Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Những yếu tố cần thiết cho một vị giảng sư trong thời hiện đại
TT. Thích Giác Liêm
24/06/2012 07:29 (GMT+7)


Kể từ ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay, Giáo hội đã trải qua một phần tư thế kỷ với nhiều thành quả to lớn đạt được. Trong thời gian qua, các ban, ngành,viện từ Trung ương đến địa phương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo và các tổ chức giáo hội, hệ phái trong ngôi nhà chung Giáo hội đồng tâm hợp lực để cùng chăm lo Phật sự.

Và Ban Hoằng pháp Trung ương đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành các nghị quyết của Trung ương Giáo hội và chương trình hoạt động Phật sự của Ban đã đề ra. Hiện nay Giáo hội có nhiều thuận duyên trong các hoạt động Phật sự, trong đó có Ban Hoằng pháp Trung ương và các Tỉnh, Thành hội. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có chiến lược phát triển mang tính lâu dài để xiển dương Chánh pháp thì sẽ gặp không ít khó khăn khi đối diện với thực tế, nhất là đối với đời sống xã hội hiện nay đang bị chi phối bởi nền kinh tế thị trường, trong khi đó quảng đại quần chúng lại cần những món ăn tinh thần thiết thực.

Như vậy, chúng tôi thiết nghĩ, muốn thực hiện sứ mạng hoằng pháp trong thời hiện đại đạt hiệu quả tốt nhất, điều tiên quyết phải thực hiện theo những tiêu chí “THỜI – XỨ – VỊ”, hay nói cách khác, người sứ giả Như Lai mang sứ mạng hoằng pháp phải khế cơ, khế lý và khế thời mà đức Phật đã từng dạy các Thánh đệ tử trước khi lên đường du hóa hoằng truyền giáo pháp. Từ đó, qua những kinh nghiệm của các bậc tổ đức để lại, chúng ta thấy rằng: Đạo pháp được xương minh, ngoài sự thành tựu Thuyết thông, điều quan trọng nhất là vị giảng sư phải thành tựu được Tâm thông. Đây là hai vấn đề then chốt mà mỗi vị giảng sư cần phải hội đủ khi đăng lâm pháp tòa. Mặt khác, vị giảng sư phải hội đủ các đức tính cần thiết theo lời dạy của Thánh giả Phú Lâu Na, đó là: “Khéo biết pháp nghĩa; có thể giảng thuyết; không sợ sệt trước đám đông; biện tài vô ngại; nhiều phương tiện thiện xảo; tùy theo pháp mà thuyết giảng; đầy đủ oai nghi; dõng mãnh tinh tấn, nhẫn nại; thân tâm không mệt mỏi, thành tựu oai lực”. Trên cơ sở này, vấn đề ở đây được đặt ra là tại sao ngày xưa phương tiện vật chất khó khăn, dù bất cứ nơi nào các bậc Tổ sư cũng đều rất thành tựu trong công tác hoằng pháp; hôm nay, với đầy đủ phương tiện vật chất, nhưng chúng ta còn nhiều hạn chế trong sự nghiệp hoằng pháp?

Một vấn đề khác được đặt ra trong bối cảnh hoằng pháp hôm nay, là vị giảng sư phải như thế nào mới có thể đáp ứng đầy đủ những nhu cầu sai biệt của mọi tầng lớp quần chúng. Thời hiện đại việc gì cũng phải cập nhật và đổi mới từng giờ từng phút, do đó vị giảng sư ngoài việc trẻ hóa tâm hồn, còn phải thông thoáng trong hành xử mới bắt kịp sự phát triển của thời đại.   

Công tác hoằng pháp giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong việc đưa đạo vào đời. Tuy nhiên vấn đề những yếu tố cần thiết cho một vị giảng sư chưa được quan tâm đúng mức. Theo thiển ý của chúng tôi, để tìm đáp án cho công tác hoằng pháp trong thời đại mới, cần phải tìm ra nguyên nhân sâu xa của nó. Hiện nay, về nhân sự thì chúng ta không thiếu, nhưng những vị giảng sư có được những yếu tố cần thiết như tư tưởng dấn thân theo tinh thần nhập thế “nơi nào Phật pháp cần thì con đi, nơi nào chúng sanh cần con đến” (Hòa thượng Thích Thiện Hoa) thì không nhiều; họ chưa được trang bị một cách đầy đủ về kiến thức, phong tục, tập quán khi đến từng địa phương. Điều này có nghĩa là các vị giảng sư khi thuyết giảng Phật pháp chưa vận dụng được nguyên lý “Thời - Xứ - Vị” (hay nói cách khác là khế cơ, khế lý, khế thời) cũng như cách sử dụng nghệ thuật ngôn từ trong thuyết giảng. Điển hình, có vị khi thuyết giảng tùy tiện diễn đạt thiếu tính nhất quán về mặt nội dung của giáo pháp; lại có vị muốn phô diễn theo kiểu đề cao cá nhân, tạo nên một sự ngộ nhận của thính chúng về nội dung giáo lý Phật Đà.

Khó khăn trong công tác hoằng pháp hiện nay, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, đó là có sự chênh lệch quá lớn về trình độ giữa người giảng và người nghe. Xuất phát từ tình hình thực tế, chúng ta có thể rút ra là tại sao các bậc tôn túc giảng sư khi thuyết giảng dùng lời lẽ mộc mạc, giản dị, bình dân nhưng thính chúng lại hoan hỷ, cảm nhận một cách sâu sắc giáo lý và đạo tràng có rất đông người nghe, dù đạo tràng đó ở nơi nào; trong khi đó, các vị giảng sư trẻ khi thuyết giảng lại không được như các bậc tôn túc giảng sư. Phải chăng nguyên nhân ở đây là khi thuyết giảng Phật pháp, các giảng sư trẻ chỉ sử dụng một loại nghệ thuật ngôn từ duy nhất, thậm chí sáo mòn, chưa nghiên cứu tường tận hoặc chủ quan trong sáng tạo một cách quá mức dẫn đến xa rời thực tế, chệch hướng trong trình bày kinh điển, vượt quá trình độ tiếp thu của người nghe.

Theo thiển ý của chúng tôi, yếu tố cần thiết cho một vị giảng sư trong thời hiện đại là ngoài việc trang bị đạo đức, trình độ Phật học, vị ấy còn phải trang bị cho mình cách sử dụng ngôn từ khi thuyết giảng, nhưng chủ yếu vẫn là sự tự tôi luyện của vị giảng sư. Do đó, vị giảng sư phải biết cách vận dụng ngôn từ như thế nào đối với từng đạo tràng, từng địa phương và thính chúng. Nếu thuyết giảng ở vùng đô thị thì từ ngữ phải được gọt giũa, mang màu sắc trang trọng, bác học v.v…. Ngược lại, khi thuyết giảng ở vùng sâu, vùng xa, vị giảng sư phải dùng từ ngữ mang tính khẩu ngữ tự nhiên, cụ thể, nôm na, bình dân và thân mật v.v… Nói cách khác, dù sử dụng loại ngôn từ nào, điều thiết yếu là vị giảng sư phải đi sâu vào nội dung bài giảng và nhu cầu nghe pháp của thính chúng nhằm trình bày nội dung giáo lý một cách chính xác thì công tác hoằng pháp mới đạt kết quả như mong muốn.

Do đó, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau để khắc phục một số nhược điểm mà các vị giảng sư trẻ thường gặp phải:

1. Lâu nay chúng ta có tổ chức những khóa bồi dưỡng, nhưng chương trình quá dàn trải, không chuyên sâu, do đó chưa hỗ trợ cho vị giảng sư một cách tích cực trong thuyết giảng. Vấn đề này, Ban Hoằng pháp Trung ương cần thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng về phong cách cho giảng sư.

2. Các vị giảng sư được mệnh danh là kỹ sư tâm hồn, do đó khi thuyết giảng phải là thuyết giảng Phật pháp, những chuyện của xã hội để cho xã hội giải quyết. Hiện nay có sự mất cân bằng về đời sống tâm linh và đời sống vật chất, Phật tử rất mệt mỏi sau những ngày giờ lao động, họ đến giảng đường để có được sự an lạc của tâm hồn, họ quá chán ngán những chuyện của thế tục như chính trị, kinh tế v.v… . Tuy nhiên, có không ít giảng sư khi thuyết giảng lại lồng ghép những vấn đề của xã hội như thách đố về chính trị, thời cơ v.v…, dẫn đến tình trạng khi thuyết pháp, đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời. Theo thiển ý của chúng tôi, Ban Hoằng pháp Trung ương cần thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu về vấn đề nắm bắt tâm lý hội chúng cho các vị giảng sư.

3. Như đề cập ở trên, sự thành công của thời giảng là vị giảng sư phải sử dụng ngôn từ như thế nào, đối tượng thính chúng nào thì sử dụng ngôn từ bác học, đối tượng nào thì sử dụng ngôn từ bình dân, đây là một vấn đề mà các vị giảng sư chưa trang bị một cách đầy đủ và Ban Hoằng pháp cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức. Theo thiển ý của chúng tôi, Ban Hoằng pháp Trung ương cần thường xuyên tổ chức khóa bồi dưỡng chuyên sâu về phương cách sử dụng ngôn từ cho các giảng sư thì mới đáp ứng được những yếu tố cần thiết cho một vị giảng sư trong thời đại mới.

4. Mỗi vùng miền của Việt Nam có những đặc thù khác nhau về tâm lý, tình cảm, văn hóa, phong tục, tập quán tín ngưỡng, tôn giáo v.v… Nếu giảng sư chưa được bồi dưỡng về đặc thù của từng vùng miền thì khi đến đó sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa với sự cư trú của nhiều tầng lớp nhân dân trong cùng một địa bàn dân cư. Lâu nay những khóa bồi dưỡng, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Theo chúng tôi, những khóa bồi dưỡng sắp tới, Ban Hoằng pháp Trung ương cần lưu ý đến việc bồi dưỡng về phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của từng địa phương, từng dân tộc. Nếu được thế thì các vị giảng sư sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết trong việc hoàn thành trách nhiệm của một sứ giả Như Lai trong thời đại mới.

Ngoài các yếu tố vừa nêu, vị giảng sư phải là người hoàn thiện nhân cách, phẩm hạnh, đạo đức, lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau (tri hành hiệp nhất). Nếu vị giảng sư lúc thuyết giảng chỉ theo kiểu “đầu mồm nói suốt trăm phần diệu, dưới gót không ly một mảy trần” thì công tác hoằng pháp khó có thể thành công trong thời đại xã hội hiện nay.

Với những giải pháp mà chúng tôi vừa đề xuất, hy vọng qua buổi tọa đàm hôm nay, Ban Hoằng pháp Trung ương sẽ hoạch định một chiến lược lâu dài trong các khóa bồi dưỡng sắp tới. Với trách nhiệm và bổn phận của một đệ tử Phật, chúng tôi mạo muội đề xuất một vài phương án nêu trên, tin tưởng rằng Ban hoằng pháp Trung ương sẽ có những quyết sách hợp lý trong công tác hoằng pháp sắp đến. Những giải pháp mà chúng tôi vừa nêu mang tính chủ quan, do đó không sao tránh khỏi những điều làm phật ý chư tôn đức, rất mong được sự hoan hỷ và chỉ giáo của quý ngài.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang