Trong một lần tình cờ, tôi được Đại đức Thích Đức Lợi ở Ninh
Bình mời về giao lưu với một đạo tràng ở tỉnh Hoà Bình, tôi nhận lời
ngay, vì cũng muốn đến những nơi xa xôi như thế để xem tình hình phát
triển của Phật giáo, sự tu tập của người Phật tử ở đây ra sao.
Sau hơn 5 tiếng đồng hồ đi xe chúng tôi cũng đến được nơi cần đến, đó là
xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ, nơi sinh sống của hai dân tộc Kinh, Mường,
cách trung tâm tỉnh lỵ Hòa Bình gần một trăm cây số. Đường vào làng có
những đoạn cho chúng tôi cảm giác bồng bềnh của vùng cao với những con
đường đầy sức mạnh chỉ dành cho xe công nông, xe bò kéo.
Từ đầu làng cờ phướng Phật giáo đã bay phất phới trong nắng gió miền
trung du. Nhưng khi bước xuống xe tôi không khỏi một thoáng thất vọng,
vì đây không phải là một ngôi chùa như tôi nghĩ, mà là một tư gia của
Phật tử. Tuy nhiên trong suốt quá trình khóa tu một ngày ở đây, cảm giác
ban đầu của tôi hoàn toàn thay đổi, tôi rất hứng thú với hình thức sinh
hoạt Phật giáo này. Tôi nghĩ cần ghi ra đây một số vấn đề mà tôi đã
thấy, cũng như một số đề xuất cho việc hoằng pháp.
Dù là một đạo tràng tu tập tự phát tại một tư gia nhưng khá đông người
tham gia. Hôm tôi đến khoảng 100 người, được biết vào những dịp Rằm lớn
như tháng 4 tháng 7.. thì có đến hàng mấy trăm người tham gia.
Không gian sinh hoạt là tư gia của Phật tử Liên Đào. Do mến mộ Phật
pháp, Bà đã nhiều lần về xuôi tham dự các khóa tu dưới Hà Nội. Nhưng
không phải ai cũng có điều kiện đi như Bà, mặc khác đi về như thế cũng
hết sức bất tiện.
Được sự khiến khích của Thầy Thích Đức Lợi Bà mạnh dạn mở đạo tràng
tại nhà mình và tạo điều kiện cho mọi người trong làng, trong xã ai phát
tâm thì đến tu chung, thế là đạo tràng được thành lập.
Ban đầu Bà dựng một gian nhà sát vách phía bên trái để làm nơi hành
lễ, rồi mỗi ngày một đông thêm nên Bà lại dựng nên một dãy nhà như thế
nữa ở bên phải.
Để tạo sự trang nghiêm cho đạo tràng Bà gắn biển chùa hẳn hoi, tên là
chùa Kim Liên, tuy nhiên Bà nói gắn “cho vui” thôi chứ không phải chùa
đâu, là nhà hẳn hoi đấy, với lại muốn lập chùa phải xin phép nhà nước,
Giáo hội đàng hoàn chứ đâu đơn giản được!
Về hình thức tu tập là tụng kinh, niệm Phật và nghe giảng pháp. Hiện tại
đạo tràng có hệ thống trình chiếu âm thanh, hình ảnh khá tốt, vào những
khóa tu mở đĩa lên để mọi người cùng nghe, khi nào có thuận duyên thì
thỉnh các Sư về giảng.
Khi được hỏi về mối quan hệ với địa phương Bà bảo rất tốt. Vì đây là một
nhu cầu thực tế của mọi người, hơn nữa mọi người trong đạo tràng sinh
hoạt có nề nếp, có tổ chức, tích cực tham gia các công tác tại địa
phương… nên được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ.
Điều này tôi có thể cảm nhận được qua việc treo cờ Phật giáo từ đầu
làng cho đến tận nhà, và việc tập trung hàng trăm người như thế này
không phải là chuyện đơn giản. Bà còn cho biết thêm là do đào tràng ngày
một phát triển hưng thịnh nên mọi người dự tính thành lập một cơ sở
riêng biệt cho thuận tiện việc tu tập, và mọi việc đang diễn tiến tốt
đẹp.
Từ thực tế này đối chiếu với những khó khăn trong công tác hoàng pháp
của Phật giáo, tôi thấy có rất nhiều vấn đề chúng ta cần trăn trở.
Hiện nay, ở những vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc
thiểu số đang là những địa bàn hoạt động hết sức sôi nổi của các tôn
giáo khác, và họ đã có những thành công mà chúng ta không thể tưởng
tượng được.
Trong khi đó Phật giáo hoạt động rất khó khăn, ì ạch. Về cơ bản, Đồng
bào cũng rất cần tâm linh, rất cần Phật giáo, nhưng do những cản ngại từ
nhiều phía, mà chính bản thân Phật giáo là chủ yếu, khiến cho đạo Phật
không đến được với họ, và đành giao địa bàn lại cho những tôn giáo khác
tha hồ hoạt động.
Đây phải được xem là một trong những thất bại lớn nhất của ngành hoằng pháp thời hiện đại.
Mổ xẻ thất bại của Phật giáo và thành công của các tôn giáo khác, chúng
ta thấy có nhiều nguyên nhân, ở đây người viết chú ý đến một nguyên nhân
thôi, đó là hình thức.
Những đạo khác, về hình thức họ giống với tất cả mọi người nên ít tạo sự
chú ý của dư luận nên thuận tiện hơn trong việc truyền đạo, mặc khác họ
cũng không đặt nặng hình thức ở cơ sở thờ tự, bất cứ nơi nào cũng được,
hoặc mượn hoặc xây. Khi xây họ cũng rất đơn giản, chỉ là những ngôi nhà
không khác, và khi thời điểm chín mùi thì họ gắng biểu tượng tôn giáo
của mình lên, thế là thành cơ sở tôn giáo chính thức.
Từ đó chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau.
Xây dựng đoàn Phật tử hoằng pháp, và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ
hoạt động. Lấy sự phát triển đạo tràng mới làm tiêu chí đánh giá và định
hướng hoạt động. Đây sẽ là nơi tập họp những người nhiệt tâm, có năng
lực, yêu thích việc hoằng pháp. Với hình thức và đời sống của mình, quý
Phật tử thuận tiện, cơ động hơn rất nhiều trong công tác hoằng pháp.
Điều này không xa lạ gì với Phật giáo Việt Nam khi lật lại phong trào
chấn hưng Phật giáo ta thấy vai trò vô cùng quan trọng của Cư sĩ Phật
tử, đặc biệt phong trào Đại thừa là một hình thức Phật giáo cơ bản được
khởi đi từ những cư sĩ Phật tử.
Gầy dựng cho được những cư sỹ Phật tử địa phương làm nền tảng cho việc
hoằng pháp, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, xem
đây như là chìa khóa cho mọi thành công. Các hoạt động Phật sự địa
phương nên để họ chịu trách nhiệm và tiến hành. Người ở nơi khác đến,
thậm chí có là Sư đi chăng nữa cũng không dễ gì tạo được sự tín nhiệm và
thông cảm hơn so với người địa phương được.
Nơi sinh hoạt tốt nhất bước đầu là nên mượn tư gia của Phật tử địa
phương nào đó, khi đạo tràng ổn định, đông người sinh hoạt, thuận duyên
có thể tiến hành xây dựng cơ sở riêng biệt, nhưng cũng đơn giản thôi. ở
đây có thể lấy hình thức các khuân hội Phật giáo ngày xưa để làm một
điển hình, chỉ là một ngôi nhà đơn sơ, thờ Phật nhỏ gọn, giản dị, dùng
là nơi tu tập. Đặc biệt là phải gắng với hoạt động của địa phương, xem
đây như một tiêu chí để việc hoằng pháp thành công.
Quý Thầy chỉ nên đóng vai trò cố vấn và hỗ trợ khi cần thiết. Trong đó
cụ thể là định hướng tu tập, nền tảng giáo lý, điều hòa các mối quan hệ
nội bộ, vận động hỗ trợ tài chánh bước đầu đối với những vùng khó khăn.
http://www.phattuvietnam.net/diendan/chanhung/19652.html