Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Khả năng hỗ trợ tu tập của kênh truyền hình An Viên
Minh Thạnh
10/12/2011 07:59 (GMT+7)

 

Trên tinh thần hoan hỷ trước sự kiện truyền hình An Viên lên sóng, chúng ta, từ điểm nhìn của khán giả Phật tử, cùng nhau bàn luận về vấn đề này.

Trước hết, điều chắc chắn là với nội dung đạo đức ảnh hưởng Phật giáo, kênh truyền hình An Viên tất yếu đã có khả năng hỗ trợ gián tiếp hoạt động tu tập của Tăng Ni Phật tử. Với kênh đạo đức ảnh hưởng Phật giáo An Viên, truyền hình, với khán giả là Tăng ni và Phật tử thuần thành Việt Nam, đã đi từ vai trò “con quỷ một mắt” làm nhiễu tâm (từ để gọi TV của một vị hòa thượng Đài Loan trước khi lãnh thổ này có những kênh truyền hình Phật giáo, và phim chưởng giữ vai trò độc tôn ở cả màn ảnh lớn lẫn màn ảnh nhỏ Đài Loan) chuyển sang vai trò tạo một không gian thiện nghiệp đối với khán giả.

Tu dưỡng đạo đức, dù chưa phải là đạo đức Phật giáo, vẫn là tu tập thiện nghiệp, huống nữa đây là kênh truyền hình đạo đức ảnh hưởng Phật giáo.

Về việc hỗ trợ trực tiếp hoạt động tu tập, trên những chương trình phát sóng đầu tiên của kênh An Viên, cũng đã có nội dung hướng dẫn tọa thiền, như một phương pháp rèn luyện sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Một số kiến thức Phật học được diễn giải, như thế nào là Pháp luân, ý nghĩa các màu sắc trên cờ Phật giáo… cũng là một hình thức hỗ trợ trực tiếp hoạt động tu tập, giúp nâng cao kiến thức Phật học.

Cũng vậy, với những bộ phim về lịch sự Phật giáo, về đạo hạnh của các bậc danh Tăng Việt Nam và thế giới…, người xem là Tăng ni Phật tử cũng có thể tìm thấy ở đó những tấm gương tu tập. Như thế, cũng là nội dung hỗ trợ trực tiếp việc tu tập của Tăng ni Phật tử.

Theo chúng tôi, dù các kênh truyền hình đạo đức ảnh hưởng Phật giáo ở châu Á đều dành một thời lượng nhất định cho tụng kinh, thuyết pháp…, nhưng An Viên có thể, trong khả năng của mình, có thể có hình thức thể hiện tương tự, nhưng cũng có thể có những hình thức thể hiện khác, nhằm mục tiêu hỗ trợ trực tiếp việc tu tập như tụng kinh, thuyết pháp, mà trong sự thay đổi hình thức vẫn bảo đảm tác động trực tiếp của nó.

Chẳng hạn, việc mời các tác giả những quyển sách Phật giáo giá trị tự giới thiệu nội dung sách của mình trong những chương trình giới thiệu sách, có thể là một hình thức “thuyết pháp” sinh động và gần gũi. Thay vì thể hiện quan hệ thầy – trò, những chương trình như vậy sẽ thể hiện quan hệ “tác giả - bạn đọc”, thông qua câu hỏi bạn đọc nêu ra với các tác giả sách Phật giáo. Từ đó, việc tác giả những quyển sách nội dung đạo đức ảnh hưởng Phật giáo giải đáp câu hỏi bạn đọc sẽ có thể là việc hỗ trợ trực tiếp những bạn đọc của mình trong việc trau giồi đạo đức ảnh hưởng Phật giáo, nói cách khác là hỗ trợ trực tiếp hoạt động tu tập.

Hình thức tụng kinh, tụng kệ, tụng sám, thay vì giữ nguyên hình thức cũ, cũng có thể được thể hiện bằng cách chuyển việc thể hiện hình thức những bài tán, bài sám, bài nguyện, kể cả những bài kinh, sang hình thức thể hiện bằng âm nhạc. Để làm được điều đó, bên cạnh việc sử dụng những bài hát với nội dung như thế đã có, kênh truyền hình An Viên có thể tổ chức những cuộc vận động hoặc những cuộc thi “nhạc hóa” bằng công cụ âm nhạc hiện đại đối với nội dung các bài kinh, kệ thường được đọc tụng trong đạo Phật. Đến thời công phu, những bài nhạc như thế sẽ được phát thay cho chương trình tụng kinh như đối với các kênh Đại Ái, DMC… Ở đây, vừa là ca nhạc Phật giáo mang màu sắc hiện đại, cũng vừa là tán tụng, với nội dung mang tính truyền thống.

Những hình thức “phương tiện” như thế có thể tạo nên tác động tích cực đối với hoạt động tu học của giới trẻ so với những hình thức mang nặng màu sắc tôn giáo cổ truyền, thường khó hiểu vì nhiều từ ngữ Hán Việt và âm hưởng đọc tụng trầm buồn.

Với một góc nhìn như vậy, dù là kênh truyền hình đạo đức ảnh hưởng Phật giáo, An Viên vẫn là niềm hy vọng để đưa trực tiếp Phật giáo đến với giới trẻ, thông qua những hình thức thể hiện mới, sinh động, hiện đại, mà tuổi trẻ dễ tiếp nhận hơn, cũng như phù hợp với những yêu cầu đặt ra cho kênh.

Như thế chính là hỗ trợ trực tiếp hoạt động tu học, và không chỉ là đối với Phật tử thanh niên.

Minh Thạnh

Các tin đã đăng:
Về đầu trang