Ngoại trừ số người độc thân xuất gia, chúng ta cần phải
nhận biết thêm con số những người đã có gia đình, thành đạt trong xã hội
bỗng dưng ngộ đạo bỏ nhà đi tu và cần coi đó là chuyện bình thường.
Vào ngày 15 Tháng 2, 2011 vừa qua thầy Thích Minh Trí – trụ trì Chùa Phúc Lâm, Biên Hòa có gửi cho tôi bài viết “Sốc vì chồng bỗng nhiên xuống tóc đi tu” của Phi Thanh – VnMedia và
yêu cầu tôi đóng góp một vài ý kiến để làm sáng tỏ vấn đề. Thú thực
trong lúc này tôi quá bận chuyện nhà, nhưng vì cảm mến thầy cho nên
không đành từ chối cho nên gửi cho thầy cũng như quý độc giả món quà “khai bút đầu Xuân” như thầy nói trong thư.
Kính thưa quý vị. Trong cõi đời này, từ Âu sang Á, từ ngàn
xưa đến giờ, chuyện ngang trái (chướng duyên) xảy ra như cơm bữa. Nếu
trong cuộc đời này, chuyện gì cũng thuận buồm suôi gió thì nó đã trở
thành một cung trời và Đức Phật, chư vị Bồ Tát, Hiền Thánh cũng chẳng ra
đời làm gì và bài viết của tôi đây cũng vô duyên và dư thừa. Một trong
những nghịch cảnh đó là - cuộc sống vợ chồng đang đầm ấm, hạnh phúc, có
khi trên nhung lụa, bỗng dưng vợ hay chồng bỏ đi xuất gia đầu Phật. Hoặc
đứa con mà mình cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa, kỳ vọng vào nó
với cả tương lai tươi sáng, chỗ nương tựa lúc tuối già, bỗng dưng nó vào
chùa sống đời đạo hạnh. Đó là câu chuyện xảy ra nóng hổi mới đây, theo
bài tường thuật của Phi Thanh thì: Cặp vợ chồng Trần Hữu Trung và Nguyễn
Hoàng Giang đang sống trong êm đềm, hạnh phúc, yêu nhau từ thưở học
trò, tình như mộng như mơ “ Vậy mà bỗng nhiên Trung nằng nặc đòi xuống tóc đi tu…đòi mang theo đứa con lớn cùng bố vào chùa xuống tóc.”
(*) Rồi chuyện của Nguyễn Văn Dũng – Giám Đốc Điều Hành (CEO) sau
chuyến hành hương Tây Tạng trở về tuyên bố mình đã xuất gia theo Phật từ
lúc còn ở Tây Tạng, gây bàng hoàng và khổ đau cho Hà - người vợ. Rồi
lại chuyện của của Hải - một kỹ sư trẻ- một ngày đẹp trời nào đó- “gửi đơn xin thôi việc với lý do bố mẹ bảo cần phải đi tu để trả nợ cho kiếp trước và được an lành ở kiếp này.” (*)
Thế nhưng trong bài phóng sự, thay vì trình bày trung thực biến cố
theo đúng chức năng của ký giả chuyên nghiệp (professionals) được đào
tạo trong các đại học về báo chí, Phi Thanh đã đưa ra quan điểm phê
phán của chính mình và dùng luận cứ của hai nhà tâm lý tên Lưu và Trịnh
Trung Hòa để củng cố thêm sự phê phán đó.
Tâm lý gia Trịnh Trung Hòa nói như sau:“ Có điều, khi một vấn đề đã xảy ra, rất có thể sẽ trở thành hiện tượng và nhanh chóng lan truyền nên cần ngăn chặn nó.
Theo phân tích của ông Hoà, những người hiện nay đang có hành vi như
nói trên thực chất là đang muốn trốn chạy cuộc đời thực để đi tìm hạnh phúc ảo tưởng nào đó
có thể ở kiếp này hoặc ở kiếp sau. Hành vi này xuất hiện là dựa trên
một quan niệm về hạnh phúc, cuộc sống, dựa trên những quan niệm của mỗi
người khác nhau, không phải là cái gì có thể đo đếm được.” (*)
Còn nhà tâm lý tên Lưu thì cho rằng “ Cũng
đồng quan điểm này, anh Lưu, một chuyên gia tâm lý khác cho biết, việc
lánh đời bằng cách đi tu chẳng qua là việc mơ hồ trong nhận thức về mục
đích tồn tại trong cuộc sống của mỗi con người. Bất cứ ai cần phải xác
định được cụ thể về cuộc sống của mình đó là mỗi con người được cha mẹ
sinh ra nên tồn tại như thế nào, cần phải sống như thế nào với cộng đồng
và sống như thế nào để có cuộc sống tốt nhất với mình. Thực hiện được
việc này, mỗi con người sẽ thấy giá trị của mình với cuộc sống và không
xuất hiện những quan niệm sai lầm.” (*)
Nhận xét trước tiên của tôi là không biết quý ông Lưu và Trịnh Trung
Hòa tốt nghiệp đại học tâm lý nào? Chức năng của các tâm lý gia là phân
tích, phân tích một cách sâu sắc và cặn kẽ một vấn đề mà người bình
thường không nhìn thấy. Nhà tâm lý không phải là quan tòa để phê phán.
Trước một sự kiện xã hội, một bà già trầu, một chị bán rau, một cô gái
bán bia ôm cũng có thể phê phán rân trời, nhưng phân tích tới nơi tới
chốn của vấn đề, thì bà già trầu và những cô gái trên không làm được và
khi đó người ta phải tìm đến các nhà tâm lý. Nhà tâm lý giống như các
bác sĩ là chẩn bệnh, nhưng khác hơn các bác sĩ, nhà tâm lý “chẩn bệnh”
cả hai phía. Chẳng hạn, khi một ông chồng ngoại tình và người vợ đau
khổ, ở Hoa Kỳ, các cơ quan chức năng (liên hệ) thường đề nghị người vợ
tìm cách giải quyết (về mặt tâm lý) nơi các nhà tâm lý trị liệu. Thông
thường thì các nhà tâm lý lắng nghe, rồi phân tích những động cơ thúc
đẩy từ cả hai phía (vợ lẫn chồng), qua sự phân tích này, tức qua cái
nhìn thấu đáo vấn đề (Phật Giáo gọi là nhìn sự vật ở thể Chân Như của
nó) mà người vợ từ từ nguôi ngoai hay tự tìm thấy đường lối giải quyết
cho chính mình. Tới gặp các nhà tâm lý trị liệu không có nghĩa là người
vợ tới nghe nhà tâm lý chửi rủa, kết tội người chồng. Muốn nghe lời chửi
rủa, khen chê, chúng ta chỉ cần mua vài két bia, vài chai rượu, cộng
với đồ nhắm, mời bạn bè thân tới đấu láo…nghe cho sướng lỗ tai, nhưng
khi khách về rồi, khổ đau vẫn còn đó. Nói vậy có nghĩa khi các nhà tâm
lý làm chuyện phê phán là sai lầm, ngôn ngữ bình dân gọi là “trật đường rầy”. Thế mà hai nhà tâm lý nói trên không những phê phán mà còn phê phán sai nữa.
Thứ nhất: Ô. Trịnh Trung Hòa nói rằng “rất có thể sẽ trở thành hiện tượng và nhanh chóng lan truyền nên cần ngăn chặn nó.”
Xin thưa rằng chuyện các vị có gia đình hạnh phúc, êm ấm bỏ tìm chân lý
hoặc xuất gia đâu phải chỉ mới đây? Nó đâu phải là một hiện tượng hay cái mode
hay phong trào hay một bệnh truyền nhiễm (lan truyền) như ông nói. Năm
xưa Đức Phật bỏ cả cung vàng điện ngọc, bỏ cả vợ con xuất gia. Vua Trần
Nhân Tông vứt bỏ địa vị sang quý nhất trong thiên hạ để theo hạnh đầu
đà. Và suốt chiều dài lịch sử Việt Nam không thôi, bao bà công chúa, bà
phi, bao hàng trí thức, bao nhiêu quan tướng của triều đình cũng đã từ
bỏ cõi đời trần tục đi tu. Và ngày nay con số không nhỏ các bậc trí thức
Âu Mỹ cũng đã bỏ cả cuộc sống đầy tiện nghi của xã hội dư thừa vật chất
để theo hạnh nguyện của Phật. Họ có gây một căn bệnh truyền nhiễm nào
và cần “ngăn chặn” không? Khi dùng danh từ “ngăn chặn”
ý ông Hòa muốn nói gì? Phải chăng ông muốn nói tới các biện pháp như:
tổ chức các buổi họp báo, thành lập các diễn đàn, thành lập các nhóm đi
tuyên truyền, thành lập các website… chống lại việc có gia đình mà lại
xuất gia? Khi dùng danh từ “ngăn chặn” ông mặc
nhiên ám chỉ có gia đình mà bỏ đi tu là xấu, là làm tổn hại đến hạnh
phúc gia đình và cấu trúc xã hội? Bằng cả sự suy luận rốt ráo, bằng cả
sự tĩnh tâm suy nghĩ đến chỗ tận cùng của sự vật, ông có dám khẳng định
rằng có gia đình mà đi tu là làm tổn hại tới người khác? Phải chăng đây
là nhận định hết sức vội vã? Theo tôi, nếu quả thật ông quan tâm tới nền
tảng hạnh phúc gia đình, cấu trúc an lành của xã hội, ông nên viết
nhiều bài phê phán những chuyện như: Có gia đình rồi còn mèo mỡ, có gia
đình mà không chịu vun xén hạnh phúc cho gia đình, có gia đình rồi mà
còn nhậu nhẹt, ham mê bài bạc, không làm gương cho vợ/chồng con cái, có
gia đình rồi mà không biến gia đình thành tổ ấm mà cãi cọ nhau tối ngày,
có gia đình rồi mà ỷ y không thèm đến chùa nghe thầy/ sư cô giảng về
đạo vợ chồng để giữ gìn hạnh phúc. Tôi nghĩ những việc làm như vậy thiết
thực và bổ ích hơn là quay sang công kích những vị có gia đình rồi mà
bỏ đi xuất gia.
Thứ hai: Ô. Trịnh Trung Hòa nói rằng “Có
người quan niệm rằng, cuộc đời này chỉ là cõi tạm, vĩnh cửu phải là một
cuộc đời khác, là cuộc đời sau khi chết mới là quý giá, mới là của ta.
Đây là một quan niệm sai lầm và không có cơ sở khoa học nào cả.” Tôi
đồng ý với ông Hòa là có một số đông quan niệm như thế, nhưng đó là
giáo lý của các tôn giáo mơ một Thiên Đường ảo ảnh chứ không phải quan
điểm của Phật Giáo. Ông có bao giờ nghe nói về Niết Bàn tại thế? Có bao
giờ nghe nói về tu để hưởng an tĩnh và tạo phúc duyên ngay trong kiếp
này? Tu để sống hòa thuận, thân ái giữ con người và con người? Tu để cứu
nhân độ thế? Theo tôi, bất cứ ai, nếu không nghiên cứu thấu đáo, xin
đừng gán ghép giáo lý của tôn giáo này cho tôn giáo khác. Nếu bảo rằng
Phật Giáo chỉ coi “ cuộc đời sau khi chết mới là quý giá” thì
tại sao bao nhiêu chư tăng ni lại đang bảo bọc, nuôi dưỡng các cô nhi,
các cụ già cô đơn, các trẻ em khuyết tật, ngày đêm lo giảng dạy giáo lý
giúp cho thanh niên thiếu nữ vững tin trong cuộc đời, xa lìa các cám dỗ
hư hỏng, hiếu thảo với cha mẹ, trở thành công dân lương hảo…Tất cả những
điều này đều là giúp đỡ cho đời…chứ có phục vụ cho ma quỷ trên Thiên
Đường sau khi chết đâu?
Thứ ba: Ô. Trịnh Trung Hòa lại còn khẳng định rằng “Ngoài
ra, chúng ra không nên mượn bất cứ một học thuyết tôn giáo nào để chạy
trốn cuộc đời thực, như thế vừa làm khổ mình, vừa làm khổ người khác.” Bằng lý luận này Ô. Hòa mặc nhiên ám chỉ hằng triệu chư tăng/ni trên thế giới chứ không phải riêng Việt Nam đang “chạy trốn cuộc đời thực” và như thế “vừa làm khổ mình và khổ người”.
Thực ra thì Ô. Hòa có quyền quan niệm như thế trong tinh thần tự do tư
tưởng vốn là nền tảng của Đạo Phật. Thế nhưng cũng theo tinh thần của
Phật Giáo, mọi người cần có một cái nhìn “tròn sáng”
tức các nhìn không lệch lạc, không thiên kiến và nhất là cái nhìn thật
bao dung, hiểu biết. Khi đã có cái hiểu biết tròn sáng rồi (Viên Giác)
thì sẽ không còn kết tội và oán trách ai mà tất cả chỉ còn lại tấm lòng
khoan thứ. Quan niệm cho rằng đi tu là chạy trốn cuộc đời phát xuất từ
các nhà Nho năm xưa đã không hiểu biết thấu đáo về Đạo Phật mà lại có
cái nhìn khắt khe qua câu nói ác độc “trốn việc quan đi ở chùa”.
Các nhà Nho nhập thế ra làm quan, trị nước tuy tạo ổn định xã hội nhưng
cũng đã gây ra bao oan khiên, nghiệt ngã qua các luật lệ quá khắt khe
như “bè chuối trôi sông”, “phu xướng phụ tùy”, ”trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”, “áo mặc sao qua khỏi đầu”, “Vua bảo chết là phải chết, nếu không chết là bất trung”, “coi thường nghề ca hát” và tự coi mình là cha mẹ dân (phụ mẫu chi dân).
Nhà Nho giúp đời cũng nhiều nhưng làm khổ đời cũng lắm trong khi đó Nhà
Phật thì chưa bao giờ làm khổ đời. Nếu Ô. Hòa có thể tìm thấy trong
dòng sử Việt bất cứ một bằng cớ nào chứng tỏ Nhà Phật làm khổ người ta
thì tôi sẽ giã từ Đạo Phật ngay và sống với quan niệm giống như ông.
Ngoài ra Ô. Hòa lại còn nói rằng “đi tu là làm khổ mình”. Tôi
đồng ý với Ô. Hòa đi tu là khổ (khổ hạnh). Quần áo thì ba bộ, không được
lưu giữ tiền bạc, không được làm giàu qua thương mại, món ăn thì kham
khổ, ai chửi rủa mình cũng nhịn, không được nghe băng nhạc giải trí, thú
vui, tụ họp rượu chè, ca hát và nhất là xa lánh cám dỗ xác thịt là lạc
thú lớn nhất của kiếp người. Thế nhưng bảo đi tu làm khổ mình thì tôi
hoàn toàn không đồng ý. Làm sao Ô. Hòa biết hằng triệu chư tăng ni trên
thế giới hiện giờ họ đang khổ, và cụ thể là các nhân vật mà nhà báo Phi
Thanh nói tới, hiện giờ thì họ đang khổ lắm? Làm sao Ô. Hòa dám khẳng
định như vậy? Năm xưa nhìn con cá bơi lội dưới nước một người nói con cá
sướng lắm thì Lão Tử phản đối ngay “ Ông có phải là con cá không mà ông biết?”
Ngoài ra không biết Ô. Hòa có tham dự các buổi thuyết pháp của quý
Thượng Tọa Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ không? Trong các buổi thuyết
pháp này, có bao giờ quý thượng tọa bảo Phật tử phải bỏ tất cả, hủy tất
cả, hư vô hóa tất cả để sống với ảo tưởng kiếp sau ? Không, chắc chắn
là không. Tôi ở hải ngoại không có may mắn tham dự những buổi pháp thoại
như vậy. Nhưng qua Video tôi thấy quý thầy đã bám sát những vấn đề thực
tiễn của đời sống để khuyên răn quý Phật tử phải tu dưỡng bản thân,
không ngoài mục đích trở thành những người con hiếu thảo, một người bạn
tốt, một công dân tốt, biết thương mến và giúp đỡ người khác để biến
cuộc sống đầy khổ đau này thành Niết Bàn tại thế. Nếu có những cái mà
quý thầy khuyên hàng Phật tử nên buông bỏ đó là lòng tham, lòng ghen tị, lòng si mê, lòng ngã mạn coi thường người khác và nghĩ rằng mình là “number one”,
buông bỏ bớt lòng si mê danh vọng, quyền chức…Qua những lời giáo huấn
như vậy, theo Ông Hòa, vốn là nhà trí thức, có gì gọi là làm khổ người
ta không? Mới đây nhất nhân ngày khai hội Chùa Hương nhiều ngàn Phật tử
đã tới tham dự buổi Lễ Quan Âm do Thượng Tọa Thích Bảo Nghiêm chủ trì.
Nhìn vào hình ảnh chúng ta thấy nét hân hoan, cung kính của chư Phật tử
như thế nào. Có phải họ tới đây để chuốc lấy khổ đau không? Hay là qua
buổi lễ trang nghiêm này, chư Phật tử tìm thấy sự bình an, vững tin để
ngày mai thêm can đảm lao đầu vào cuộc sống áo cơm đầy căng thẳng, bất
trắc. Sự bình an, tin tưởng là giá trị tinh thần cao nhất của bất kỳ xã
hội nào nếu muốn tiến lên. Đây là điều mà chỉ chư cao tăng thạc đức mới
có thể làm được, chứ còn trần tục như Ô. Hòa, như tôi, dù chúng ta có
thêm vài văn bằng tiến sĩ nữa cũng không thể làm được. Nói xa hơn nữa,
các bạn Trần Hữu Trung, Nguyễn Văn Dũng và Kỹ Sư Hải, mai đây với lòng
tinh tấn tu hành, giới hạnh trang nghiêm, khi các bậc cao tăng thạc đức
tuổi già, có lẽ cũng sẽ đăng đàn thuyết pháp và sẽ đem lại lợi ích cho
đời giống như quý thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Thích Chân Quang, Thích
Nhật Từ đang làm ngày hôm nay. Vậy thì sự “ra đi” của ba thanh
niên nói trên đâu phải uổng phí? Nhìn vào khuôn khổ hạnh phúc gia đình
thì chúng ta thấy những người vợ bị thiệt thòi. Nhưng nhìn chung vào
nhân quần xã hội thì biết bao người được lợi lạc. Năm xưa một mình Công
Chúa Gia Du Đà La sống trong cô đơn, sầu tủi nhưng cả nhân loại được
hưởng một giáo lỳ kỳ diệu, cao thượng đã hơn 2500 năm nay.
Thứ ba: Ô. Hòa còn nói rằng “Cách lựa chọn lánh đời của những người này cho thấy họ đang u mê trong một số quan niệm sai lầm dẫn đến những hành vi sai lầm.”
Có thể nói đây là lời kết tội hết sức nặng nề, võ đoán không có cơ sở
chi cả, không biết dành cho tất cả các tôn giáo hiện đang có mặt trên
hành tinh này hay ám chỉ riêng Phật Giáo mà thôi? Tôi không hiểu tại sao
với cương vị trí thức và chức năng tâm lý gia chuyên giải quyết những
khúc mắc tâm lý cho đời, Ô. Hòa lại có thể dùng những từ ngữ nặng nề như
vậy? U mê có nghĩa là không sáng suốt từ đó làm những việc xuẩn động có
hại cho mình và cho người. Ví dụ: Thất tình tự tử chết là u mê. Thi rớt
quẫn trí tự tử chết là u mê. Tham lam quá đáng để thiệt thân là u mê.
Yêu cuồng yêu dại là u mê. Giặc dã nổi tứ phương, đánh tới chân thành,
vẫn còn ngồi trên ngai vui vầy mới rượu non gái đẹp là u mê. Nghe lời
đường mật của kẻ thù, mất cảnh giác như Thục An Dương Vương khiến mất
nước là u mê. Còn trong phạm trù tri thức, không biết gì hết, không truy
cứu ngọn ngành mà kết tội bừa bãi là u mê. Tin tưởng vào những lời tiên
tri, sấm truyền vu vơ, thần quyền toàn năng, toàn quyền, toàn trị là u
mê. Còn chuyện giác ngộ chân lý cứu đời rồi xuất gia mà bảo là U MÊ thì
tôi sẽ cãi tới cùng. Ngoài ra cho tới bây giờ tôi chưa thấy ai, dù kẻ đó
chuyên chống phá bôi lọ Phật Giáo, dám dùng danh từ U MÊ để gán cho
những người xuất gia đầu Phật dù người đó có gia đình hay không có gia
đình. Có thể đây chỉ là sự biểu lộ cảm tính thương-ghét của tác giả chứ
không phải là sự phân tích khách quan. Tôi nghĩ rằng trong các buổi
thuyết pháp, quý thầy không bao giờ “xúi” Phật tử xuất gia cả. Mà quý
thầy chỉ khuyên Phật tử nên tu tại gia và làm đầy đủ chức năng của cha,
con, chồng, vợ, cốt sao cho gia đình ấm êm, hạnh phúc, xã hội bình an,
đất nước an cư, lạc nghiệp. Còn chuyện xuất gia là hi hữu, là đại giác
ngộ, là cơ duyên lớn chứ không phải ai muốn cũng được. Như bản thân tôi
đây, sau những sóng gió nổi trôi của cuộc đời mới nhận ra tất cả đều hư
ảo cho nên đã có ý muốn xuất gia. Thế nhưng ý muốn đó bị giằng kéo bởi
tình cảm cho nên tôi đã làm hai cái thăm, một “xuất gia” một “tại gia”
và cầu xin chư Thiên, chư Bồ Tát chỉ bảo cho tôi. Cuối cùng tôi bốc phải
thăm “tại gia” và dĩ nhiên vẫn còn ở cương vị trần tục cho tới ngày hôm
nay. Vậy thì xuất gia đâu phải chuyện dễ? Và chúng ta cũng không nên
vội vã phê phán người ta.
Thứ tư: Còn nhà tâm lý tên Lưu thì cho rằng “đi tu chẳng qua là việc mơ hồ trong nhận thức về mục đích tồn tại trong cuộc sống của mỗi con người.”
Theo tôi hiểu thì đây là sự tranh luận về mục đích và ý nghĩa của cuộc
sống. Theo Ô. Lưu, ý nghĩa đích thực của cuộc đời là có vợ có chồng, xây
dựng hạnh phúc lứa đôi, sinh con đẻ cái, nhà lầu xe hơi, ăn ngon mặc
đẹp, danh vọng, của cải đầy kho, ở với nhau tới đầu bạn răng long và
không được đi đâu hết. Tới đây thì tôi hoàn toàn đồng ý với Ô. Lưu nhưng
câu hỏi đặt ra là cuộc sống chỉ dừng lại ở đó thôi sao? Khác với con hổ
hay con sư tử chẳng hạn, bắt được con nai hay con bò, bầy sư tử, hoặc
con hổ ăn uống no nê, vui sướng nằm phè ra, và ngày mai cũng lại như vậy
mà không cần ý thức tới đồng loại, không cần phải thăng hoa cuộc sống
gì cả. Cái mà Ô. Lưu gọi là “mục đích tồn tại trong cuộc sống”
đó có dễ dàng thực hiện và có khổ đau không? Có sự lừa lọc bội phản, có
tranh chấp, có lường gạt, giết chóc, đâm chém, đè nén nhau không? Rồi
thì kẻ sinh ra thì đẹp đẽ, thông minh, gia đình quyền quý, còn kẻ sinh
ra thì khuyết tật, nghèo hèn, bị bỏ rơi không nơi nương tựa. Khi khổ
đau, phiền não bất hạnh nảy sinh, Ô. Lưu có lo được cho họ không? Chính
quyền có thể cáng đáng hết không? Rồi khi cha mẹ mình qua đời, mình phải
làm gì để báo hiếu đây? Hay lúc đó chúng ta lại chạy tới Chùa để tìm
nơi nương tựa, để tìm nguồn an ủi. Chính do nơi phẩm hạnh của ni sư mà
chúng ta tin tưởng, từ đó chúng ta giải trừ bớt phiền não, khổ đau, biết
kiềm chế bớt tham vọng, biết chia xẻ với người khác, biết hy sinh chút
của cải để cứu đời…như thế theo Ô. Lưu có phải là “mơ hồ trong nhận thức về mục đích tồn tại của cuộc sống không?” Xin Ô. Lưu giải thích thêm cho.
Thứ năm: Còn nhà báo Phi Thanh, thay vì thông tin trung thực, ông lại phán một câu xanh rờn “ Phú quý sinh lễ nghĩa”.
Thưa Ông Phi Thanh, phú quý sinh lễ nghĩa có nghĩa là trước đây quê mùa
nghèo hèn, nay có chút của cải bầy đặt tổ chức tiệc sinh nhật linh
đình, tập nhảy đầm, hát karoke inh ỏi làm phiền hàng xóm, đồ ăn thức
uống kén chọn khen chê đủ thứ như thể mình sinh ra chốn cung vàng điện
ngọc, nuôi chó đầy đàn cho chó ăn ngon còn hơn người nghèo khó…như thế
gọi là phú quý sinh lễ nghĩa hay trưởng giả học làm sang. Còn chuyện
xuất gia cứu đời có ý nghĩa sâu sa của nó, dứt khoát không phải kiểu cọ
hay phú quý sinh lễ nghĩa. Xin ông cẩn thận trong việc dùng chữ kẻo “bút sa gà chết”.
Kính thưa quý vị, trên đây, dù nói gì đi nữa vẫn chỉ là sự tranh luận
đúng sai chứ chưa giải quyết được vấn đề. Tại Hoa Kỳ, trong một cuộc
tranh luận về một chuyện gì đó, sau khi một nhà bình luận đã công kích
hoặc lên án đủ điều, người điều khiển chương trình sẽ hỏi “ Vậy thì phương thức giải quyết của ông như thế nào?”
Nếu nhà bình luận không đưa ra được phương thức giải quyết thì khán giả
theo dõi chương trình sẽ coi ông ta như một người phá hoại và từ đó
người ta sẽ không bao giờ lắng nghe tiếng nói của ông ta nữa. Vậy thì
biện pháp giải quyết ở đây như thế nào? Trong thâm tâm, tôi không
khuyến khích những người đã có gia đình xuất gia, nhưng chắc chắn tôi
không lên án hoặc bài xích họ. Trong tinh thần Từ Bi, Hỉ Xả của Đạo
Phật, chúng ta có thể đưa ra những đề nghị như sau:
Thứ Nhất: Chúng ta
phải hết sức cảm thông với những người vợ, bởi vì giờ phút này họ rất cô
đơn, sầu tủi, chới với hụt hẫng. Họ mất đi một chỗ dựa vững chắc trong
cuộc đời, thiếu vắng một người bạn đời để chia ngọt xẻ bùi, sự khát khao
chăn gối vẫn còn đó, con cái thiếu đi một người cha. Bạn bè xấu miệng
có thể bàn tán rằng số bà này thế nọ, thế kia. Cha mẹ, anh chị em thiếu
hiểu biết cũng có khi không lời an ủi mà còn phiền trách. Công ăn việc
làm bị trở ngại hoặc dang dở. Trong tình thế khó khăn đó, người vợ cần
phải: Bình tĩnh, nghỉ ngơi, nếu là Phật tử thì nên niệm danh hiệu Nam Mô
Quán Thế Âm Bồ Tát, bớt tụ họp với bạn bè để tranh những lời bình luận,
phê phán vô trách nhiệm. Tránh tiếp xúc với báo chí vì báo chí sẽ khai
thác làm câu chuyện trở nên rắc rối thêm. Không nên gieo vào đầu con cái
ác cảm về người cha mà cố gắng giải thích cho con cái biết là “Bố lúc nào cũng yêu thương các con, nhưng bố có chọn lựa của bố. Một ngày nào đó bố sẽ về thăm các con.”
Rồi thì thời gian là liều thuốc tiên. Qua biến cố này, các bà có thể
cảm nghiệm được ngay lý vô thường của vạn vật mà tình yêu cũng nằm trong
quy luật đó mà “chán ngấy” tình yêu, cương quyết ở vậy nuôi
con. Nếu thấy quá cô đơn cần tiến thêm bước nữa thì cũng chỉ là chuyện
vui vẻ thường tình, không có gì phải mặc cảm hay xấu hổ.
Thứ hai: Còn về
người cha, phải quán chiếu bằng tâm lượng từ bi. Phải cảm thông và
thương yêu người vợ của mình. Dù ngày nay mình đã theo Phật, dù đã dứt
được luyến ái, vợ con ràng buộc nhưng giống như cọng ngó sen, dù đã đứt
đoạn nhưng tơ vẫn còn vương, tức nghiệp duyên mà mình gieo không phải
một sớm một chiều mà hết. Thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi cũng nên viết
thư về thăm hỏi vợ con, khuyến khích các con học hành, ca ngợi sự hy
sinh cao cả của người vợ. Và nếu có dịp thuận tiện nào đó cũng nên ghé
thăm nhà giống như Đức Phật năm xưa về thăm lại phụ vương và Công Chúa
Gia Du Đà La.
Kết Luận: Ngày nay Đạo Phật đang lan tỏa
trên toàn thế giới và loài người dù hơi trễ, đã bắt đầu nhận chân được
giá trị thực dụng và cao thượng của nó. Ngoại trừ số người độc thân xuất
gia, chúng ta cần phải nhận biết thêm con số những người đã có gia
đình, thành đạt trong xã hội bỗng dưng ngộ đạo bỏ nhà đi tu và cần coi
đó là chuyện bình thường. Tại Hoa Kỳ, những trường hợp ngộ đạo như vậy
cũng đã gây shock cho cả gia đình và nhiều khi bị gia đình từ bỏ. Thế
nhưng người “ra đi” vẫn vững tâm chấp nhận tất cả, và dù tôn giáo dòng
chính ở đây không phải Phật Giáo, tôi chưa thấy lời bình luận nào cho
rằng việc xuất gia như thế là “ u mê, mơ hồ trong cuộc sống, phú quý sinh lễ nghĩa và cần ngăn chặn…”
Là nhà bình luận hướng dẫn dư luận, chúng ta cần phải đọc, tìm hiểu
nhiều, cần có nhãn quan toàn cầu để không làm tổn thương đến những giá
trị mà chúng ta chưa được biết tới. Nam Mô Thường Hoan Hỉ Bồ Tát.
Đào Văn Bình (California ngày 17/2/2011)
Cước chú: Dấu (*) là những trích dẫn từ bài viết