The Peguin Dictionary of Psychology (Từ điển Penguin về
Tâm lý học) của tác giả Arthur S. Reber và Emily S. Reber đã định nghĩa
tuổi thiếu niên như sau: Tuổi thiếu niên là giai đoạn phát triển được
đánh dấu bằng sự khởi đầu của quá trình dậy thì và kết thúc bằng sự đạt
được mức độ trưởng thành về tâm lý cũng như sinh lý(1). Còn The Gale Encyclopedia of Psychology
(Bách khoa Từ điển về Tâm lý học của NXB. Gale) do Bonnie R. Strickland
chủ biên thì định nghĩa: Tuổi thiếu niên là nói đến thập niên thứ hai
trong vòng đời của con người, tức là từ 10 đến 20 tuổi. Tuổi thiếu niên
còn được gọi là tuổi dậy thì(2).
Thường thì tuổi dậy thì tương ứng với độ tuổi từ 12
hoặc 13 tuổi cho đến 17 hoặc 18 tuổi. Tuy nhiên, sự phân định về tuổi
thiếu niên chỉ có tính chất tương đối, vì thời điểm bắt đầu của sự dậy
thì và thời điểm đạt được sự trưởng thành về tâm sinh lý khó xác định
chính xác, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ở nữ khác so với nam, ở
phương Tây khác với phương Đông, ở các nước phát triển khác so với ở
các nước nghèo,… Và hiện nay thì thời điểm bắt đầu sự dậy thì đang có xu
hướng diễn ra sớm hơn, có nghĩa là tuổi thiếu niên đến sớm hơn. Đây là
giai đoạn đặc trưng với các dấu hiệu của sự dậy thì ở nam lẫn nữ.
Lứa tuổi thiếu niên là lứa tuổi có nhiều biến động
trong đời sống con người, lứa tuổi mà tính tình, nhân cách của con người
bắt đầu quy tụ và nảy nở. Ở lứa tuổi này, trong các em có một sức sống
mạnh mẽ và đồng thời sự cân bằng cũng bị phá vỡ. Các em thiếu niên không
còn là trẻ con, nhưng cũng chưa hẳn là người lớn. Các em còn thiếu kinh
nghiệm, kiến thức còn non kém. Nếu như thiếu sự giúp đỡ, giáo dục đúng
đắn, kịp thời của người lớn thì các em rất dễ bị sa vào những cạm bẫy,
những tệ nạn xã hội.
Ở lứa tuổi thiếu niên, do sự biến đổi lớn về mặt sinh
học, sự phát triển không đồng đều về các bộ phận của cơ thể, nhất là ở
các chi, làm cho các em thiếu niên có vẻ lóng ngóng, vụng về, không khéo
léo khi làm việc, thiếu thận trọng, hay làm đổ vỡ… Điều này gây cho các
em cảm giác khó chịu. Hơn nữa, hệ thần kinh của thiếu niên chưa được ổn
định, chưa có khả năng chịu đựng những kích thích mạnh, có tính đơn
điệu, kéo dài. Điều này thường gây cho các em tình trạng bị ức chế hay
ngược lại là bị kích động mạnh, dẫn đến những phản ứng tiêu cực, không
đúng với bản chất của các em. Vì thế, những người làm công tác giáo dục
cần phải nhận thấy được vấn đề này để có sự hướng dẫn và tác động phù
hợp. Không nên nói nặng lời với các em, biết thông cảm và ân cần khuyên
nhủ các em, phải hết sức thận trọng khi nhận xét các em. Không nên chế
giễu về sự vụng về, lóng ngóng của các em.
Vấn đề tiếp theo là đặc điểm phát triển trí tuệ của
lứa tuổi thiếu niên. Hoạt động trí tuệ của các em thiếu niên phát triển
hơn so với lứa tuổi trước. Các em có khả năng phân tích, tổng hợp phức
tạp hơn khi nhận thức về các sự vật, hiện tượng. Trí nhớ cũng được nâng
lên một trình độ cao hơn, ghi nhớ máy móc dần dần nhường chỗ cho sự ghi
nhớ lô gíc và ghi nhớ ý nghĩa. Vì thế, hiệu quả của việc ghi nhớ trở nên
tốt hơn. Khả năng tập trung sức chú ý của các em cũng mạnh hơn, bền
vững hơn. Tuy nhiên, tính lựa chọn sự chú ý phụ thuộc rất nhiều vào tính
chất của đối tượng tri giác và mức độ hứng thú của các em với đối tượng
đó. Khả năng tư duy cũng cao hơn rất nhiều, tư duy trừu tượng, khái
quát phát triển mạnh. Chính những đặc điểm này đã nâng hoạt động học tập
của các em thiếu niên lên một tầm cao mới, trở thành hoạt động chủ đạo.
Hoạt động học tập ở các em đã tạo ra những biến đổi quan trọng trong
tâm lý của các em, trong đó có những biến đổi giữ vị trí trung tâm trong
hệ thống các chức năng tâm lý và có sự chi phối đến các biến đổi khác.
Các em thiếu niên không còn là trẻ con nữa. Chính các
em cũng ý thức được vấn đề này. Cho nên các em có nhu cầu muốn trở
thành người lớn, muốn tự khẳng định mình và muốn được xem là người lớn.
Điều này đã đưa đến sự hình thành tính tích cực hoạt động xã hội trong
các em. Các em thích được tham gia vào các hoạt động tập thể, các hoạt
động mang tính xã hội. Các em có nguyện vọng muốn đem lại điều tốt lành
cho mọi người - giúp mọi người trong cơn hoan nạn, ốm đau, cảm thông sâu
sắc với những nỗi khổ cực, bất hạnh của người khác. Những mong muốn này
thường được các em ý thức rõ ràng. Song, đôi khi cũng chưa được ý thức
một cách đầy đủ. Hơn nữa, các em còn có tính bồng bột, thiếu chín chắn
trong suy nghĩ và thiếu thận trọng trong công việc. Cho nên nhiều người
lớn vẫn xem thiếu niên là trẻ con. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự khó
khăn trong mối quan hệ giữa thiếu niên và người lớn. Khó khăn này sẽ
được hóa giải nếu người lớn biết tìm cho thiếu niên một vị trí phù hợp
bên cạnh mình, nếu mối quan hệ giữa thiếu niên và người lớn được xem như
là mối quan hệ bạn bè, hoặc là mối quan hệ có tính hợp tác với những
chuẩn mực đặc trưng của người lớn - đó là sự tôn trọng, tin tưởng và
giúp đỡ lẫn nhau.
Theo ba mẹ đến chùa lễ Phật
Đôi khi chính người lớn đã làm thui chột tính tích
cực ấy của thiếu niên. Sự đánh giá thấp, xem thường và định kiến của
người lớn đối với thiếu niên là nguyên nhân chủ yếu. Để phát huy tính
tích cực xã hội của các em và hướng những khát vọng của các em vào mục
đích có ý nghĩa nhất định thì cần phải tôn trọng các em, biết lắng nghe ý
kiến của các em và không quá khắt khe trong việc đánh giá các em. Cần
tổ chức các hoạt động xã hội có tính tích cực và tạo điều kiện cho các
em tham gia, làm sao thu hút được sự tham gia của các em một cách tích
cực nhất. Có thể thông qua những hoạt động tập thể, những buổi sinh hoạt
tập thể để giáo dục cho các em những đức tính cao đẹp, khơi dậy và làm
nảy nở những nghĩa cử cao đẹp trong các em thông qua những mẩu chuyện,
những tấm gương sáng trong văn học hay trong hiện thực của cuộc sống. Và
có thể thông qua sự gương mẫu của chính bản thân những người đang trực
tiếp hướng dẫn, giáo dục các em. S.Smiles đã khẳng định rằng: "Sự gương mẫu dù nó có im lặng cách mấy vẫn là yếu tố giáo dục mạnh nhất trần gian".
Ở lứa tuổi thiếu niên, các em bắt đầu biết ý thức về
bản thân mình. Các em biết tự đánh giá mình. Vấn đề này đã giúp cho các
em bắt đầu nhận thức rõ hơn về bản thân, biết đánh giá về những mặt tốt
và chưa tốt của mình. Sự nghĩ về tự thân, suy ngẫm về thế giới nội tâm
của các em cũng đã mở rộng sang cả lĩnh vực xúc cảm gắn với sự phân
tích, đánh giá những tình cảm đã trải nghiệm. Vì thế có một số em tỏ ra
hối hận, ăn năn về những tình cảm không tốt của mình, đôi khi các em căm
thù chính bản thân. Sự mặc cảm, tự ti cũng xuất phát từ đây. Mặt khác,
sự tự ý thức của các em thiếu niên dựa trên cơ sở đánh giá của người
lớn, trước hết là của cha mẹ, của những người lớn trong gia đình, của
những người dạy bảo và hướng dẫn các em. Do đó, để giúp các em đánh giá
phù hợp về bản thân và không đưa đến những tâm lý tiêu cực (tự ti, mặc
cảm) thì người lớn cần có sự đánh giá phù hợp về các em, không được phủ
đầu, chụp mũ các em, không nên quá khắt khe với các em. Cần động viên,
khích lệ các em và khen ngợi các em khi đáng khen. Và một điều không kém
phần quan trọng là người lớn phải tôn trọng, giữ thể diện cho các em,
không nên bêu xấu các em trước đám đông.
Trên cơ sở tự ý thức và nhận thức về thực tiễn cuộc
sống đã hình thành ở các em thiếu niên khả năng tự giáo dục. Các em có
khát vọng muốn làm chủ những phản ứng, những cảm xúc và toàn bộ hành vi
của mình. Các em muốn khắc phục những khuyết điểm, sai lầm, những nét
tính cách không tốt và phát huy những nét tính cách tốt của bản thân. Ở
các em có sự định hình nhân cách của mình, hướng đến những chuẩn mực đạo
đức, những mục đích nhất định. Các em biết hướng đến tương lai. Ý chí,
nghị lực và tính kiên nhẫn là những yếu tố hết sức quan trọng, quyết
định đến kết quả của quá trình tự giáo dục ở các em. Vì thế, giáo dục ý
chí, nghị lực và tính kiên nhẫn cho các em là nhiệm vụ hết sức quan
trọng của người làm công tác giáo dục.
Cùng với hướng phát triển đó, đời sống tình cảm của
các em thiếu niên cũng sâu sắc và phức tạp hơn. Đặc điểm nổi bật của lứa
tuổi này là các em dễ bị kích động, vui buồn chuyển đổi dễ dàng, tình
cảm còn mang tính bồng bột, hăng say và đôi khi có sự mâu thuẫn.
Tuy vậy, tình cảm của các em cũng đã bắt đầu biết phục tùng lý trí, tình cảm đạo đức được phát triển mạnh.
Tình bạn bè, tình đồng chí, tinh thần tập thể cũng
được phát triển mạnh. Tình bạn của các em hình thành trên cơ sở cùng học
tập, cùng sinh hoạt và cùng chung một sở thích, hứng thú.
Trong quan hệ bạn bè, các em đối với nhau rất chân
tình, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Các em
tin tưởng nhau và kể cho nhau nghe những điều thầm kín nhất của mình.
Các em muốn được hoạt động chung với bạn như muốn lao động chung, chơi
thể thao chung, giải trí chung…
Tham dự khóa tu mùa hè tại chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn -
Ảnh: G.Thông
Bên cạnh sự mong muốn được giao thiệp với bạn bè,
không thể không kể đến mối thiện cảm và sự quan tâm đến các bạn khác
giới có cùng lứa tuổi. Sự quan tâm này được biểu hiện khác nhau ở các em
trai và các em gái. Ở tuổi thiếu niên, có em đã có "những rung cảm đặc
biệt" đối với người bạn khác giới. Có thể khẳng định rằng, đây là hiện
tượng bình thường. Cảm tình và sự thân thiết đối với bạn khác giới cùng
học ở lứa tuổi thiếu niên có ý nghĩa không nhỏ đối với sự phát triển
nhân cách của các em. Các em có thể động viên, giúp đỡ lẫn nhau, khơi
gợi cho nhau và thúc đẩy nhau làm việc tốt, bảo vệ lẫn nhau. Đấy là một
động lực rất lớn giúp các em tự hoàn thiện bản thân mình. Tất nhiên,
trong quan hệ nam nữ ở lứa tuổi này cũng có thể có sự lệch lạc, đưa các
em đến chỗ đua đòi chơi bời, bỏ cả việc học tập và các công việc khác.
Vì thế, những người làm công tác giáo dục phải thấy được điều này để
hướng dẫn, uốn nắn cho tình bạn khác giới này sao cho lành mạnh, trong
sáng. Và cần có sự tác động khéo léo, tế nhị, tránh những tác động thô
bạo đem đến những kết cục thương tâm. Có những em thiếu niên đã phải tìm
đến cái chết do sự tác động không đúng đắn của người lớn trong quan hệ
tình bạn khác giới của mình.
Nói tóm lại, các em thiếu niên có đặc điểm tâm lý khá
phức tạp, có nhiều biến đổi và phát triển hơn trước. Nếu đối xử đúng
mực với các em và biết định hướng cho các em thì các em sẽ tiến bộ rất
nhiều, sẽ trở nên những người tốt. Ngược lại, nếu người lớn hành xử
không đúng mực với các em, thiếu quan tâm đến các em thì rất dễ khiến
các em có những biểu hiện lệch lạc, sai phạm đáng tiếc.
Định hướng nếp sống tâm linh cho các em thiếu niên
Như trên đã trình bày, tuổi thiếu niên là lứa tuổi có
nhiều biến động về tâm sinh lý, là lứa tuổi không còn là con nít mà
cũng chưa phải người lớn. Vì thế, để định hướng nếp sống cho các em, ở
đây chúng tôi nhắm đến nếp sống theo con đường tâm linh của đạo Phật,
thì phải hiểu rõ về các em.
Trong phạm vi gia đình, muốn hiểu rõ về các em, trước
hết cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc các em, gần gũi sẻ
chia, tâm sự với các em, đừng để các em bị lạc lõng bơ vơ, thiếu thốn
tình cảm.
Để dẫn dắt cho con em mình theo nếp sống tâm linh của
Phật giáo, là những người Phật tử, các bậc phụ huynh cần phải nêu gương
cho các em. Phải kể đến trước tiên ấy là nêu gương về hiếu hạnh. Theo
Phật giáo, hạnh hiếu là hạnh của Phật, tâm hiếu là tâm Phật, thờ cha
kính mẹ, hiếu dưỡng mẹ cha cũng chính là kính thờ Đức Phật. Việc đề cao
hạnh hiếu của đạo Phật cũng rất gần gũi và phù hợp với quan điểm đạo đức
của người Việt Nam chúng ta. Trong kho tàng ca dao Việt Nam có câu:
"Nếu mình hiếu với mẹ cha
Thì con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công".
Ở lứa tuổi thiếu niên, các em đã có khả năng nhìn
nhận và đánh giá vấn đề, đánh giá người khác, vì vậy, để giúp các em có
niềm tin vào đạo Phật, mến mộ đạo Phật thì cha mẹ phải thể hiện cho các
em thấy được những lợi ích và công năng của Phật pháp, và điều đó được
thể hiện cụ thể, sinh động qua tấm gương đạo đức, nếp sống hàng ngày của
cha mẹ. Cha mẹ phải sống hòa hợp, thương yêu, quan tâm chăm sóc lẫn
nhau, tôn trọng nhau, đối xử với nhau một cách hòa nhã, ân cần, nhường
nhịn lẫn nhau, đồng thời biết sẻ chia, quan tâm giúp đỡ người khác, nhất
là những người có hoàn cảnh khó khăn. Nói chung, cha mẹ phải thể hiện
mình là một người Phật tử chơn chánh, làm đúng như những gì Đức Phật đã
dạy. Sự gương mẫu của cha mẹ có sức ảnh hưởng, tác động rất lớn đến con
cái.
Một khi con em mình đã có sự mến mộ, cảm tình đối với
đạo Phật rồi thì bắt đầu dẫn dắt các em dần dần tiến theo con đường tâm
linh của Phật giáo. Việc hướng dẫn bắt đầu từ những việc làm đơn giản ở
trong gia đình, chẳng hạn: bảo các em thắp hương ở bàn thờ Phật và bàn
thờ gia tiên, hướng dẫn các em thắp hương cho đúng cách, nói cho các em
hiểu về ý nghĩa của việc thắp hương; những lúc ba mẹ hành lễ hay tụng
niệm thì bảo các em cùng tham gia; nếu cha mẹ có đi chùa tụng kinh, nghe
pháp thì dắt các em theo cùng để các em cũng biết tụng kinh, được nghe
những lời dạy bảo của chư Tăng, giúp các em hiểu thêm về đạo Phật, về
những nguyên tắc đạo đức, những chuẩn mực trong cuộc sống.
Làm việc thiện cũng là một trong những việc làm có ý
nghĩa trong nếp sống của người Phật tử, cho nên cha mẹ cần phải làm
gương cho con em mình trong vấn đề này. Không những thế, cha mẹ cần phải
hỗ trợ và hướng dẫn cho các em biết làm việc thiện, biết đồng cảm và sẻ
chia, giúp đỡ những người tàn tật, những người có hoàn cảnh khó khăn,
những người nghèo khổ,… Nếu cha mẹ có tham gia các hoạt động từ thiện
thì nên cho con em mình đi cùng, để các em được tận mắt chứng kiến những
mảnh đời khó khăn, đau khổ, để các em tận tay giúp đỡ, chia sẻ và trao
tặng những món quà từ thiện đến người bất hạnh. Nhờ vậy mà lòng nhân ái,
tình thương yêu và sự đồng cảm trong các em ngày càng được lớn mạnh.
Hiện nay ở nước ta có những đoàn thể, tổ chức cũng
như các hoạt động của Phật giáo để cho các em thiếu niên tham gia sinh
hoạt, học tập, tu dưỡng thân tâm, chẳng hạn như tổ chức Gia đình Phật
tử, các Hội thanh thiếu niên Phật tử, các khóa tu mùa hè, khóa tu ngắn
ngày, các hội trại,… Đấy là những môi trường tốt để cho các em thiếu
niên tham gia sinh hoạt, giúp các em có cơ hội thể hiện bản thân, để các
em biết sống hòa đồng, hòa hợp trong tập thể, thiết lập những mối quan
hệ thân thiện, tốt đẹp giữa những bạn đồng tu, đồng sinh hoạt với nhau,
để cùng giúp nhau tu học, cùng nhau tiến bộ. Vì thế, cha mẹ nên động
viên, khuyến khích và tạo điều kiện để cho các em tham gia sinh hoạt, tu
học trong những đoàn thể, tổ chức ấy.
Có một sinh hoạt không kém phần quan trọng trong nếp
sống gia đình, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa các thành viên trong
gia đình với nhau, để cho không khí gia đình thêm ấm cúng, đó là việc tổ
chức những giờ sinh hoạt gia đình. Các bậc phụ huynh Phật tử nên tổ
chức các giờ sinh hoạt gia đình theo định kỳ, có thể là cha mẹ, con cái
cùng ngồi lại bên nhau, cùng xem một bộ phim truyện Phật giáo, rồi cùng
nhau thảo luận về bộ phim ấy, rút ra bài học và những thông điệp mà bộ
phim ấy muốn chuyển tải; hoặc là cùng ngồi lại bên nhau để nghe một đoạn
pháp thoại ngắn trong video rồi cùng nhau thảo luận để cho mọi người
hiểu sâu hơn về lời Phật dạy, đồng thời tìm cách ứng dụng những lời dạy
ấy vào trong cuộc sống; hoặc đơn giản là đọc lên một bài báo, một mẩu
chuyện có tính giáo dục rồi các thành viên nêu lên nhận xét, quan điểm
của cá nhân về bài báo hoặc mẩu chuyện đó, và rút ra bài học cho bản
thân,... Những giờ sinh hoạt gia đình như thế có ý nghĩa rất lớn trong
việc giáo dục, định hướng nếp sống cho các em thiếu niên. Qua những lời
nhận định, ý kiến thảo luận, trình bày quan điểm của các em, cha mẹ có
thể hiểu được khả năng tư duy, trình độ của các em, cũng như biết được
quan điểm sống của các em, và từ đó mà có sự điều chỉnh, định hướng cho
phù hợp.
Đấy là sự định hướng cho các em thiếu niên trong phạm
vi gia đình. Trong phạm vi xã hội, các tổ chức đoàn thể, nhất là các tổ
chức, đoàn thể của Phật giáo, các chùa và chư Tăng Ni có thể làm gì để
góp phần định hướng nếp sống tâm linh cho các em thiếu niên? Trước hết,
chư Tăng Ni, các anh chị huynh trưởng trong Gia đình Phật tử, các anh
chị em trong Ban điều hành các hội, đoàn Thanh thiếu niên Phật tử phải
là những tấm gương sáng về đạo đức, có nếp sống lành mạnh để làm điểm
tựa tinh thần, củng cố niềm tin đối với đạo Phật, đối với con đường
Chân-Thiện-Mỹ mà Đức Phật đã dạy ở nơi các em. Thường xuyên tổ chức các
khóa tu, các hội trại, hoặc các hoạt động tập thể cho các em thanh thiếu
niên tham gia, với các chủ đề, nội dung nhắm vào lứa tuổi thanh thiếu
niên. Tổ chức các buổi pháp đàm, pháp thoại với những đề tài gần gũi với
cuộc sống của các em thanh thiếu niên, lắng nghe và tôn trọng quan
điểm, ý kiến của các em, quan tâm chia sẻ, động viên, khích lệ các em
trong cuộc sống, phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ, định hướng cho các em
khi các em rơi vào hoàn cảnh khó khăn hoặc khi các em có dấu hiệu sa
ngã.
Đối với xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục,
để định hướng nếp sống cho các em thiếu niên, nếp sống đạo đức nói
chung, nên đưa nhiều nội dung giáo dục đạo đức vào trong chương trình
học của các em. Những bài học về đạo lý nhân quả, về nghiệp báo, nên
chính thức đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho các em. Trong nhà
trường nên tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động từ thiện ngoại khóa, các
hoạt động phúc lợi xã hội cho các em tham gia, ví dụ như cho các em đi
thăm các trại trẻ mồ côi, các viện dưỡng lão, kêu gọi các em dành dụm
tiền cá nhân để ủng hộ các bạn nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ
lụt, ủng hộ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cho các em xem những
phóng sự về gương người tốt việc tốt,… Những bài học đạo đức, các hoạt
động ngoại khóa như thế sẽ góp phần hình thành nhân cách đạo đức cho các
em, giúp các em biết cảm thông, chia sẻ với những người khó khăn, hoạn
nạn, để cho các em biết thương người và phấn đấu hoàn thiện bản thân.
Nhìn chung, giáo dục và định hướng nếp sống cho các
em thiếu niên là một nhiệm vụ khó khăn. Nếu thiếu thận trọng thì rất dễ
gây ra những phản ứng tiêu cực ở nơi các em. Định hướng nếp sống đạo đức
cho thiếu niên đã khó, định hướng nếp sống tâm linh của Phật giáo cho
thiếu niên lại càng khó khăn hơn. Tại vì, trong khi giáo dục các em theo
nền tảng luân lý, đạo đức của Phật giáo, chúng ta không được phép làm
mất tính cách thiếu niên ở các em. Vì vậy, để có thể hướng dẫn các em
thiếu niên theo con đường Chân-Thiện-Mỹ thì đòi hỏi người làm công tác
giáo dục phải có lòng thương yêu các em. Điều này thì người Phật tử
chúng ta đã sẵn có. Tuy nhiên, chỉ tình thương thôi thì chưa đủ, chúng
ta phải có sự hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý của các em, phải hiểu rõ
hoàn cảnh, điều kiện sống của các em. Phải có sự khéo léo, thông minh,
phải có sự kiên trì, nhẫn nại và phải có một tâm hồn tươi trẻ. Sự sai
lầm trong lao động, sản xuất có thể sửa đổi được, chứ những lầm lỗi
trong giáo dục, dù là rất nhỏ cũng khó lòng tẩy sạch. Vì vậy, các bậc
phụ huynh, và những ai làm công tác giáo dục cần phải hết sức thận
trọng.
(1) Arthur S. Reber và Emily S. Reber (2001), The Penguin Dictionary of Psychology, 3rd Edition, Penguin Reference, New Delhi, p.13.
(2) Bonnie R. Strickland (Executive editor, 2001), The Gale Encyclopedia of Psychology, 2nd Edition, Gale Group, USA, p.11.
Quảng Trí ( Nguyệt San Giác Ngộ 176)
Tài liệu tham khảo
1- Arthur S. Reber và Emily S. Reber (2001), The Penguin Dictionary of
Psychology, 3rd Edition, Penguin Reference, New Delhi.
2- Bonnie R. Strickland (Executive editor, 2001), The Gale Encyclopedia
of Psychology, 2nd Edition, Gale Group, USA.
3- Irving B. Weiner (Editor-in-Chief) (2003), Handbook of psychology,
Volumn 6: Psychological development, John Wiley & Sons, Inc.,
Canada.
4- Spencer A. Rathus (1993), Psychology, 5th Edition, Harcourt Brace
College Publishers, USA.
5- Vũ Thị Nho (2003), Tâm lý học phát triển, in lần thứ hai, NXB. Đại
học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.