Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Viết cho người tuổi trẻ
Tâm Nhẫn
13/02/2012 09:11 (GMT+7)


Ngày 14 tháng Giêng vừa qua, con tôi đã qui y với Phật .

Việc này, hai chúng tôi đã mong đợi từ 5 năm trước đây, nhưng biết nói thế nào để con tôi, người trẻ tuổi, có học vấn, hiểu về vấn đề thiết thân này, vấn đề còn quan trọng hơn cả bằng cấp, địa vị, học vấn, hơn cả mọi thang bậc xã hội ?

Đôi khi chúng tôi gợi ý, chàng ta vẫn im lặng, hoặc miễn cưỡng trả lời : “Chưa đến lúc ?” .

Việc sinh tử như lửa cháy, chứ đâu phải đợi đến lúc ? Nhưng Nhân và Duyên chưa hoà hợp, chúng tôi đành kiên nhẫn chờ đợi, như đêm tối có sao canh chừng, như đêm tối cúi đầu kiên nhẫn. (Rabinarath Tagore) .

-o0o-

Đột nhiên, chàng ta đồng ý qui y ! Chúng tôi “hồ hỡi” , hỏi vì sao ? vào lúc này ?

Chàng ta bảo : “Con thấy đã đến lúc, đã đến lúc tính chuyện tương lai của con rồi , Pa Mẹ .”

Hoạch định tương lai có nghĩa là mình sẽ tạo ra số phận , tôi muốn hỏi thêm, nhưng với độ tuổi 30 hơn ấy khó mà có thể trả lời được . Tôi hiểu rằng, con tôi sẽ cố gắng đọc các sách Phật học và áp dụng . 

-o0o-

Tôi muốn nói với con tôi rằng, muốn tương lai có thể diễn tiến theo điều mong đợi của mình, thì con người phải rất sáng suốt. Sáng suốt này, chẳng phải là học nhiều, hiểu rộng, mà là hơn cả học nhiều, hiểu rộng nữa, mà nếu thiếu cái “sáng suốt” này, thì tâm thức chỉ là một quần tụ của mù quáng thẳm sâu vô bờ bến (1)

Từ sự “mù quáng ấy ”, con người lao theo tiếng gọi của bản năng, của “niềm tin và sự mong đợi thầm kín”, của kiến thức, của hệ thống “kịch bản tâm trí” thế tục , bằng những hành vi  đáp ứng và ứng xử với mọi bối cảnh, người, vật, thiên nhiên…(2) .

Thế rồi diễn trình đáp ứng và ứng xử ấy sẽ tập thành vô số kinh nghiệm trãi nghiệm khác, cộng với các kiến thức tích luỹ khác, để tích tụ thành vô số thói quen tập khí mới, nói chung là “hệ dữ liệu tâm trí” (3) .

Dưới sự chi phối và điều kiện hoá của “hệ dữ liệu tâm trí” ấy , con người hình thành một tính cách riêng, một nhân cách riêng (4) . Với nhân cách ấy, con người tiếp tục kiến tạo nên một thế giới trong tâm trí đầy cá tánh của mình, một thế giới ý niệm chủ quan (5) .

Với hành trang thế giới ý niệm chủ quan ấy, con người lao vào canh bạc cuộc đời (6) , tầm cầu và thoả mãn những hạnh phúc giác quan cũng như thoả mãn những khát vọng giác quan (7) . Để rồi từ đó, cả con người rơi vào vòng luyến thương, tiếc nhớ  những hạnh phúc giác quan, đến nỗi không gỡ ra được, xem như là cứu cánh của đời mình (8) ; và bám chặt lấy, ôm chặt lấy tất cả vào lòng không buông nữa , đồng hoá chúng là mình (9) . Từ lúc này, con người luôn muốn tồn tại như vậy mãi mãi, đời này, đời sau , đời nữa (10) .

Tuy nhiên, đứng trước sự quay cuồng của thế gian đầy bất trắc, hiện tại phải đấu tranh, tương lai bất định, nội tâm con người bắt đầu sinh phiền muộn, lo lắng . Nhiều thói quen – tập khí mới phát sinh, đồng thời, nhiều khổ đau cũng phát sinh trong đấu trường quyết liệt ấy (11) ; rồi cuộc đời cũng phải trôi qua, trôi qua (12) với bệnh tật, khổ đau (12) , chết chóc và mất hết (12).

Đó là chu kỳ quần tụ , tích tập những nỗi khổ niềm đau của nhân loại , đời này qua đời khác , qua chẳng biết bao nhiêu thế hệ , chẳng biết chừng nào mới dừng ! .

-o0o-

Tôi muốn nói với con tôi rằng, nếu ta phá bỏ được cái quần tụ mù quáng đó được chút nào, chính là làm chủ được chút ấy, cái tương lai, số phận của mình .

Đức Phật dạy rằng, sở dĩ khối ung nhọt mù quáng ấy vẫn luôn tồn tại, bởi vì con người “không biết , không sáng suốt” (1) . Không biết gì ? Đức Phật dạy rằng :

  1. Không biết và hiểu rằng, chu kỳ khổ đau và hạnh phúc trần gian là sự thật như vậy (13).
  2. Không biết và hiểu rằng, nỗi khổ niềm đau cùng với hạnh phúc trần gian luôn song hành và tích tụ theo chu kỳ như vậy là một sự thật thứ hai . (14)
  3. Không biết và hiểu rằng, con người có thể hoàn toàn hưởng hạnh phúc trần gian, luôn luôn có thể làm chủ lấy số phận và cũng luôn luôn vượt khỏi khổ đau, chiến thắng khổ đau và khổ đau sẽ không còn tồn tại , đó là một sự thật thứ 3 (15).
  4. Không biết và hiểu rằng,  có những phương pháp thực sự loại trừ khổ đau, và làm chủ lấy tương lai hạnh phúc của mình và hết thảy những người chung quanh, đó là sự thật thứ 4 (16) .

Có 4 cái “không biết, không sáng suốt biết” như thế , làm cho “quần tụ mù quáng” ấy luôn luôn che ám tâm thức con người .

-o0o-

Khi sự “mù quáng ấy ” (1) kết thúc, con người không còn lao theo tiếng gọi của bản năng, của “niềm tin và sự mong đợi thầm kín”, của kiến thức, của hệ thống “kịch bản tâm trí”, con người làm chủ được những hành vi  đáp ứng và ứng xử với mọi bối cảnh người, vật, thiên nhiên…(2) .

Thế rồi diễn trình đáp ứng và ứng xử đầy trí tuệ ấy sẽ tập thành vô số kinh nghiệm trãi nghiệm khác và kiến thức khác để tích tụ thành vô số thói quen tốt đẹp mới, nói chung là “hệ dữ liệu tâm trí” hoàn hảo (3) .

Dưới ánh sáng của trí tuệ và sự làm chủ “hệ dữ liệu tâm trí” tốt đẹp ấy , con người hình thành một tính cách riêng, một nhân cách cao thượng (4) . Với nhân cách cao thượng ấy, con người tiếp tục kiến tạo nên một thế giới trong tâm trí đầy từ bi hỷ xả, một thế giới ý niệm an bình, không sân hận, không tham ái (5) .

Với hành trang tốt đẹp ấy, con người cất bước vào đời (6) , làm chủ được những đòi hỏi của hạnh phúc giác quan tầm thường, cũng như làm chủ được những khát vọng giác quan hạ liệt (7) . Để rồi từ đó, con người không còn sự luyến thương, tiếc nhớ đến những hạnh phúc giác quan tầm thường, hạ liệt (8) ; tháo gỡ những bản chất tham lam, sân hận ra khỏi tâm hồn (9) . Từ lúc này, con người không còn nghĩ rằng, muôn sự là mãi mãi (10) .

Mặc dù đứng trước sự quay cuồng của thế gian đầy bất trắc, hiện tại phải đấu tranh, tương lai bất định, nội tâm con người vẫn bình an, trầm tĩnh . Nhiều thói quen tốt đẹp mới phát sinh, đồng thời, những khổ đau được vượt qua và đoạn diệt (11) ; dù đường đời là vô thường, nhưng từ nay sinh lão bệnh tử,.. sầu bi khổ não (12) đã được vượt qua, chỉ còn một điều duy nhất : sống như thế nào để xứng đáng một cuộc sống có một không hai, cuộc đời hiện tiền này .  

Đó là chu kỳ tan rã, chu kỳ chấm dứt nỗi khổ, niềm đau của nhân loại , đời này qua đời khác .  

-o0o-

Làm sao kết thúc, phá vỡ “quần tụ mù quáng” ấy ? Tôi muốn nói với con tôi,  chỉ có tám phương pháp mà Đức Phật dạy để phá vỡ sự mù quáng ấy , chỉ có tám mà thôi :

1.- Phải có cái nhìn đúng đắn (17) : hãy nhìn sự vật , hiện tượng bối cảnh ngay trong chu kỳ quần tụ của chúng, ta sẽ thấy “nguyên nhân” phát sinh, và “động lực” phát triển . Và ta sẽ thấy được nguyên nhân làm cho suy tàn và hoại diệt .

2.- Phải kiến tạo một đường lối tư duy đúng đắn (18) : hãy tư duy theo chu kỳ phá vỡ sự mù quáng ; hãy kiến tạo một “hệ dữ liệu tâm trí” thiện hảo, nơi đó, không có kịch bản tâm trí nào cho lòng tham đắm, lòng sân hận, ghen tị, đố kỵ, ích kỹ và si mê .

3.- Phải có lời nói đúng đắn (19) : hãy nói lời cần nói, lời nhẹ nhàng, và nếu không cần, thì không nói . Tuyệt đối làm theo điều 4 của 5 giới .

4.- Phải có hành vi đáp ứng và ứng xử với tha nhân, với bối cảnh, với thiên nhiên đúng đắn (20): Hãy biết rằng, hành vi đáp ứng và ứng xử nào của ta cũng mang lại liên miên bất tuyệt của chu kỳ tạo tác, cả chiều tích tụ hạnh phúc lẫn chiều tích tụ khổ đau . Hãy nhớ rằng “phàm làm điều gì, cũng mang lại hệ quả” . Hãy chọn những điều là hệ quả tốt, được những người tốt chung

quanh khen ngợi .

5.- Phải tránh những cách làm ăn, nghề nghiệp mà luật pháp và đạo đức không cho phép (21) .

6.- Phải tinh siêng trong tất cả những phương pháp này , đồng thời cũng phải tinh siêng và có trách nhiệm trong mọi công việc (22).

7.- Phải luyện tập sự trầm tĩnh trước mọi biến cố , hãy sáng suốt trước mọi hoàn cảnh . Tốt nhất là hãy học thiền định (*) , để tâm lắng đọng ; cũng phải học cách phản tỉnh (**) những gì lầm lỗi trong ngày, phản tỉnh những gì thói quen, tập khí xấu đang réo gọi và “nhìn thấy” chúng , chuyển hoá chúng theo con đường đúng đắn (23).

8.- Phải luôn luôn ghi nhớ tất cả những điều này, phải luôn luôn ghi nhớ những điều thiện hảo mà thế gian này ban cho ta . Tốt nhất, nên luôn nhớ nghĩ những lời Phật dạy (24) để ứng dụng vào hoàn cảnh .

Hãy chỉ làm theo 8 phương pháp này, với trí tuệ và tấm lòng nhân từ, bi mẫn, độ lượng , trầm tĩnh . Hãy hiến dâng tấm lòng này cho xã hội, cho những người nghèo khổ, những người già neo đơn, những trẻ bị bỏ rơi, …. Hãy hiến dâng, để quanh ta, bớt đi nỗi khổ niềm đau . Sống như thế thôi, sống trên đời, chỉ cần có tấm lòng, để gió cuốn đi (TCS) và chỉ như thế thôi .

-o0o-

Thực ra, tôi muốn nói chuyện với con tôi rằng ,tôi chỉ mong chúng hiểu như vậy và làm như vậy, chỉ đơn giản vậy thôi , nhưng chúng quá bận bịu, đi công tác tối ngày.

Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng đó là một quá trình dài lâu và đầy gian khó để chiến thắng bản năng , để chiến thắng vô số nghịch cảnh trên đường đời, mà bản năng và những nghịch cảnh đó, lại có tính cách cộng hưởng nhau, khuếch đại lên nhau, để cùng huỷ hoại hết  những thành tựu nhỏ nhoi từ những cố gắng này . Thực gian khó thay, đứa con của tôi !

Tôi mong rằng, khi con tôi lướt web, chúng sẽ nhìn thấy tôi đang nói gì với chúng !

1.      Vô minh

2.      Hành

3.      Thức

4.      Danh Sắc

5.      Lục Nhập

6.      Xúc

7.      Thọ

8.      Ái – Tham ái

9.      Thủ

10.  Hữu

11.  Sinh

12.  Lão – Tử - Sầu – Bi

13.  Khổ đế

14.  Tập đế

15.  Diệt đế

16.  Đạo đế

17.  Chánh Tri Kiến

18.  Chánh Tư Duy

19.  Chánh ngữ

20.  Chánh nghiệp

21.  Chánh mạng

22.  Chánh Tinh Tấn

23.  Chánh định

24.  Chánh Niệm

Thursday, February 09, 2012

Tâm Nhẫn

(*) Thiền định ; (**) Thiền quán vipassana

http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoc/tuy-but/10185-Viet-cho-nguoi-tuoi-tre.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang