Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Dán tiền lẻ lên tượng Phật: báo động về trình độ Phật tử và tăng ni?
Minh Thạnh
19/01/2011 21:23 (GMT+7)


Báo Tuổi Trẻ, chủ nhật 21/2/2010 có đăng bài bàn luận về sự kiện này, ở mục chuyện thường ngày, với tựa đề Suy bụng ta ra bụng thánh thần!, có đoạn đầu rất đáng chú ý:

“…

* Ví dụ ông đang đi thưởng lãm hội hoa xuân, có một người nào đó bước tới nhét tiền mệnh giá 500, 1000 đồng vào tay, vào túi, vào mồm, vào tất tần tật mọi chỗ trên cơ thể ông mà có thể nhét được. Khi ấy ông phản ứng thế nào?

* Trời mát mẻ thì có thể mắng cho một trận. Còn nóng như trưa Sài Gòn mấy bữa nay thì dám ục cho một quả đấy. Nhưng mà sao ông lại hỏi cắc cớ thế? Ở đời làm gì có kẻ nào khùng đến độ nhét tiền vào người tôi, dù chỉ là tiền lẻ?

* Đấy ông chỉ mới là thường dân mà đã chịu không được, huống gì thánh thần…

* Là sao?

* Ông không thấy thiên hạ mấy bữa nay rần rần kéo nhau đi cúng bái đền đài, đình miếu à? Và chỗ nào người ta cũng đua nhau nhét tiền lẻ vào tay, vào chân, vào đủ nơi trên tượng thánh thần. Cái này đúng là giỡn mặt thánh thần…”

Đọc bài báo trên người viết cứ ngẫm nghĩ, nếu đặt trường hợp người ta vào nhà mình, chứng tỏ sự kính ngưỡng ông bà mình bằng cách như trên, thì mình nghĩ sao, phản ứng ra sao? Có thể để yên cho họ mặc tình dán tiền lẻ lên di ảnh ông bà hay không? Xét cho cùng, nó còn trầm trọng hơn “nhét tiền mệnh giá 500, 1000 đồng vào túi, vào mồm, vào tay, vào tất tần tật mọi chỗ trên cơ thể ông mà có thể nhét được” (tức là chính mình bị nhét).

Nhưng điều đó vẫn diễn ra ở khắp các chùa chiền.

Họ dán được tiền vào tượng, trước hết, vì không ai ngăn cản, giải thích. Không loại trừ việc nhà chùa cũng đồng ý với việc đổi tiền lẻ, lấy tiền lẻ đã dán đổi tiền chẵn, đưa tiền lẻ cho người đi cúng chùa để lại có tiền lẻ để dán, để nhét lên tượng Phật.

Ở đây, trước hết là trách nhiệm tăng ni Phật tử trong chùa. Nếu tích cực ngăn cản, giải thích, phản đối, thì hành động dán tiền lẻ một cách bất kính trên làm sao có thể thực hiện được. Ai dám vào dán bừa khi có bảng cấm nói rõ sự bất kính, hoặc có người đứng tại chỗ mạnh mẽ can ngăn.

Người trước dán được thì người sau dán được. Ai cũng dán được. Thế là họ nghĩ là họ đã làm đúng, vì mọi người cùng đều làm như thế mà. Điều đáng nói nhất là nhà chùa cứ thế mà cho dán. Dán là đúng rồi!

Cũng như con cháu trong nhà cho người đến thăm dán tiền lẻ lên bàn thờ ông bà bằng cách lặng im vậy.

Điều đáng nói là tư duy kỳ lạ đó phản ánh sự xuê xoa, hạn chế về trình độ trước hết là của tăng ni trong chùa, người có trách nhiệm hướng dẫn Phật tử. Tại sao không khó chịu, không phản ứng ngăn cản cái kiểu dán tiền vừa hỗn hào, vừa bất lịch sự ấy.

Thứ hai là trình độ đông đảo Phật tử. Từ bao giờ họ cúng Phật bằng cái kiểu cúng không biết do ai sáng tạo ra đó, mà mấy năm nay rộ lên? Cúng tiền chẵn hay tiền lẻ thì tùy lòng hảo tâm. Nhưng đem tiền lẻ dán lên tượng thì…!

Họ đến chùa, lễ Phật cúng Phật thì đã là Phật tử, nhưng cái cách cúng Phật như vậy nói rằng, họ không hiểu đạo Phật một cách nào hết.

Mà đây là một đa số… “rần rần”!

Hiện trạng như vậy về trình độ hiểu đạo Phật của đông đảo Phật tử có đáng báo động không? Có cần đẩy mạnh việc giải thích, ngăn cản, hay cứ để mặc cho đạo Phật tiếp tục bị bôi bác bằng cách làm thiếu ý thức như thế?

MT

Các tin đã đăng:
Về đầu trang