Từ nội dung chương trình
Khóa tu mùa hè cho giới trẻ hiện nay được mở ra ở khắp
các vùng miền, và tùy điều kiện, mỗi nơi tổ chức các khóa tu với quy mô
khác nhau. Thời gian tổ chức có thể là một ngày, ba ngày, bảy ngày hoặc
một tháng. Nội dung khóa tu được chia theo từng chuyên đề giúp khóa sinh
tìm hiểu về căn bản Phật pháp, các kỹ năng sống, phát huy tình yêu
thương, hiếu thảo, sự biết ơn, đền ơn của người con Phật. Trong khóa tu
có tụng kinh, ngồi thiền, sinh hoạt ngoại khóa, tham vấn, trao đổi.
Hàng ngàn bạn trẻ tham dự khóa tu mùa hè chùa Hoằng Pháp - năm 2013 - Ảnh tư liệu
Độ tuổi tham gia tại các khóa tu mỗi nơi cũng một khác,
nhiều khóa tu không có sự phân chia cụ thể từng độ tuổi, gây không ít
khó khăn cho giảng sư. “Có nơi Ban Tổ chức tuyển đối tượng tham dự theo
lứa tuổi nên các pháp thoại có hiệu quả hơn. Có những nơi không phân
chia đối tượng mà tất cả sinh viên, học sinh, thiếu niên, nhi đồng đều
gom chung vào nên gây ra sự khó khăn cho các giảng sư vì pháp thoại khó
mà truyền tải thấu đáo trong một hội chúng nhiều lứa tuổi khác nhau”,
SC.TN Hương Nhũ cho biết.
Từ lý do đó, mùa hè năm 2012, Ban Hướng dẫn Phật tử
Trung ương đã ra thông tư hướng dẫn tổ chức khóa tu mùa hè, trại hè, hội
trại dành cho sinh viên, học sinh Phật tử các tỉnh thành phía Nam.
Nhưng nội dung thông tư chỉ mới định hướng cho việc tổ chức khóa tu ở
các địa phương, còn về cách thực hiện như thế nào vẫn chưa hướng dẫn cụ
thể, ít nhiều gây khó khăn cho những đơn vị lần đầu tổ chức.
Hiện nay khóa tu cho giới trẻ tập trung chủ yếu vào mùa
hè. Những khóa tu thường xuyên một tháng một lần như Quan Âm tu viện -
TP.HCM vốn rất ít, song đem lại kết quả rất tốt cho khóa sinh và cả phụ
huynh.
ĐĐ.Thích Trúc Thông Kiên - trụ trì chùa Chí Linh, Nghệ
An, Trưởng BHDPT GHPGVN tỉnh Nghệ An mong muốn mô hình khóa tu dành cho
giới trẻ không nên hạn hữu vào mùa hè, nếu có điều kiện thì nên tổ chức
thường xuyên theo định kỳ 1 tháng, 2 tháng/1 lần. “Vì nếu đã gọi là
phong trào thì sẽ có lúc bị bão hòa do thiếu những cái mới để thu hút
giới trẻ; do đó, khi đã tạo dựng được phong trào thì hãy duy trì theo
một hướng chuyên sâu hơn, Phật pháp nhờ vậy mới được nhân rộng do chính
sự tu tập bền bỉ lâu dài của các bạn trẻ chứ không phải tham dự theo
kiểu du lịch, lâu lâu một lần, khi trở về đời thường thì đâu lại vào
đó”, Đại đức cho biết.
Về cách thức tổ chức, Phật tử Tịnh Minh, Chủ nhiệm Câu
lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử Hiểu và Thương (Hà Nội) cho rằng: “Hiện
nay rất nhiều chùa tổ chức khóa tu cho thanh niên. Đây là sự khởi đầu
đáng mừng, nhưng hiện tại cách thức tổ chức khóa tu chưa được đồng bộ,
mỗi chùa đều làm theo cách riêng. Nên chăng cần có hình thức tổ chức
đồng bộ theo hệ thống sẽ tốt cho các bạn trẻ, đồng thời cũng tạo nên sự
thống nhất và thuận tiện hơn cho người hướng dẫn”.
Phật tử Tâm Phúc Đức, Chủ nhiệm Đoàn TTNPT Về Nguồn cũng
cho rằng: “Dù khó thực hiện, song tôi rất mong muốn việc đồng bộ về
phương hướng, mục đích tổ chức các khóa tu. Để các khóa tu không trở
thành phong trào, phải có phương hướng rõ ràng, đó là điều mà Giáo hội,
Ban Hướng dẫn Phật tử và Ban trụ trì các chùa phải chú ý. Các vị Phật tử
cũng phải luôn sát cánh cùng chư tôn đức và chư tôn đức cũng nên chia
sẻ trách nhiệm cùng Phật tử để công việc trở nên nhẹ nhàng, tốt đẹp
hơn”.
Kết hợp để hoằng pháp hiệu quả
Công việc hướng dẫn và phát triển Phật pháp đến giới trẻ
tại các khóa tu không chỉ thuộc riêng trách nhiệm của ban ngành nào, mà
đó là sự phối hợp và có sự thống nhất giữa các ban để Phật pháp đi vào
đời, đặc biệt đến với giới trẻ một cách đầy yêu thương và khoa học.
Nói về sự kết hợp để triển khai Phật sự, đặc biệt là
chương trình khóa tu mùa hè cho giới trẻ, cả hai Ban Hoằng pháp và Hướng
dẫn Phật tử đều nhất trí là nên kết hợp để cùng thực hiện.
“Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử có thể coi như
là một. Không thể tách rời, vì hoằng pháp mà không có Phật tử thì hoằng
pháp ở đâu, mà có Phật tử mà không có hoằng pháp thì cũng không thành.
Vậy nên hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử phải liên kết chặt chẽ với nhau
trong mọi hình thức, từ việc tổ chức các khóa tu, hội trại, sinh hoạt
hè,… Và tôi còn hy vọng còn nhiều tổ chức hơn nữa, đặc biệt nhất là mùa
đông, dịp cuối năm. Phật giáo cần làm sống lại các nghi lễ như lễ Khánh
đản Đức Phật A Di Đà, đặc biệt chú trọng vào lễ vía Đức Phật Thích Ca
Mâu Ni thành đạo để từ đó làm sống dậy tinh thần giác ngộ của Đức Phật.
Cùng đó là hướng vào ngày Tết Nguyên đán, để thế hệ trẻ không bị lãng
quên đi cái Tết cổ truyền của dân tộc”, HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ
tịch HĐTS T.Ư, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN, nói.
TT.Thích Chân Không, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký
Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư cũng cho rằng: “Ban Hướng dẫn Phật tử chịu
trách nhiệm về tổ chức, quản lý cơ sở và con người, Ban Hoằng pháp thì
giảng dạy cho Phật tử, nếu có một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai Ban
thì hiệu quả đem lại sẽ cao hơn, đặc biệt Ban Hoằng pháp có thế mạnh về
tổ chức nên sẽ được sự đồng tình ủng hộ của Phật tử và cơ quan nhà nước
cao hơn”.
Nói về việc thống nhất chương trình khóa tu mùa hè trong
cả nước, HT.Thích Bảo Nghiêm chia sẻ: “Hiện nay trong Ban Hoằng pháp
đang có một Ban Biên soạn giáo lý, tổ chức biên soạn mô hình mẫu các
chương trình trong các khóa tu khác nhau hướng về mục đích gì, thuyết
giảng về đề tài gì. Cũng như trong tổ chức hội trại, có vui chơi, nhưng
không quá nhiều, mà vui chơi thế gian cần phải có sự gắn kết với Phật
pháp, đặc biệt hơn là phải gắn với đạo đức, xây dựng tình thương”.
Ý thức được tầm quan trọng của việc phải có một chương
trình hướng dẫn về cách tổ chức khóa tu, cũng như nội dung trong khóa tu
nên cuốn sách “Cẩm nang tổ chức khóa tu” chùa Hoằng Pháp đã ra
đời, chia sẻ những kinh nghiệm 10 năm tổ chức khóa tu, trình bày cụ thể
cách thức tổ chức, quản lý, và cách duy trì khóa tu một cách bài bản và
khoa học, cũng như tạo cảm hứng sáng tạo cho đạo tràng khi tổ chức các
chương trình sự kiện trong khóa tu. Chùa cũng sẵn sàng gửi tặng các tự
viện nếu có nhu cầu. Đó là một sự chia sẻ đầy ý nghĩa của chùa Hoằng
Pháp.
Có thể nói rằng, trong 2 năm trở lại đây, các khóa tu
dành cho thanh thiếu niên ở các chùa trong cả nước được mở ra nhiều nơi,
trở thành một điểm nhấn, sự quan tâm của toàn xã hội hướng về Phật giáo
trong thời buổi giới trẻ có nhiều biến động về tâm sinh lý cũng như
thiếu vắng tình yêu thương đích thực và sự bình an nơi tâm hồn. Cứ mỗi
dịp hè về, các bạn trẻ cả nước lại háo hức mong đợi được tham gia các
khóa tu do các chùa tổ chức. Đây có thể được xem là dấu hiệu đáng mừng
của Phật giáo.
Một chương trình thống nhất cho khóa tu do các Ban
Hoằng pháp và Hướng dẫn Phật tử kết hợp thực hiện là điều rất cần
thiết. Đây là cơ sở để các các vùng miền dựa vào đó tổ chức khóa tu và
có những sự linh động về triển khai các nội dung theo điều kiện cụ thể.
Đó cũng là cách để thống nhất chương trình tổ chức và sự quản lý khóa tu
của các ban ngành Trung ương.