Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tại Sao Đưa Tên Phật và Hình Phật Vào Quán Rượu và Thịt Nướng?
Đào Văn Bình
19/10/2011 15:36 (GMT+7)

 

các danh nhân, giáo chủ của các tôn giáo để xử dụng cho những hoạt động, tổ chức không đứng đắn. Còn đối với việc nhà, như việc đặt tên cho con cái, cho thương hiệu của chính mình cũng là chuyện không phải không có suy nghĩ. Ai ai cũng phải đắn đo, suy nghĩ chín chắn, sao cho thích hợp. Tên như thế nào thì nội dung của việc làm, tổ chức, con người như thế ấy. Các cụ ngày xưa thường nói  Người làm sao, chiêm bao làm vậy.”

Chẳng hạn, các nhóm cướp biển thường dùng cái tên nghe lạnh người như: Đảng Đầu Lâu Máu, Đảng Sọ Người, Cánh Buồn Đen v.v…Các băng đảng ở các thành phố thường dùng các tên như Đảng Nhạn Trắng, Người Hai Mặt, Dao Bay, Lạnh Lùng, Nhóm Bụi, Nữ Chúa Đô La, Vàng và Máu, Dao Súng Vô Tình, Những Đứa Con Hoang v.v…Còn các quán ăn, quán nhậu… trong nước bây giờ thì tôi không rõ, trước năm 1975, Sài Gòn có các quán nổi tiếng như Ba Râu, Bảy Hổ, Đường Sơn Quán (dựa theo cuốn phim Tàu có tên Đường Sơn Đại Huynh). Tại San Jose, California hiện nay có các quán cà-phê đèn mờ mờ, các cô bồi bàn ăn mặc hở hang quá mức (một quán vừa bị cảnh sát bắt chờ truy tố ra tòa) có… Cà-phê Lang Thang, Cà-phê Giọt Nhớ, Cà-phê Giọt Tình, Cà-phê Heo May…. Các quán nhậu thì có Quán Xả Láng, Quán Nhậu Xỉn, Quán Mút Chỉ v.v..Các khiêu vũ trường (nhảy đầm) thường xử dụng các tên có trước năm 1975 ở Miền Nam như Vũ Trường Lido, Vũ Trường Ritzs, Đêm Màu Hồng v.v.. Còn cơm chay thì bao giờ cũng có cái tên hiền hòa, đạo vị như Cơm Chay Di Đà, Cơm Chay Tịnh Tâm, Cơm Chay Di Lặc. Thật tức cười và ngây ngô khi một đảng cướp đặt cho tổ chức của mình cái tên Đảng Cướp Dịu Dàng, Đảng Cướp Nhân Từ. Còn quán cà-phê với các cô bồi bàn ăn mặc theo kiểu mà Cảnh Sát San Jose gọi là “topless” (hở vú, hở ngực) mà lấy cái tên Cà-phê Thanh Tịnh, Cà-phê An Nhiên thì các cậu choai choai, thất tình, độc thân, các ông già đầu bạc còn ham gái trẻ sẽ chẳng bao giờ bước vào. Đặt tên như thế gọi là chéo cẳng ngỗng. Ấy vậy mà ở Việt Nam ngay tại Quận II lại có một quán dùng cả hình Phật trên nóc để quảng cáo cho tiệm của mình qua cái tên Buddha Bar & Grill. Với cái tên rặt Mỹ như thế thì bình thường mọi người sẽ hiểu đây là nơi bán rượu mạnh (Bar), thịt nướng đủ loại (Grill). Nó là một quán ăn nhậu. Quảng cáo lại còn cho thấy có ban nhạc sống (Live Music), trực tiếp truyền hình các chương trình thể thao (Live Sports)… Nói tóm lại đây là nơi ăn thịt nướng, uống rượu, nghe nhạc ồn ào, tương phản với hình ảnh Thanh Tịnh, Giải Thoát, Cao Quý của Đức Phật. Vì tôi ở xa nên không rõ chiêu đãi viên ở đây ăn mặc và tiếp khách như thế nào.

Việc đặt tên như thế đã gây bất bình nơi một số Phật tử và gợi nhớ tới trường hợp tương tự cách đây không lâu tại Indonesia đã có một quán rượu có tên Buddha Bar, trong có trang trí tượng Phật. Do bị biểu tình phản đối liên tục, cộng thêm với sự can thiệp của chính quyền, quán này phải đóng cửa.

Một số ý kiến cho rằng đặt tên như thế là “cố tình phỉ báng” Phật Giáo. Vì Đạo Phật quá hiền lành cho nên một số đã so sánh - nếu ở các nước Hồi Giáo mà có tên quán “Muhammad Bar & Grill” thì có lẽ chủ nhân của nó sẽ “thấy bốn ông trời ngay” mà không kịp mở lời xin lỗi hay dẹp quán. Nhưng với tinh thần bao dung của Phật Giáo thì có khác. Bất cứ chuyện gì, khi chưa rõ về động cơ, ý đồ (motive) của chủ quán và cũng theo luật pháp mà tôi được học, thì “nghi can” được hưởng “Benefit of the doubt” tức khi nghi ngờ thì mình phải nghĩ tốt cho người ta. Theo tôi, chủ quán có thể là một người ngưỡng mộ Đạo Phật và yêu quý Đức Phật. Vả lại bây giờ cái tên “Buddha” được cả nhân loại biết tới cho nên thấy cái tên hay hay, để hấp dẫn khách hàng, đặt tên chơi mà không hề nghĩ tới hậu quả của nó.

Theo tôi, biện pháp tốt đẹp nhất là  Ban Đại Diện Phật Giáo Quận II nên gọi điện thoại hoặc gửi thư chính thức tới chủ quán, xin một buổi tiếp xúc để trình bày về những bất ổn hoặc những lời than phiền của Phật tử về cái tên “Buddha Bar & Grill”. Bản sao văn thư gửi lên chính quyền sở tại xin “cứu xét, can thiệp”.  Trong buổi tiếp xúc, phái đoàn sẽ trình bày vấn đề một cách ôn hòa và thẳng thắn. Lý luận mà phái đoàn có thể đưa ra là ông /bà đây, trong một xứ tự do có quyền đặt cho quán mình cái tên gì cũng được, không ai cấm. Thế nhưng khi hành xử tự do cá nhân của mình thì cũng phải nghĩ tới việc hành xử đó có làm tổn thương tới danh dự của cá nhân khác, tổ chức khác không. Dù lý luận thế nào đi nữa, cái tên “Buddha” không thể nào dùng cho một nơi chuyên môn bán thịt nướng để ăn nhậu và uống rượu,ca nhạc ồn ào. Điều đó làm hoen ố hình ảnh của Đức Phật và gây tổn thương cho Phật Giáo. Vì sự hiếu hòa, vì sự an vui của cộng đồng, vì tôn trọng giá trị tâm linh, đạo đức của dân tộc mà hình ảnh của Đức Phật đã ăn sâu vào tâm thức Việt Nam gần 2000 năm nay, xin ông/bà đây cho đổi tên quán. Việc này hoàn toàn có lợi và ông /bà cũng chẳng mất mát gì. Còn biết bao nhiêu cái tên Mỹ hấp dẫn sao ông bà không dùng? Một khi đổi tên quán, ông/bà chứng tỏ mình là người hiểu biết, dễ dàng cảm thông người khác. Cứ thử tưởng tượng nếu cuộc gặp gỡ hôm nay không đi đến kết quả gì cả, Phật tử bất mãn sẽ kéo tới đây biểu tình liên tục thì ông bà sẽ làm ăn thua lỗ rồi cuối cùng thì cũng phải đóng cửa. Tại sao có một giải pháp tốt lành như thế mà chúng ta không dùng? Vả lại từ khi nội vụ nổ ra, quán của ông/bà trở nên nổi tiếng. Dân hiếu kỳ sẽ kéo tới đây. Dù quán có mang tên mới gì đi nữa thì cũng sẽ đắt hàng. Ông/bà chỉ có lợi mà chẳng hại gì.

Tôi nghĩ rằng với lập luận như thế, nhất định phái đoàn sẽ thành công. Mọi việc sẽ diễn ra trong vòng tốt đẹp. Mọi việc cứ từ từ theo đúng tinh thần “tiên lễ hậu binh”.

Sau hết đây cũng là một kinh nghiệm cho chính quyền sở tại khi cấp phép. Dĩ nhiên không có luật lệ nào cấm dùng tên Phật hoặc Buddha cho các cửa hàng ăn nhậu, ca hát, sòng bài. Thế nhưng bên cạnh Luật, đất nước nào cũng có Lệ. Lệ chính là truyền thống dân tộc. Dân tộc ta có câu “Phép vua thua lệ làng”. Lệ chính là quy ước mà cộng đồng dân tộc trân trọng và tuân thủ. Lệ liên quan đến phong tục, tập quán, văn hóa, đạo đức và tâm linh của dân tộc. Do đó trên cương vị chính quyền chúng ta phải cân nhắc xem khi quyết định như thế chúng ta có gây bất ổn hoặc bất mãn cho thành phần dân chúng khác không? Quyết định đó có gây tổn thương đến tâm linh, văn hóa và đạo đức dân tộc không? Trách nhiệm của chính quyền là làm cho cộng đồng sống trong hòa thuận, chứ không phải tạo thêm mâu thuẫn, bất ổn cho cộng đồng. Bằng quyết định can đảm và sáng suốt, nếu chính quyền sở tại thành công trong việc yêu cầu chủ nhân đổi tên quán, sẽ tạo một tiền lệ tốt đẹp là tự hậu sẽ không còn việc lạm dụng tên tuổi của những danh nhân, anh hùng dân tộc, giáo chủ các tôn giáo cho những mục tiêu, tổ chức, kinh doanh không đúng đắn./.

 

Đào Văn Bình

(California 18/10/2011)

 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang