Mới
đây, hoạt động đầu tiên kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963 đã được xúc tiến,
đó là việc công bố “Thư mời viết bài hội thảo khoa học “Năm mươi năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam (1963 - 2013)”.
Điều đáng lưu ý là trong thư mời nói trên, thay vì dùng cụm từ thường dùng trong sách vở, tài liệu Phật giáo: “Pháp nạn lịch sử 1963” ban tổ chức hội thảo lại dùng cụm từ “Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam”.
Hai cụm từ như trên dùng chỉ một sự kiện lịch sử, có vẻ như nhau, có vẻ không khác gì lắm khi sử dụng.
Tuy nhiên, giữa 2 cụm từ trên vẫn có sự khác biệt về ý nghĩa, mà nếu việc sử dụng là từ phía Phật giáo, thì nên dùng cụm từ “Pháp nạn lịch sử 1963” hơn là “Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam”. Cụm từ “Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam” chỉ thích hợp cho những học giả ngoài Phật giáo.
Vì hội thảo khoa học “Năm mươi năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam (1963 - 2013)” có phía Phật giáo tham gia đồng tổ chức, vì vậy, đề nghị hội thảo nên sử dụng cụm từ “Pháp nạn lịch sử 1963”, thay vì “Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam”.
Phật
giáo có bản chất ôn hòa, bất tương tranh, nên xa lạ với việc đấu tranh,
chiến đấu. Cuộc đấu tranh năm 1963 là điều bất đắc dĩ, điều chẳng đặng
đừng, điều ngoài ý muốn của Phật giáo Việt Nam. Giữa Phật giáo và khái
niệm “đấu tranh” vẫn có một khoảng cách rất xa.
Sử dụng cụm từ “Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963”
không phù hợp với bản chất và nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam, không
phù hợp để thể hiện tính chất, đặc điểm của sự kiện lịch sử có liên hệ
đến Phật giáo miền Nam năm 1963.
Từ “đấu tranh” thể hiện tác động từ phía Phật giáo đến một đối tượng bên ngoài, trong khi từ “pháp nạn” thể hiện tác động từ phía bên ngoài vào Phật giáo.
“Pháp nạn”
là điều mà Phật giáo miền Nam Việt Nam phải gánh chịu ngoài ý muốn, thể
hiện được bản chất của sự kiện lịch sử liên hệ đến Phật giáo miền Nam
Việt Nam năm 1963. Trong sự kiện đó, phần “đấu tranh” chỉ là phần phụ, phần “pháp nạn” mới là phần chính. Vì có “pháp nạn”
nên mới phải đấu tranh. Đấu tranh chỉ là phần hệ quả của pháp nạn. Vì
vậy, nói về sự kiện lịch sử liên hệ đến Phật giáo miền Nam năm 1963
thiết tưởng là phải dùng từ “pháp nạn”. Dùng từ “đấu tranh” là không hiểu hết Phật giáo miền Nam Việt Nam nói riêng cũng như Phật giáo Việt Nam nói chung.
Đề xuất dùng cụm từ “Pháp nạn lịch sử 1963” thay vì cụm từ “Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam”,
chúng tôi không chỉ hướng về hội thảo khoa học đang nói đến, mà hướng
về tất cả trường hợp cần nói đến sự kiện lịch sử liên hệ đến Phật giáo
miền Nam Việt Nam năm 1963. Sách báo Phật giáo có nơi, có lúc vẫn dùng
cụm từ “Phong trào đấu tranh của Phật giáo 1963”. “Phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963” và “Pháp nạn lịch sử 1963” là 2 tên gọi khác nhau về một sự kiện, nhưng là từ 2 góc nhìn khác nhau, đi đến biểu thị 2 thái độ khác nhau. Chỉ thấy “đấu tranh” mà không thấy “pháp nạn”
là nhìn Phật giáo một cách phiến diện, lệch về phía không phải bản chất
sự kiện. Ngược lại, vấn đề miền Nam Việt Nam năm 1963 nằm trọn ở vấn đề
pháp nạn của Phật giáo. Pháp nạn là nguyên nhân của đấu tranh.
Dùng
cụm từ “Pháp nạn lịch sử 1963” còn có hàm ý tưởng niệm Bồ tát Quảng
Đức và liệt vị Thánh tử đạo Phật giáo miền Nam Việt Nam, những vị hi
sinh vì đại nạn của Phật giáo.
Để rõ ràng, thay vì vắn tắt là “Pháp nạn lịch sử 1963”, thì có thể diễn đạt chi tiết là “Pháp nạn Phật giáo miền Nam” thay cho “Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam”.
MT