Doanh
nhân cũng như bao người khác, mục đích sống của cuộc đời là tìm kiếm
hạnh phúc. Mọi người vẫn nghĩ rằng doanh nhân đầy đủ vật chất, tiền bạc
và danh vọng, họ sẽ chẳng có lí do gì để lo âu và đau khổ. Nhưng thực
tế, đa số doanh nhân đều nói rằng cuộc sống của họ luôn bị bao vây bởi
phiền não, âu lo và khổ đau còn hạnh phúc thì hiếm như nắng hạn khát
mưa rào. Họ khao khát có được hạnh phúc, có được sự bình yên nhưng
không phải ai cũng biết cách để đạt được điều đó.
|
Hội trường của buổi tọa đàm Buông xả
phiền não, an lạc từ tâm |
Gần đây, có một xu hướng mới doanh nhân tìm
đến với đạo Phật để mong muốn tìm kiếm con đường đến với hạnh phúc. Tại
buổi tọa đàm “Buông xả Phiền Não để An lạc từ Tâm” do CTCP
Sách Thái Hà tổ chức ngày 18/12 vừa qua, rất nhiều doanh nhân đã đến
tham dự. Và sau buổi tọa đàm, cảm nhận chung của doanh nhân đều thấy
lòng mình được lắng lại, được chia sẻ và dường như ít nhiều trong số họ
nhận thấy rằng đạo Phật có thế giúp con người sống hạnh phúc hơn.
Hạnh phúc là gì?
Biết bao
doanh nhân ngày đêm đi kiếm tìm định nghĩa hạnh phúc cho riêng mình.
Nhiều người tìm hoài mà không thấy, nhiều người cứ ngỡ tìm thấy rồi
nhưng hóa ra không phải. Tại buổi tọa đàm, các doanh nhân nói riêng và
mọi người nói chung đã được thầy Thế Đăng - một tu sĩ Phật giáo thọ đại
giới đã gần 40 năm, hiện là trụ trì chùa Phổ Quang giảng giải cho nghe
định nghĩa thế nào là hạnh phúc.
Nhiều người
ví hạnh phúc giống như tấm bằng khen treo trên tường, cần phải trải qua
một lần cạnh tranh và phấn đấu thì mới đạt được. Vì thế mọi người
hường hay nói hạnh phúc là “tìm kiếm” hay “giành lấy”. Nhưng theo thầy
Thế Đăng, hạnh phúc là là những điều có ngay từ trong chính thân tâm
mình chứ không phải đạt được những thứ nào bên ngoài thân tâm.
“Đời là bể
khổ. Khổ là cái chung của tất cả con người, không phân biệt giai cấp,
tầng lớp. Không ai sống trên đời là không có phiền não và lo âu. Không
phải làm vua là suốt đời sung sướng, hạnh phúc. Không phải là doanh
nhân cứ có nhiều tiền tài, danh vọng là có được hạnh phúc… Hạnh phúc
không phải là thành quả gắn liền vời tiền bạc, địa vị và danh vọng. Con
người có được hạnh phúc hay không là phụ thuộc vào thái độ của mỗi
người đối với “bể khổ” mà tạo hóa đã sinh ra…”, thầy Thế Đăng chia sẻ.
Buông xả phiền não, hạnh phúc sẽ trong tầm tay…
Đạo Phật nói
rằng con người càng nhiều ham muốn thì càng nhiều phiền não, và càng
nhiều phiền não nên con người mới đau khổ. Phiền não là cái khổ thứ hai
chồng lên cái khổ đang phải gánh chịu. Bị bệnh là một cái khổ, nhưng
suốt ngày than vãn, rên rỉ sẽ không chỉ gây thêm phiền não cho bản thân
mà còn làm người khác phiền não. Nếu con người suốt ngày chỉ thấy
phiền não thì sẽ không cảm thấy được hạnh phúc.
Cùng với
thầy Thế Đăng, giáo sư Tuấn Mẫn, hiện là Phó Tổng Biên tập Thường trực
kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn hóa Phật Giáo cũng đồng ý rằng hạnh
phúc là tự tâm. Tâm thảnh thơi, vui vẻ, an lạc, con người sẽ luôn cảm
thấy được hạnh phúc. Giáo sư nói tâm an lạc phải là tâm không tham. Tâm
tham là tham nhiều, tham cho mình thì sẽ gây đau khổ cho chính mình.
Và tâm tham còn là khi lòng tham gây nhiều người khác cùng khổ. Càng
nhiều lòng tham con người càng khổ bởi cái tâm luôn bất an, luôn thấy
phiền não nên không bao giờ có được hạnh phúc.
Không có
tiêu chuẩn chung về hạnh phúc cho tất cả mọi người. Nhưng tiêu chuẩn
chung để có hạnh phúc là tự mình xóa bỏ tự ngã, xóa bỏ lòng tham, sự
ích kỷ để tiêu diệt phiền não. Càng vô ngã bao nhiêu con người sẽ hạnh
phúc nhiều bấy nhiêu.
Giáo sư cho
rằng hạnh phúc chân thật thì không cần dựa vào bất kỳ cá nhân, sự vật
bên ngoài, cũng không phải xuất phát từ tình cảm và cảm giác huyễn hoặc
vô thường mà là trạng thái luôn vui vẻ, an lạc vì không có phiền não.
“Bởi thế, mọi người nên thấy rõ phiền não, mạnh dạn áp dụng phương pháp
hóa giải, đối trị phiền não, cuối cùng là buông xả hoàn toàn phiền
não, thì hạnh phúc sẽ trong tầm tay”, giáo sư khẳng định.
Cả giáo sư
Mẫn và thầy Thế Đăng đều nhận thấy rằng đến với Phật giáo, thì tinh
thần được an lạc, bình an nhiều hơn bởi vậy họ cảm nhận được hạnh phúc,
niềm vui cuộc sống nhiều hơn. “ Để cảm nhận được làm sao tâm hồn được
an lạc, mỗi người cần có một lần tiếp xúc thật sự với Phật giáo”, thầy
Thế Đăng nói. Cảm giác an lạc đến từ cách mỗi người tiếp xúc với
Phật..Phật giáo không phải là những gì cao siêu, xa lạ với cuộc sống.
Phật giáo là những gì rất gần với cuộc sống. Đến với Phật giáo mỗi ngày
bằng cách này hay cách khác sẽ giúp thanh lọc tâm hồn, gột rửa bụi
bặm, phiền não. Cái Tâm được làm mới mỗi ngày “Tâm nhật nhật tâm” thì
tự khắc bạn sẽ thấy tâm hồn an lạc, vui vẻ và thay vì phiền não, hạnh
phúc sẽ ở vây quanh…
Thanh Loan
(theo tamnhin.net)