LTS: Đầu Xuân mới, doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo, tác giả loạt bài hành trình chiêm bái Phật tích
đã đăng trong dịp Tết trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, đã gửi một bài
viết "khai bút đầu xuân" về những tịnh vật dâng cúng Phật và nhắn gửi
mong ước "nhân lành sanh quả ngọt".
Có
ai hỏi tôi khấn gì trong giờ phút thiêng liêng này không? Thưa, đây là
lời tôi khấn: "Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, bằng ngòi bút của
mình, với cái tâm trong sáng, cái trí trong trẻo, cái dũng trong sạch,
con nguyện đem những tinh hoa mà con đã gạn đục khơi trong ở thương
trường, ở cuộc sống và quá trình tu tập, trao lại cho giới trẻ - những
người rồi sẽ chịu trách nhiệm thịnh suy của đất nước, dân tộc và Đạo
pháp".
Khấn xong, trong lúc
tĩnh tâm, tôi tự đặt ra câu hỏi với mình, "Viết gì vào thời khắc thiêng
liêng này? Viết như thế nào để lòng này tới thẳng lòng kia trong ngày
đầu năm mới? Chọn chủ đề gì để sau khi đọc mọi người nhích lại gần nhau
hơn?" Không cần tìm kiếm đâu xa, ý tưởng bài viết vụt đến khi mắt tôi
chạm vào những tịnh vật trong mâm tôi dâng cúng Phật.
Nếu
kể về tịnh vật bày cúng Phật sáng nay thì đầu tiên phải kể đến hoa, hoa
Địa Lan. Với tôi, cúng hoa là dâng những tinh hoa của cuộc sống lên chư
Phật. Hôm qua là ngày cuối năm, ông bà chủ vườn Lan trong Lạc Dương -
Đà Lạt đến nhà thăm tôi. Khi đến, hai ông bà cầm theo bó hoa Địa Lan màu
vàng múi mít và nói, "Gia đình tôi không theo Đạo Phật như bà. Nhân dịp
năm hết Tết đến, chúng tôi chọn một chục cành Lan đẹp nhất vườn xin
biếu bà cúng Phật". Tôi hoan hỷ nhận hoa rồi kính biếu lại ông bà vài
quyển Đặc san Văn hóa Phật giáo Việt Nam và gói mứt gừng xứ Huế. Sáng
nay những cành Lan đó đã hiện diện trong mâm cúng Phật. Bài khai bút của
tôi năm nay thắm đượm hương Lan và sự giao thoa hướng thiện.
|
Tác giả tự tay chọn ngũ quả. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Tiếp
theo hoa Lan Đà Lạt là Trầm hương xứ Huế, nơi được dân gian thừa nhận
là "cái nôi của Phật giáo Việt Nam". Những nén Trầm đốt lên cúng Phật
sáng nay là quà của quý thầy, quý ni gởi từ Huế vào biếu tôi với lời
dặn, "Trầm này quý lắm, khi đốt lên chị nhớ ngồi tĩnh lặng thưởng thức
mùi hương, đó cũng là một cách thiền". Và tôi đã làm theo lời dặn, đốt
Trầm, tĩnh tâm, khai bút. Trong khi viết mùi trầm xứ Huế đã nhắc nhở tôi
rằng, "Để những con chữ được lấp lánh tánh Phật, khi cầm bút nhớ tránh
đưa "cái tôi" và "cái của tôi" vào bài viết". Tôi cầu mong, những dòng
chữ ngày đầu năm mới của tôi phảng phất tính thiền.
Sau
Trầm hương xứ Huế là bánh cốm của Hà Nội. Những tấm bánh cốm màu xanh
mơn mỡn, bên trong có nhân đậu xanh màu vàng ươm do gia đình của quý
thầy làm ngoài Bắc rồi gởi vào Nam biếu tôi ăn Tết. Như muốn thể hiện sự
thanh lịch của dân Hà thành, những tấm bánh này được gói rất khéo. Kèm
theo gói quà là cái thư viết tay với dòng chữ, "Bánh này trò nên ăn
trong lúc uống trà, khi ăn nhớ cắn từng miếng nhỏ; nếu ăn bánh trong tâm
trạng thanh thản trò sẽ cảm nhận được mùi thanh khiết của nếp non, vị
ngọt của đường phèn và hương thơm của đậu". Khi bày những tấm bánh cốm
Hà Nội lên bàn cúng khai bút đầu năm, là tôi đã tự dặn mình, "Nhớ, từng
chữ, từng câu phải cố gắng được như bánh cốm quý thầy gởi biếu: thanh
khiết, ngọt ngào và ngát hương".
Kế
bánh cốm Hà Nội là bánh tét Tiền Giang. Để có cặp bánh tét trong mâm
cúng Phật sáng nay là cả một kỳ công. Khi nhận cặp bánh tét, tôi được
nghe cô học trò của mình kể rằng, "Biết cô dành cặp bánh này để cúng
Phật, má em chọn nếp, chọn đậu, chọn lá kỹ lắm. Rồi chính tay má em pha
trộn và gói, tụi em không được đụng tay". Sáng nay khi cái bánh tét được
cắt ra xếp vào dĩa cúng Phật, tôi thấy từng khoanh bánh có bốn màu: màu
xanh của lá dứa, màu tím của lá cẩm, màu trắng của nếp và màu vàng của
đậu xanh. Từng màu được sắp xếp xen kẻ thật khéo léo, hạt nếp và đậu
xanh quyện chặt chẽ vào nhau. Cái bánh tét đẹp như một tác phẩm nghệ
thuật. Tôi biết má của cô học trò đã vừa làm bánh vừa niệm Phật. Bài
viết của tôi vào ngày khai bút mong sao chở được một phần nhỏ sự tinh
xảo của những khoanh bánh tét Tiền Giang.
Ngoài
những tịnh vật của những người thân quen biếu, mâm cúng Phật sáng nay
còn có dĩa ngũ quả do tôi ra chợ chọn mua về. Mâm ngũ quả của tôi có màu
sắc thật sinh động: màu hồng đậm đà Thanh Long Phan Thiết, màu ưng ửng
vàng Đu Đủ Đăk Lăk, màu vàng xen xanh Thơm son Tiền Giang, màu xanh biên
biếc Dưa Hấu Đồng Tháp và màu da vàng sáng trái bưởi Biên Hòa. Những
quả tươi tốt này đã góp phần cho mâm cúng Phật được đủ đầy, trọn vẹn.
Tôi lo lắng, liệu bài khai bút của có được sinh động đủ đầy như dĩa trái
cây?
Đức Phật dạy,
"...thành tựu nào cũng do sự tác hợp của nhiều nhân - duyên, chẳng có
vật nào độc lập mà có thể tồn tại". Tôi nghĩ, nếu không có mùi hương của
Lan Đà Lạt, mùi Trầm thanh tịnh của xứ Huế, vị ngọt ngào của bánh cốm
Hà Nội, sự tinh xảo của bánh tét Tiền Giang, dĩa ngũ quả đại diện cho
thành quả lao động của bà con nhiều vùng miền đất nước, và lòng thành
của một người Sài Gòn (là tôi), với Đức Phật, với xã hội và với độc giả
thì sẽ không thể có bài khai bút đầu năm này.
Nhân lành sanh quả ngọt là vậy.
Source : http://vef.vn/?vnnid=8917#
Link:
http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=5575