Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đại hội: Cần chú ý Phật sự ở vùng sâu vùng xa
24/11/2012 10:00 (GMT+7)



Đại hội: Cần chú ý Phật sự ở vùng sâu vùng xa

 

 
Đại hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ VII với nhiều định hướng mới

Tham dự chứng minh cho Đại hội có Đức Pháp chủ - Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, cùng chư tôn đức giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, đại biểu khách mời và hơn 1.000 Tăng Ni Phật tử Thủ đô và các tỉnh thành.

Đại hội đã diễn ra với các nghi lễ chào Quốc kỳ, Đạo kỳ, niệm Hồng danh Đức Phật 3 lần. Kế đó là phút mặc niệm chư vị hữu công tiền bối của Phật giáo Việt Nam.

Tiếp đó Hòa thượng Thích Chơn Thiện - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự thay mặt Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đọc diễn văn khai mạc.

Phát biểu tại đại hội, thay mặt hòa thượng Chủ tịch, Hòa thượng Thích Chơn Thiện đã chỉ rõ: “Trong nhiệm kỳ VI, Phật giáo đã có nhiều phát triển về cơ sở vật chất, xây dựng, trùng tu hay đại trùng tu, xây tháp, tạc tượng, đúc chuông… ở khá nhiều các tỉnh thành trong cả nước.

Trong nhiệm kỳ tới, Giáo hội sẽ tăng cường nhân sự trẻ

Tổ chức Giáo hội được nâng cấp từ Ban đại diện Phật giáo và phát triển thêm 08 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo, đó là: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Kạn, Hòa Bình.

Giáo dục Phật giáo của Giáo hội ngày càng được hệ thống và hoàn thiện, sự thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP. Cần Thơ. Chính phủ đã cho phép Giáo hội đào tạo thí điểm hệ Cao học Phật giáo tại Học viện Phật giáo Việt Nam - TP Hồ Chí Minh; đặt đá xây dựng cơ sở mới tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh… 

Bên cạnh đó các hoạt động văn hóa như lễ hội, hội nghị, hội thảo, báo chí cũng có nhiều thành tựu, đặc biệt là Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2008, Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...; Giáo hội ngày càng được cộng đồng Phật giáo quốc tế biết đến, tín nhiệm, kết thân, hợp tác; Hoạt động từ thiện diễn ra mạnh mẽ…

Những người con Phật trông chờ những hướng đi mới của Giáo hội trong thời gian tới

Đặc biệt các hoạt động về từ thiện xã hội của Giáo hội cũng rất mạnh qua những công cuộc như cứu trợ, xây dựng và tặng nhà tình thương, lập phòng khám trị bệnh Đông Tây y miễn phí, phát thuốc cho đồng bào vùng sâu vùng xa, góp phần xây dựng trường lớp, nhà dưỡng lão, nhà nuôi trẻ, trường dạy nghề... ngày càng nhiều. Chỉ riêng số tiền quyên góp để cứu trợ được chính thức thống kê cũng đã đạt đến hàng nghìn tỷ đồng...”

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Hoà thượng cũng cho rằng: Hiện nay hoạt động của các cấp chưa đồng bộ, chưa sâu sát, chưa thật sự là chất xúc tác với các cơ sở địa phương, nên một số Phật sự được triển khai chưa đạt yêu cầu. 

Một số công tác Phật sự của Giáo hội đã đề ra trong những năm qua, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Chương trình phát triển văn hoá Phật giáo tại các vùng sâu, vùng xa, vùng cao nguyên và dân tộc ít người tuy đã được thực hiện nhưng chưa đều khắp, vì thiếu kinh phí và thiếu nhân sự…

Đại diện lãnh đạo Giáo hội đón nhận tấm lòng của Phật tử thay mặt các dân tộc Việt Nam kính tặng

Chính vì thế sau đại hội này, các cấp giáo hội cần có nhiều cố gắng hơn trong công tác hoạt động nhiệm kỳ mới. Đặc biệt là các hoạt động Phật sự tại vùng sâu vùng xa.

Được biết đại hội sẽ làm việc trong 2 ngày 23, 24/11. Các đại biểu sẽ thảo luận để đưa hoạt động Phật sự ngày càng phát triển hơn. Ngày 24, Đại hội sẽ thông qua Ban Dự thảo Tu chỉnh Hiến chương, các văn kiện Đại hội, cử hành Nghi thức Tấn phong Giáo phẩm, trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; Bằng Tuyên dương Công đức của Trung ương Giáo hội…

 

Tác giả bài viết: Hoài Lương

Các tin đã đăng:
Về đầu trang