Nhân
dịp mùa xuân mới đang về, một năm mới sắp bắt đầu, xin kính chúc quý vị
tôn đức, quý tăng ni và Phật tử một năm mới an lạc, nhiều phước lành và
thuận duyên, tất cả đều hoan hỷ trong hồng ân của chư Phật.
Qua
thư mừng xuân, chúc tết này, tôi xin phép được có vài lời chia sẻ về
hạnh nguyện chấn hưng Phật giáo, một bước phát triển mới toàn diện từ
hạnh nguyện hộ pháp.
Năm
vừa rồi, mặc dù nhiều khó khăn riêng rất lớn, tưởng chừng khó có thể
vượt qua, nhưng tôi đã ra sức tinh tấn, tiếp tục tư duy và viết bài về
đề tài hộ pháp phục vụ quý tôn đức, tăng ni và Phật tử, với kết quả là
được khoảng 100 bài. Trong quá trình suy nghĩ về Phật sự hộ pháp, tôi
nhận ra rằng để hộ pháp một cách có kết quả, thì cần ra sức chấn hưng
Phật giáo, làm cho đạo Phật hưng thịnh và phát triển. Đó là phương cách
hộ pháp tích cực, chủ động, toàn diện và bền vững. Một đạo Phật hưng
thịnh, năng động và phát triển sẽ là một đạo Phật kiên cố, bền chắc,
miễn nhiễm trước mọi sự xâm phạm, gây hại. Tư duy về chấn hưng Phật giáo
là tư duy đối lập với suy thoái Phật giáo. Việc làm chấn hưng Phật giáo
sẽ khắc phục những tác động làm suy thoái Phật giáo, bất kể từ đâu đến.
Chấn
hưng Phật giáo là một sự việc phải được tiến hành thường xuyên không
ngưng nghỉ, kể từ khi xuất hiện đạo Phật trên thế giới. Đó là phát triển
đạo Phật theo không gian, có thể hiểu là hoằng pháp; phát triển đạo
Phật theo thời gian, trong kinh gọi là làm tăng thọ mạng của giáo pháp,
đồng thời, đó cũng là nâng cao chất lượng tu tập. Một đạo Phật hưng
thịnh bao giờ cũng gắn liền với việc tiến tu của tu sĩ, tín đồ.
Tuy
chấn hưng Phật giáo có cách hiểu rộng như thế, nhưng chấn hưng Phật
giáo cũng xác định những công việc cụ thể, mục tiêu cụ thể, cố gắng cụ
thể. Theo nghĩa hẹp, chấn hưng Phật giáo là công cuộc khởi phát tại Việt
Nam và trên thế giới từ đầu thế kỷ XX. Chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX đã
có lý luận riêng từ nhiều vị tôn đức, tăng ni và cư sĩ, với những mục
tiêu được xác định rõ ràng, với nhiều công việc được đề ra chi tiết trên
báo chí, nhất là báo chí Phật giáo. Tại Việt Nam, đó là công cuộc tiến
hành trong hơn 20 năm ở miền Bắc và khoảng 50 năm ở miền Nam.
Nửa
cuối thế kỷ XX, nhiều mục tiêu của chấn hưng Phật giáo đã đạt được về
cơ bản, đưa Phật giáo Việt Nam từ một tôn giáo trên đà suy vong, lạc hậu
với thời đại, một tôn giáo mê tín, hủ tục, cầu cúng thành một tôn giáo
chuyển hướng phát triển, tiến bộ, chánh tín, nâng cao trình độ tu tập,
xây dựng nhiều mặt hoạt động mới về học thuật, văn hóa, giáo dục, công
tác xã hội…
Với
chấn hưng Phật giáo, Phật giáo Việt Nam đã xác định được vai trò là tôn
giáo lớn trong truyền thống dân tộc, bỏ lại sau lưng thời kỳ chùa chiền
chỉ là một dạng đình miễu, tu sĩ Phật giáo là thầy cúng, không mấy
người am hiểu giáo lý Phật pháp, bị tôn giáo khác xem thường, xã hội rẻ
rúng, mờ nhạt như chỉ là một cái bóng của truyền thống của quá khứ rơi
rớt lại.
Chấn
hưng Phật giáo là một cuộc vận động cả hai chiều, từ giới tu sĩ trẻ lẫn
từ thành phần cư sĩ trí thức, cuối cùng đã có tác động lên số đông tăng
ni Phật tử.
Những
thành tựu của sự nghiệp chấn hưng Phật giáo có được chính là nhờ ở số
đông này. Từ đó, chấn hưng Phật giáo lại càng có sức lan tỏa mạnh, ảnh
hưởng tích cực đến toàn thể cục diện Phật giáo Việt Nam.
Vì
hoàn cảnh thời thế, sau năm 1975, tăng ni Phật tử ít còn nói đến chấn
hưng Phật giáo và điều này đã diễn ra trong gần 40 năm, mãi cho đến nay.
Chấn hưng Phật giáo tuy vẫn còn được nhắc đến trên vài trang mạng,
trong vài cuốn sách, nhưng chừng như chỉ là chuyện lịch sử, chuyện quá
khứ đã qua, không còn là mục tiêu lớn của số đông tăng ni tín đồ như
trước nữa.
Không
ít thành quả chấn hưng Phật giáo hiện nay đã không còn được duy trì
được gì. Một số thành quả khác của chấn hưng Phật giáo cũng bị mai một
một phần.
Không
những chấn hưng Phật giáo ít được nói đến, mà tư duy chấn hưng Phật
giáo cũng đã trở nên xa lạ với một số người. Tệ trạng một đạo Phật mê
tín, hủ lậu, lạc hậu, quê mùa, cúng bái, đình miễu đã không còn là nguy
cơ, mà thực tế đã lan rộng ở nhiều nơi. Người theo đạo Phật, một khi
không còn suy nghĩ chấn hưng Phật giáo, nói đến chấn hưng Phật giáo,
theo đuổi mục tiêu chấn hưng Phật giáo, thì khi đó đạo Phật sẽ khó mà
hưng thịnh. Mà không hưng thịnh thì tất cả sẽ bị suy vong đe dọa.
Vì vậy, hiện giờ chính là lúc đặt lại vấn đề chấn hưng Phật giáo.
Cũng
phải thấy, rằng tuy vậy, hiện nay, vẫn còn một số hoạt động chấn hưng
Phật giáo được duy trì và đẩy mạnh, theo đà tiến đã có của hoạt động
chấn hưng Phật giáo nửa thế kỷ trước. Đó là điều đáng mừng. Nó cũng thúc
đẩy chúng ta tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu về chấn hưng Phật giáo, phát
triển cơ sở lý luận cho những hoạt động chấn hưng Phật giáo thực tiễn
như thế. Điều đó cũng có tác dụng khôi phục các hoạt động chấn hưng Phật
giáo đã mai một.
Gần
một thế kỷ trước, chấn hưng Phật giáo đã dùng truyền thông làm phương
tiện khởi động. Hiện nay, truyền thông đã phát triển rất mạnh. Truyền
thông Phật giáo đã vừa là phương tiện tiến hành chấn hưng Phật giáo, và
sau đó, sự phát triển của truyền thông Phật giáo chính là kết quả chấn
hưng Phật giáo. Truyền thông Phật giáo là mấu chốt quan trọng trong hoạt
động chấn hưng Phật giáo. Do đó, truyền thông Phật giáo ngày nay, nếu
khéo sử dụng, sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chấn hưng Phật
giáo hiện đại.
Truyền
thông Phật giáo là cơ hội cho số đông tăng ni Phật tử hô hào, phát
động, hưởng ứng, tìm kiếm bạn hữu, giao lưu, thúc đẩy hoạt động chấn
hưng Phật giáo. Đó là phương tiện ngay trong tay chúng ta và rất hữu
hiệu, đã chứng tỏ khả năng trong quá khứ. Vì vậy, ngay bây giờ, xin quý
tôn đức, tăng ni Phật tử có cùng hạnh nguyện chấn hưng Phật giáo bắt tay
vào công cuộc chấn hưng Phật giáo hiện đại bằng chính phương tiện
truyền thông Phật giáo để kêu gọi lẫn nhau, cổ vũ, trình bày ý tưởng,
nghiên cứu lý luận, tái khởi động công cuộc chấn hưng Phật giáo trước
hết bằng “ý” và “khẩu”, tạo đà cho những hoạt động tiếp theo trong thực
tế.
Chính
truyền thông Phật giáo đã là môi trường thuận lợi để quý tăng ni trẻ
cũng như cư sĩ Phật giáo tham gia vào sự nghiệp chấn hưng Phật giáo.
Ngày nay, môi trường đó, cơ hội đó càng được mở rộng, với nhiều phương
cách mới, chẳng những là báo giấy, sách in mà bây giờ là web, là
facebook, blog, truyền hình…
Chúng
tôi cũng muốn góp phần khởi động, tham gia chấn hưng Phật giáo hiện đại
bằng tinh thần như vậy, phương cách như vậy, làm cái điều mà các vị
tiền bối hữu công đã làm, là viết báo, hô hào, sách tấn, thảo luận nêu ý
tưởng, bày kế sách, cổ động, tường thuật quá trình thực hiện, nêu kết
quả đã đạt được, nêu hướng cần tiếp tục nỗ lực.
Trước
hết, bằng truyền thông chúng ta hãy làm như quý tôn đức tăng ni, Phật
tử hữu công đã làm để chấn hưng Phật giáo, nhưng trong những điều kiện
mới, tiện nghi, thuận lợi và có tác động mạnh mẽ hơn nhiều.
Vì vậy, không nên bỏ qua cơ hội để chấn hưng Phật giáo hiện đại.
Trong
các bài viết sau, chúng tôi sẽ đi sâu hơn vào các vấn đề cụ thể. Mong
nhận được sự ủng hộ của quý tôn đức thầy cô, Phật tử bằng cách viết bài
thảo luận, bàn bạc, đóng góp ý kiến.
Xin kính chào trân trọng.
Kính thư
Minh Thạnh