Ở Sài Gòn, việc làm này đã bắt đầu từ khi người Pháp rút đi. Pháp danh của chư vị cao tăng được đặt cho những con đường nơi có những ngôi chùa lớn. Đáng lưu ý hơn cả là tên đường “Sư Vạn Hạnh” được đặt cho con đường, nơi có chùa Ấn Quang, lúc đó là trụ sở của Giáo hội Tăng già Nam Việt. Nhiều tên đường khác cũng đã được đặt theo cách tương tự, như đường Tuệ Tĩnh, đường có chùa Vạn Phước…
Sau ngày 30/4/1975, việc làm này vẫn được tiếp tục, mà điển hình hơn cả tên đường Thích Quảng Đức đối với con đường có chùa Quan Thế Âm, nơi Bồ Tát Thích Quảng Đức đã trụ trì.
Tuy nhiên, điều lấy làm tiếc là việc làm đó hiện nay dường như không được tiếp tục với một tiến độ thích hợp, dù rằng nhiều con đường mới đã được đặt tên bằng tên các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà triết học, nhà hoạt động văn hóa… (1).
Việc pháp danh các vị cao tăng Phật giáo được đặt tên cho những con đường cũng chỉ mới dừng lại ở thời điểm 1963 với Bồ tát Thích Quảng Đức cũng là điều chưa thích hợp. Sau năm 1963, đặc biệt từ năm 1981, năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều vị cao tăng Phật giáo Việt Nam đã liên tục đóng góp cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất đất nước, đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước, đã quá vãng. Việc ghi nhận công lao các ngài bằng cách đặt tên đường bằng pháp danh quý ngài là điều rất thích hợp. Tiếc rằng, điều đó không được tiếp tục thực hiện.
Nay, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là một dịp kỷ niệm trọng đại, đánh dấu quá trình Phật giáo đóng góp vào sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc, kính đề xuất Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm ở các địa phương tiếp tục việc làm đặt tên các đường phố mới bằng pháp danh của chư vị cao tăng Phật giáo Việt Nam, trong đó, nhiều vị chỉ với sáng tác của mình, cũng đủ để đặt tên tuổi ngang hàng với những nhà văn, nhà thơ, danh nhân văn hóa dân tộc.
Kính mong Trung ương Giáo hội thành lập một ban phụ trách việc soạn thảo một danh sách liệt vị danh nhân Phật giáo, cũng là những nhà yêu nước, danh nhân văn hóa dân tộc để kiến nghị cơ quan có trách nhiệm của các địa phương đưa pháp danh các ngài vào quỹ tên đường của các thành phố, thị xã thị trấn. Danh sách đó bao gồm những danh nhân Phật giáo trung đại (đặc biệt là các vị thiền sư là tác giả nhiều tác phẩm tiêu biểu cho Văn học Việt Nam thời Lý – Trần), thời cận đại, thời hiện đại.
Đặc biệt, thời hiện đại, ngoài Bồ tát Thích Quảng Đức, liệt nữ Quách Thị Trang (mà tên đã được đặt cho một quảng trường trung tâm TPHCM, trước chợ Bến Thành), còn có nhiều vị thánh tử đạo khác (Hòa thượng Thích Tiêu Diêu, Đại đức Thích Nguyên Hương…) mà sự hy sinh cho đạo pháp và dân tộc cũng vô cùng thiêng liêng.
Sau năm 1963, pháp danh của nhiều vị cao tăng Phật giáo Việt Nam, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước như Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Hòa thượng Thích Đôn Hậu… là những tên tuổi xứng đáng để ghi nhận sự đóng góp của các ngài bằng những tên đường.
Riêng để thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sẽ là một việc làm đúng lúc và nhiều ý nghĩa khi đặt tên những con đường mới ở các thành phố, thị trấn bằng pháp danh những bậc lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những nhà hoạt động xã hội lớn đương đại, mà đóng góp cho dân tộc là điều hiển nhiên. Có thể kể đến các vị:
- Hòa thượng Thích Trí Thủ
- Hòa thượng Thích Đức Nhuận
- Hòa thượng Thích Tâm Tịch
- Hòa thượng Thích Thiện Siêu
- Hòa thượng Thích Thiện Hào
- Hòa thượng Thích Minh Nguyệt
…
Ngoài ra, thời hiện đại còn có nhiều vị cao tăng, cư sĩ Phật giáo đạo cao, đức trọng, cũng có thể ghi nhận đóng góp bằng cách đặt tên đường như:
- Hòa thượng Thích Tố Liên
- Hòa thượng Thích Trí Hải
- Hòa thượng Thích Trí Độ
- Cư sĩ Thiều Chửu
- Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám…
Sẽ là một niềm vui lớn khi nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều đường phố mới ở các thành phố thị xã, thị trấn trên cả nước được đặt tên bằng các vị cao tăng Phật giáo, thể hiện việc ghi nhận những đóng góp của các ngài đối với dân tộc và đạo pháp.
---------------------------
(1) Đáng lưu ý là đối với những người nổi tiếng phía Thiên Chúa giáo, việc làm này được tiếp tục, với việc đặt lại tên đường Alexandre de Rhodes và đặt tên đường Nguyễn Văn Bình, đều ở quận 1, TP.HCM.