Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Cải đạo tín đồ Phật giáo ở một khu dân cư Quận 6, TPHCM
Minh Thạnh (thực hiện)
25/10/2012 08:09 (GMT+7)

Theo thông tin từ một bạn đọc củaPhattuvietnam.net, đạo hữu Chánh Khai Nguyễn Mạnh Cường, CTV Phattuvietnam.netđã trực tiếp đến thăm và tìm hiểu thực tế cải đạo tín đồ Phật giáo tại một địa phương, Phường 1, Quận 6, TPHCM.

Dưới đây là một số ghi nhận từ cuộc trao đổi ý kiến với anh Chánh Khai Nguyễn Mạnh Cường.

Đạo hữu Chánh Khai Nguyễn Mạnh Cường là một bạn đọc thường xuyên của Phattuvietnam.net, với nhiều ý kiến phản hồi nội dung các bài viết cũng như nhiều thông tin cung cấp bổ sung cho các tác giả của trang nhà.

CTV Minh Thạnh: Thưa đạo hữu, xin đạo hữu đi vào chi tiết thực tế cải đạo tín đồ Phật giáo tại khu vực mà đạo hữu cư trú như đạo hữu đã thông tin.

Chánh Khai Nguyễn Mạnh Cường: Địa phương nơi diễn ra cải đạo tín đồ Phật giáo mà tôi muốn nói đến là Phường 1, Quận 6, TPHCM.

Thực tế cải đạo ở đây rất điển hình, có thể tiêu biểu cho tình hình cải đạo tín đồ Phật giáo ở nhiều địa phương khác.

Ở đây, hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo đã diễn ra mạnh mẽ từ khoảng hơn 20 năm nay.

Phường 1, Quận 6, TPHCM là khu vực sau Chợ Bình Tây, còn gọi là Chợ Lớn mới, có đông đảo cư dân người Hoa, hầu như đều theo Phật giáo. Cư dân trong hẻm tôi ở trước đây 100% là Phật tử, thường xuyên đi chùa Vạn Bửu, trên đường Gia Phú.

Khoảng những năm 1970, việc cải đạo tín đồ Phật giáo ở đây bắt đầu với việc xây dựng một nhà thờ Tin Lành, gọi là Nhà thờ Tin Lành Bình Tây. Nhà thờ và chùa cùng nằm trên một vùng tứ giác, khởi đầu cũng cùng một tình trạng như nhau, tương đối lụp xụp.

Tuy nhiên, vị trí nhà thờ và chùa vẫn phản ánh tình trạng chung. Nhà thờ nằm ở đường phố trung tâm hành chính quận 6, đối diện với Tòa hành chính Quận và hoa viên Phạm Đình Hổ. Còn chùa thì nằm ở mặt sau, trên đường Gia Phú nhỏ hơn.

Thời gian tôi còn nhỏ, nhà thờ rất thưa vắng tín đồ. Còn người đi chùa Vạn Bửu thì đông đảo. Nhưng từ những năm sau đổi mới, đã có nhiều Phật tử tại địa phương cải đạo sang đạo Tin Lành.

Đến khoảng năm 1992, khi tôi là một thanh niên, tôi nhớ là nhà thờ và chùa đã đông như nhau, mỗi cuộc lễ lớn có khoảng 60 – 70 người tham dự. Nhưng ở nhà thờ đã có thể gặp những khuôn mặt trước đây thường đi lễ chùa.

Sau 20 năm, đến nay, mỗi lần sám hối, chùa Vạn Bửu chỉ còn hơn mười người dự lễ! Còn nhà thờ Tin Lành mỗi chủ nhật có đến vài trăm người dự lễ, hầu hết trước đây là Phật tử. Nhà thờ được xây dựng mới, kiến trúc đồ sộ, có thang máy, máy lạnh.

Trong khi chùa Vạn Bửu thì vẫn mái tôn, xuống cấp qua thời gian.

CTV Minh Thạnh: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên?

Chánh Khai Nguyễn Mạnh Cường: Trước hết, là hoạt động cải đạo mạnh mẽ nhằm vào Phật tử chùa Vạn Bửu. Thêm vào đó là việc Hòa thượng trụ trì chùa Vạn Bửu viên tịch, chùa không có Tăng sĩ thừa kế. Tuy vậy, Ban hộ tự vẫn hết sức cố gắng duy trì những sinh hoạt chính như thời Hòa thượng trụ trì hành đạo. Thế nhưng, những hoạt động tín ngưỡng Phật giáo cổ truyền như tụng kinh, lễ bái, cúng tế… không thu hút được giới trẻ. Số người cải đạo bắt đầu từ giới thanh niên.

CTV Minh Thạnh:  Nhưng nếu số người lớn tuổi vẫn đi chùa thì chùa cũng vẫn đông Phật tử?

Chánh Khai Nguyễn Mạnh Cường: Không đâu! Đông đảo số thanh niên cải đạo thường là con cháu trong gia đình về vận động ông bà cha mẹ cải đạo, dần dần cải đạo cả gia đình. Nhiều gia đình tiểu thương hay sản xuất nhỏ chủ nhật đóng cửa cơ sở kinh doanh của mình cùng nhau đi nhà thờ làm lễ cả ngày.

CTV Minh ThạnhNhư vậy, quá trình cải đạo diễn ra dần dần?

Chánh Khai Nguyễn Mạnh Cường: Đúng vậy. Quá trình cải đạo ở địa phương tôi diễn ra dần dần, không đột biến. Thoạt đầu chỉ có một vài người cải đạo. Sau đó là cả gia đình. Số gia đình cải đạo cũng gia tăng theo thời gian. Trong đó, có nhiều Phật tử thuần thành, thường đi các chùa lớn trong thành phố như chùa Ấn Quang. Sau khi cải đạo, số Phật tử thuần thành là những con chiên ngoan đạo trong đạo mới, rất tích cực trong hoạt động tiếp tục cải đạo gia đình, bà con, hàng xóm, bạn bè…

Quá trình cải đạo cũng diễn ra dần dần ở việc từng bước dẹp bàn thờ tổ tiên. Thường thì nhà người Hoa nào cũng có bàn thờ. Cải đạo, họ không dẹp bàn thờ ngay một lúc, mà dẹp dần dần. Hầu như không thấy biến chuyển đột ngột trong việc cải đạo ở địa phương tôi. Mọi việc diễn ra từ từ.

CTV Minh ThạnhCác phương tiện vật chất có được sử dụng trong việc cải đạo tín đồ Phật giáo không?

Chánh Khai Nguyễn Mạnh Cường: Điều này tôi không rõ, nhưng nghe nói nhà thờ cũng rộng rãi trong việc giúp đỡ người khó khăn. Việc đó một chùa nghèo như chùa Vạn Bửu không thể làm được.

Tôi có thấy các em thiếu nhi đến sinh hoạt ở công viên Phạm Đình Hổ được cho kẹo bánh để rủ vào nhà thờ dự lễ. Cho vật chất như vậy cũng không đáng kể, nhưng kết quả của việc mời gọi rất lớn, số thiếu nhi từ công viên vào nhà thờ ngày càng đông, trong khi đi chùa Vạn Bửu rất ít các em thiếu nhi.

Tôi nghĩ là nếu phương thức cải đạo tập trung vào đối tượng người nghèo thì mới tốn kém vật chất, còn tập trung vào đối tượng giới trẻ như ở địa phương tôi thì sẽ không tốn kém gì nhiều.

Tôi thấy phần lớn những người dự lễ ở nhà thờ đều có vẻ là người khá giả. Họ ăn mặc rất lịch sự, sang trọng, đi xe đắt tiền, nên tôi nghĩ họ đóng góp tài chính nhiều cho nhà thờ hơn là nhà thờ phải giúp đỡ cho họ.

CTV Minh Thạnh: Trước hiện tình như thế thì chùa Vạn Bửu có cách gì để gìn giữ Phật tử?

Chánh Khai Nguyễn Mạnh Cường: Theo chỗ tôi biết là nhà chùa rất lúng túng. Vẫn còn đông đảo Phật tử đến chùa thắp hương vào dịp lễ tết, nhưng Phật tử đến tụng kinh, sám hối không còn nhiều. Vì Phật tử ít đi nên tài chính hiến cúng cũng giảm sút, chùa không thể tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội như trước. Cố gắng của chùa là duy trì sinh hoạt tôn giáo thường lệ với một số Phật tử lớn tuổi còn lại.

Việc cải đạo Phật tử ở đây rất bài bản theo mô hình đem từ Hồng Công sang, nên rất khó để đối phó.

Khởi đầu, có vẻ hoạt động của nhà thờ và chùa không liên quan gì đến nhau, việc bên nào bên đó làm. Nhưng qua thời gian, hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo định hình rõ ràng với đối tượng là Phật tử. Mục tiêu là làm sao để Phật tử thôi đi chùa, dẹp bàn thờ. Số gia đình Phật tử cải đạo trong xóm nhà tôi tăng lên như vết dầu loang. Phật tử đã cải đạo càng diễn tiến mạnh mẽ hơn nữa. Lúc thấy ra vấn đề thì đã có phần muộn màng, vẫn chưa tìm được cách đối phó.

Vấn đề nằm ở chỗ những sinh hoạt cổ truyền của nhà chùa như tụng niệm, lễ bái, cúng tế không thu hút được thanh thiếu niên. Còn các hoạt động khác chỉ là phần ngọn, không thể là cách đối phó với cải đạo. Mà thanh thiếu niên đã cải đạo rồi thì át sẽ tạo chuyển biến lớn trong tín ngưỡng gia đình, việc cải đạo ông bà cha mẹ chỉ còn là thời gian mà thôi.

CTV Minh ThạnhĐạo hữu còn có điều gì chia sẻ với quý bạn đọc Tăng Ni Phật tử?

Chánh Khai Nguyễn Mạnh Cường: Xin quý thầy cô và quý đạo hữu đừng xem thường việc cải đạo Phật tử. Trường hợp đối với địa phương tôi, đối với chùa xóm tôi không phải là trường hợp cá biệt.

Nếu có thấy trực tiếp hàng xóm của mình hết nhà này đến nhà khác dẹp bỏ bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên, thì mới thấy được hết sự nguy hiểm vô cùng của cải đạo. Hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Người ta biết tôi là một Phật tử thuần thành thì càng thường xuyên mời gọi đến dự truyền giảng, bằng đủ mọi phương thức. Nếu cải đạo được tôi nghĩa là sẽ cải đạo được cả gia đình tôi.

Tôi là giáo viên. Tôi thấy nhiều học sinh cải đạo bắt ông bà cha mẹ đưa đi nhà thờ rồi thuyết phục ông bà cha mẹ cùng dự lễ, để mục tiêu cuối cùng là dẹp bỏ bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên. Có khi đó là chuyện êm thấm, có khi gây mâu thuẫn, sóng gió, chia rẽ trong gia đình.

Cải đạo là đương nhiên, ắt phải liên hệ đến Phật giáo, vì khởi thủy, mọi người Việt Nam đều theo đạo Phật. Cải đạo là cải từ đạo Phật sang đạo khác. Vì vậy, cải đạo là vấn đề nóng bỏng của Phật giáo hiện nay. Nếu chỉ nhìn trong chùa có thể chúng ta chưa thấy cải đạo ảnh hưởng đến chùa như đối với địa phương của tôi là đã quá trễ.

Hai mươi năm không phải là một thời gian dài, nhưng cải đạo đã thay đổi diện mạo tín ngưỡng ở một địa phương. Cứ đà này, rồi 20 năm nữa mọi việc sẽ ra sao? Liệu ngôi chùa xóm tôi có còn tồn tại qua cơn bể dâu cải đạo?

Bao quanh Phật giáo là vòng xoáy cải đạo đang cuộn trào. Chúng ta phải nhận thức được vấn đề và tìm cách đối phó tích cực ngay bây giờ.

Lấy ví dụ là chùa Vạn Bửu, vì đây là chùa ở gần nhà thờ Tin Lành hơn cả, nhưng phải nói là việc cải đạo đã ảnh hưởng nặng nề lên nhiều ngôi chùa khác trong quận 6, như các Tịnh xá Khánh Hỷ, Đạt Quang, Bình Hòa và nhiều chùa khác… Từ đó, chúng ta có thể khái quát tình trạng chung ở nhiều địa phương khác, với nhiều trọng điểm cải đạo tương tự.

Trong khi phía các chùa bị cải đạo chưa tìm ra phương thức đối phó, thì các phương thức cải đạo liên tục được hoàn thiện, phát triển, đa dạng hóa, tập trung cao độ vào thanh thiếu niên nhi đồng, khiến áp lực cải đạo ngày càng trở nên nặng nề đối với tín đồ Phật giáo, tốc độ ngày càng gia tốc.

CTV Minh ThạnhCảm ơn đạo hữu về những thông tin và ý kiến đã chia sẻ.

MT (thực hiện)

 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang