Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Mô hình hoằng Pháp tại nước nhà trong thời đại ngày nay
10/08/2011 08:47 (GMT+7)


Theo pháp Tứ Thánh đế, chúng ta thấy Đức Phật dạy an lạc và Niết bàn do đâu mà có, cũng như khổ đau và trần gian do đâu mà sanh. Cũng như vậy, nếu tìm ra nguyên nhân do đâu mà Phật giáo thạnh hay Phật giáo suy thì đó là bài học ngày hôm nay chúng ta phải nghiền ngẫm và đánh giá để cho chúng ta kinh nghiệm hoằng pháp, mang lại lợi lạc cho xã hội và đạo pháp. Mục tiêu của khóa hội thảo này nhắm đến việc như thế.

Có thể khẳng định rằng Phật giáo thạnh, hay Phật giáo suy là do chư Tăng quyết định, vì giáo pháp hay chân lý không thay đổi; nhưng sự thay đổi sanh ra là tùy ở đạo đức của chúng ta, tùy ở trí tuệ của chúng ta và tùy ở sự vận dụng Phật pháp của chúng ta vào cuộc sống làm cho Phật giáo trở nên thạnh hành hay suy yếu.

Thật vậy, trong hoàn cảnh suy vi, nhưng nếu có chư Tăng có đạo đức và trí tuệ, thì có thể biến đổi tình trạng suy yếu thành thạnh đạt, chuyển đổi sự nguy cấp thành an lạc và hơn thế nữa, đối với bậc chân tu, hoàn cảnh nguy khó là phương tiện tốt nhất để phát triển đạo lực của mình.

Thực tế lịch sử đã chứng minh rõ nét điều này. Khi Phật giáo cực thạnh như thời Đinh Lê Lý Trần, thử nghĩ sự hưng thạnh đó từ đâu mà có được. Chúng ta phải thấy rõ là nhờ trí tuệ ngời sáng tuyệt vời của các thiền sư như Ngô Chân Lưu, Đỗ Thuận, Vạn Hạnh và nhiều vị thiền sư khác nữa. Vì lúc đó, đất nước chúng ta bị Trung Hoa đô hộ, dân tộc chúng ta bị phân tán, nhưng chính tuệ giác của các vị thiền sư đã là chất keo xúc tác cho dân tộc ta gắn kết với nhau để có được sức mạnh thật sự. Vì vậy, có thể nói rằng Phật giáo gắn liền với dân tộc Việt Nam. Hễ thời kỳ nào Phật giáo hưng thạnh thì đất nước ta được hưng thạnh và hễ lúc nào Phật giáo suy đồi thì đất nước ta suy đồi. Kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy rõ ràng Phật giáo và dân tộc Việt Nam gắn liền với nhau, hòa quyện với nhau thường được ví như nước với sữa.

Từ đất nước chúng ta bị lệ thuộc Trung Hoa, nên có các phong trào khởi nghĩa, phong trào yêu nước nổi dậy và được nhen nhúm từ chỗ này đến chỗ khác, từ người này sang người nọ; nhưng đôi khi lại làm suy yếu lẫn nhau cho đến tiêu diệt nhau. Lúc bấy giờ, nếu không có trí tuệ ngời sáng của Khuông Việt soi đường dẫn lối cho Đinh Tiên Hoàng, thì làm sao ông từ một cậu bé chăn trâu mồ côi mà trở thành một vị lãnh tụ anh minh có khả năng tập hợp 12 sứ quân tạo thành một quốc gia Đại Việt. Vì vậy, chúng ta nhận thấy không phải ngẫu nhiên mà Đinh Tiên Hoàng sắc phong cho Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt thái sư; vì trí tuệ của Thiền sư Ngô Chân Lưu đã chỉ đạo cho việc thống nhất các sứ quân và xây dựng nên đất nước hưng thạnh kèm theo sự hưng thạnh của Phật giáo.

Như vậy, Phật pháp hưng hay suy do chư Tăng quyết định và từ điều này, chúng ta thấy sức mạnh của Phật giáo là sức mạnh của đất nước, sức mạnh của tập thể. Khi có sự đoàn kết tạo thành sức mạnh tập thể thì Phật giáo chúng ta mạnh. Và tiếp nối dòng thác hưng thạnh đó của Phật giáo, ngày nay Phật giáo chúng ta có trên 40 vạn Tăng Ni. Nhưng nếu Tăng Ni không hòa hợp, không cảm thông, thì sự hợp tác mạnh sẽ trở thành yếu đuối, vì có thể công kích lẫn nhau, tạo nên sự tan rã không xa. Có thể nói Phật giáo chúng ta yếu kém là khi đoàn thể Tăng già không hòa hợp.

Quan sát hiện trạng thực tế của xã hội ta, thấy rõ sức mạnh của dân tộc ta chính là sức mạnh của tình đoàn kết 54 dân tộc sống chung với nhau trên dải đất hình chữ S này. Phật giáo cũng vậy, khi nào có sự đoàn kết tất cả các hệ phái Phật giáo thì Phật giáo chúng ta mạnh; kinh nghiệm lịch sử đã cho chúng ta thấy điều này. Thật vậy, trước năm 1981, tức trước khi thống nhất Phật giáo cả nước, riêng ở miền Nam, hay thành phố Hồ Chí Minh ít nhất cũng có mười mấy hệ phái khác nhau không nghe nhau, thậm chí còn chống nhau, điều này đã làm cho Phật giáo suy yếu.

Trước kia, vào thời kỳ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, đã tạo nên một sức mạnh đặc biệt làm rung chuyển chế độ Ngô Đình Diệm. Thật vậy, lúc bấy giờ, 12 hệ phái Phật giáo đã họp thành Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Có thể nói từ các hệ phái sinh hoạt biệt lập và yếu, nhưng khi biết kết hợp với nhau thành một ủy ban có cùng một mục tiêu, thì đã thể hiện được sức mạnh của sự đoàn kết. Kinh nghiệm lịch sử này đã cho chúng ta bài học đúng đắn rằng dù chúng ta sinh hoạt dưới hình thức nào chăng nữa, cũng phải nghĩ đến tinh thần đoàn kết thì mới mạnh được. Tất cả Tăng Ni dù thuộc hệ phái khác nhau, nhưng tiếng nói của chúng ta phải là tiếng nói của đạo đức, của sự hòa hợp. Nếu có tiếng nói chia rẽ thì chắc chắn không phải là tiếng nói của hoằng pháp. Đó là kinh nghiệm mà tôi đã trải qua, đã suy nghiệm và áp dụng có kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, muốn có sức mạnh đoàn kết như vậy, tất cả chúng ta phải suy nghiệm thêm một bước nữa, làm sao chúng ta đoàn kết được theo lời di huấn của Đức Phật là điều quan trọng. Đương nhiên chúng ta chủ yếu là người xuất gia, là giảng sư, thì phải sống theo tinh thần vô ngã vị tha thật sự, vì đó chính là sức mạnh đoàn kết. Nếu thiếu tinh thần vô ngã, tức là sống chấp ngã, người này muốn người kia phải theo mình và cuối cùng không ai theo ai, thì không thể có sức mạnh đoàn kết, hay có theo chăng nữa nhưng theo một cách bất đắc dĩ thì đó là sức mạnh không đoàn kết trong Phật giáo, mà chỉ là thủ đoạn ép buộc người khác phải theo, nhưng mà lòng không theo thì như vậy tổ chức cũng không thể mạnh được.

Đức Phật dạy chúng ta phải có trí tuệ và khi có trí tuệ, chúng ta quán sát chúng sinh, xem họ muốn gì, cần gì, nghĩ gì và làm được gì. Thấy rõ như vậy, mới tạo được sự đoàn kết; từ đó, những điều có thể làm được, chúng ta đưa ra để cùng nhau làm, những điều mà người ta đang trăn trở, thắc mắc, chúng ta gợi ý cho sáng ra để cùng lo cho đạo pháp.

Tất cả giảng sư, những người mang danh hoằng pháp cần phải suy nghĩ coi trong 54 dân tộc, họ nghĩ gì, họ cần gì, thì cuộc hội thảo này của chúng ta phải làm sáng lên. Vì một người không thể biết tất cả, nhưng mỗi người ở tất cả tỉnh thành của tất cả dân tộc tập hợp lại, mỗi người biết một việc của địa phương mình ở, quý vị có thể chia sẻ cho nhau, nhờ đó tất cả chúng ta có thể biết được nhiều việc. Đó chính là nương vào trí tuệ tập thể trong cuộc hội thảo này mà chúng ta có được sự hiểu biết rộng lớn.

Vì vậy, tôi đề nghị các đoàn đại biểu của các tỉnh thành cần đăng ký phát biểu và Ban Thư ký đúc kết lại để đưa ra quyết sách đúng đắn. Trong cuộc hội thảo, có người ưu tư về vấn đề hoằng pháp và tuổi trẻ, có người quan tâm đến vấn đề nghi lễ, hoặc ưu tư về việc hoằng pháp cho các vùng dân tộc, v.v… Tuy có ưu tư, nhưng chúng ta chưa chia sẻ cho nhau, chưa nắm bắt được những kinh nghiệm hoằng pháp và chưa có được sự đúc kết chung, thì việc làm của mỗi người mang tính tự phát, cục bộ, chưa đạt được kết quả trọn vẹn. Ngành hoằng pháp rất cần việc học hỏi từ sự chia sẻ kinh nghiệm quý báu thiết thực của các giảng sư ở khắp mọi miền đất nước.

Về công tác hoằng pháp ở hải ngoại, tôi thấy một số thầy cô đã làm. Chủ đề này chúng ta đưa ra mà nhiều người rất muốn lóng nghe. Các Tăng Ni giảng sư từng hoằng pháp ở nước ngoài mới biết được tâm tư, nguyện vọng của kiều bào, có thể chia sẻ để những người muốn đi hoằng pháp nước ngoài nắm được, nghe theo kinh nghiệm của quý vị. Vì hoằng pháp chắc chắn không phải là áp đặt một số giáo lý cho người nghe, mà nên cho họ những gì họ cần. Giáo lý Phật cao siêu, nhưng họ chưa cần và chưa chấp nhận, chúng ta không nói. Chúng ta giảng một pháp, nhưng người nghe không tiếp thu, thời pháp đó sẽ trở thành lãng phí.

Vì vậy, Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng chúng sinh nghĩ gì, tức là họ đang băn khoăn điều gì, chúng ta nghĩ thay cho họ, gợi ý cho họ để họ có thể tiến xa hơn. Giảng sư nói mà không có thính chúng, vì nói điều họ không muốn nghe, không cần, là chúng ta đã cho những gì mà người không biết sử dụng thì thật uổng phí.

Đối với chúng sinh đau khổ, Phật chỉ dạy làm sao cho cuộc sống họ bớt khổ; còn chân lý mà Phật chứng nghiệm ở hội Hoa Nghiêm thì chỉ dành riêng cho các Bồ tát, chúng sinh không thể nghe được.

Kinh Pháp Hoa, phẩm thứ 5 có ví dụ rõ về vị Đạo sư lên núi tìm bốn thứ cỏ thuốc để chữa bệnh mù cho chúng sinh trong sinh tử. Vì có hai con đường rõ ràng là con đường dẫn đến khổ đau và con đường dẫn đến Niết bàn an lạc; đó là thuốc Phật cho người trần gian.

Người hoằng pháp đi vào đời làm sao làm vơi nỗi khổ và đem an lạc cho người. Thể hiện ý này, quý thầy kết hợp hoằng pháp với từ thiện xã hội thì tốt, nhưng phải kết hợp nhuần nhuyễn, vì chỉ cho họ ăn thôi thì được gì. Kinh Pháp Hoa dạy rằng cho một người ăn đến 80 tuổi, họ cũng chết, mà ăn nhiều, họ càng nợ nhiều, không biết bao giờ trả được; vì ta đã làm cho họ trở thành người ăn hại, tức đã bố thí sai.

Cho họ ăn để vơi bớt nỗi khổ trước mắt, nhưng phải khêu lên tinh thần trong sáng cho họ. Hoằng pháp kèm theo từ thiện xã hội là sự kết hợp tài thí và pháp thí mới quan trọng. Các hội thảo viên phải suy nghĩ để hoằng pháp có ý nghĩa. Hôm nay chúng ta bố thí cho người, kèm theo giáo pháp Phật, để giúp họ trưởng thành từng bước trong đạo pháp, thì họ mới có thể thay ta tiếp tục làm việc bố thí. Tôi nghĩ quý thầy cô nên trao đổi, từ đó đưa ra quyết sách thích hợp cho việc hoằng pháp đi kèm với từ thiện xã hội.

MNgoài ra, vấn đề hoằng pháp đối với thanh thiếu niên cũng rất quan trọng, vì thanh thiếu niên hôm nay sẽ trở thành người lớn ngày mai. Vì vậy, chúng ta vừa giúp đỡ họ vượt khó, vừa giúp họ trưởng thành để xã hội mai sau được tốt đẹp. Đó là kinh nghiệm của tôi nhiều năm đã làm và đạt được kết quả muốn chia sẻ với quý vị. Từ thời tôi còn là sinh viên, luôn quan tâm đến hoằng pháp trong giới trẻ. Lúc tôi là học sinh, đã tập hợp những học sinh để cùng học ôn, là việc quan trọng mà họ cần. Khá hơn nữa, tôi chia sẻ hiểu biết cho bạn, chứ chưa phải mình là thầy. Lúc học ôn với các học sinh khác, đối với tôi, họ là bạn; như vậy, trên cuộc đời này, chúng ta có được bạn tốt là người trí thức quý trọng ta và họ cũng có được người bạn tốt là người tu.

Bước thứ hai, tôi mở lớp học hè dạy những em nhỏ hơn và các anh lớn cũng tham gia hướng dẫn lớp nhỏ. Từ đó, số người tới với tôi, hay tới với đạo Phật đông hơn, gồm có thế hệ đàn anh và đàn em. Năm 1963, tôi nhận trách nhiệm tổ chức sinh viên học sinh tham gia phong trào tranh đấu của Phật giáo chống lại sự đàn áp của chế độ Diệm. Tôi đã hoàn thành tốt công việc này, vì đã có bạn tốt và lớp đàn em tốt mình đã dìu dắt. Công việc hoằng pháp của tôi vào thời đó như vậy, không phải đến giảng một số bài giáo lý rồi đi.

Thiết nghĩ hoằng pháp là chăm sóc lớp trẻ trưởng thành để họ vào đời làm được việt tốt đẹp, chắc chắn họ mang cái ơn tri ngộ Phật pháp. Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Quốc phòng có cảm tình với Phật giáo; cho nên khi về hưu, ông đã xây chùa để đền ơn tri ngộ. Ông cho biết vào thời niên thiếu, ông có người bạn thân là Hòa thượng Thanh Sam. Vị Hòa thượng này không giảng kinh trên pháp tòa, nhưng hoằng pháp trong chùa qua các sinh hoạt bình thường, nhưng đã đi sâu vào lòng của tướng Trà.

Khi tôi sang Nhật tu học, vẫn tiếp tục việc hoằng pháp, không phải mở lớp hè, nhưng mở lớp luyện thi thì sinh viên đàn anh đi trước dìu dắt lớp đàn em đi sau. Tôi không giảng Phật pháp, mà dạy họ luyện thi và dắt họ đến trường nộp đơn, lo hồ sơ thi cử giúp họ. Làm được như vậy, họ coi ta là người bạn tốt, hay là bậc đàn anh dễ mến và chúng ta là tu sĩ Phật giáo thì họ quý trọng Phật giáo qua hình ảnh nhà sư, không phải quý trọng Phật giáo qua hình ảnh Phật, rồi gặp sư làm ngược lại.

Quảng đời hoằng pháp của tôi được hiệu quả nhất là nhờ có nhiều bạn, nhiều đàn em, nên làm được một số việc trong tầm tay. Còn tôi thăng tòa thuyết pháp là khi Giáo hội giao trách nhiệm thì tôi chia sẻ, làm sao chăm sóc lớp trẻ để trong tương lai, họ trưởng thành và có khả năng làm công việc của Bí thư, hay Chủ tịch, hoặc Giám đốc. Như vậy, họ đã là bạn tốt đối với tôi, chứ tôi không dám coi họ là đệ tử, hay học trò. Bước chân hành đạo vào đời, chúng ta làm bạn với tất cả mọi người, càng đông chừng nào càng tốt và việc quan trọng là có thể đem Phật pháp gieo vào lòng họ.

Khi hoằng pháp cho thanh thiếu niên, Thượng tọa Bảo Nghiêm đã làm được một việc tốt mà lâu nay chúng ta không quan tâm đến. Thượng tọa Bảo Nghiêm đã quan tâm đến các em học sinh sinh viên đến mùa thi thường lo sợ thi rớt. Các em đến chùa lạy Phật, cầu nguyện Phật độ cho thi đậu. Đó là tâm lý của lớp trẻ mà các giảng sư phải thấy được.

Các em muốn thi đỗ, thì đối với tôi, em nào là học sinh giỏi, tôi khích lệ bằng cách phát thưởng. Số tiền mà Phật tử cúng dường, tôi để dành hoằng pháp bằng cách thưởng cho con em học sinh giỏi. Nhưng muốn được Thầy thưởng, nộp giấy khen học sinh giỏi cho Thầy, đồng thời phải có pháp danh mới được thưởng, nghĩa là phải quy y Tam bảo. Đó là sự kết hợp việc bố thí và hoằng pháp; vì có quy y, đã là con em Phật giáo, thì chúng ta phải chăm sóc.

Bình thường các em đã cố gắng học giỏi và đến kỳ thi, Thượng tọa Bảo Nghiêm đắp y, lên chánh điện, ngồi trước tượng Phật cầu nguyện cho các em thi đỗ thì chúng sung sướng quá rồi, còn việc thi đậu hay rớt chưa nói đến, nhưng Thầy có nghĩ đến mình là điều quý trọng quá chứ.

Đối với thanh thiếu niên, việc họ cần rất thực tế. Họ thi đỗ, muốn chuyển cấp, chuyển ngành, chúng ta là người có trí tuệ thì tư vấn cho họ, chứ không phải ta là thầy bói. Ta dùng trí tuệ của Thiền sư để tư vấn cho sinh hoạt của sinh viên học sinh. Học sinh hỏi tôi, thưa thầy con nên học ngành nào. Tôi hỏi : Con thích học môn gì và giỏi môn nào. Thích nhưng không giỏi thì đừng có tham vọng, vì những cái mình thích phải nằm trong tầm tay. Thí dụ thích một ngành mà đòi hỏi phải giỏi toán và mình cũng giỏi toán thì sẽ thành công, còn dở toán thì không nên theo. Tôi cũng rất thích môn toán học, vì môn này làm cho trí tuệ chúng ta mở ra, cho chúng ta cái nhìn tổng quát. Hoằng pháp của tôi đơn giản như vậy, không phải lúc nào và với ai, cũng giảng Tứ Thánh đế.

Các em giỏi ngành nào, đương nhiên chúng ta khuyến khích họ học. Điều thứ hai là ta phải nhắm vô nhu cầu xã hội để tư vấn. Xã hội Việt Nam đang cần gì. Những thứ không cần mà chúng ta học và những cái xã hội cần, chúng ta không có; đây là tình trạng mà nhiều người đang rơi vào. Thực tế cho thấy nhiều giảng sư học xong Đại học, hầu hết qua Ấn Độ, vì học phí thấp và dễ lấy bằng cấp.

Tôi thường nói với các sinh viên rằng học những gì mình có năng khiếu và xã hội cần. Những gì dư thừa rồi, chúng ta không nên theo. Tôi sang Nhật học thấy rõ họ thường tư vấn cho nghiên cứu sinh tham gia vào những lãnh vực đang thiếu người, đang cần thiết. Cho nên, có người Nhật chuyên nghiên cứu Phật giáo Campuchia, nhưng người Việt Nam lại nói sang Campuchia thì học được cái gì. Trong khi Phật giáo Nhật lại học Phật giáo Campuchia, Phật giáo Myanmar. Nghiên cứu sinh Nhật đi khắp nơi trên thế giới và học tất cả các ngành nghề, nên họ trở về nước, việc làm không đụng nhau, không dư thừa, mỗi người một lãnh vực tạo thành sự hiểu biết tập thể có giá trị, là nhờ ở quyết sách đúng đắn.

Chúng ta hoằng pháp cũng như vậy, đối với người nào có khả năng gì, chuyên về ngành nào, các Thầy hoằng pháp bằng cách tư vấn cho họ học ra trường, để làm được việc và có thu nhập ổn định. Họ mới nhớ ơn Phật giáo, nhớ ơn người dìu dắt họ. Không phải họ vào chùa để chúng ta giảng kinh cho họ, thì lúc vào đời, họ làm gì. Ở trên cuộc đời này, người ta cần việc làm để sống còn, Phật pháp giúp họ có được cuộc sống tốt là điều họ quý nhất, còn chân lý, họ chưa nắm bắt được. Ta giúp họ sống được, họ mới nhớ ơn ta và đến khi họ dư dả đời sống vật chất, cần đi xa hơn về tâm linh, chúng ta mới dạy họ những pháp khác.

Đối với việc hoằng pháp cho thanh thiếu niên, tôi gợi ý làm sao quý Thầy khích lệ được thanh thiếu niên học thành tài, thành người hữu ích trong tương lai, không phải khuyên họ đi chùa tụng kinh nhiều. Lúc họ học Phật pháp, chúng ta giúp họ có tinh thần đạo đức theo Phật giáo và đạo đức này, họ thấy được qua hình ảnh của người tu, của những người đi trước. Như vậy, hoằng pháp cho thanh thiếu niên nhắm đến việc xây dựng thế hệ tương lai tốt hơn.

Và khi chúng ta đào tạo được những người, đưa vào xã hội làm Giám đốc, làm Chủ tịch, làm Bí thư, làm bác sĩ, kỹ sư, giảng viên, v.v…, bấy giờ các Thầy không muốn Phật giáo thạnh cũng phải thạnh. Tôi nhận thấy rõ điều này qua trường hợp Thiền sư Vạn Hạnh đào tạo Lý Công Uẩn làm vua. Với người có khả năng làm vua, tại sao không đào tạo làm vua, mà đào tạo làm Thầy tu sao được. Hòa thượng Lý Khánh Vân nuôi Lý Công Uẩn, thật mỏi mệt với ông này. Có lần Hòa thượng bảo ông đem chè xôi cúng ông địa, ông không cúng mà ăn hết. Lý Khánh Vân bực quá, nên đánh Lý Công Uẩn. Thiền sư Vạn Hạnh thấy vậy mới bảo để ông mang Lý Công Uẩn về nuôi, vì Ngài đã thấy chú bé này mai sau có khả năng làm vua, chứ không có khả năng làm Thầy tu. Nếu không thấy đúng như vậy để uốn nắn cho đúng hướng, thì nuôi ông đạo mà biến họ thành quỷ chùa. Nhưng khi giao Lý Công Uẩn cho Ngài Vạn Hạnh nuôi dạy, ông này trở thành người tài đức lãnh đạo đất nước ta cực thạnh.

Giảng sư cần học kinh nghiệm hoằng pháp này của các vị đi trước. Còn Phật giáo suy đồi do nguyên nhân nào. Thực tế cho thấy chúng ta thường vấp phải sai lầm trầm trọng là thủ tiêu khả năng của người đáng làm được việc ngoài xã hội, nhưng lại khuyên họ đi tu. Đối với những ông đạo lười tụng kinh, làm biếng đọc sách, không tha thiết với giáo lý của Phật, tôi không cho ở chùa. Vì bản chất của họ không phải là Thầy tu, thì nên cho họ trở về đời. Một số Ni sư thích lượm trẻ mồ côi cho xuất gia; trong khi thực lòng nó không muốn tu mà bắt nó làm Thầy tu bất đắc dĩ thật là nguy hiểm. Ta coi các em học được gì thì giúp đỡ cho thành đạt, để đưa họ vào cuộc đời với tư cách một người hiểu biết.

Chắc chắn Thiền sư Vạn Hạnh không bắt Lý Công Uẩn học kinh kệ, nhưng Ngài rước Thầy dạy văn, dạy võ cho ông. Chúng ta đào tạo người tốt và đưa họ vào xã hội làm được việc hữu ích; không bận tâm họ giúp gì cho chúng ta, thì một thời gian sau, quý vị sẽ có được những Phật tử tốt. Chúng ta làm việc nhỏ sẽ có kết quả nhỏ, cho đến làm được việc lớn là cứu được người, thì sẽ có thêm một người bạn tốt.

Một số Thầy nói rằng không muốn làm giảng sư, khổ quá, vì giảng hết hơi, sau không có chùa ở, không có cơm ăn, không ai cúng dường, nên một số người đã bỏ hoằng pháp. Làm trụ trì ít nhất cũng có bổn đạo. Đối với tôi, việc chính yếu của người tu là hoằng pháp, mà chúng ta thường nói hoằng pháp vi gia vụ. Được hoằng pháp thì không có gì quý hơn. Tôi lớn tuổi rồi, vẫn muốn hoằng pháp.

Tôi luôn quan tâm đến giới trẻ. Các Tăng Ni nên chăm sóc giới trẻ dìu dắt họ trở thành những người tốt, để đưa vào cuộc đời. Đó chính là nguyên nhân của Phật giáo hưng thạnh. Phật giáo suy đồi là do chúng ta lượm lặt những người không muốn tu cho làm Thầy tu. Phật giáo suy đồi vì số người tu bất đắc dĩ nhiều quá. Và khi Phật pháp suy đồi, có những người tâm huyết với đạo xuất hiện, giúp cho Phật giáo hưng thạnh trở lại. Nhưng đến khi Phật giáo hưng thạnh, những người không tốt đeo bám nhiều làm cho Phật pháp suy vi.

Thiết nghĩ Phật giáo thạnh hay suy đều cho chúng ta những kinh nghiệm sống rất hay. Nhiều người nói rằng tôi 74 tuổi, tu trên 60 năm, mà không có đệ tử. Vào chùa Huê Nghiêm 2, chỉ có 4 ông Sa di già, trong khi có Thầy mới là Đại đức mà đã có đệ tử tốt nghiệp Đại học. Đối với tôi, điều này không cần, tôi cần là giúp được nhiều người để đưa vào cuộc đời. Và tôi được ngồi đây trao đổi kinh nghiệm hoằng pháp với Tăng Ni là tôi bằng lòng rồi. Tất cả những giảng sư trong cuộc hội thảo này là bạn đồng hành, đồng sự với tôi trên bước đường hoằng pháp. Ngày nay, thấy được những người cùng hoằng pháp thuộc thế hệ trẻ là tôi mừng, không cần phải có đệ tử; nhưng cần có người thay tôi làm được việc hoằng pháp, vì ngành hoằng pháp là mũi nhọn của đạo pháp.

Đối với thanh thiếu niên hôm nay là lãnh đạo ngày mai. Chúng ta phải đào tạo ho, đưa vào những vị trí tốt trong xã hội. Nếu bắt họ học giáo lý, tụng kinh suốt đời và tu không được, thì ra đời sẽ khổ vô cùng. Bấy giờ lại nói tại ở chùa ăn cơm Phật, nên ra đời không làm được việc. Nhưng tôi nói rằng ở chùa như Lý Công Uẩn ăm cơm Phật mà ra đời làm vua thì sao. Cái lỗi là ở người đào tạo. Chúng ta không cho họ ăn cơm Phật để trở thành người thiếu nợ, làm người ăn mày. Chúng ta cho họ ăn cơm Phật để sau trở thành Phật độ đời.

Ngoài việc quan trọng là hoằng pháp cho thanh thiếu niên, việc hoằng pháp đối với các dân tộc cũng quan trọng không kém. Không phải chúng ta mang quà đến cho các đồng bào dân tộc để tranh với các tôn giáo khác. Chúng ta không làm như vậy, nhưng bắt chước cha ông mình làm sao hoằng pháp cho các dân tộc đoàn kết lại. Thật vậy, các dân tộc có phong tục, tín ngưỡng riêng có sẵn rồi, nhưng Phật giáo có trí tuệ thấy được tín ngưỡng của họ và chúng ta uốn nắn tín ngưỡng ấy theo chiều hướng tích cực hơn.

Khi Phật giáo vào Việt Nam, nhân dân ta đã có thờ năm bà ngũ hành, đó là tín ngưỡng nhân gian đã được các vị chân tu Phật giáo hóa. Nghĩa là, ông cha chúng ta đã đưa Phật giáo đi vào tín ngưỡng nhân gian và đem tín ngưỡng nhân gian hội nhập vào Phật giáo. Theo bước chân của cha ông trên bước đường hoằng pháp, ngày nay, nếu những người thuộc các dân tộc khác nhau trở thành Phật tử, thì chúng ta đã đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết của đất nước vậy.

Những tín ngưỡng, những suy nghĩ không đồng nhau, Phật giáo chúng ta tạo thành đồng nhau. Điều này thể hiện sâu sắc ở Phật giáo Lý Trần. Đỉnh cao của Phật giáo ở thời đại Lý Trần, nét đẹp nhất là Nho giáo và Lão giáo vẫn được sinh hoạt bình đẳng. Các Thiền sư không bó buộc họ theo đạo Phật, không bó buộc họ theo Thiền phái nào; nhưng làm cho họ thấy cái nào thích hợp và đẹp nhất thì phải theo.

Việc đầu tiên mà cha ông chúng ta đã làm là đồng hóa các tín ngưỡng khác qua việc thờ các vị thần ở bản địa. Thứ hai là đồng hóa với các tôn giáo có sẵn là Lão giáo và Nho giáo. Vì vậy, người ta thấy Thiền sư cũng là Đạo sĩ, cũng là nhà Nho. Các Thiền sư rất thâm Nho, thậm chí Nho hơn cả Nho, khiến cho người dân nghĩ rằng ông sư cũng là nhà Nho. Học ở chùa và thi ra làm quan, nên các sư cũng là những ông đồ Nho và cũng biết coi ngày giờ kiết hung của Lão Trang và làm Thầy địa cũng giỏi hơn.

Vì vậy, có thể thấy rõ các Thiền sư trở thành đa năng, lấy bất biến là tư chất Thiền sư, nhưng ứng vạn biến là làm việc của Thầy nào cũng làm được. Nhiều Phật tử coi bói ở nhiều nơi, nhưng không tin, sau đó nhờ tôi coi và nói rằng con tin Thầy hơn, Thầy dạy sao, con nghe vậy!

Bước đầu đồng hóa được tất cả nghi lễ của thế gian và tất cả nghi lễ của các tôn giáo khác, thì nhà Trần mới thống nhất được đất nước qua hội nghị Bình Than và hội nghị Diên Hồng. Rõ ràng nhà Trần có công đoàn kết quần chúng nhân dân và đoàn kết các tôn giáo hòa hợp với nhau.

Trên bước đường hoằng pháp, chúng ta không tranh chấp với các tôn giáo khác, nhưng tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân, của các dân tộc cần gì. Những điều mê tín dị đoan không thích hợp với thời đại thì tự mất, không cần bài bác. Ta đưa pháp môn thực hành vừa có tính khoa học, vừa có tính tôn giáo để hướng dẫn cho mọi người được lợi lạc trong cuộc sống.

Các nhà tôn giáo phải thấy có một điểm chung mà tôi thường nói là tôn giáo ở thế kỷ 21. Có nhiều người lo lắng rằng khoa học phát triển mạnh thì tôn giáo sẽ bị suy đồi. Theo tôi, những gì thích hợp sẽ tồn tại; cho nên chúng ta tìm những pháp thích hợp để hướng dẫn cho người dân. Giáo pháp Phật không phải là những giáo điều cứng nhắc, nhưng là giáo pháp của sự tu chứng, của trí tuệ. Tiếp nối dòng thác trí tuệ của Đức Phật, của chư vị Bồ Tát, của chư vị Tổ sư, Tăng Ni giảng sư tập họp tất cả mọi sinh hoạt xã hội và dùng lửa Thiền định để nhận biết và đưa ra những gì thích nghi với quần chúng, từ đó soi sáng cho cuộc sống nhân sinh ngày một thăng hoa trên con đường phát triển xã hội bền vững, an vui, hòa bình. Đó chính là mô hình hoằng pháp mà chúng tôi gợi ý để chúng ta cùng thực hiện cho sự nghiệp hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài.

HT.Thích Trí Quảng
(Bài giảng tại Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc ngày 11-3- 2011, tỉnh Bình Dương)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang