Kính bạch: chư Tôn đức chứng minh
Kính bạch: chư tôn đức chủ tọa đoàn
Kính thưa Hội thảo!
Thực thi lời dạy cao quý của đức Thế tôn: “Các Tỳ kheo thường
hội họp trong đoàn kết, thảo luận trong đoàn kết và giải tán trong đoàn
kết”. Hội thảo toàn quốc Hoằng pháp lần thứ 2 (lần thứ nhất từ
14-18/4/2009 tại Đà Nẵng) được diễn ra trong không khí sôi nổi bởi sự
quy tụ các giảng sư từ các tỉnh thành Bắc, Trung, Nam sum họp tại vùng
đồng bằng gần cuối của mảnh đất hình chữ S thân yêu.
Sự hội tụ nầy sẽ làm tăng thêm sinh khí và năng lực cho ngành Hoằng
pháp của Giáo hội, đồng thời tô bồi kiến thức và kinh nghiệm cho những
thành viên hoằng pháp trong sứ mạng: “tác Như lai sứ, hành Như lai sự”.
Dù cách trở ngàn trùng xa xôi vạn dặm Ban Hoằng pháp Tỉnh hội Phật
giáo Quảng Nam, cũng cố gắng vượt qua những trở ngại không gian, thời
gian để có mặt tham dự hội thảo và cùng chia sẻ những kiến thức, kinh
nghiệm cùng tâm tư nguyện vọng trong ngành Hoằng pháp chúng ta.
Thay mặt ban Hoằng pháp tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam xin được dâng
lên chư tôn đức HĐCM, HĐTS, Ban HPTW, ban Trị sự Tỉnh hội PG Kiên Giang
- đơn vị đăng cai sự kiện lớn lao này cùng chư tôn đức Giảng sư các
Tỉnh, Thành hội trong toàn quốc lòng tri ân nồng nhiệt, đã tạo điều
kiện cho đoàn đại biểu Hoằng pháp tỉnh Quảng Nam tham dự hội thảo trong
tinh thần đoàn kết hòa hợp, cũng như trong giờ phút nầy được vinh dự
hầu chuyện cùng chư tôn đức và quý vị.
Kính bạch chư tôn đức - kính thưa quý liệt vị.
Hoằng pháp với đồng bào dân tộc ít người là một vấn đề lớn với nhiều
khó khăn thử thách đã được đặt ra trong những năm cuối của thập niên
90 thế kỷ trước, nhằm vào nhiệm kỳ 4 và 5 của Giáo hội, đến nhiệm kỳ 6
nầy đã trở thành một trong hai kế hoạch mũi nhọn của ban Hoằng pháp TW
là hoằng pháp ra nước ngoài và hoằng pháp với đồng bào dân tộc thiểu
số. Đặc biệt trong hội thảo Hoằng pháp toàn quốc lần nầy có nêu riêng
một đề tài để thảo luận. Mặc dù chưa có được một kiến thức hay kinh
nghiệm nào trong mảng hoằng pháp nầy, nhưng ban Hoằng pháp Quảng Nam
chúng con cũng xin mạo muội tham gia ý kiến với suy nghĩ “cho dù một
cành hoa dại bên đường cũng góp phần điểm tô cho mùa xuân thêm hương
sắc”.
Kính bạch chư tôn đức - Kính thưa quý liệt vị.
Về phương diện Dân tộc, thì theo truyền thuyết dân tộc ta, Lạc Long
Quân và Âu Cơ sinh ra 100 trứng nở ra 100 con, rồi chia nhau mỗi
người phân nửa. Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển, còn Âu Cơ dẫn 50
con lên núi. Cùng trong một bọc, cùng một cha sinh mẹ đẻ, nhưng mỗi
người chọn một hoàn cảnh sống khác nhau và cũng chính vì hoàn cảnh sống
đó mà những người con lên núi sự phát triển hạn chế hơn cả về số lượng
và sự văn minh nên chịu tiếng dân tộc thiểu số. Nhưng dù thiểu số hay
đa số thì cũng cùng một bọc mà ra. Thế nên: “Bầu ơi thương lấy bí cùng,
tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Về phương diện đạo pháp, trên tính cách tuyệt đối mà nói thì đạo
Phật với tinh thần từ bi, bình đẳng thì chúng sanh nào cũng có giá trị
Phật tính như nhau, cho dù biên địa hạ tiện hay quốc thổ trung châu ; dù
mọi rợ man di hay phong lưu cốt cách cũng đồng có giá trị bình đẳng
tuyệt đối ấy: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Như Lai trí tuệ đức
tướng”. Còn trên tính cách tương đối mà nói thì chúng sanh nào cũng có
khổ đau mà có khổ đau thì đạo Phật cần phải cứu, không thể nói như một
số người phát biểu rằng: “người dân tộc biết gì Phật pháp mà nói”. Quan
niệm ấy thật hoàn toàn không phù hợp với tinh thần đạo Phật. Nhưng tất
cả những điều nói trên đều còn mang tính kinh viện. Điều quan trọng là
chúng ta làm thế nào vận dụng những nguyên lý ấy trở thành thực tiễn,
nghĩa là đạo Phật hiện tại phải thực hiện sứ mạng cứu khổ độ mê như thế
nào cho mỗi trường hợp, mỗi hoàn cảnh, mỗi chúng sanh.
Tứ Nhiếp pháp, Lục độ vạn hạnh, Tứ Tất đàn.v.v... là những nguyên
tắc, những cẩm nang nhưng vận dụng các pháp ấy như thế nào là vấn đề
thiết nghĩ chúng ta cần trao đổi cụ thể để rút ra những ứng dụng thiết
thực cho từng trường hợp, từng cá thể.
Toàn quốc chúng ta theo thống kê của nhà nước có tất cả 54 dân tộc,
riêng tại Quảng Nam, ngoài dân tộc Kinh là dân tộc đa số còn có 9 dân
tộc thiểu số là: Cor, Xê Đăng, Cơtu, Ca dong, Mơ noong, Dh'noong, Giẻ
triêng, Ve, Ta riềng, tập trung ở các huyện miền núi Nam Giang, Tây
Giang, Phước Sơn, Trà My...
Đạo Phật chúng ta có mặt trên đất nước nầy trải qua 2000 năm lịch sử
nhưng chỉ phát triển trong phạm vi người Kinh, còn đối với đồng bào
dân tộc thiểu số hầu như sự có mặt của đạo Phật không đáng kể. Điều nầy
chúng ta cần tìm hiểu tại sao?
- Do người dân tộc thiểu số không có thiện căn phước đức chăng? vì:
“Phật pháp nan văn chúng Tăng nan ngộ”, nên người nào có nhiều thiện
duyên phước đức mới gặp được Phật pháp.
- Do vì công tác Hoằng pháp chúng ta từ lâu chưa phát triển, chưa
quan tâm, chưa thâm nhập được do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách
quan; nội tại, ngoại tại mà trong 2000 năm qua đạo Phật không gây được
ảnh hưởng nhiều ở các dân tộc thiểu số. Trong khi đó các tôn giáo
phương Tây thì lại phát triển mạnh mẽ và dễ dàng. Thực tế chúng ta
thấy, những nhà truyền giáo của các tôn giáo bạn họ dấn thân một cách
mạnh mẽ và nhiệt tình, chủ trương của họ cũng rất cụ thể do vậy mà họ
đạt được những kết quả mong muốn. Đặc biệt những tín đồ của họ cũng làm
được công tác rao giảng truyền bá. Ngược lại, tín đồ Phật giáo không
làm được điều đó hay nói khác là không quan tâm đến việc truyền đạo. Kể
cả những Tăng sĩ của chúng ta những người đại Phật tuyên dương cũng
không mấy ai phát nguyện dấn thân vào lãnh vực nầy. Đó là một thực tế
đáng ưu tư.
Tại Quảng Nam chúng con, như đã trình bày ở trên cũng có nhiều đồng
bào dân tộc thiểu số, nhưng ngoài tâm niệm ưu tư, chúng con cũng thực
sự chưa có một phương thức nào để thực hiện. Hy vọng được tiếp nhận sự
hướng dẫn cụ thể của ban Hoằng pháp TW cũng như sự góp ý của thành viên
hoằng pháp toàn quốc. Riêng trong tham luận nầy chúng con xin mạo muội
góp một vài ý kiến thô thiển.
Muốn khai hóa một dân tộc hay một tập thể người, điều trước hết là
khai hóa kiến thức cho họ. Cũng vậy, muốn hóa độ chúng sanh trong quốc
độ nào cũng cần khai mở tuệ giác cho họ, mà sự khai mở tuệ giác đó chỉ
thông qua con đường Hoằng pháp. Cho nên :
- Giáo hội cần lập chương trình nghiên cứu về đồng bào dân tộc thiểu
số ở từng khu vực, từng nhóm tộc người để giúp cho ban Hoằng pháp các
Tỉnh, Thành nào có đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện mảng hoằng pháp
nầy được thuận lợi.
- Nghiên cứu biên soạn những nghi thức tụng niệm, tài liệu giáo lý
phổ thông ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với trình độ văn hóa của họ.
- Khai thác những con người có khả năng trong những dân tộc thiểu số
để đào tạo thành Hoằng pháp viên làm nhân tố, từ đó nhân rộng ra từng
bộ tộc. Điều nầy chắc chắn phải có kế hoạch lâu dài và bền bỉ kiên trì
mới mong đạt được kết quả.
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho Tăng Ni và Phật tử tham gia mảng
Hoằng pháp nầy. Đặc biệt phát huy vai trò hoằng pháp viên cư sĩ.
Tuy nhiên, có điều quan trọng không thể bỏ qua trong khi thực hiện
công tác hoằng pháp với đồng bào dân tộc thiểu số là chúng ta phải thực
thi triệt để tinh thần Tứ Nhiếp pháp và Lục độ của Bồ tát, lấy bố thí
làm đầu. Vì họ là những người nghèo nàn lạc hậu, thiếu thốn vật chất do
vậy mà như trong kinh Dược sư nói: “... nếu có chúng hữu tình nào bị
sự đói khát hoành hành, đến nỗi vì tìm miếng ăn phải tạo các nghiệp dữ,
mà hễ nghe đến danh hiệu ta rồi chuyên niệm thọ trì, thì trước hết ta
dùng các món ăn uống ngon lạ ban bố cho thân họ được no đủ, rồi sau ta
mới đem pháp vị nhiệm mầu kiến lập cho họ cái cảnh giới an lạc hoàn
toàn. (Kinh Dược sư nguyện thứ 11)”. Cho nên với họ, chúng ta có thể
nói nôm na ngắn gọn: Tiền gạo đi trước, đạo bước theo sau.
Trên đây là vài dòng thô thiển xin được tham gia cùng hội thảo.
Lời quê tiếng kệch gọi là,
Góp phần tô điểm ngôi nhà hoằng dương.
Nguyện cầu đạo pháp miên trường
Khắp miền sông núi ngát hương Bồ đề.
Trước khi dứt lời, một lần nữa thành kính tri ân chư tôn đức và cảm
ơn liệt quý vị. Kính chúc chư tôn đức thân tâm an lạc, Phật sự viên
thành, kính chúc quý liệt vị cát tường như ý. Kính chúc Hội thảo thành
công tốt đẹp.