Trong
tuyệt đại đa số ý kiến thống nhất với đề xuất xây dựng kiến trúc mang
biểu tượng Phật giáo tại khu đô thị mới Thủ Thiêm để tạo diện mạo kiến
trúc Phật giáo cho TPHCM, cũng có một vài ý kiến chưa thống nhất, chẳng
hạn như cho rằng không nên lao vào cuộc cạnh tranh cơ sở vật chất với
tôn giáo khác ở khu vực trung tâm thành phố.
Vì
vậy, bài viết này sẽ chứng minh rằng hoàn toàn không có việc cạnh tranh
với tôn giáo khác về mặt kiến trúc ở khu trung tâm. Ngược lại, lịch sử
cho thấy chính Phật giáo đã bị thực dân Pháp xóa bỏ các cơ sở ở khu
trung tâm thành phố Sài Gòn, trong âm mưu loài trừ văn hóa dân tộc Việt
Nam, phục vụ cho chính sách thực dân xâm lược.
Đề
cập đến vấn đề này là đề cập Phật giáo trong quan hệ với chính quyền
thực dân Pháp xâm lược, chiếm đóng, không đặt sự so sánh với tôn giáo
khác lên hàng đầu. Việc so sánh, có chăng, là do chính quyền thực dân
Pháp hậu thuẫn, hỗ trợ tôn giáo đến từ phương Tây, cũng trong cố gắng
xóa bỏ loại trừ tôn giáo, văn hóa bản địa dân tộc.
Rất
nhiều tài liệu nói đến việc phá hủy chùa Khải Tường ở khu trung tâm
TPHCM, với vị trí ước đoán là trên đường Võ Văn Tần, gần Hồ Con Rùa, tức
là cách không xa nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hiện nay.
Tìm
trong công trình nghiên cứu lịch sử của đạo Ca tô La Mã, chúng ta thấy
có ghi chép quá trình lấy chùa làm nhà thờ ở trung trung tâm thành phố
Sài Gòn từ đó cho đến nay.
Sách
“Lịch sử Công giáo Việt Nam”, linh mục Trương Bá Cần chủ biên, tập II-
“Thời kỳ thử thách và phát triển (từ nửa đầu thế kỷ XIX đến mùa thu năm
1945”, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2009) có viết về việc lấy một
“ngôi chùa bỏ trống” làm nhà thờ chính tòa Sài Gòn, và việc này là
“cũng”, tức diễn ra nhiều lần”.
Trang
344, sách dẫn trên, viết “Nhà thờ thứ ba, cũng là một ngôi chùa bỏ
trống được sửa chữa làm nhà thờ chính tòa cho đức giám mục Lefebvre đầu
năm 1861, sau khi quân đội Pháp chọc thủng được đại đồn Kỳ Hòa. Ngôi nhà
thờ này nằm trên đường Ngô Đức Kế ngày nay (xưa kia là rue Vannier),
vào thời điểm ngôi chùa bỏ trống, được sửa chữa thành nhà thờ, Đức Giám
mục Lefebvre đã chuyển về ở tại một ngôi nhà nằm trên đường Nguyễn Công
Trứ ngày nay (trước đây là rue Lefebvre)”.
Ngôi chùa bị lấy làm nhà thờ hẳn là rất lớn vì được sử dụng làm nhà thờ chính tòa.
Ngôi
chùa bị lấy làm nhà thờ tọa lạc trên đường Ngô Đức Kế ngày nay, tức là
trong khu vực gần trụ sở Ủy Ban Nhân dân TPHCM bây giờ, tất nhiên là
trong khu trung tâm.
Vì
vậy bây giờ, nói đến việc xây dựng chùa ở khu trung tâm TPHCM, thì đó
chỉ là nói đến việc phục hồi chùa đã có trước đây ở khu vực này đã bị
chính quyền thực dân Pháp trưng dụng làm nhà thờ và nay đã phá hủy. Rõ
ràng và hiển nhiên, đề xuất xây dựng chùa ở trung tâm không phải là việc
cạnh tranh kiến trúc tôn giáo. Chùa đã có ở đó, đã bị thực dân Pháp xâm
lược chiếm giữ, phá hủy. Thì đề nghị phục hồi, tái tạo là hết sức hợp
lý.
Tuy
nhiên, vị trí đề xuất xây dựng kiến trúc biểu tượng Phật giáo không
phải nằm ở trung tâm TPHCM hiện hữu, mà nằm ở trung tâm mở rộng của
TPHCM chưa xây dựng (khu đô thị mới Thủ Thiêm). Như thế là không thể nói
đây hoàn toàn là khôi phục diện mạo kiến trúc Phật giáo ở khu trung tâm
TPHCM. Việc xây dựng kiến trúc biểu tượng Phật giáo ở khu đô thị mới
Thủ Thiêm, nếu được chăng, thì cũng chỉ là một nét nhấn phụ. Kiến trúc
tôn giáo trung tâm TPHCM, với nhà thờ Đức Bà ở khu trung tâm hành chính,
vẫn là kiến trúc một thành phố theo đạo Ca tô La Mã. Nếu có một cuộc
cạnh tranh nào đó, cũng sẽ không có kết quả triệt để, tức không thể thay
đổi hoàn toàn diện mạo kiến trúc tôn giáo TPHCM hôm nay được.
Nay
khôi phục chùa ở khu trung tâm TPHCM, thực ra là chỉ gần khu trung tâm
cũ, đó chỉ là khôi phục phần nào diện mạo kiến trúc Phật giáo cho trung
tâm thành phố. Đây là việc làm hợp lý, chính đáng, vì lợi ích văn hóa
dân tộc, không mang màu sắc cạnh tranh tôn giáo.
Do
vậy, xin kính có lời hối thúc liệt vị giáo phẩm Ban Trị sự GHPGVN
TPHCM. Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa vào giai đoạn thi công xây
dựng, tức là cơ hội cho Phật giáo TPHCM vẫn còn. Dù là chỉ với một thời
gian ngắn nữa thôi, nhưng cơ hội này vẫn là hy vọng đối với tăng ni Phật
tử. Hơn nữa, trách nhiệm khôi phục những ngôi chùa bị phá hủy trong
chiến tranh xâm lược từ ngoại bang luôn luôn là trách nhiệm của người
con Phật hôm nay trong bối cảnh đất nước độc lập, thống nhất.
Vì
vậy, trước khả năng và cơ hội như thế, trách nhiệm của Ban Trị sự
GHPGVN TPHCM là có tính chất quyết định và do đó, hết sức nặng nề. Nếu
không làm được, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hầu như không có cơ hội
được tái tạo ở trung tâm TPHCM trong hàng nhiều thế kỷ sau nữa.
MT