Mới
đây, vấn đề sư giả lại được dư luận quan tâm với bài trả lời phỏng vấn
của cư sĩ Từ Vân Phạm Nhật Vũ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Truyền
thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với phóng viên báo An Ninh Thế giới.
Thống nhất với quan điểm cơ bản của cư sĩ Từ Vân Phạm Nhật Vũ về việc “khi
đề cập đến hiện tượng này, những người làm báo như chúng ta cần hết sức
thận trọng, cần điều tra kỹ lưỡng để tránh nhầm lẫn, gây tổn hại đến uy
tín chung của GHPGVN và uy tín riêng của những người tu hành”, chúng tôi thấy cần có những ý kiến bàn luận mở rộng từ những luận điểm mà bài trả lời phỏng vấn nêu ra.
Để
giải quyết vấn đề sư giả, thì xác định sư giả không khó, xử lý sư giả
như thế nào mới là chuyện khó. Hai việc này lại có liên quan đến nhau,
chính vì xử lý sư giả khó, nên trở lại, người ta có thể chất vấn chính
việc xác định sư giả.
Trong bài trả lời phỏng vấn có nhan đề “Rất cần thận trọng khi phản ánh hiện tượng giả sư”, cư sĩ Từ Vân Phạm Nhật Vũ cho biết “vẫn
cần phải nói rõ ràng là GHPGVN chỉ có thể xử lý cá nhân hay nhóm trong
trường hợp cá nhân hay nhóm đó là thành viên chính thức của GHPGVN”.
Quan
điểm này rất chân thành, rõ ràng, minh bạch đối với vấn đề sư giả. Đúng
là như vậy, nhưng nếu chỉ như thế thì phạm vi vấn đề sẽ thu hẹp lại rất
nhiều và cần phải nói sao với những trường hợp còn lại, mà chắc chắn
chiếm một tỷ lệ áp đảo. Nếu người giả sư phủ nhận mình thuộc GHPGVN, thì
chúng ta cần phải làm sao với họ? Không lẽ bó tay mà nhìn họ nghênh
ngang làm sư giả?
Trường
hợp Duy Tuệ là một ví dụ. Ông này rõ ràng không phải là sư, thêm vào đó
ông ta viết sách, giảng bài bài xích Phật giáo, bài xích Tăng bảo. Thế
nhưng, y lại cạo tóc, mặc áo tràng vàng, đỏ đủ màu, làm ra vẻ y như sư,
chụp rất nhiều hình trong hình tướng tăng hay gần như thế, tung lên
mạng. Giả sư như thế đã rõ ràng, có điều lúc giả, lúc không, lúc lại
công kích tăng sĩ, không biết thế nào mà lần. Nếu căng về giấy tờ thì
tất Duy Tuệ rõ ràng không thuộc GHPGVN, mà trái lại, tự xác định vị trí
đối nghịch với Phật giáo, coi việc bài Phật giáo là chuyện cần làm hàng
đầu. Y giả hình thức sư, có khi để nói năng như Tăng sĩ Phật giáo, có
khi làm như trêu ghẹo, đùa giỡn, châm chọc, có khi để gây hiểu lầm, rằng
y đã qua tu hành, giờ phản tỉnh rút ra một số kết luận. Điều tóm lại là
y chưa xuất gia, chưa thọ giới một ngày một giờ nào hết. Thế mà, giả sư
công nhiên, lại còn giả như thế để bài xích đạo Phật.
Hiện
nay, việc xác nhận trực thuộc GHPGVN chỉ chủ yếu mới có đối với chư
Tăng Ni. Còn đông đảo tín đồ thì họa hoằng lắm mới có người được cấp
chứng nhận tín đồ, một số đông có chứng nhận quy y, nhưng do chùa cấp.
Số không có phái lại càng nhiều hơn nữa. Số đông đảo này về mặt hành
chính, là ngoài GHPGVN. Như vậy, làm sao xử lý họ?
Những
người đã tu hành đàng hoàng, thì cho dù ở cấp nào hành vi giả sư vẫn
hiếm. Giả sư thường là những kẻ không hề tu hành, không liên quan gì đến
Giáo hội, thậm chí, có thể thuộc thành phần trộm cướp bất hảo. Cái áo
tràng lam hay nâu người đi chùa (có hay không được xác nhận là tín đồ)
đều có thể mặc, thường thì nam giới hiện nay đều có thể cạo tóc khi
muốn. Mà cạo tóc + áo tràng thì đã có hình tướng sư. Không có giấy chứng
nhận giới điệp đương nhiên là sư giả. Chỉ cần họ đứng trước cổng chùa
ngày có đông khách thập phương thì đã có thể quyên tiền. Số này rất
đông, và là vấn đề lớn hiện nay. Còn lại họ làm những chuyện nghiêm
trọng hơn, với sổ vàng, đề án xây chùa, kế hoạch từ thiện, leo leo một
bậc nữa là để bài xích Phật giáo như Duy Tuệ đã làm.
Sư
giả xuất hiện khắp nơi: sân chùa, tam quan, ngoài chợ, gõ cửa từng nhà,
lên mạng. Tình trạng như hiện nay không phải là tận cùng của bi hài
kịch sư giả. Họ đã giả được rồi thì có gì mà họ không dám làm. Nếu để
xảy ra một vụ án nào đó dính líu đến người giả sư thì tồi tệ vô cùng.
Khi
cư sĩ Từ Vân Phạm Nhật Vũ kêu gọi thận trọng, để tránh tổn hại uy tín
của GHPGVN, uy tín của những nhà tu hành chân chính, thì trong thực tế,
sư giả đã gây nên việc tổn hại gián tiếp, thật giả bất phân, chính tà
lẫn lộn.
Làm
sư giả dễ quá, nên cỡ như Duy Tuệ vẫn không ngần ngại mà giả sư. Y
không xưng đại đức, thượng tọa, mà xưng là “đạo sư”. GHPGVN không có
“đạo sư”, vậy là đành bó tay hay sao?
Đành
rằng một tổ chức đương nhiên không thể xử lý những người ở ngoài tổ
chức đó, nhưng nếu tổ chức đó có đồng phục, một chỉ dấu phân biệt với
người ngoài tổ chức về mặt hình thức, thì sự giả dạng, gây lầm lẫn ngộ
nhận ảnh hưởng đến uy tín, đến vị thế của tổ chức, đã là vấn đề phải xử
lý!
Nhân
cơ hội góp ý tu chỉnh Hiến chương GHPGVN, vấn đề cần phải được đặt ra
để tìm biện pháp xử lý. Nếu không, sư giả chẳng những xuất hiện ngoài
chợ, trước chùa, mà lên cả trên mạng, cao giọng phỉ báng công kích Phật
giáo.
Nếu
chưa thể xử lý triệt để được vấn đề bằng luật pháp, thì Phật giáo Việt
Nam chúng ta nên tích cực xử lý bằng truyền thông. Đối với những trường
hợp nào biết chắc đã là sư giả, thì không nên nương tay trong việc vạch
mặt, làm tê liệt hoạt động của bọn họ. Nương tay với sự giả dối có nghĩa
là dung túng để họ tiếp tục làm điều giả dối và có thể gây hậu quả khó
lường cho Phật pháp.
Trên
hết, cần đặt vấn đề ở khía cạnh luật pháp. Lẽ nào, GHPGVN lại không thể
có thẩm quyền đối với hình tướng tu sĩ của mình, không thể có những
biện pháp bảo vệ sự tôn nghiêm của hình thức tăng bảo?
MT