, tâm huyết của một người thầy gương mẫu và giản dị đó, thầy Tâm đã đón nhận được tình cảm yêu mến và sự kính trọng không chỉ của các thế hệ học trò được anh dìu dắt mà còn cả với những người đồng nghiệp thân thiết của mình. 

Mê say nhiếp ảnh

Có lẽ ít ai biết, một nhà giáo quen với việc đứng lớp hàng ngày như thầy Tâm lại cũng có không ít tài lẻ. Vẽ ký hoạ chân dung, sáng tác thơ và chơi bóng bàn cừ khôi là những khía cạnh khác của anh khiến nhiều người ngưỡng mộ. Bên cạnh sự nghiệp trồng người, thầy giáo Nguyễn Xuân Hữu Tâm còn có một đam mê rất lớn - đó là nhiếp ảnh.

Đến với nhiếp ảnh như một sự tình cờ, thầy Tâm những tưởng đây chỉ là một cuộc dạo chơi sau những giờ dạy học ở trường. Thế rồi, chính năng khiếu bẩm sinh cùng niềm đam mê với loại hình nghệ thuật này đã gắn kết anh đeo đuổi đến tận bây giờ.

Tuy việc dạy học đã chiếm gần như toàn bộ thời gian nhưng thầy Tâm vẫn tranh thủ dịp cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi để lang thang sáng tác cùng chiếc máy ảnh. Nhiếp ảnh là môn học khó và vì không có nơi để học nên anh đã tự mày mò qua sách vở và một số bạn bè là nghệ sĩ nhiếp ảnh đi trước... Anh góp nhặt tiền giải thưởng và thậm chí xin thêm cả tiền của vợ để trang bị máy móc cho thỏa mãn niềm yêu thích chụp ảnh của mình.

Một nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên săn lùng khoảnh khắc cuộc sống

Mê nhiếp ảnh là thế, Hữu Tâm chọn cho mình một cách chụp riêng - săn tìm những khoảnh khắc và trung thành với lối đi này. Với nguồn cảm hứng vô tận ấy, anh đã rong ruổi tới mọi miền đất nước để tìm, chớp lấy những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống lao động sản xuất, vẻ đẹp hoàn mỹ của thiên nhiên và nhịp sống thường nhật của con người... Ống kính máy ảnh của anh đã trải lòng mình trên từng con sông, từng ngọn đồi, từng cửa biển, từng góc phố… và còn lưu lại biết bao hình ảnh sinh động về sự hồn nhiên của trẻ thơ, sự tần tảo của người phụ nữ, sức bền bỉ của những người ngư dân biển hay những di tích và thắng cảnh đẹp của vùng đất Cố đô… bằng tất cả những rung động của tâm hồn.

Mỗi góc máy, mỗi khung hình của thầy Tâm đều phát huy tối đa trí sáng tạo, ý tưởng và sự nhạy cảm trước cái đẹp. Cùng với đó không gian ảnh rộng, có chiều sâu như chính tính cách của người bấm máy. Đáng quý hơn, với anh những bức ảnh này đều có kỷ niệm riêng và những câu chuyện riêng của nó. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần cấu thành để thầy Tâm có được những tác phẩm mê đắm lòng người. Bởi vậy, dù chỉ mới 3 năm tuổi nghề nhưng từ năm 2010 tới nay, Hữu Tâm đã đoạt được khá nhiều giải thưởng lớn nhỏ cả trong nước và quốc tế. Đó thực sự là những ghi nhận xứng đáng cho một “lính mới” của làng nhiếp ảnh có niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng.
 
Sống trọn với đam mê

Dành cho tôi một cuộc trò chuyện dài rất thân tình, Hữu Tâm còn cởi mở chia sẻ những tâm sự riêng của anh đối với hai cái “nghiệp” mà bản thân đã trót yêu.

Một Hữu Tâm đa tài, một Hữu Tâm được học trò kính yêu, một Hữu Tâm có trách nhiệm với nghề cũng ẩn chứa trong lòng nhiều nỗi niềm mà không mấy ai biết.

Tôi hiểu, ống kính người thầy ấy có thể ghi lại những khoảnh khắc bất chợt, cũng có thể thu vào đó cả sự đời, cả cuộc sống muôn màu ngoài kia nhưng hẳn rằng tất cả đều phải xuất phát từ cảm xúc chân thật của chính anh. Nếu phía trước ống kính đó là một người thầy hết lòng với học sinh thì đằng sau ống kính đó cũng phải là một người nghệ sĩ chân chính hết lòng với nghệ thuật theo tinh thần chân - thiện - mỹ.

Người nghệ sĩ chân chính ấy phải biết chiếu ống kính đúng nơi, đúng lúc sao cho có hồn. Danh vọng, tiền tài sẽ chỉ tạo ra những kiểu hình vô hồn và đáng bị quên lãng. Mang trên vai trọng trách của một nhà giáo thì cũng phải đặt giáo dục lên hàng đầu. Hữu Tâm thấu rõ những điều đó và bản thân anh muốn mình sẽ sống trọn vẹn với cả 2 niềm đam mê này. 

Tác phẩm “Biển và con người”

Cũng thật đặc biệt, vào đúng dịp Hiến chương các nhà giáo năm nay, tác phẩm “Biển và con người” của thầy Tâm đã vượt qua 6.016 bức ảnh khác để đoạt giải đặc biệt cuộc thi ảnh “Di sản Việt Nam - Vietnam Heritage Photo Awards 2013”. Một bức ảnh được chụp tại miền biển Vinh Thanh - nơi anh thân thuộc với những người dân quê chất phác và quen với cái nắng gió cùng mùi mặn mòi của biển cả. Có lẽ, tình yêu dành cho vùng đất mà thầy Tâm coi như quê hương thứ 2 của mình đã giúp anh có một tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc.

Nghề giáo hay nhiếp ảnh đều luôn cần có sự đam mê và dấn thân. Và tôi tin, Nguyễn Xuân Hữu Tâm sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.   


Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số tác phẩm đã đoạt giải của anh:
 

Giải nhì: Du lịch Festival TP Hồ Chí Minh năm 2010

HCV ASHAHI tại Nhật Bản năm 2011   

HCB tại Anh và HCĐ tại Croatia 2012

Giải nhất cuộc thi: “Xuân đoàn tụ” báo Tuổi trẻ năm 2011

Ảnh đẹp nhất chủ đề “Chào nắng” năm 2012

T.X

http://www.lieuquanhue.vn/v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-h%C3%B4m-nay/7550-vi%E1%BA%BFt-nh%C3%A2n-ng%C3%A0y-nh%C3%A0-gi%C3%A1o-vi%E1%BB%87t-nam-20-11-sau-%E1%BB%91ng-k%C3%ADnh-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-th%E1%BA%A7y.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang