Theo nội dung phần “Giới thiệu” (trang 3), thì “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ Đông
sông Sài Gòn đối diện quận 1, với tổng diện tích 657 ha. Khu Đô thị mới Thủ
Thiêm được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của thành phố Hồ
Chí Minh, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ
cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế, là trung tâm văn hóa, nghỉ
nghơi, giải trí mà Trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển”.
Qua nội dung cuốn sách,
người đọc có thể thấy nhiều công trình công ích, công cộng, hành chính, văn
hóa, khoa học, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, giải trí, nghỉ ngơi thư giãn,
giao thông, thông tin truyền thông, dịch vụ, thương mại… đã được trù tính, quy
hoạch.
Duy không thấy quy hoạch
các công trình phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo, với đa số người dân
theo đạo Phật và có xu hướng tín ngưỡng Phật giáo.
Sài Gòn – TPHCM được
quy hoạch đô thị theo kiểu phương Tây từ cuối thế kỷ XIX, bởi chính quyền thực
dân Pháp sau khi đánh chiếm. Quy hoạch khu trung tâm thành phố của thực dân
Pháp, về cơ bản, là diện mạo TPHCM hiện nay.
Quy hoạch đô thị Sài
Gòn của thực dân Pháp chú ý nhiều đến khía cạnh tôn giáo, và thể hiện thành phố
Sài Gòn như là một thành phố theo đạo Ca tô La Mã. Nhà thờ chính tòa nằm ở
trung tâm thành phố, ngay bên cạnh dinh Norodom, trung tâm quyền lực của cả
Đông Dương. Nhà thờ và tượng Đức Mẹ nhìn xuống con đường được coi là đẹp nhất
thành phố, dẫn ra công viên bờ sông.
Các nhà thờ khác đều ở
những vị trí đẹp nhất. Một khu vực rất lớn của đạo Ca tô La Mã tọa lạc sát nơi
mà về sau, chính quyền Sài Gòn xây dựng Phủ Thủ tướng.
Một khu trường học – tu
viện lớn khác nằm gần như đối diện với dinh thự sau này chế độ Sài Gòn dùng làm
phủ Phó Tổng thống.
Quy hoạch đô thị Sài
Gòn cuối thế kỷ XIX của thực dân Pháp như vậy, ngoài việc thể hiện Sài Gòn là một
đô thị theo đạo Ca tô La Mã, tạo vị thế chính trị, văn hóa, xã hội cho đạo Ca
tô La Mã, còn là môi trường hết sức thuận lợi để đạo Ca tô La Mã hoạt động và
phát triển hàng trăm năm về sau.
Quy hoạch công trình
tôn giáo cho một đô thị là điều cần thiết và bắt buộc phải có. Tuy nhiên, hiện
trạng đô thị Sài Gòn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX do thực dân Pháp để lại là một
biểu hiện cho thời kỳ đất nước chúng ta bị thực dân Pháp đô hộ, không phản ánh
đúng bức tranh tôn giáo của đất nước.
Việc tạo diện mạo một
thành phố Sài Gòn theo đạo Ca tô La Mã đã bộc lộ những vấn đề về mặt chính trị
xã hội, nhất là sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm theo đường lối độc tôn đạo Ca
tô La Mã bị lật đổ vào năm 1963.
Chính quyền Sài Gòn sau
đó (1964) cố gắng điều chỉnh việc này bằng cách quy hoạch khu đất dành cho Phật
giáo làm Việt Nam Quốc Tự. Điều này đã không đạt kết quả vì nhiều lý do lịch sử.
Vì vậy, cho đến nay diện
mạo kiến trúc tôn giáo của TPHCM vẫn là diện mạo một thành phố theo đạo Ca tô
La Mã với vương cung thánh đường nguy nga, hoành tráng nằm ở khu trung tâm hành
chính thành phố.
Trong bối cảnh nước nhà
độc lập, thống nhất, thì diện mạo tôn giáo của kiến trúc đô thị TPHCM tất nhiên
cần phần được điều chỉnh, theo hướng phản ánh một thành phố đa tôn giáo, trong
đó Phật giáo là tôn giáo truyền thống dân tộc và có số lượng tín đồ đông đảo
hơn cả.
Tuy nhiên, các nhà quy
hoạch đô thị ở TPHCM dường như chưa chú ý đến điều này, nên khu vực đô thị mới
của TPHCM dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7 không hề có dấu vết đường nét truyền
thống Phật giáo.
Nay, việc quy hoạch khu
đô thị mới Thủ Thiêm là một cơ hội để phần nào điều chỉnh diện mạo kiến trúc
TPHCM theo hướng phát triển trong bối cảnh nước nhà độc lập, thống nhất.
Diện mạo Phật giáo cho
khu đô thị mới Thủ Thiêm là một nét kiến trúc cần thiết để thể hiện tính chất
đa tôn giáo, đoàn kết tôn giáo ở TPHCM.
Không thay đổi quy hoạch
diện mạo một thành phố theo đạo Ca tô La Mã mà thực dân Pháp để lại sẽ không chỉ
là vấn đề kiến trúc, văn hóa, mà còn là vấn đề chính trị, xã hội.
Hình ảnh TPHCM trong bối
cảnh quốc tế vẫn duy trì những nét nhấn chính theo hướng quy hoạch của thực dân
Pháp đã làm thiên lệch hình ảnh tôn giáo của thành phố, không đúng như thực trạng.
Điều đó không có lợi cho những hoạt động chính trị, xã hội, vốn đều liên hệ mật
thiết ít nhiều đến tôn giáo.
Chính quyền Sài Gòn
và Giáo hội Phật giáo trước đây ở miền
Nam đã ý thức được điều này. Việc chọn dùng từ “Việt Nam Quốc Tự” là có ý đối
trọng với “Vương cung Thánh đường”.
Đây là vấn đề chính trị,
xã hội, văn hóa, lịch sử có ý nghĩa, tác động đến nhiều thế kỷ, nhiều thế hệ,
không phải chỉ là vấn đề kiến trúc, xây dựng trước mắt.
Diện mạo văn hóa, xã hội,
tôn giáo TPHCM, nếu vẫn cứ là biểu tượng 2 tháp chuông cao vút của Vương cung
thánh đường Sài Gòn như trong phim, ảnh trình chiếu, lưu hành trong và ngoài nước
bấy lâu nay sẽ không phản ánh chân thực bức tranh xã hội, văn hóa TPHCM hiện
nay.
Hệ quả của sự phản ánh
không trung thực như vậy là điều không có lợi về nhiều mặt, không chỉ ở khía cạnh thông tin, tuyên truyền.
Chúng tôi cho rằng, nên
tiếp tục ý tưởng điều chỉnh đã có trước đây ở Sài Gòn 50 năm trước, mà nghĩ đến
một hình thức “Việt Nam Quốc Tự” mới ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, có thể nhìn thấy
từ quận 1, như là việc bổ sung thêm một biểu tượng cho kiến trúc tôn giáo của
TPHCM, tạo sự hài hòa, cân bằng đa tôn giáo, đoàn kết tôn giáo.
Chúng tôi đề xuất điều
này không phải trong tư cách một người Phật tử, mà trên tinh thần một công dân
TPHCM, muốn thành phố có sự hài hòa kiến trúc biểu tượng tôn giáo, phản ánh giá
trị đoàn kết nhiều tôn giáo, không có độ lệch về kiến trúc tôn giáo mang tính
biểu tượng ở khu trung tâm như hiện nay.
Đối với Phật giáo
TPHCM, biểu tượng kiến trúc Phật giáo với quy mô thích hợp ở khu đô thị mới Thủ
Thiêm bên bờ sông Sài Gòn là cơ hội cuối cùng để khôi phục sự hài hòa diện mạo
kiến trúc Phật giáo ở Sài Gòn Gia Định, vốn đã bị phá hủy từ khi thực dân Pháp
chiếm thành Sài Gòn nửa cuối thế kỷ XIX.
Cơ hội khôi phục diện mạo
Phật giáo ở kiến trúc khu trung tâm TPHCM là trách nhiệm lịch sử của Giáo hội
Phật giáo Việt Nam TPHCM. Cơ hội này chỉ có trong một vài năm, vào thời gian
quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Một khi khu đô thị mới Thủ Thiêm đã xây dựng
xong, thì có thể mấy trăm năm sau nửa cũng khó mà điều chỉnh được vấn đề, khó
mà có lại được cơ hội đã bị bỏ lỡ.
Thực dân Pháp muốn chiếm
đóng đất nước ta vĩnh viễn và quy hoạch của họ đối với đô thị Sài Gòn như đã
nói ở trên cũng hướng đến tính chất vĩnh viễn.
Chúng ta đã lật đổ được
ách cai trị của thực dân Pháp, thì lẽ nào không điều chỉnh được quy hoạch đô thị
như thế của thực dân Pháp đối với thành phố Sài Gòn? Điều chỉnh được điều này
là xóa đi những dấu tích sau cùng trong thiết kế đô thị Sài Gòn của thực dân
Pháp.
Một trường hợp có thể
tham khảo, như một tiền lệ tích cực, là tỉnh Bình Dương đã cấp đất để GHPGVN tỉnh
Bình Dương xây dựng một ngôi chùa mới rất lớn ở trung tâm thành phố mới Bình
Dương. Như thế, sau khi thành phố mới Bình Dương thành hình, kiến trúc Phật
giáo sẽ đóng góp vào diện mạo hài hòa đa tôn giáo của tỉnh Bình Dương một cách
xứng đáng. Theo thông tin từ một vị tu sĩ ở tỉnh Bình Dương, ngôi chùa lớn đang
được xây dựng ở thành phố mới Bình Dương có tên là chùa Hội An, khu đất xây
chùa diện tích 7000m2, nằm trên đường Lê Hoàng, Phường Hòa Phú.
MT