Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Thái Hòa & câu chuyện Ðạo trong nhạc Trịnh
01/04/2011 06:15 (GMT+7)


Tiếp xúc với Thái Hòa ở một góc khác - Phật giáo - lại thấy anh nhắc nhiều đến chữ ngộ. Phải trầm tư thì mới ngộ, và anh đã có những góc thiền cho mình dù ở bất cứ cương vị nào. Khi làm bài phỏng vấn này, anh với vị trí mới: Giám đốc chiến lược của Công ty FPT.

Ca sĩ Thái Hòa - Ảnh: HuyMacro - Hương Giang

Những thiện duyên…

"Anh đến với Trịnh từ khi nào?

Ca sĩ Thái Hòa: Có lẽ từ trong vành nôi hoặc xa hơn nữa - khi mẹ tôi là bạn của Trịnh Công Sơn và là thành viên trong Ðoàn sinh viên Phật tử Ðại học Văn khoa từ những năm 1960 đã tổ chức rất nhiều buổi ca nhạc cho Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Tôi lớn lên đã được nghe Cát bụi, Ca dao Mẹ, Ðại bác ru đêm, Lời thiên thu gọi, Chiều một mình qua phố từ chính mẹ tôi và từ một chiếc máy hát của nhà người hàng xóm sát vách với giọng hát Khánh Ly. Có thể nói băng cassette Sơn Ca 7 đã đi vào tâm hồn đứa bé tôi như một thứ đồng dao của thời đó.

Ðiều đặc biệt khác là trên bàn thờ nhà tôi, ngoài nơi thờ Phật và ông bà, tôi có một góc riêng cho Trịnh Công Sơn với những kỷ vật, vì với riêng tôi ông cũng là một vị thiền sư của âm nhạc.

"Còn nhân duyên với đạo Phật?

- Gia đình tôi theo Phật giáo. Tôi có pháp danh là Lệ Căn vào năm 10 tuổi do Sư ông Thích Trí Quang đặt cho tại chùa Ấn Quang (Q.10, TP.HCM). Hai con của tôi sau này cũng do Sư ông ban cho pháp danh là Cát Tường (gái) và Vạn Ðức (trai). Thuở nhỏ tôi và em gái Thiên Nga (pháp danh Lệ Từ) được mẹ cho quy y theo Phật pháp và thường dẫn vào chùa chơi với Sư ông. Sau này lớn lên, đọc lịch sử tôi mới biết Ngài là một nhân vật rất nổi tiếng. Khi bé tôi vẫn thường đánh cờ tướng với Sư ông. Năm gia đình tôi rời Việt Nam đi Canada, Sư ông tặng cho tôi bộ cờ tướng bằng sừng rất đẹp vì Ngài đang bị suyễn nặng và không thể chơi cờ nữa.

“Tri kỷ” Trịnh Công Sơn

"Ðược biết, hồi năm 2009, khi hát Ca dao mẹ của Trịnh anh đã dùng chuông mõ để thể hiện? Tại sao lúc đó anh lại… “mạo hiểm” như thế, hay là anh ngộ ra điều gì từ âm nhạc của Trịnh?

- Ðó là một nhân duyên hơn là một sáng tạo cố ý của sự tìm tòi. Năm 2008, tôi dự tính hát bài này trong album 70 tuổi của mẹ như món quà sinh nhật đặc biệt dành cho bà. Nhưng khi đang làm phối âm thì bạn tôi, nhạc sĩ Ðức Thịnh cũng vừa mất mẹ do bệnh ung thư. Mẹ Thịnh bằng đúng tuổi mẹ tôi, và sợi dây sinh tử sao thật mong manh quá. Tôi bàn với Thịnh là bài hát này vừa là quà tặng mẹ mình nhưng cũng sẽ là nén hương lòng dành cho mẹ bạn. Từ ý tưởng đó, Ðức Thịnh đã tìm các nhạc cụ bằng chuông mõ từ trên chùa để làm bản phối âm. Hay dở sẽ do người nghe đánh giá, nhưng đối với hai chúng tôi, bài phối đó có một giá trị thiêng liêng rất khác với tất cả những bản Ca dao mẹ đã được nhiều ca sĩ trình bày.

Ca sĩ Thái Hòa - Ảnh: HuyMacro - Hương Giang

Nó là sợi dây tâm linh nối tấm lòng thành của hai đứa con trong hai nghịch cảnh khác nhau để cùng hướng về hai bà mẹ ở hai thế giới khác nhau. Kể cũng rất độc đáo khi biết thêm NS Ðức Thịnh lại là một con chiên Công giáo rất ngoan đạo, nhưng lại biết nghiên cứu và khai thác cái độc đáo của tiếng chuông mõ nhà chùa cho âm nhạc. Âm nhạc đã làm mẫu số chung cho nhiều sự đồng cảm kỳ lạ chung quanh một thiên tài.

"Ngoài ra, anh còn lập cả một bảo tàng về Trịnh ở Ý?

- Nói là bảo tàng thì nghe quá lớn lao và không xứng tầm, chúng tôi chỉ lập một góc nhỏ trong một thư viện tư nhân của GS.Sandra Scalliogtti ở TP.Torino, Italy dành cho các nhà nghiên cứu và sinh viên Ý tìm hiểu về âm nhạc Việt Nam cận đại. Bà là một tiến sĩ, một nhà Việt Nam học rất yêu mến Trịnh Công Sơn vì có ông chồng là nhạc sĩ Fulvio Albano thường hay trình diễn nhạc Trịnh cùng chúng tôi ở Pháp, Ý và Việt Nam. Thư viện Trịnh Công Sơn này nằm trong lâu đài của TS.Sandra vốn là một dòng dõi quý tộc của Ý. Có thể nói Thư viện Trịnh Công Sơn này là sản phẩm nho nhỏ từ chữ Tâm của bà Sandra & rất nhiều bạn bè, kiều bào nhóm Vietnamiti ở Pháp, Ý và Thụy Sĩ thành lập nên. Và đó cũng chỉ là một góc nho nhỏ trong tình yêu của công chúng khắp nơi hướng về Trịnh Công Sơn và gia tài âm nhạc mà ông để lại cho đời…

"Tình yêu anh dành cho nhạc sĩ họ Trịnh, nếu được so sánh, có gì khác so với rất đông khán, thính giả đã yêu mến ông?

- Cái giống nhau là chúng tôi đều có mẫu số chung ở lòng yêu mến và sự kính trọng đến người NS thiên tài này. Cái riêng là ở cách thể hiện tình cảm từ mỗi con người, mỗi nhân cách, mỗi ý tưởng sáng tạo và hành động… Tất cả như những lăng kính muôn màu về nhạc Trịnh. Có cái lấp lánh và cái chưa…

"Anh đã từng tiếp xúc và là “bạn” của Trịnh, anh thấy con người của Trịnh có thiền như nhạc của ông ấy? Ðó là những đặc tính nào?

- Tôi không dám nhận mình là “bạn” của Trịnh Công Sơn. Tôi thích được coi như một người cháu gọi bằng cậu (cách xưng hô của người miền Trung đối với người anh hoặc em hoặc người thân của mẹ), và thật sự chỉ cảm nhận được về ông trong những năm cuối đời và qua sách vở, âm nhạc. Nhưng chất thiền bàng bạc thì rất rõ trong âm nhạc của ông, trong cách ông yêu thiên nhiên, yêu đồng loại, với tôi, tôi cảm nhận cả trong cách ông ngồi uống rượu rất cô đơn giữa đám đông bạn bè.

Về chất thiền mong manh trong nhạc Trịnh ta có thể tìm hiểu thêm ở khía cạnh văn học và triết lý của ca từ như phát hiện của GS.Cao Huy Thuần (Paris, Pháp) là khác với những nghệ sĩ khác có vui, có buồn, có yêu thương, có tuyệt vọng. “Trong nhạc Trịnh không hẳn thế khi vui luôn đi cặp đôi với buồn, hạnh phúc sóng bước cùng với thương đau trong cùng một bài, trong cùng một câu làm hai vế đối nghịch nhau. Nhưng lại lắm khi nghịch với thuận, không với có trộn lẫn vào nhau, buồn xen trong vui, mông lung không biết đâu là vui đâu là buồn… và từ đó nhạc của anh róc rách những mong manh như thế cho đến khi anh chợt nhận ra Ta là đêm nở đóa hoa vô thường…” (trích trong bài viết Buồn bã với những môi hôn của GS Cao Huy Thuần).

“Khi tôi muốn tìm hiểu về căn nguyên của chất thiền Phật giáo trong nhạc Trịnh, tôi được nghe những người bạn thời niên thiếu của ông kể về khoảng thời niên thiếu khi anh sống ở Huế vùng Bến Ngự. Ðây là nơi có rất nhiều chùa chiền. Tiếng chuông chùa và lời kinh thấm dần vào ông từ rất sớm, ngay khi còn nhỏ, có giai đoạn ông đã sống trong chùa và lãnh trách nhiệm phơi kinh. Trịnh Công Sơn như vậy không thể tránh khỏi ít nhiều tư tưởng Phật giáo, như chủ đề của các bài hát Cõi tạm, Ở trọ, Ðóa hoa vô thường hoặc Một cõi đi về. Nhất là tư tưởng Sinh, Lão, Bệnh, Tử vẫn thường xuất hiện trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn… Tất cả những gì Phật giáo ở Huế đã để lại dấu ấn trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, làm tăng thêm giọng điệu buồn bã của các ca khúc” (theo Hoàng Phủ Ngọc Tường trong chương 1, tập sách Trịnh Công Sơn cây đàn lya của hoàng tử Bé).

Không thể tách rời Trịnh Công Sơn con người và âm nhạc được vì đó là một. Năm 1998 tôi đã chụp hình ngôi nhà của ông và viết về cõi riêng của Trịnh Công Sơn qua cảm nhận từ một kiến trúc sư trẻ, nơi mà đỉnh điểm của sự cô đơn là câu tự vấn “tôi là ai, là ai, là ai…” trong bài hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Hát lên nỗi tuyệt vọng đó là một cách thiền, nhưng thiền trong nỗi tuyệt vọng của con người phải thật khổ luyện. Có một cõi riêng tĩnh lặng của một thiền sư âm nhạc ở giữa Sài Gòn huyên náo như thế. 

"Theo anh nói, nhạc Trịnh có chất thiền, thế thì có thể gọi nhạc Trịnh là thiền ca được không? Triết lý thiền nào trong Trịnh mà con người có thể tìm thấy và áp dụng ngay để có được sự an lạc?

- Trong trí tưởng tượng của tôi, ở đỉnh cao của dòng nhạc Trịnh, Trịnh Công Sơn giống như một thiền sư đang trên con đường thể nghiệm tâm linh, chưa hoàn toàn “thõng tay vào chợ” mà luôn bị lôi kéo vào những cuộc vui trần thế, của những chuyện thế sự hàng ngày trong các giai đoạn đầy biến động của một đất nước chịu quá nhiều đau thương, mất mát. Tôi vẫn nhìn thấy trong bản chất của nhạc Trịnh là sự thanh thoát, tràn ngập sự yêu thương của con người. Tiếc thay cho loài người rằng ngoài tình thương yêu chúng ta còn sở hữu cả cái ác và lòng thù hận. Vì thế mà âm nhạc của Trịnh dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn luôn đứng về phía thân thận chịu nhiều thiệt thòi, cô độc. Và cũng chính vì con người đôi khi luôn cô độc nên nhạc Trịnh dễ đồng cảm và phổ biến khi mỗi người hát lên đều thấy có mình trong đó, đều tội nghiệp cho chính mình.

Nếu có một nghiên cứu nào về cuộc hành hương của loài người đi tìm niềm tin vào tình yêu và cả sự thanh thản trong tâm hồn giữa những hỗn độn của chiến tranh, đói nghèo và tuyệt vọng, thì nhạc Trịnh có lẽ là một minh chứng sống động nhất.

Nếu ta gọi đó là thiền ca thì nó thuộc về một thứ ngôn ngữ khác của tâm hồn mà chỉ khi nhắm mắt lại và lắng nghe thì nhạc Trịnh sẽ xâm chiếm hồn ta nhè nhẹ, bằng sức rung động vô bờ của những vùng kỷ niệm xa xôi. Nó nhắc con người về vùng đất đẹp đẽ nhất của vườn địa đàng mà đáng lý ra chúng ta phải được hưởng trọn tình yêu thương.

Trong album thứ 6 của mình, tôi đã đôi lần chạm được vào chất Thiền ca của Trịnh trong các ca khúc Ðóa hoa vô thường, Một ngày như mọi ngày, Chỉ có ta trong một đời, Bay đi thầm lặng…

Trầm tư và ngộ

"Ðến bây giờ, điều anh ngộ được ở cuộc sống này là gì?

- Tôi ngộ được chữ “Tâm”. Ở nhà tôi có ít nhất 3-4 chữ Tâm bằng thư pháp do bạn bè gởi tặng trong các chương trình từ thiện bằng nhạc Trịnh. Khi ca hát, tôi không bao giờ nhận tiền thù lao hay tham gia các chương trình bán vé giá cao. Tôi muốn đóng góp lợi nhuận từ các album nhạc Trịnh của mình cho các trẻ em bị nhiễm dioxin tại Việt Nam. Ðó cũng là cách Trịnh Công Sơn đã sáng tác và hành xử trong đời.

Trong công việc cũng như vậy, tôi đặt hết tâm huyết vào trong từng ứng xử, từng nhiệm vụ nên luôn thanh thản về kết quả sau cùng vì biết mình đã tận tâm, tận sức. Tôi rất tâm đắc với lời chúc Tết năm nay của GS.Trần Văn Khê dành cho giới trẻ: Kiến thức và tài năng giỏi thôi chưa đủ, vì khi không có cái Tâm, con người trở nên rất nguy hiểm cho đồng loại.

“Tôi nghĩ rằng việc lạy Phật sẽ đem lại niềm tin và sự an lành cho mình và gia đình. Thêm nữa tôi luôn biết rằng mẹ tôi sẽ rất vui khi con trai làm bất cứ điều gì với đạo Phật, cho nên đó cũng là cách làm yên lòng các cụ. Tôi quan niệm nếu lo được tốt cho cha mẹ mình khi lớn tuổi về tinh thần còn quan trọng hơn cả vật chất rất nhiều”

"Anh có thực tập thiền? Nếu có thì việc thực tập ấy giúp gì cho anh trong cuộc sống và xử lý công việc, nhất là khi anh đang đảm nhiệm một vị trí cũng khá quan trọng và nhiều áp lực của một công ty lớn như FPT?

- Trước đây tôi tập karate, rồi các bài khí công trong quyền cước. Sau này thì tập các động tác “Suối nguồn tươi trẻ” trong một thời gian. Trong suy nghĩ của mình, tôi luôn tâm niệm sự trầm tư, hay thiền là hành trình đi tìm kiếm sự thanh thản và tôi đã tìm được sự thanh thản đó trong âm nhạc. Với những người trẻ tuổi làm việc trong môi trường nhiều áp lực như hiện nay, nhạc Trịnh có thể là một sự giải thoát tuyệt vời về phần hồn. Ðó cũng là lý do tôi luôn giới thiệu nhạc Trịnh trong tập đoàn FPT của mình và cho giới trẻ.

"Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Lưu Đình Long (thực hiện)

Nguon: http://giacngo.vn/nghethuat/amnhac/2011/04/01/736649/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang