Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tín tâm kiên định trước con sóng cải đạo (*)
11/09/2011 04:38 (GMT+7)


Những biến động của Phật giáo Hàn Quốc gần một thập kỷ qua, bởi những người nhân danh Chúa, hay sự kiện “Lửa cháy Mỹ Đình” cuối 2010 đánh dấu một bước trong quá trình hoạt động cải đạo tại Việt Nam, đó là từ âm thầm chuyển sang công khai, rầm rộ, từ công khai rầm rộ chuyển sang thách thức, có tính cực đoan, khiêu khích.

Đại biểu dự Hội thảo

Việc cải đạo là sự tự nguyện của mỗi cá nhân, khi bản thân người cải đạo cảm thấy đạo mà mình đang theo không đem lại an lạc, không hay hơn, không tốt hơn so với đạo mà họ muốn chuyển đổi qua. Nếu sống trong Đạo mà không thấy những điều có thể giúp giải quyết nỗi khổ niềm đau mà họ lại tìm thấy ở truyền thống khác. Nguyên nhân là không gặp được thầy lành, bạn tốt cùng đạo có thể giúp đỡ họ; trong khi đó họ lại được giúp đỡ tận tình bởi những người từ tôn giáo khác. Tính thiết thực của tôn giáo đã thuyết phục họ chứ không phải những giáo lý cao siêu huyền diệu, đọc thì không hiểu mà hành thì không ai hướng dẫn.

Thế nhưng ở đây, với tâm tư thù oán, người ta đưa ra các thông điệp đầy chất liệu căm thù, khích động con người tạo nên sự nghi ngờ giữa con người với nhau, tạo nên hố ngăn cách tình cảm kiếp người. Do đó, chúng tôi gọi cải đạo là một biến tướng của sự cuồng tín tôn giáo.

Một khi con người đã bị nhấn chìm trong dòng sông cuồng tín thì bản chất tinh khiết đã bị vẩn đục, tầm nhìn đã bị che khuất; cái thấy chân chính, cái tư duy chính đáng không còn là ánh đuốc soi đường chỉ lối thì kiếp người lạc vào ma đạo, tâm tư con người luôn bị thiêu đốt bởi lửa sân hận của hỏa ngục, của kiếp đọa đày.

Trong cuộc sống, mọi hành động tương quan tương duyên với nhau. Cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt. Không có Pháp nào tồn tại riêng lẻ, độc lập. Với nhận thức ấy, tôn trọng niềm tin tôn giáo của người khác chính là tôn trọng mình. Khinh khi niềm tin tín ngưỡng người khác là gặt hái về mình sự khinh miệt của tha nhân.

Vì vậy, mọi giá trị tạo nên hình ảnh của một dân tộc đều thấm đẫm mồ hôi, công sức, máu và nước mắt của biết bao thế hệ. Văn minh đến từ khối óc sáng tạo và bàn tay lao động. Giá trị của lao động chính là việc khẳng định giá trị, phẩm tính cho con người của dân tộc ấy. Và tôn giáo luôn khích lệ con người sống để hoàn thiện ứng xử cho bản thân mình với cộng đồng và không hề chủ trương sự chia rẽ bạo tàn. Sự đổi thay trong nhận thức, tư tưởng của con người khi thì bình lặng, khi thì ồn ào, đó là điều tự nhiên giữa những người theo đuổi niềm tin tôn giáo, tư tưởng khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình cải đạo, rất nhiều máu và nước mắt của con người đã đổ xuống mà vẫn chưa có bài học nhân văn nào được rút ra. Hiện nay, thế giới vẫn xếp xung đột tôn giáo, sắc tộc vào những xung đột hàng đầu, gây bất ổn lớn đối với loài người.

Cho nên, đứng trước làn sóng cải đạo đó, chúng tôi nghĩ rằng, niềm tin của người Phật tử phải kiên kịnh, bởi trong tâm chúng ta luôn có hình ảnh từ hòa của Đức Từ Phụ. Hình ảnh Ngài vượt qua mọi chướng ngại và cản trở của ma quân trên lộ trình giác ngộ là năng lượng hùng hồn giúp chúng ta giữ được niềm tin kiên định trước mọi phong ba của cuộc đời.

ĐĐ. Thích Thông Đạo

Và ví như biển cả, không bao giờ dung chứa tử thi và cả mọi nhơ bẩn đều bị đánh bật vào bờ thì những chúng sanh chỉ lợi dụng hình thức tôn giáo như một niềm tin thời thượng, chạy theo xu thế thì đây là dịp giúp làm sạch những cấu uế trong ngôi nhà chánh Pháp.

Vì vậy, trong cuộc sống, khi hướng dẫn người Phật tử hướng về nẻo Đạo, chúng ta phải hướng dẫn ngọn nguồn của Pháp Phật để dựng xây thế giới Tịnh độ giữa nhân gian. Một khi mà chúng ta đã được tắm gội trong niềm an lạc đó thì thiên ma ngoại chướng làm sao cản được bước chân hùng lực này. Do đó, với tâm nguyện gìn giữ ngọn đèn Chánh Pháp để soi sáng cho chúng sanh trên bước đường hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, chúng tôi mong rằng gốc rễ tâm linh, quyết giữ gìn bằng việc, thứ nhất là hiểu và tin Phật Pháp.

Làm thế nào để hiểu, chúng ta phải giảng giải Phật Pháp bằng ngôn ngữ hiện tại, phù hợp với tâm tư con người thời nay. Và ngôn ngữ ấy, đòi hỏi người giảng Pháp phải có sự thuần thục về ngôn ngữ, biết chọn ngôn từ phù hợp với tâm tư chúng sanh, để từ đó mới có thể tiêu hóa và chuyển tải bằng ngôn từ hiện tại. Chỉ có như vậy, người Phật tử mới có niềm tin, niềm tin tuyệt đối. Chỉ có như vậy, chúng ta mới là người tự mình thở bằng chính hơi thở của mình.

Thứ hai, thực hành. Sau khi có niềm tin và hiểu được Phật Pháp thì người Phật tử phải thực hành sự tin và hiểu đó. Nếu cái biết mà chỉ về mặt tư duy, triết lý mà không đem ra để thực hành trong đời sống để mang lại an lạc hạnh phúc cho chính mình mà chỉ là thỏa mãn những nhu cầu về tri thức thì điều đó không thể mang lại lợi ích thiết thực cho chính mình. Chánh Pháp của Đức Như Lai là đến để mà thấy, đến để thực tập mới thấm nhuần niềm an lạc giải thoát. Muốn không khát nước thì phải uống nước, chứ nhìn ly nước mà không chịu đến để uống thì kiếp kiếp không bao giờ hết khát.

Thứ ba, cùng mọi người đồng nguyện dựng nên cảnh giới Tịnh độ. Trong xu thế phát triển của nền kinh tế hội nhập hiện nay, Phật tử phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp, ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Cho nên người Phật tử ngoài việc tự thân mình nỗ lực tinh tiến, họ cần phải được trang bị Phật pháp mới có thể làm tốt được trách nhiệm cũng như bổn phận của người Phật tử. Đó là trách nhiệm với gia đình, với xã hội.

Đối với gia đình, mỗi người Phật tử phải có trách nhiệm chăm lo mọi công việc, cùng với các thành viên trong gia đình xây dựng một cuộc sống lành mạnh, phát triển kinh tế gia đình, sống hiếu thuận, cư xử nhu hòa đúng theo tinh thần Chánh pháp để tạo nên hương thơm Tịnh độ. 

Đối với xã hội, mỗi Phật tử là một công dân cho nên phải có trách nhiệm thực hiện tốt nghĩa vụ của một công dân, tuân thủ pháp luật, sống lành mạnh, giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, phát huy truyền thống đạo đức, giao lưu, học hỏi với các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới, kiên quyết loại bỏ luồng văn hóa độc hại, mê tín dị đoan… làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội cũng như đạo Pháp.

Tóm lại, trong vị thế người Phật tử trước những phong ba của cuộc đời, mỗi người phải tự thân mình vượt qua những ham muốn thường tình để điều phục chính mình; phải xác định rõ lý tưởng qua việc hiểu và tin Phật Pháp, đồng thời đem ánh sang đó soi vào cuộc sống hằng ngày để được nuôi dưỡng bằng năng lượng Chánh pháp và rồi đem ánh sáng đó góp phần vào xây dựng gia đình cũng như xã hội để cùng nhau xây dựng cảnh giới Tịnh độ giữa nhân gian này. Khi tất cả người Phật tử đã có tín tâm kiên cố như vậy thì ngại gì những lao xao của cuộc đời mà phải bận tâm trước con sóng cải đạo.

Thích Thông Đạo (Chánh Thứ ký BTS THPG TP.Đà Nẵng)

(*) Tham luân tại Hội thảo Hướng dẫn Phật tử toàn quốc 2011

Nguon: http://giacngo.vn/xahoi/2011/09/10/7B6641/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang