Nhiều vụ giết người cướp của tàn
nhẫn chỉ vì vài phân vàng hay vài trăm ngàn đồng. Tệ hại hơn nữa là các
băng nhóm thanh thiếu niên thanh toán nhau một cách đẩm máu bằng các vũ
khí tự chế. Một số thanh thiếu niên thì lâm vào tệ nạn xì ke - ma túy...
Nếu đi sâu vào các nguyên nhân thì chúng ta thấy phần lớn là do phim
ảnh, sách báo khiêu dâm đồi trụy, bạo lực dẫn đến sự hình thành tâm lý
anh hùng cá nhân, ham mê vật chất, sống ích kỷ, xa rời đời sống tâm linh
hướng thượng. Bên cạnh đó gia đình mãi lo làm ăn nên thiếu sự quan tâm
chăm sóc, theo dõi con cái.
Trước thực trạng này, chúng ta lấy làm lo lắng cho giới trẻ nói riêng và sự bình yên của xã hội nói chung.
Phật giáo có mặt tại Việt Nam hơn 2000
năm. Với ý thức nhập thế hành đạo của mình, Phật giáo luôn gắn bó với
vận mệnh của dân tộc. Khi nước mất thì cùng nhân dân đứng lên chống
ngoại xâm để giành lại độc lập cho dân tộc. Khi hòa bình thì góp phần
xây dựng đất nước bằng cách kiến tạo một đời sống tâm linh đạo vị, làm
cho mọi người biết thương yêu nhau trong tình huynh đệ nghĩa đồng bào.
Dưới tầm nhìn của Phật giáo, sở dĩ có
những tệ nạn nói trên là vì con người thiếu lòng Từ - Bi Hỷ - Xả. Cụ thể
hơn là số người đó lòng còn đầy Tham - Sân - Si, thiếu hiểu biết về
luật Nhân quả, lý Vô thường là những giáo lý căn bản của Phật giáo.
Trong quá trình hoằng pháp độ sanh của
mình, các vị Tổ, cao Tăng thạc đức của Phật giáo đã cụ thể hóa nền giáo
lý cao siêu thành những điều dễ hiểu có thể áp dụng vào đời sống tu học
của ngưòi Phật tử và mọi người khác. Ví dụ, khi trở thành một người Phật
tử đã qui y Tam Bảo, phải giữ gìn 5 giới:
1. Không sát sanh (tôn trọng sự sống)
2. Không trộm cắp (tôn trọng tài sản)
3. Không tà dâm (tôn trọng hạnh phúc)
4. Không nói dối (tôn trọng sự thật)
5. Không uống rượu (tôn trọng trí tuệ)
Hay các điều luật của Gia đình Phật tử
được áp dụng từ khi mới thành lập cách đây hơn 60 năm, tùy theo tâm sinh
lý của từng lứa tuổi mà chia ra.
A. Đối với nhi đồng (oanh vũ) có 3 điều:
1) Em tưởng nhớ Phật.
2) Em kính mến cha mẹ và anh chị em.
3) Em thương người và vật.
B. Đối với thanh thiếu niên có 5 điều:
1) Phật tử qui y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
2) Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống.
3) Phật tử trau dồi trí tuệ tôn trọng sự thật.
4) Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
5) Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.
Nếu phân tích kỹ 5 giới cấm của cư sĩ và
những điều luật của GĐPT thì chúng ta thấy những giáo lý căn bản của
Phật đã được thể hiện trong đó, cao hơn hết là lòng từ bi và hỷ xả. Đồng
thời chúng ta cũng thấy những biện pháp đề ra rất cụ thể là yêu thương
giữa con người và con người, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với
nhau, giữa con người và loài vật. Không những cần học tập để nâng cao
trí tuệ, giữ cho tâm hồn thanh khiết mà còn biết lánh xa các tệ nạn xã
hội.
Trong lúc đó chúng ta đang băn khoăn Phật
giáo có những giải pháp gì để làm lành mạnh hóa xã hội, thì hiển nghĩ
những giới cấm áp dụng cho người cư sĩ và các em GĐPT là những toa thuốc
hữu hiệu nếu biết sử dụng một cách đúng mức, các căn bệnh trầm kha của
xã hội sẽ được chữa lành.
Có điều là làm sao những điều cần thiết
ấy đến được với mọi gia đình, mọi người trong xã hội. Thì đây là trách
nhiệm của các bậc Tôn túc trong lãnh đạo Giáo hội Phật giáo - Ban Trị sự
- Ban Đại diện - Ban Hộ tự - Ban Huynh trưởng - của mỗi con người Phật
tử chúng ta.
Nếu chúng ta cùng bắt tay vào việc với
những kế hoạch cụ thể, áp dụng giáo lý vào đời sống một cách rộng rãi,
cùng với sự hổ trợ của Chính quyền - Mặt trận - Các đoàn thể - Các tổ
chức xã hội... làm cho ai cũng có lòng nhân ái, sống đời sống đạo hạnh,
hiểu tâm linh và tiết dục thì những cảnh đau buồn đó đâu còn nữa, hoặc
cũng giảm các tệ nạn đi nhiều trước sự quan tâm lo lắng của mọi người.
(Trích tham luận của Ban Văn hóa PG huyện Quảng Điền)