“Có lần gia đình mình đi vắng cả tuần
mà quên đóng cửa, khi về mọi thứ trong nhà vẫn nguyên xi”.
|
Anh Phrue Odochao, người đã đi bộ hơn 700km để nói lên tiếng nói của bộ tộc mình - Ảnh: Hồng Vân
|
Thật thà như người Thái
Những câu chuyện về Thái Lan của Michael khiến
tôi thấy êm ái. Chỉ sáu tháng sau đó, khi đến tỉnh Phrae để đi
rafting (chèo thuyền mạo hiểm trên sông) tôi có dịp kiểm chứng
lời kể của Michael.
Làng Sa-iep thuộc tỉnh Phrae nổi tiếng với rừng
gỗ teak và con sông Yom đổ nước về Bangkok. Năm ngoái, một đoàn
sinh viên Mỹ đi rafting trên sông Yom đã tặng toàn bộ dụng cụ
rafting cho làng, từ đó dân làng muốn mở dịch vụ du lịch sinh
thái rafting trên sông Yom. Chúng tôi may mắn làm “chuột bạch”,
những khách hàng đầu tiên của họ.
Làng không có khách sạn nên chúng tôi phải ở
trọ tại nhà dân. Các ngôi nhà trong làng hoàn toàn bằng gỗ
teak theo kiểu truyền thống Thái Lan tuyệt đẹp. Tầng trệt là
phòng khách, nhà bếp, nhà vệ sinh với ba bức tường trống hoác
như thể người dân nơi đây không cần che đậy, không lo mất mát
tài sản riêng. Tầng hai được dùng làm phòng ngủ, bài trí đơn
sơ. Chúng tôi ở nhà vợ chồng anh Noy và chị Pia. Toàn bộ tài
sản có giá trị: tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy vi tính, xe
máy... họ để ở tầng trệt. Cửa cổng chỉ đóng cho có lệ chứ
không khóa về đêm. Mấy trăm ngôi nhà trong làng đều rất “hớ
hênh” như vậy mà chưa từng bị mất cắp.
Anh Tho, một trai làng 30 tuổi, tự hào nói:
“Làng chúng tôi không có ăn trộm. Đến mùa lúa, người làng sẽ
tự động đến cấy và gặt giúp những gia đình neo đơn có người
già, phụ nữ”.
Cũng ở làng này, mỗi năm người dân đều làm lễ
“xuất gia” cho những cây gỗ teak trong vườn quốc gia. Hoạt động
này thu hút đông đảo báo chí và người dân trong nước tham dự.
Sự kiện này quảng bá hữu hiệu về hoạt động bảo tồn rừng do
người dân địa phương tự quản.
Nếu ai đó nói rằng cây là vô tri thì có lẽ
người Thái không hoàn toàn đồng ý như vậy. Họ tin cái cây cũng
như con người, có tri giác và biết hướng thiện. Vào nhiều
dịp trong năm, người Thái khắp cả nước làm lễ “xuất gia” cho
cây. Đối với những cây đã thành Phật (có thể nhận ra vì chúng
được quấn cà sa quanh thân), người Thái đối xử tôn nghiêm, kính
trọng, tránh không xâm phạm đến cây. Vì lẽ này, việc công nhận
phật tính của cây còn là một sáng kiến hữu hiệu chống lại
nạn phá rừng. Cây không có mùi hôi từ những người thích bị
bệnh “tiểu đường” như một số gốc cây ở Việt Nam ta.
Đạo song hành đời
Để khuyến khích người dân bớt rượu chè, các
bác sĩ ngành sức khỏe cộng đồng kêu gọi không uống rượu trong
mùa chay Đức Phật, từ rằm tháng 7 đến rằm tháng 10 âm lịch.
Nhiều người Thái hưởng ứng cuộc vận động này vì mùa chay là
mùa linh thiêng.
Ngày đầu tiên của mùa chay, tôi không thể tin vào
mắt mình khi nhiều quán bia... hò hẹn đóng cửa kín mít. Một
số quán khác đìu hiu 1, 2 bàn, dù cùng thời điểm vào ngày thường quán
không còn bàn trống. Không khí ăn nhậu của những ngày thường
như... đã chết!
Điều buồn cười là vào đúng ngày cuối của mùa
chay, người Thái nam nữ, già trẻ... tràn ra đường, ra bãi
biển, quán xá, bãi cắm trại... đàn hát, uống rượu tưng bừng.
Họ tiệc tùng như để thỏa mãn 90 ngày bị hạn chế. Chỉ người
Thái mới biết họ thực hiện giới luật thứ năm về không uống
rượu và sử dụng chất kích thích nghiêm túc như thế nào.
Còn có hình bóng của đạo Phật trong nhiều vấn
đề thời sự lâu dài của Thái Lan, ở những cuộc biểu tình lớn
nhỏ, từ ôn hòa đến gay cấn ở nhiều tỉnh thành. “Khi phải
chọn đến giải pháp cuối cùng là biểu tình, chúng tôi luôn
dùng lời răn dạy của Đức Phật làm kim chỉ nam hành động và
cam kết biểu tình ôn hòa” - chị Dawan Chantarahassadi, một thủ
lĩnh môi trường ở Samut Phrakan, và nhiều “đồng nghiệp” khác
khẳng định. Thậm chí người dân ở tỉnh Samut Phrakan còn khiêng
tượng nhà sư đi theo các cuộc biểu tình của họ.
Nếu bạn đọc thắc mắc bản thân việc biểu tình
đã là không hợp với chữ ôn hòa thì câu chuyện về hành trình
đi bộ theo phương pháp bộ hành thiền định dài 49 ngày ròng rã
qua hơn 700km từ Chiang Mai đến Bangkok của anh Phrue Odochao, một
người dân tộc thiểu số Thái - Karen, đáng để suy ngẫm.
Cộng đồng người Thái - Karen của anh Phrue ở
làng Pa Kha Nai, tỉnh Chiang Rai có nguy cơ bị buộc tội sinh sống
bất hợp pháp và phải di dời nếu khu rừng họ đã ở từ hàng
trăm năm nay trở thành rừng quốc gia. Anh cho biết: “Từ thuở
chưa có luật pháp, người dân tộc thiểu số đã coi rừng là
nhà, tôn kính và thờ cúng từ ngọn núi, dòng sông đến cỏ cây.
Đùng một cái, lối sống của chúng tôi bị cho là có hại cho
môi trường. Khu rừng phải được trở thành rừng quốc gia để
được bảo vệ hoàn toàn khỏi người dân tộc thiểu số”.
Cho rằng có sự hiểu nhầm về phương pháp canh
tác nông nghiệp của người dân tộc, anh Phrue đi bộ miệt mài
suốt từ Chiang Mai đến Bangkok để giải thích với người dân về
tập quán của người dân tộc thiểu số và kêu gọi sự chú ý của
người thành thị về mô hình cộng đồng bảo vệ rừng. Nỗ lực
của anh bị hững hờ dù cuộc bộ hành hơn 700km của anh là hành
trình phi thường trên đôi chân của một người bình thường.
Anh ngậm ngùi cho biết: “Khi bạn đi một mình và
là một người dân thường nhỏ bé, vấn đề của bạn không nhận
được sự quan tâm. Khi bạn có một hai ngàn người đồng hành, bạn
có cơ may gặp được một chuyên viên. Có năm sáu ngàn người đồng
hành, bạn có thể gặp được thư ký hội đồng thành phố... Trong
khi đó, những lúc có đông người dân tụ tập là cảnh sát đến
và cho rằng người dân đang gây rối trật tự công cộng”.
Ở tỉnh Rayong, nơi có Khu công nghiệp Map Ta Phut
nổi tiếng vì đã gây ô nhiễm nghiêm trọng đến đất, nước và
không khí, người dân đã bị giằng xé vì không thể giải thích
tại sao một “bất công khí hậu” như Map Ta Phut lại có thể xảy
ra trong thời gian dài mà không nhận được sự quan tâm thích
đáng.
Bác Noi Jaitang, một người dân ở Map Ta Phut, day
dứt: “Phần lớn người dân Thái Lan theo đạo Phật, thuyết từ bi
dạy rằng người với người phải yêu thương nhau. Ô nhiễm đã gây ra
sáu cái chết cho người thân của tôi và hàng trăm cái chết của
bà con ở đây, mà vẫn chưa chạm tới trái tim của nhà chức
trách và những người ủng hộ tăng trưởng bằng GDP”.
Trong 10 năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm ở Khu
công nghiệp Map Ta Phut là chủ đề nóng trên báo chí Thái Lan
bởi sự khốc liệt của nó mà hệ quả là những mất mát về
tính mạng, tài sản của người dân. Đạo Phật và từ bi là vũ
khí cuối cùng để người dân Map Ta Phut kêu gọi sự đồng cảm của
đồng bào mình.
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Ngôi chùa tuổi thơ
kỳ 2: Rèn chữ hiếu
kỳ 3: Thách thức thời đại