Thanh niên là thích thực tế, ưa hoạt động nên không cần để ý đến.
Nhưng nếu các bạn chịu khó một chút, nghiền ngẫm lại vấn đề giải thoát,
các bạn sẽ than rằng: “Chúng ta đã lầm! Giải thoát là thực tế, là hoạt
động, là hoài vọng mà mỗi chúng ta đang thiết tha ôm ấp, đâu phải là
chuyện xa xôi.” Do đó, đem vấn đề này bàn với các bạn, theo tôi thiết
nghĩ không phải là việc vô bổ.
Khi đi sâu vào vấn đề, trước phải hiểu nghĩa chánh của nó. Giải thoát là gì?
Giải
là cởi mở mọi sự trói buộc. Thoát là vượt ra ngoài vòng trói buộc một
cách tự do tự tại. Giải thoát là cởi mở tất cả xiềng xích trói buộc,
giam hãm con người, để tâm hồn và thể xác hòa điệu cùng vũ trụ bao la
một cách tự do tự tại. Để được dễ hiểu và gần gũi hơn, chúng ta có thể
tạm dùng danh từ tự do thay cho giải thoát.
Có bạn trẻ nào mà
không yêu chuộng tự do. Nếu bạn là người sanh trưởng nơi thôn dã, bạn có
ưng giam hãm suốt đời mình dưới nếp nhà tranh ấm cúng, trong lũy tre
làng thân yêu mãi chăng? Hay bạn ước mơ có ngày sẽ bước chân ra khỏi
cổng làng, vượt lên đỉnh núi cao chót vót, nhìn con sông bạc uốn quanh,
thửa ruộng vàng mơ dợn sóng. Và một buổi chiều xuân mát mẻ, bạn đứng
trên bãi cát trắng phau, lặng nhìn những đợt sóng xanh gầm thét, rượt
đuổi nhau trên mặt trùng dương bát ngát, những cánh buồm trắng đang nhấp
nhô ở chân trời mờ đục. Chắc là bạn không ưng đóng khung kiến thức, mà
muốn phóng tầm mắt nhìn khắp nước non.
Hoặc bạn là người trưởng
thành nơi đô thị, bạn có thỏa mãn suốt đời mình cứ khuôn trong gian nhà
nóng bức, quanh quẩn chỉ trong vòng thành phố nghẹt người ấy không? Hẳn
là không. Bạn đã ôm mộng một ngày nào đó sẽ đạp gió tung mây để góp mặt
cùng mọi người trên khắp năm châu thế giới.
Như thế, là các bạn đã ôm hoài vọng giải thoát sự giam hãm, sự đóng khung của kiến thức rồi.
Bạn
là một thanh niên, có bao giờ bạn muốn đời mình bị lệ thuộc vào kẻ
khác. Nếu vô phước đã bị, bạn đã có hoài bão một ngày kia bạn sẽ thoát
khỏi và rồi vĩnh viễn không bị lệ thuộc vào ai. Đó là bạn đã có hoài
vọng giải thoát sự lệ thuộc của cá nhân vậy.
Hơn thế nữa, chắc
nhiều khi bạn cũng mơ tưởng phải làm sao cho thể xác hoàn toàn tự do,
tâm hồn khoáng đãng, không còn bị một sự chi phối nào cả. Thế bạn không
có mộng giải thoát là gì ?
Nói như vậy, không có nghĩa là muốn
giải thoát phải bỏ gia đình sống theo lòng dục của mình. Như có một ít
thanh niên hiện tại, hấp thụ được một ít cặn bã của nền văn minh Âu Tây,
rồi lên tiếng đòi hỏi tự do theo sở thích cá nhân. Họ cho sống trong
gia đình bị sự ép buộc câu thúc theo khuôn lý đạo đức khiến họ hết tự
do, cần phải đả phá luân lý gia đình, đề cao sự phóng túng cá nhân là
được tự do. Quan niệm thế, là lầm to! Ở trong gia đình mà trên ra trên,
dưới biết bổn phận dưới, cha hiền con thảo không phải tự do là gì? Nếu
sống một mình mặc tình ngông ngông nghênh nghênh, lang thang vô gia cư,
vô sự nghiệp thì ai dám bảo đó là tự do ?
Thảng hoặc có người bất
chấp luật lệ hiện hành của quốc gia, nghênh ngang muốn làm chi thì làm.
Họ cho rằng còn theo luật lệ là còn bị câu thúc. Cái hiểu lầm ấy rất
hại cho xã hội. Nếu một quốc gia mà mặc tình ai muốn cướp của, giết
người... tùy ý thì còn gọi được là quốc gia không? Con người mà tự do
đến mức đó, còn có thể gọi là tự do nữa chăng? Thí dụ: Những đại lộ tại
Sài Gòn, nếu tất cả loại xe chạy tự do, không cần theo luật lệ đi đường,
theo sự điều khiển của cảnh sát viên thì một ngày gây ra biết bao nhiêu
tai nạn! Người ta sẽ được tự do, khi nào mọi người đều tuân theo kỷ
luật một cách trung thành.
Lại có người bảo: “Đạo Phật nói rằng trọng tự do, mà mới vào đạo đã
phải giữ giới, như vậy là trói buộc, chớ làm gì có tự do.” Đó là một
hiểu lầm nữa. Chúng ta thấy đoàn xe lửa chạy trên đường rầy, nếu có
chiếc nào bất chấp đường rầy thì chiếc ấy ra sao? Hẳn là rơi xuống
ruộng, lật nhào và nằm ỳ một chỗ. Như vậy, đoàn xe lửa muốn chạy suốt
đến đích của nó đã định, phải theo đường rầy một cách trung thành. Cũng
thế, người tu theo đạo Phật cốt mong được giải thoát, giới luật Phật chế
ra là con đường rầy để đưa đến mục đích giải thoát. Như Phật dạy đệ tử
phải giữ giới không được trộm cướp, nếu Phật tử cãi đi trộm cướp, có
ngày bị còng trói và giam hãm trong khám đường. Ấy đủ biết người giữ
giới, người không giữ giới, tự do hay mất tự do thế nào rồi.
Các
bạn! Những điều trình bày trên cho thấy tai hại của sự hiểu lầm về tự do
hay giải thoát. Giờ đây, để thực hiện giải thoát, chúng ta phải theo
tuần tự của nó.
Trước giải thoát phần thể xác. Chúng ta không nên
hoàn toàn ỷ lại vào ai, dù cha mẹ cũng thế. Người sống chỉ biết ỷ lại
là người mất tự chủ. Khi ta mong nhờ ai một điều gì, nếu người ấy bảo ta
làm một vài việc không thích ý, nhưng vì để được việc mình, ta buộc
lòng cũng phải làm. Đó mới nhờ một việc thôi, còn mất tự do như vậy,
phương chi những kẻ tất cả đều trông cậy vào người khác, thì khác nào
khúc gỗ, mặc tình ai lăn đâu thì lăn, chặt, cưa gì cũng được. Để sống
một cuộc đời giải thoát ta phải tự lực tự cường, sự giúp đỡ của cha mẹ
anh em nếu có chỉ là một phần phụ thôi.
Cũng phần thể xác, chúng
ta cần phải giải thoát những bịnh ghiền (nghiện). Có ai tự thuở lọt lòng
mẹ đã mang bệnh ghiền thuốc điếu, ghiền rượu, ghiền á phiện... đâu,
thưa các bạn? Bởi vì do phong tục tập quán của xã hội, hoặc vui chơi tập
dần dần thành mang bệnh ghiền. Chúng ta thử xét qua những người mang
bệnh ghiền ấy như thế nào.
Người mắc bệnh ghiền thuốc điếu. Tuy
thuốc điếu không đắt giá mấy, tùy túi tiền nặng nhẹ mà hút thuốc ngon,
thuốc dở và cũng không có hại làm say sưa người; nhưng đã là ghiền thì
đều bị ràng buộc cả. Người mắc bệnh ghiền thuốc điếu, nếu khi gặp hoàn
cảnh phải nhịn cả buổi, hoặc trọn ngày; lúc ấy ở trên gió ai nhả vài làn
khói trắng bay xuống, vì còn tự ái, ý chưa nhất định đi xin mà cặp chân
nhắm hướng bước đến. Khi cần đi đâu thì kè kè một đãy, nào giấy, nào
hộp quẹt, nào thuốc, nếu lỡ quên một thứ thì nghe bực tức khó chịu.
Đến
ông ghiền rượu. Nếu ông đã quen mỗi sáng một cốc, mỗi chiều một cốc,
khi nào thất cữ một cái là ông ụa ọe hằng giờ, ăn không ngon, ngủ không
được, rầy vợ, đánh con. Trái lại, sức ông chở nổi một cốc, mà ép đến ba,
bốn cốc, thì cũng ụa mửa lai láng, cũng rầy vợ, đánh con. Tới cữ ghiền
mà không có rượu, đang làm việc gì cũng bỏ, chạy ngược chạy xuôi đi mượn
tiền, hoặc mua chịu mua đựng. Đã mắc phải cái cảnh ấy thì còn gì là tự
do, tự chủ.
Rất nguy hiểm là ông ghiền á phiện. Tiêu nhà hết của,
thân thể hao mòn cũng do bị bệnh ghiền này. Cũng may, hiện giờ Chánh
phủ đã cấm, không cần phải bàn đến.
Ở đời rất mâu thuẫn, người ta
thích tự do, ưa giải thoát mà cũng ưa tập những bệnh ghiền. Khi đã mang
một bệnh ghiền là đã tự lấy dây cột trói mình một lớp. Càng mang nhiều
bệnh ghiền là tự cột trói mình càng dày càng chặt, những người ấy biết
bao giờ trông thấy được chân trời tự do giải thoát. Bởi vậy, thanh niên
các bạn đã yêu chuộng tự do, yêu chuộng giải thoát, các bạn nên lánh xa
những sự trói buộc này, đừng để mình tự mâu thuẫn lấy mình.
Như thế, mới giải thoát về hình thức. Đến đây tiến lên một mức nữa, giải thoát tâm hồn.
Về
mặt tâm hồn, các bạn nên ý thức rằng: “Không ai cởi mở được cho ta,
chúng ta phải tự cởi mở lấy.” Các bạn đừng nên phó thác cả tâm hồn mình
vào một đấng thần linh, một đức Phật hay một Thượng đế... nào để mong
cứu rỗi. Phật dạy: “Các người phải tự thắp đuốc lên mà đi.” Phần thể xác
chúng ta còn không thể ỷ lại được, phương chi về tâm hồn lại tế nhị
hơn, mà đem phó thác cả nơi các ngài sao? Nếu người trông cậy vào một
nghị lực của thần linh cứu rỗi để được giải thoát, khác nào kẻ leo núi
ôm theo hòn đá to, mong nhờ sức nặng của hòn đá sẽ đưa lên tận đỉnh núi.
Nói thế không phải phủ nhận sự gia hộ của các ngài, nhưng chúng ta phải
nhận trách nhiệm chính tự mình cứu rỗi. Nếu có gia hộ chăng, các ngài
chỉ là một phần phụ thôi. Đức Phật thường dạy:
Ta là ông thầy chỉ
đường, đã chỉ đường cho chúng sanh, nhưng đi hay không đi là tùy chúng
sanh, chớ không phải lỗi tại người chỉ đường.
Xác thật nhất, tâm
hồn muốn được giải thoát, chúng ta phải tiêu diệt phiền não. Anh chiến
sĩ muốn trên đường về tự do ca khúc khải hoàn là phải diệt tận quân thù.
Nếu quân thù chưa diệt, anh chiến sĩ không mong gì có ngày khải hoàn
tươi đẹp. Các bạn trẻ! Các bạn muốn tự do, muốn được giải thoát, trước
hết các bạn phải trừ diệt bọn tham, sân, si... và những tánh xấu trong
người. Như bạn thừa biết khám đường là chỗ không tự do, không bao giờ
bạn chịu đến đó. Thế mà, một hôm có thằng nhãi con nào đó chọc tức bạn,
bạn không thể dằn được, sẵn trong tay cầm khúc cây to, bạn phang cho nó
một cái cho đã giận. Khổ thay! Khúc cây bị nhiệt lực của bạn đẩy quá
mạnh va vào đầu, nó té xỉu, máu me lai láng. Liền đó bạn bị điệu về bót
và mấy hôm sau dời sang khám đường. Ấy thế bọn tham, sân... ngày nào còn
trong người bạn, ngày ấy bạn chưa được tự do. Những việc bạn biết là
hại, là xấu, thế mà bị sự thúc đẩy của phiền não rồi bạn phải làm, rốt
cuộc bạn phải chịu đau khổ xấu xa. Cho nên tiêu diệt phiền não ở nội
tâm, là căn bản của người thích tự do, chuộng giải thoát.
Có lắm
người đòi hỏi tự do, mong cầu giải thoát, mà cứ đòi hỏi nơi kẻ khác,
mong cầu nơi bề trên, hoặc đôi khi chà đạp tự do của người ta để mình
được tự do, những điều ấy thật là việc mò trăng đáy giếng, bắt bóng trên
không, làm gì có kết quả. Sao ta không quay lại bản thân ta, tâm hồn ta
để đòi hỏi mong cầu, có phải thích hợp, xác thật và chắc chắn không?
Tóm
lại, tuổi trẻ là tuổi yêu chuộng tự do, yêu chuộng giải thoát. Để đạt
được hoài vọng này, các bạn hãy trông cậy vào mình, tranh đấu với mình,
khi dứt sạch được những bệnh ghiền, những phiền não... các bạn giải
thoát hiện tiền. Để được sự hướng dẫn chân chánh, bạn hãy lấy giáo lý
của đạo Phật làm tiêu chuẩn cho sự giải thoát. Phật dạy: “Tất cả nước
biển chỉ có một vị mặn, tất cả giáo lý của ta chỉ có một vị giải thoát.”
Sự chú trọng giải thoát như thế là tuyệt đích. Cũng vì thế, giáo lý của
Phật rất thích hợp với nhu cầu với khả năng của các bạn. Các bạn hãy
mạnh dạn khai triển khả năng mình càng sớm càng hay.
H.T Thích Thanh Từ
http://thienviendaidang.net