Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Duyên Giác Ngộ
03/01/2011 18:50 (GMT+7)


Rời Việt Nam sang Nepal chỉ dự định hành hương vùng đất thiêng Lumbini để cầu nguyện cho người mẹ vừa khuất của tôi, nhưng cơ duyên đưa đẩy để tôi có được cơ hội nghiên cứu về cổ sử India và Nepal, nghiên cứu về dòng họ vĩ đại Sakya, cũng như khảo sát về loài sếu đầu đỏ tại quê hương của Đức Phật. Cơ duyên đó đưa đến việc tôi cộng tác với Giác Ngộ, một ấn phẩm uy tín về Phật giáo của Việt Nam mà tôi hằng ngưỡng mộ từ khi còn ở Việt Nam. Duyên " Giác Ngộ" đã cho tôi có cơ hội chia sẻ những thu nhặt nho nhỏ trên con đường nghiên cứu về lịch sử Phật giáo của mình với mọi người. Cũng duyên "Giác Ngộ" giúp cho tôi - một người xa xứ - luôn cảm thấy gần gũi và ấm áp trong lòng cộng đồng Phật giáo Việt Nam dù cho ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Tác giả tại nơi Ngài Padmashambava (Liên Hoa Sinh)
từng sinh sống và tọa thiền ở Kathmandu trước khi Ngài sang Tây Tạng

Mấy tháng trước, nhận được vài số nguyệt san Giác Ngộ gửi từ Việt Nam qua, tôi thật hạnh phúc khi thấy ấn phẩm Giác Ngộ đã được in ấn rất đẹp, nội dung sâu sắc. Tôi tặng một số có tin về Phật đản tại Lumbini cho ông Rajendra Magar Thapa- Tổng Thư ký Lumbini Development Trust của Nepal và dịch tóm tắt một số nội dung trong ấn phẩm ấy cho ông. Ông rất hoan hỷ và mong có sự hợp tác giữa LTD và Giác Ngộ cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam để thông tin về sự bảo tồn và phát triển quê hương Đức Phật có thể đến được Phật tử Việt Nam.

Mong Giác Ngộ sẽ là nhịp cầu "DUYÊN" để mang thật nhiều thông tin về các vùng đất Phật từ khắp nơi trên thế giới - qua các cộng tác viên tại bản địa - đến với Phật tử Việt Nam.

Nguyễn Phú, người nghiên cứu lịch sử và văn hóa tại Nepal

---------------

* Tôi sống ở Hà Nội, đặt mua Giác Ngộ tuần và nguyệt san từ năm 2005, nhân Kỷ niệm 35 năm ngày Giác Ngộ ra số đầu tiên, tôi xin gởi đến tòa soạn một vài ý kiến như sau:

Với báo Giác Ngộ tuần

Mặc dù tiêu chí ghi là cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh nhưng hiện nay Giác Ngộ tuần phát hành khá rộng rãi, xứng đáng là tờ báo tiên phong trong lĩnh vực thông tin Phật giáo cả nước. Báo có hình thức đẹp, nội dung khá phong phú.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng
hậu duệ của cố cư sĩ Thiều Chửu

Nhược điểm: Có lẽ do đội ngũ cộng tác viên ở miền Bắc ít nên tin tức hoạt động của Phật giáo xứ Bắc ít. Nên có những bài về hoạt động của Phật giáo người Việt ở nước ngoài nhất là ở Hoa Kỳ, nơi có đông đảo người Việt sinh sống.

Theo tôi, có lẽ Giác Ngộ tuần nên có mặt tại tất cả các chùa ở Việt Nam có sư trụ trì.

Với nguyệt san Giác Ngộ

1. Với tính chất là phụ trang nghiên cứu của tuần báo Giác Ngộ, kể từ ngày ra số đầu tiên (1-4-1996) đến nay, Nguyệt san đã có nhiều cải tiến về hình thức cũng như nội dung, báo in giấy trắng khá tốt dễ đọc, bảo quản lâu dài.

2. Nhìn chung bài vở của báo khá đa dạng và phong phú, đề cập đến nhiều vấn đề thực tế của Phật giáo cũng như xã hội Việt Nam. Nguyệt san đăng tải nhiều bài viết có tính chuyên sâu về Phật học, lịch sử Phật giáo, Phật giáo nước ngoài; có chuyên đề về Phật giáo với tuổi trẻ, Phật giáo với phụ nữ…Nguyệt san được bạn đọc yêu thích và tìm đọc.  

3. Cần có những bài nghiên cứu về Phật giáo nước ta từ thế kỷ XV -XIX, nhất là thế kỷ XX với phong trào chấn hưng. Nên có những bài giới thiệu về các danh tăng, cư sĩ thời cận đại. Muốn vậy, nên mở rộng đội ngũ cộng tác viên ở miền Trung và miền Bắc

4. Vì mang tính chất nghiên cứu, các bài viết về Phật giáo Việt Nam nên có phần tài liệu tham khảo, cũng nên có cải chính với những sai nhầm về họ tên, ngày tháng…

Kính chúc quý Ban Biên tập mạnh khoẻ, quý báo ngày một tinh tiến.

Nguyễn Đại Đồng, nhà nghiên cứu, Hà Nội

Nguon: http://giacngo.vn/thoisu/2011/01/03/5F6218/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang