I. CĂN CỨ ĐẶT VẤN ĐỀ:
1.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại bắt đầu từ phong trào chấn hưng
những thập niên trước Cách mạng Tháng tám 1945 và đã góp phần chuẩn bị
Cách mạng Tháng tám. Với phương châm “cách mạng giáo lý, cách mạng giáo
chế, cách mạng giáo sản”, phong trào chấn hưng đã vượt qua tinh thần,
nội dung tu học và hành trì Phật pháp của các thời đại trước đó (ở Việt
Nam từ thời Lê Mạt đến triều Nguyễn và trong khi bị trở thành thuộc địa
của Thực dân Pháp) mà khế cơ khế lý với giai đoạn giải phóng dân tộc,
phấn đấu giải phóng xã hội tiến lên xây dựng xã hội mới, cuộc sống mới;
tìm tòi, thử nghiệm để thiết lập Giáo hội kiểu mới kế thừa truyền thống;
ứng dụng các nội dung, hình thức mới về tu học, hành trì, hoằng dương
phật pháp và thiệp thế độ sinh. Chính phương châm “đạo pháp và dân tộc”
là tổng kết và định hướng, là tinh thần và sản phẩm của công cuộc chấn
hưng và đã liên tục thể hiện sâu sắc, phong phú, sinh động qua các phong
trào và giai đọan Phật giáo cứu quốc; Tổng hội Phật giáo Việt Nam; Phật
giáo đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm và những tay sai kế tiếp kỳ
thị Tôn giáo, đàn áp dân chủ; nhân dân thờ Phật và thờ Tổ ở cả hai miền
Nam Bắc tham gia giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà… nhìn lại
lịch sử phát triển và truyền thống của Phật giáo Việt Nam, có thể khái
quát đó là quá trình không ngừng hóa hợp và chấn hưng, như hai mặt thống
nhất, gắn liền với hành trình, vận mệnh của Dân tộc và Đất nước.
2.
Trước năm 1975, đất nước tạm thời bị chia cắt, tinh thần chấn hưng và
hòa hợp của Phật giáo chủ yếu được tiếp tục thể hiện ở miền Bắc qua Hội
Phật giáo Thống nhất Việt Nam; ở miền Nam, qua Giáo hội Phật giáo Việt
Nam thống nhất và sau đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (Ấn
quang).
Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng và hòa bình
thống nhất là cơ duyên vô cùng thuận lợi để sự nghiệp đại hòa hợp và
chấn hưng Phật giáo Việt Nam tiếp tục vận động tiến lên một bước phát
triển mới to lớn hơn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ năm
1981 đến nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: có trên 14.000 cơ
sở thờ tự và hơn 1 vạn đạo tràng; gần 40.000 Tăng Ni xuất gia và hơn 10
triệu Phật tử chính thức quy y; trên 40 Ban Trị sự và Ban Đại Diện Phật
giáo cấp Tỉnh, Thành phố và hàng trăm Ban Đại Diện cấp Huyện; 31 Trường
Trung cấp Phật học, 6 lớp Cao đẳng và 4 Học viện Phật giáo; hơn 200 Tăng
Ni trẻ được đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ về Phật học và các ngành học khác ở
nước ngoài và trong nước; 1 Viện cùng 1 Phân viện Nghiện cứu Phật học
và tham gia nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc; 3 tờ báo và tạp chí;
241 cơ sở khám chữa bệnh bao gồm 126 Tuệ tĩnh đường và 115 phòng thuốc y
học Cổ truyền dân tộc; 1500 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ
mồ côi khuyết tật… Phật Giáo Việt Nam cũng tham gia ngày càng rộng hơn
vào các hoạt động Quốc tế Phật giáo khu vực và toàn cầu.
Tuy
nhiên, xét về chất lượng và trình độ phát triển trong toàn cục, cần nhìn
thẳng vào sự vật với tất cả thiện chí và tinh thần trách nhiệm, để nhận
rõ Phật giáo Việt Nam vẫn tồn tại những yếu kém cơ bản:
Một
là, Còn tản mạn, hạn chế và chưa chuyển biến sâu rộng việc khế hợp Phật
pháp với văn hóa và các mặt đời sống đương thời của Dân tộc, đất nước và
thế giới. Trong khi ở nhiều nước, bao gồm Tây âu và Bắc Mỹ, Phật pháp
bao gồm Thiền, Tịnh, Mật tông đều có những bước thấu suốt và tăng trưởng
mới, có vai trò tiên tiến và phù hợp với văn hóa, khoa học, đạo đức
tinh thần của con người và xã hội hiện đại, thì Phật giáo của nước ta
nói chung còn thiên về trì tụng và thuyết giảng kinh điển theo lối cổ;
nhiều nơi nặng cầu cúng, thậm chí một bộ phận ít nhiều lẫn lộn với mê
tín dị đoan. Vận dụng và khế hợp với đạo thờ Tổ tiên dưới nhiều hình
thức từ lâu đời, Phật giáo Việt Nam đã trở thành đạo Phật dân tộc, vốn
có những đặc điểm và truyền thống đặc sắc, tốt đẹp và tu trì, hành hóa
và hiệp thế, ứng dụng nhuần nhuyễn vào các mặt đời sống tinh thần và xã
hội của dân tộc. Thế nhưng, những giá trị ấy về cơ bản chưa được nghiêm
túc sàng lọc, bảo tồn và tích cực phát huy, phát triển. Về đường tu tập,
ở hàng xuất gia, không ít vị chưa kiên trì tinh nghiêm giới hạnh; ở
hàng tại gia, nhiều đạo hữu đi chùa thờ Phật cốt để giải tai ương, cầu
phúc lộc là chính. Một số Tăng Ni và Cư sĩ trẻ chú trọng kiến thức (Phật
học) nhiều hơn tuệ hạnh.
Hai là, Tinh thần và sức mạnh đại
đoàn kết Tăng Ni bị tác động và suy yếu. Một phần rất quan trọng do
những ngoại duyên phi Phật giáo; nhưng đáng quan tâm hơn là do ý chí
“lục hòa” và đạo lực hòa hòa hợp, trước hết trong đại Tăng chưa đủ mạnh
mẽ và sâu sắc mà đáng ra bản thân một nền Phật giáo lâu đời, lớn mạnh
như Phật giáo nước ta phải có.
Ba là, Các tổ chức, nhóm, phái
của Phật giáo hiện nay nói chung đều để ít nhiều bị động và chịu ảnh
hưởng tha lực và ngoại duyên, với những hình thức khác nhau và với mức
độ khác nhau. Đối với nhà nước của nhân dân, nếu Phật giáo hoàn toàn ỷ
lại và lệ thuộc thì không phát huy được, nhưng để tha hóa đến nổi trở
thành lực lượng chính trị chống phá, cựu đoan, thậm chí phương hại đến
đất nước là sai lầm. Một cách tự nhiên, Phật giáo phải tôn trọng và tuân
thủ pháp luật nhà nước, nhưng cần tự chủ phát huy vai trò, tư cách và
bổn phận của Phật giáo trong lĩnh vực, phạm vi mình. Quan hệ đó chưa xác
lập thành kỷ cương minh bạch, bền vững và thật bình thường. Đồng thời,
sự cảnh giác và tự bảo trọng đối với những tác nhân chi phối, ảnh hưởng
bất lợi cho Phật giáo của dân tộc cũng chưa được tinh tường, sâu sắc,
mạnh mẽ.
Bốn là: Năng lực hoạt động đối ngoại và quốc tế của
Phật giáo Việt Nam chưa được tập hợp và phát huy, cả về nhiệm vụ, mục
tiêu, kế hoạch, biện pháp và nhân lực.
Ngày nay, toàn dân ta
đang bước vào một giai đoạn lịch sử mới - giai đoạn ra sức phát huy nội
lực, bảo tồn và phát triển dân tộc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và dân
chủ hóa đất nước; đồng thời hội nhập sâu rộng khu vực và toàn cầu, đưa
Việt Nam từng bước trở thành một nước tiên tiến “Dân giàu nước mạnh Xã
hội công bằng dân chủ văn minh” theo định hướng xã hội chủ nghĩa, ngang
tầm thời đại. Vận hội mới mở ra trước mắt đòi hỏi Phật giáo Việt nam
nhất thiết phải toàn tâm hợp lực để vừa khắc phục những thiếu sót, yếu
kém kém cơ bản vừa chuyển biến đổi mới phù hợp với bối cảnh, điều kiện
Đất nước. Phật tử Việt Nam giữ vững Bồ – đề tâm và kiên định thực hiện
niềm tin đó.
Đó là cơ sở đặt vấn đề, là định hướng cho công
cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà khi bước vào thế kỷ 21. Kế tục chấn
hưng và không ngừng hòa hợp, tái hòa hợp bền vững là con đường phát
triển hợp quy luật của Phật giáo Việt nam.
II. VỀ MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG, YÊU CẦU VÀ MỤC TIÊU CHẤN HƯNG:
1.
Trước hết, cả tứ chúng (Tăng, Ni Thiện nam và Tín nữ) nhất thiết phải
tinh cần tu tập cố gắn thắm nhuần, giác ngộ ngày càng sâu sắc hơn nguyên
lý, tinh nghĩa của Phật pháp, bao gồm giáo huấn của đức từ phụ và của
chư vị lịch đại tổ sư; từ đó, khế hợp, vain dụng nhuần nhuyễn vào các
mặt đời sống tinh thần và đạo đức, văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học
– công nghệ, các mặt quan hệ xã hội và đối ngoại – quốc tế … hiện nay.
Các nhà Phật học Nhật Bản đề xuất chiến lược kết hợp Phật pháp với khoa
học, kinh tế và chính trị như một sáng kiến về đường lối trị quốc hiện
đại, nhằm xây doing những đất nước an lạc , hòa hợp và giàu mạnh trong
một thế giới hữu nghị và thái bình. Tất nhiên, vấn đề đưa ra còn nhiều
bàn luận nhưng đó là một gợi ý rất quý báu cho chúng ta trên đường tu
tập, hoằng dương và khế hợp, ứng dụng Phật pháp.
Đạo
Phật không phải chỉ là một cổ vật thiêng liêng nhờ thờ phụng và siêu
việt để ngưỡng mộ, mà là một đạo lý sống động, “ngón tay chỉ mặt trăng”
muôn đời của đức Phật. Là phương tiện bất hữu để liên tục phá chấp hàng
ma, không ngừng làm hoàn thiệun con người và xã hội, từng bước vương tới
giác ngộ và giải thoát. Với người Phật tử xuất gia cũng như tại gia,
sống là tự giác hành trì Phật pháp. Khi thể nghiệm và hoạt động trong
cuộc đời theo phương châm “Duy tuệ thị nghiệp”, người Phật tử luôn nhận
rõ tuệ gồm cả đức và trí, giới hạnh và tri thức trong một trạng thái
sinh động và thống nhất. Phật pháp là đạo lý tu hành; đồng thời mở rộng
ra, là đạo lý thiệp thế độ sinh; phải là con đường sống đạo thống nhất
của cả “tu tại gia”, “tu chợ” và “tu chùa” thời hiện đại. Phật giáo
không dừng lại chủ yếu cho hàng xuất gia hoặc cho những người “xuất thế,
cầu an”, “lão giả an chi” như từng thể hiện lâu nay ở một số nơi và đã
có một số người lầm tưởng.
Phật giáo tự giác và tích cực góp
phần tu sửa, xây dựng xã hội theo hướng từng bước thị hiện cõi tịnh độ
giữa thế gian và con người không ngừng từ bỏ giả – ác – xú hướng về chân
– thiện – mỹ. Thời đại chúng ta là thời đại mà khoa học – công nghệ
tiên tiến đã trở thành công cụ, phương tiện sống và hoạt động trực tiếp
của con người; đồng thời là thời đại của dân chủ và chủ nghĩa xã hội,
theo nghĩa ngày càng tự do công bằng, thăng tiến con người đi đôi với
tiến bộ xã hội và văn minh hạnh phúc hơn. Như vậy, Chấn hưng phật giáo
ngày nay phải là công cuộc hoằng dương thông qua khế hợp với nội dung và
chiều hướng phát triển của thời đại một cách thông suốt và nhuần nhị tự
nhiên, như sữa hòa trong nước.
Phật pháp phải được đông đảo
Phật tử tại gia thấm nhuần trong những điều kiện mới. Việc tu học và
hành trì của hàng xuất gia cũng như tại gia phải thích ứng và tỏa sáng
trong những nhân duyên, phương tiện mới của xã hội hiện đại. Xin đơn cử
một số ví dụ đơn giản như: Sinh hoạt Phật pháp không chỉ thực hành vào
ngày sóc, ngày vọng mà còn phải tính tới thời gian cuối tuần của phần
lớn đạo hữu; việc sử dụng công nghệ thông tin trong truyền bá, giáo dục
và trao đổi Phật pháp ; sự tĩnh tâm, hành thiền, chú nguyện… trong những
hình thức và điều kiện mới của sinh hoạt cộng đồng cũng như gia đình,
trong lao động công nghiệp và công nghệ cao; ngôn ngữ truyền đạt Phật
pháp không chỉ bằng tiếng việt, chữ Hán hay chữ Pali, Sanskrit… mà còn
mở rộng sử dụng nhiều ngôn ngữ khác, kể cả của phương Tây; thông qua
giao lưu, trao đổi và hội nhập với các giá trị tư tưởng và đạo đức khác
nhau của nhân loại trên toàn cầu, đòi hỏi cần sáng suốt nhận thức và lựa
chọn những yếu tố chân lý khách quan thống nhất với Phật pháp, như Tuệ
Trung Thượng Sĩ trước đây đã chỉ rõ trong nguyên lý “tâm vạn pháp cũng
là tâm Phật ”…
Chấn hưng Phật giáo về mặt giáo lý cũng như về
tu tập, nói cách khác, chính là hiện đại hoá, nhân gian hoá và đại chúng
hoá Phật giáo.
2. Như một quy luật, chấn hưng về giáo lý, đạo
nghĩa và tu hành luôn đi đôi với hoà hợp và tái hoà hợp sâu sắc, bền
vững tứ chúng đồng tu và tổ chức Giáo hội, quan trọng hàng đầu là đại
hoà hợp Tăng già.
Nền tảng và cốt lõi của hoà hợp là tinh
thần, ý chí lục hoà. Hoà hợp đưa đến nhất trí về đạo lý (nội dung) và
thống nhất về tổ chức (hình thức). Nguyên lý “lục hoà” cho phép sự khác
nhau trong tu chứng, hành hoạt và pháp môn (đức Phật từng dạy: Có đến 8
vạn 4 ngàn cửa pháp); nhưng khác nhau phải trong hoà hợp. Đó là ý nghĩa
thực chất của sự thống nhất. Thống nhất là hoà hợp (những tu chứng, kiến
giải, hành hoạt và pháp môn khá nhau) trong Phật pháp và đều là Phật
pháp. Thống nhất không phải chỉ nhất thể hoá về hình thức, nhất là một
cách máy móc và cưỡng bức; cào bằng hoặc loại trừ tất cả để chỉ còn một
cái duy nhất. Với Phật giáo, ngay cả trong một khối thống nhất duy nhất,
cũng thừa nhận và dung nạp những chủ thể, những nhân tố khác nhau về
tinh thần và lực lượng. Đó cũng là một phạm trù cơ bản của phép biện
chứng. Có như vậy mới cần đến pháp “lục hoà” để hoà hợp những nhân tố
khác nhau thành một khối thống nhất. Động lực và mục tiêu của chấn hưng
đối với tứ chúng, Tăng già cũng như Giáo hội là hoà hợp và tái hoà hợp,
bao gồm hai mặt: tôn trọng đặc điểm và biệt truyền, đồng thời yêu cầu
thống nhất trong Phật pháp và Dân tộc.
Vận hội mới đòi hỏi
Phật giáo Việt Nam phải hoà hợp ngày thêm bền vững, như cố HT. Thích Mãn
Giác đã từng nói, là tất cả cùng nhau cố kết thân tâm trên con đường đi
theo đức Từ Phụ, trung thành với mục tiêu phục vụ Đạo pháp và Dân tộc,
vươn lên thích ứng và tiến kịp thời đại; ra sức khắc phục tệ tranh chấp,
chia rẽ, chủ yếu do cố chấp và để sự chi phối, thúc đẩy khác nhau của
những ngoại duyên và tha lực phi Phật giáo, trong đó đã có những thế lực
và tác động chính trị xấu, nguy hại cho Phật giáo cũng như Dân tộc. Mặt
khác, còn phải kiên trì hoà giải và hạn chế đến mức thấp nhất những
hiện tượng bất hoà hay cục bộ địa phương, thiếu hợp tác giữa một số đơn
vị tổ chức và cá nhân trong các tông phái, sơn môn và giáo hội. Nghiêm
túc phê phán và kiên quyết thi hành kỷ luật yết – ma đối với các hiện
tượng tiêu cực, phá hoà hợp Tăng, vi phạm giới hạnh sa đoạ trong danh
lợi bất chính phù phiếm. Trên cơ sở tinh cần “trưởng dưỡng đạo tâm, tăng
cường đạo lực” mà “trang nghiêm giáo hội”, như phương châm của GHPGVN
do Cố HT. Thích Thiện Siêu đề xướng.
Người Phật tử xuất gia
cũng như tại gia lấy hoằng pháp lợi sinh khế hợp với Đất nước và thời
đại làm gia vụ và sự nghiệp. Từ đó mở rộng ra, xác định phụng sự Đạo
pháp , Dân tộc và nhân loại là mục tiêu và phương châm căn bản, cốt lõi
để tu học, hành trì. Đó là nền tảng, trụ cột tư tưởng và lợi ích để nội
bộ Phật giáo khắc phục và vượt qua những tranh chấp, chia rẽ và bất hoà,
cục bộ, bản vị ; là tiêu chí và định hướng để các thế lực ngoại hộ chân
chính và thiện chí tác động, hỗ trợ cho nội bộ Phật giáo vươn lên củng
cố, tăng cường hoà hợp thống nhất; là chỉ giới phân biệt để cảnh giác,
xa lánh và loại trừ những âm mưu thủ đoạn đen tối của các thế lực ác ma
hòng lũng đoạn, chia rẽ, lợi dụng Phật giáo.
3. Phật giáo Việt
nam, bao gồm lực lượng thờ Phật và thờ Tổ tiên, là thành phần trọng yếu
của dân tộc về cả tinh thần và xã hội. Rõ ràng Phật giáo đã và sẽ là
một nhân tố quan trọng của nội lực nhân dân ta, đồng thời là một thế
mạnh của nước ta trong đối ngoại và giao lưu quốc tế. Các nước có Phật
giáo ở Châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản … điều có ý tưởng và
chiến lược sử dụng, khai thác vai trò Phật giáo trong chính sách đối
ngoại và quốc tế của họ. Phật giáo ở các nước đó dang được quan tâm hỗ
trợ và đã hợp tác chặt chẽ với Nhà nước của mình trong hoạt động đối
ngoại và quốc tế. Các giá trị từ bi và hoà hợp, hoà bình và hữu nghị của
Phật giáo được Liên hiệp quốc tôn vinh và phát huy. Phật giáo ngày càng
có vai trò góp phần trung hoà, hoá giải và đại kết giữa các thế lực tôn
giáo cũng như hệ tư tưởng đối đầu, xung khắc trên thế giới. Theo quan
điểm địa – tôn giáo phân bố toàn cầu thì Việt nam nằm trong khu vực của
Phật giáo, với triển vọng ngày càng nâng cao vị thế và phát triển lực
lượng – trước hết về Phật học và văn hoá tinh thần, kề vai sát cánh với
các nước có Phật giáo nổi trội khác, trước hết ở Châu á. Xét về quá
trình lịch sử và truyền thống, về đặc điểm tu trì và hành hoá, về năng
lực và kinh nghiệm thiệp thế lợi sinh, về điều kiện giao lưu, trao đổi
và hợp tác với Phật giáo các nước, Phật giáo Việt Nam có khả năng để
vương lên trở thành một trong những trung tâm của Phật giáo thế giới.
Cả
nước ta đang ra sức bảo tồn, phát triển dân tộc và hiện đại hoá đất
nước, đồng thời chủ động quan hệ, giao lưu sâu rộng và tích cực tiếp thu
thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá. Trong điều kiện vừa củng cố, phát
huy nội lực vừa hội nhập khu vực và thế giới như vậy, Phật giáo Việt
Nam có vai trò, khả năng đóng góp quan trọng, một cách sâu sắc và bền
vững. Mặt khác, phải hết sức chú ý chủ động lựa chon học hỏi, tiếp thu
và vận dụng những thành tựu về tu học, hoằng pháp và lợi sinh do các
đồng đạo nước ngoài chia sẻ, hỗ trợ, để bồi dưỡng, bổ xung cho Phật giáo
nước nhà.
Thực tế tình hình và triển vọng nói trên đòi hỏi và
cho phép Phật giáo Việt Nam soát xét, củng cố và tăng cường hoạt động
đối ngoại và quốc tế Phật giáo, cả về xác định quan điểm, phương hướng,
mục tiêu và đối tượng tiếp cận; xây dựng kế hoạch và biện pháp; chuẩn bị
nhân sự và phương tiện đảm bảo … Trong đó, việc liên kết Phật giáo
trong nước với đông đảo Tăng Ni Phật tử của các cộng đồng người Việt ở
nước ngoài là nhâ tố rất cơ động, cần khéo phát huy.
Chấn hưng
trên lĩnh vực đối ngoại và quốc tế là công việc mới mẻ và phong phú, là
một mặt phát triển nhảy vọt của Phật giáo Việt nam.
4. “Hoằng
pháp” không xa rời “lợi sinh” và nói cho cùng, hoằng pháp để lợi sinh.
Đó là quan điểm cơ bản của lý luận “nhân sinh Phật giáo” – của “học
thuyết xã hội Phật giáo”, mà nhiều vị thiền sư và cư sĩ thiện trí thức,
bằng ngôn ngữ diễn đạt khác nhau, đã đề ra và theo đuổi như một trong
những điểm then chốt của chấn hưng và hiện đại hoá Phật giáo.
Phật
giáo Việt Nam hiện đại phải tích cực và dũng mãnh phấn đấu vì lợi lạc
của con người, của số đông đại chúng, của dân tộc mình cũng như của cả
nhân loại. Như vậy, mỗi Phật tử, mỗi tông môn pháp phái, mỗi đơn vị tổ
chức cũng như toàn thể Giáo hội Phật giáo tự giác toàn tâm toàn lực phục
vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Đất nước Việt Nam hiện đại và tiên tiến
“Dân giàu nước mạnh”, xã hội Việt Nam “công bằng dân chủ văn minh” và
tích cực góp phần vào hoà bình, hữu nghị, hợp tác, không ngừng phát
triển của thế giới.
Rồi đây có thể có những ngôi chùa không
chỉ là nơi thờ cúng và truyền dạy Phật pháp, mà cũng nên dành một phần
diện tích thích hợp để làm nơi cứu giúp chúng sinh đồng loại, chăm sóc
những bà con cô quả, những đồng bào nạn nhân đau thương của chiến tranh
để lại, của nghèo đói và bệnh tật; hoặc làm nơi nuôi dạy trẻ, hỗ trợ bổ
túc văn hoá, đào tạo và hướng nghiệp, làm phòng chẩn trị từ thiện, phòng
đọc sách … của cộng đồng. (Theo kiến giải của một số nhà ngôn ngữ học,
tiếng “chùa” vốn do tổ tiên ta đọc chệch ra từ chữ “trù” có nghĩa là
“cái bếp” chung của đại chúng lao động nghèo khổ). Không những hàng tại
gia mà thiết tưởng nhiều vị đã xuất gia cũng nên có một thực nghiệp phù
hợp để hoạt động phục vụ nhân sinh và xã hội, với điều kiện thực nghiệp
ấy không vi phạm, trở ngại đến đại nguyện, đời sống và giới luật của bậc
tu hành. Thiền sư Thanh Đắc ở Hà Đông trong phong trào chấn hưng Phật
giáo miền Bắc từ những năm 30 của thế kỷ trước đã đề xuất chủ trương:
Chư vị Tăng Ni nên “chọn một sinh nghiệp của xã hội” để tự nuôi sống và
hành đạo. (Tất nhiên, chủ trương như thế không được ngăn trở hay hạn chế
hạnh “bố thí” và “cúng dường” của người Phật tử mà phải nhằm nâng cao
và định hướng sự “bố thí, cúng dường” vào những mục đích, ý nghĩa cao cả
hơn, phù hợp vớ tinh thần đạo Phật).
Từ mỗi Phật tử đến mỗi
đơn vị tông phái, tổ chức Phật giáo và toàn Giáo hội thành tâm, nhất trí
đưa đạo Phật đi vào cuộc đời, phục vụ nhân sinh và xã hội, phụng sự Tổ
quốc và nhân loại, thông qua những nhiệm vụ và công việc cụ thể, thiết
thực, thích hợp như Cố Hoà thượng Thích Trí Hải đã từng nói về “nhân
gian Phật giáo”. Người Phật tử coi việc tự nguyện cúng dường cho sự tinh
tấn, an lạc của tha nhân, nhân sinh và xã hội chính là hành trì Phật
pháp; là thước đo chân thực thể hiện sự thành tâm tôn kính đối với Tam
Bảo.
Phật giáo chấn hưng hiện đại “Phật pháp hoá thế gian để
phục vụ thế gian, đưa thế gian từng bước trở thành cõi Tịnh độ”; với
tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi mà thanh tịnh tiến vào các địa
ngục để chứng ngộ Niết bàn; không cho phép để “lợi sinh” xa rời “hoằng
pháp” dưới mọi hình thức, không chấp nhận mọi trạng thái chán đời, tiêu
cực…
5. Tuy nhiên, Phật pháp khác với chính trị và kinh tế – xã
hội. Mặc dù, Phật giáo phải có ý thức và trách nhiệm nghiêm túc đối với
xã hội, ít nhất vì hai lý do: Một là, có ảnh hưởng và tác động đối với
nhân sinh và xã hội; Hai là, Phật tử là tín đồ Phật giáo, đồng thời là
con người xã hội; các tổ chức Giáo hội đều tồn tại, hoạt động trong xã
hội, tất yếu có những mối liên hệ với xã hội và ít nhiều phải tham gia
vào quá trình điều chỉnh của xã hội ở những lĩnh vực có liên quan (đến
xã hội). Do đó, từ trong truyền thống, đã khẳng định quan hệ hài hoà hợp
lý và nhuần nhị giữa Phật giáo với quốc độ, chế độ xã hội và nhà nước.
Đối với những nhà nước chính thống, đại diện chân chính cho nhân dân và
được nhân dân thừa nhận, tín nhiệm, ngày trước là những bậc minh quân
trọng đạo, ngày nay là những chính quyền dân chủ tiến bộ và hương thiện,
như các triều đại Lý Trần ở nước ta, vua Asoka ở Ấn Độ, các vua Lương
Vũ Đế, Đường Thái Tông ở Trung Quốc.., Phật giáo coi đó là bậc minh chủ
chân chính, đại diện cho cộng đồng và răn dạy Phật tử phải tôn trọng,
tuân thủ ý chí cũng như sư đều chỉnh chính đáng của nhà nước xã hội;
đồng thời coi đó là những nhà nước hộ pháp. Thậm chí thiền sư Trúc Lâm
Tam tổ, tức minh quân Trần Nhân Tông, từng nói: Hoằng pháp tại quân
vương.
Tuy nhiên, là một hình thức- xã hội về tinh thần, trí
tuệ và đạo đức, hơn nữa có quan hệ trực tiếp với cảnh giới tâm linh,
Phật giáo có những hình thức và lĩnh vực tồn tại vận động riêng biệt,
không có liên quan (hoặc ít nhất không trực tiếp có liên quan) đến chính
trị và nhà nước. Tuy có những liên hệ nhất định, nhưng khách quan Phật
giáo không phải là xã hội, chính trị, nhà nước. Giáo hội Phật giáo
nghiêm túc với tính chất và tư cách của một giáo hội, cũng không phải là
một tổ chức xã hội, không phải là một đoàn thể như những tổ chức xã
hội, những đoàn thể khác. Ở đây, có thể dẫn một ý kiến của Lê-nin: Nói
cho cùng, tôn giáo là việc riêng tư của công dân; nhà nước chỉ đề cập,
xử lý những gì có liên quan đến xã hội và nhà nước.
Trước đây
trong giai đoạn chống Pháp trong cả nước và trên miền Bắc sau giải
phóng, đã có những đoàn thể là tổ chức xã hội của những công dân Tăng Ni
và đạo hữu Phật tử, tự nguyện tham gia các công cuộc kháng chiến cức
nước và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam tiến tới hoà bình thống
nhất đất nước. Đó là Hội Phật giáo cức quốc và Hội Phật giáo Thống nhất
Việt Nam. Các đoàn thể Phật giáo yêu nước ấy đã có vai trò và thành tích
to lớn, vẻ vang và xứng đáng kế thừa truyền thống “phụng đạo yêu nước”
của Phật giáo.
Do đặc điểm của đối tượng (các hội viên) và yêu
cầu đáp ứng (về tín ngưỡng tôn giáo), đã có sự lồng ghép cần thiết về
vai trò, tính chất, chức năng và công việc tôn giáo của Phật giáo trong
các đoàn thể Hội Phật giáo cứu quốc, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam
và thực tế đó đã tạo ra trạng thái nửa giáo hội nửa đoàn thể trong cùng
một tổ chức Phật giáo. Tình trạng ấy vốn có căn cứ xuất phát từ đặc điểm
“gắn bó Phật giáo với dân tộc”, từ tinh thần thống nhất “phụng đạo yêu
nước” của Phật giáo và phần nào từ truyền thống các vị thiền sư cao Tăng
từng trực tiếp tham gia công việc triều chính với động cơ, mục đích “hộ
quốc an dân” trong lịch sử. (Nhưng cũng theo truyền thống, các vị thiền
sư chân chánh trên danh nghĩa không nói lời nào từ chối sự ân thưởng,
phong tặng của triều đình, nhưng thực chất chỉ nhận một chiếc y màu tím
để tỏ lòng đặc biệt trọng thị và tri ân, đồng thời giữ nghiêm tư cách,
hành hoạt của một vị sa-môn theo giới luât).
Tuy đặc điểm
“lưỡng tính” vừa là giáo hội vừa là đoàn thể như thế là do những điều
kiện khách quan đặc biệt, bên trong ít nhiều có tính ưu việt, đưa lại;
nhưng xét cho cùng, đó là kết quả cụ thể của “phương tiện tuỳ duyên” và,
khi điều kiện xã hội đã bình thường và cho phép, không thể không chú ý
đầy đủ và nghiêm chỉnh tôn trọng đối với vai trò, tư cách, ttrách
nhiệm…của giáo hội. Nội bộ Phật giáo, nhất là các vị Tăng Ni, và Nhà
nước cùng hệ thống chính trị, với các cơ quan chức năng của mình, phải
có nhận thức và thái độ đúng đắn, phù hợp. Ở đây đòi hỏi phải có nguyên
tắc nhìn nhận và đối xử tinh tế, tích cực và chính xác.
Trong
Phật giáo chấn hưng hiện đại, mối quan hệ bình thường hoà hợp và phân
biệt cần thiết giữa Nhà nước cùng hệ thống chính trị với Giáo hội Phật
giáo, nhất là với hàng Tăng Ni, cần phải được rút kinh nghiệm sâu sắc,
xác lập đúng đắn và điều chỉnh tích cực, tinh tế; tránh tạo ra những lối
mòn trong ý thức một cách sai lệch, có thể gây ra một số hậu quả tiêu
cực và hiểu lầm đáng tiếc.
Chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong
vận hội mới là một vấn đề trọng đại do tình hình phát triển khách quan
và lợi ích cơ bản không chỉ của Phật giáo mà của cả Dân tộc đòi hỏi.
Chúng ta nhớ lại ý kiến phát biểu của HT. Thích Hiển Pháp, Phó Chủ tịch
kiêm Tổng thư ký GHPGVN, nhân cuộc hội thảo quốc tế “Phật giáo thời đại
mới: Cơ hội thách thức”, tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam tháng
7/2006: “Để Phật giáo mãi mãi là sự lựa chọn của đại đa số nhân loại
trong thiên niên kỳ thứ ba, xin tha thiết kêu gọi các giới lãnh đạo Phật
giáo, bất kỳ tông phái, giáo hội nào, trong và ngoài nước, cần nghĩ đến
đại cuộc của Phật giáo với những cơ hội và thách thức, sớm có những
giải pháp cho đường hướng chấn hưng và canh tân phương pháp tu đạo, hành
đạo cũng như cơ cấu tổ chức giáo hội, nhằm góp phần giải quyết các vấn
nạn toàn cầu hoá…”
Vấn đề thật là mớ mẻ, phong phú và sâu rộng.
Trên đây, xin đề xuất một số ý kiến bước đầu có tính chất gợi ý, chỉ
mong được góp phần đề dẫn cho những dịp thảo luận nghiêm túc tiếp theo
trong Giáo hội Phật giáo cũng như trên những diễn đàn có liên quan ở bên
ngoài. Tác giả cũng kính mong được nghe và tiếp thu những ý kiến chỉ
dẫn và trao đổi của quý vị Tôn túc Tăng Ni, quý Cư sĩ thiện trí thức
cùng các bậc thức giả quan tâm đến Phật giáo và văn hoá dân tộc chung
quanh vấn đề quan trọng và cấp thiết, mà Ban tổ chức cuộc Hội thảo đã
cho phép đặt ra trong quá trình chuẩn bị Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt
Nam lần thứ VI năm 2007.
TS. Bạch Thanh Bình