Lòng thành
Ở Thái,
các nhà sư ở làng quê đi khất thực tầm 5-6 giờ sáng. Nghĩa
là người dân phải dậy sớm hơn để nấu xôi, nấu xúp, nấu chè.
Khi
dâng thức ăn cho nhà sư, người Thái tin rằng họ đang dâng thức
ăn cho người thân đã mất của mình nên đặt vào đó tất cả yêu
thương và thành kính.
Vào chánh điện, sau một hồi đi
bằng đầu gối để đem thức ăn tới chỗ các nhà sư và... chụp
hình, tôi vừa duỗi thẳng hai chân cho đỡ mỏi là bị các cụ bà
chỉnh ngay. Sau khi giải thích chĩa lòng bàn chân về phía Đức
Phật là... vô lễ, các bà cười tươi phủi tay: “Không biết thì
không có tội”.
Khi các nhà sư ăn cơm trưa xong, còn cơ man
là đồ ăn: cá chiên, trứng chiên, cà ri, chè, xôi... Chị Rot hỏi
tôi có muốn ăn không, tôi gật đầu phấn khởi vì được ăn cơm
chùa. Chị nhìn quanh xem xét rồi nói nhỏ vào tai tôi: “Em ơi,
có nhiều cụ già ở đây, chị em mình nhường cho các cụ ăn lấy
thảo”.
Tôi để ý thấy trước khi đi xa hoặc đi đâu mới về, chị
Rot luôn quỳ xuống lạy cha mẹ rất cung kính. Những hành động
đó dường như bắt nguồn từ việc chị được dạy phải tôn kính
thánh thần, trời đất và người khác từ thuở còn thơ.
Hai chú tiểu say sưa chụp hình bằng điện thoại di động ở chùa Trắng, tỉnh Chiang Rai - Ảnh: Hồng Vân
Các sư cô đã xuất hiện trên đường phố - Ảnh: Eva Pascal
Những sư nữ dấn thân
Ngày nay, nước Thái
chỉ công nhận nam tăng. Người nữ, nếu mến mộ Phật pháp, có
thể tham thiền. Và dù cũng thiền hành ngày tám tiếng, tụng
kinh, chăm sóc chùa như các nam tăng, họ không được công nhận là
ni sư. Điều này nghĩa là phụ nữ Thái Lan không có cơ hội xuất
gia.
Theo sư Souvanno, tại chùa Suon Dok ở Chiang Mai, ở Thái không còn có ni sư từ khoảng 700 năm về trước.
Tuy
nhiên vẫn có vài ngôi chùa sư nữ ở Thái Lan những năm gần đây
và số lượng các ni sư có xu hướng tăng lên. Sư Utara, tu tại
chùa Umong ở Chiang Mai, cho biết: “Hiện tượng sư nữ là một
thách thức với đạo Phật ở Thái Lan vốn chỉ chấp nhận nam
tăng. Dù chậm nhưng rồi sẽ đến lúc có nhiều sư cô hơn ở đất
nước này”.
Vị sư nữ đầu tiên của Phật giáo Nam truyền ở
Thái Lan là Venerable Dhammananda (còn gọi là tiến sĩ Chatsumarn
Kabilsingh), thọ giới ở Sri Lanka năm 2003. Các hoạt động của sư
cô nhằm phổ biến lời dạy chính xác của Đức Phật, phân tích
những điều hiểu lầm của đại chúng về những lời dạy của
người.
Đức Phật có lời dạy rằng: “Nữ nhân là kẻ thù
của sự thanh bạch của nhà sư”. Lời dạy này nổi tiếng đến mức
ai ở Thái Lan cũng biết đến và phụ nữ không được tiếp xúc
trực tiếp với nhà sư mà không có trung gian là một dải cà sa
hoặc người làm chứng.
Nhưng Đức Phật không dừng lại ở
đó. Người nói tiếp: “Và nam nhân cũng là kẻ thù của sự thanh
bạch của nữ giới”. Nhưng ở Thái Lan, nơi chỉ công nhận nam tăng,
chỉ có vế đầu của câu nói được trích dẫn. Ni sư Dhammananda
cho biết phụ nữ có bị mặc cảm về bản thân khi họ được dạy
mình là nguồn gốc của tội lỗi.
Hoạt động của ni sư ở
Thái Lan rất khó khăn vì xã hội không thừa nhận các sư nữ trong
hệ thống Phật giáo. Khi đi làm hộ chiếu để dự hội thảo ở
nước ngoài, nhà chức trách đã yêu cầu ni sư phải mặc trang
phục bình thường để chụp ảnh hộ chiếu.
Trong điều kiện
xã hội chưa sẵn sàng cho sự thay đổi, ni sư không kêu gọi quyền
xuất gia cho nữ giới mà chủ yếu rao giảng những bài học của
Đức Phật và giúp các nữ phật tử mộ đạo bền chí thiền hành
ở cộng đồng.
“Tôi không xuất gia để được nổi tiếng. Tôi
cố gắng khôi phục bốn rường mối quan trọng đối với tương lai
của Phật giáo, đó là: nam tăng, ni sư, nam cư sĩ và nữ cư sĩ.
Chúng tôi hướng về đại chúng”, ni sư nói đầy quyết tâm như vậy.
Hồng Vân - Tuổi trẻ Online