Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tâm sự một Giám đốc: Vì sao tôi đi tu?
16/02/2011 21:19 (GMT+7)


"Chút điều xấu cùng ngăn, cùng giữ

Chút điều lành cùng thử, cùng làm"

Namo Amitabha!

Sau khi biết tin thiền sư nổi tiếng người Miến Điện Ashin Tejaniya, Viện trưởng thiền viện Shwe Oo Min Dhammasukha lần đầu tiên vào Việt Nam để hướng dẫn khóa thiền Tứ niệm xứ, tôi đã liên lạc và ghi danh tham gia.

Trong khóa thiền đặc biệt này thầy Ashin Tejaniya cho phép các Phật tử xuất gia gieo duyên. Điều này có nghĩa là những ai có duyên có thể trở thành nhà sư trong vòng một tuần. Trước đó, tôi vẫn nghĩ rằng đã xuất gia thì thành nhà sư cả đời chứ sao lại có chuyện chỉ trong một tuần.

 

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng trong khoá thiền Tứ niệm xứ

 

Trên đường đến thiền viện, nơi diễn ra khóa thiền tôi tình cờ gặp lại anh Liên, một doanh nhân khác đã cùng tham gia khóa thiền Vipassana cuối năm 2009. Anh được phân ở cùng phòng với tôi trong thiền viện. Sau khi được anh Liên hỏi có muốn trở thành nhà sư trong một tuần hay không, tôi thấy có cảm giác rất lạ. Phần vì muốn tu thiền nghiêm túc, miên mật, phần cũng tò mò muốn biết cuộc sống các nhà sư ra sao và làm một nhà sư thực thụ thế nào, tôi không chần chừ suy nghĩ mà đồng ý ngay.

Ngoài tôi và anh Liên ra còn có một doanh nhân khác cũng quyết định xuất gia gieo duyên thành nhà sư. Anh bạn này là giám đốc Marketing của một tập đoàn lớn của Việt Nam.

Sau khi cả ba nhất trí, chúng tôi cùng gặp thiền sư Ashin Tejaniya và sư trụ trì thiền viện để xin phép. Tôi rất vui khi các thầy hoan hỷ chấp nhận.

Cả đêm đó tôi mất ngủ vì hồi hộp vì biết rằng sẽ có những thay đổi về tâm trạng, sinh lý, suy nghĩ, thái độ… nhưng những thay đổi đó sẽ như thế nào? Tôi cứ suy nghĩ miên man.

Như thông lệ trong các khóa thiền, chúng tôi thức giấc lúc 03h30 sáng để bắt đầu hành thiền. Ngày đầu tiên tôi thiền khá tốt, định khá nhanh và có những kết quả hữu ích.

Sau bữa ăn sáng lúc 6h, chúng tôi được mời đến gặp các thiền sư để được hướng dẫn cách thức, nghi lễ xuất gia. Chúng tôi phải tập đọc một số câu nhất là cam kết giữ 10 giới bằng tiếng Pali và tiếng Việt. Chúng tôi cũng được tập các nghi lễ để thuần thục khi có mặt trên chánh điện để làm lễ xuất gia.

Hơn 7h sáng, chúng tôi được dẫn ra khu vực riêng để xuống tóc. Một vị cao tăng cạo đầu cho từng người trong chúng tôi. Vị cao tăng dặn rất kỹ chúng tôi rằng khi xuống tóc cần tụng năm chữ “tóc, răng, móng, lông, da” để quán cái vô thường của cuộc sống, để biết về khổ và vô ngã. Nhà sư này giảng thêm rằng đã có những thiền sinh và Phật tử chứng ngộ ngay trong lúc niệm năm chữ này. Tôi vừa thấy vui vừa hơi run. Tôi thành tâm niệm theo sự hướng dẫn của sư.

Khi cạo đầu xong tôi bê chậu nước với những sợi tóc đã được cạo bỏ đi đổ và gội (bây giờ là rửa chứ làm gì còn tóc). Thú vị và hồi hộp nhất là soi mình vào gương. Một khuôn mặt quen thuộc nhưng với một chiếc đầu rất lạ, hoàn toàn khác. Tôi hiểu rằng mình chuẩn bị bắt đầu cuộc sống của một nhà sư thực thụ sau ít phút nữa. Lòng tôi có cảm giác rất khó tả. Vui. Lạ. Lo lắng. Hồi hộp.

Đúng 8h nghi lễ được cử hành trang nghiêm. Thiền sư Ashin Tejaniya, Viện trưởng của thiền viện Shwe Oo Min Dhammasukha trực tiếp thọ giới cho ba chúng tôi.

Giờ phút linh thiêng là khi mỗi chúng tôi được nhận một bộ y bát và ra phía sau thay y để trở thành nhà sư. Có một vị sư giúp chúng tôi mặc y, nếu không chẳng biết đằng nào mà lần. Phần vì không viết cách mặc, phần vì tâm trạng rối bời, cảm xúc trào dâng nên lúng túng.

Một việc rất quan trọng và được báo trước là được thầy Ashin Tejaniya đặt pháp danh. Thầy sẽ nhìn từng người để chọn cho một pháp danh phù hợp. Tôi cũng lo lắng và hồi hộp chờ đợi xem thầy sẽ cho mình pháp danh gì. Cuối cùng tôi được sư đặt cho là Thiện Đức. Thích Thiện Đức. Tiếng Pali là Gunika. Như vậy, lần đầu tiên trong đời tôi có họ tên thứ hai sau tên Nguyễn Mạnh Hùng mà cho mẹ đặt cho tôi hồi mới sinh.

Tôi xúc động nhất là thời điểm mà mình và hai người bạn chính thức được công nhận là nhà sư. Xung quanh chúng tôi biết bao tu nữ cùng các phật tử, thiền sinh cúi xuống lạy. Họ dâng cho chúng tôi rất nhiều thứ: thuốc đánh răng, bàn chải, sữa, đường, bông ngoáy tai … kèm thái độ cung kính.

Chúng tôi đã cam kết giữ mười giới và như vậy mình phải rất nghiêm túc, viên mật tu tập. Mọi người bắt đầu chính chức gọi tôi là sư Thiện Đức. Từ lúc này chúng tôi chính thức được tiếp đón, được đối xử như một nhà sư thực thụ. Tôi bắt đầu để ý đến hành vi, thái độ, từng bước đi, từng cái nhìn của mình. Khóa thiền này chúng tôi có 88 người, trong đó có 18 sư.

Vì cùng sống và tu tập với các nhà sư khác nên chúng tôi cùng làm tất cả những gì mà các nhà sư đã xuất gia lâu năm làm. Có những sư năm nay tuổi đã ngoài tám mươi. Có sư trẻ mới gần 30 những đã xuất gia hơn chục năm. Vì là sư mới nên chúng tôi thường đi sau, học theo, làm theo để tránh sai lầm, để tránh phạm giới, để tránh tối đa các lỗi và những gì không biết. Tôi luôn cẩn thận và theo dõi, quan sát tỷ mỷ.

Bữa trưa rất ấn tượng. Khi các ni sư và các thiền sinh vào hết trai đường (nhà ăn) thì chúng tôi mới vào. Thiền sư Ashin Tejaniya đi trước, các sư khác đi sau. Ba chúng tôi, những sư mới, đi sau cùng. Các nhà sư chúng tôi được xếp ngồi vào các bàn riêng, có thức ăn bày sẵn.

Chúng tôi được các thiền sinh, ni sư và Phật tử nâng bàn lên mời, tiếp thức ăn, đồ uống rất cung kính. Thường trước khi ăn các Phật tử tụng kinh, sau đó các sư tụng kinh và cuối cùng mới ăn. Nhìn các phật tử, thiền sinh và ni sư cung kính, trân trọng mà tôi thấy ái ngại và ngượng ngùng. Tôi không quen hay nói đúng hơn là chưa bao giờ được cung kính đến vậy… Tôi quay lại đời thường sau bảy ngày làm nhà sư. Trước khi về, chúng tôi được sư thầy đưa lên chánh điện làm lễ xả giới. Chúng tôi mặc lại bộ quần áo thường ngày vẫn mặc. Tóc đã mọc hơn một chút sau một tuần. Tuy nhiên những cảm giác, sự tiến bộ vẫn trong tâm mỗi người. Tôi thấy lòng mình thật thanh thản, nhẹ nhàng.

Tôi ngồi gõ những dòng chữ này khi khóa thiền đã trôi qua được một tháng. Tóc tôi đã mọc dài hơn. Công việc của một doanh nhân trở lại nhịp độ như trước đây. Tuy nhiên, khác với trước đây, tôi luôn cảm thấy bình an và thư giãn. Trong mọi vấn đề tôi đều thấy và có những giải pháp nhẹ nhàng và hữu hiệu.

Lời bạt

Đây là tâm sự của ông Nguyễn Mạnh Hùng, khi ông kết thúc đợt đi tu 7 ngày vào giữa năm 2010. Chia sẻ với phóng viên, ông cho biết, dù chỉ xuất gia, xuống tóc một tuần thôi, nhưng cũng để ông thấm nhuần lời dạy: Đức Phật muốn chúng ta giải thoát, giải thoát khỏi khổ đau và phiền não.

Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT, GĐ Thái Hà Books (vnmedia.)

http://giacngo.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang