Ngày
trước, mỗi khi được người lớn cho quà bánh, cha mẹ thường dạy con cái
khoanh tay lại và nói lời cảm ơn. Mỗi khi con đi đâu chơi đều xin phép
cha mẹ, được cha mẹ cho phép mới dám đi, đi chơi nhưng vẫn nhớ lời cha
mẹ dặn: "Các con nhớ về sớm kẻo mẹ cha trông. Không được phá phách
nhé!". Muốn đến chỗ nào, con phải nói cho cha mẹ biết để cha mẹ xem chỗ
đó có thích hợp cho con đến hay không, và biết nơi con đi để cha mẹ yên
tâm không lo lắng…
Ảnh: Internet
Con cái bây giờ đa phần muốn đi đâu thì đi, đi lúc
nào cũng được, mỗi khi cha mẹ hỏi tới thì tỏ thái độ không bằng lòng:
"Cha mẹ hỏi làm gì? Con đã lớn rồi chứ đâu còn là con nít". Thậm chí
đôi khi còn vô lễ: "Miễn con không đi làm chuyện bậy bạ khiến cho cha
mẹ xấu mặt thì thôi!".
Không phải các bậc cha mẹ tò mò chuyện riêng tư của
con cái, nhưng vì cha mẹ quan tâm đến con cái. Dù đã lớn khôn nhưng các
con vẫn là con của cha mẹ. Ngày nay con cái chỉ mới 14, 15 tuổi thôi đã
tự thấy mình lớn khôn, không cần đến cha mẹ nữa.
Có một bà mẹ chạnh buồn khi nghe đứa con trai nói:
"Còn sống cha mẹ muốn ăn gì thì ăn, chứ chết rồi con không cúng. Chết
rồi có ăn được đâu mà bày vẽ!". Đứa con trai đã ngoài 30 tuổi, có trình
độ đại học mà lại thốt ra những lời thiếu suy nghĩ như thế. Việc thờ
phụng cúng kiếng chỉ là để tưởng nhớ, để ghi ơn các bậc sanh thành,
việc làm đó thể hiện lòng biết ơn, thể hiện nghĩa tình, cũng là làm tấm
gương hiếu thảo cho con cháu sau này, chứ nào phải thờ cúng để cha mẹ
uống ăn. Nghe con nói mà bà mẹ đau lòng, lối sống thực dụng đã làm khô
cạn tâm hồn tuổi trẻ.
Vào dịp Tết, một học trò cũ đến viếng thăm thầy
mình, không biết anh học trò nói đùa hay thật mà người thầy nghe lòng
buồn trĩu nặng và không khỏi ưu tư về thế hệ trẻ. Người học trò kia,
nay cũng là thầy giáo, đã nói với thầy mình thế này: "Em bây giờ cũng
là thầy giáo, vậy trên tinh thần bình đẳng, em gọi thầy là anh, vì
chúng ta là đồng nghiệp". Lẽ nào bình đẳng là không có tôn ti trật tự?
Là không có những giá trị đạo đức, nhân văn như tinh thần tôn sư trọng
đạo, lòng biết ơn, đức tính khiêm tốn nhún nhường sao? Đâu rồi những
câu: "Tiên học lễ, hậu học văn", hoặc những câu: "Ngày nào em bé cỏn
con/Bây giờ em đã lớn khôn thế này/Cơm cha áo mẹ chữ thầy/Nghĩ sao cho
bõ những ngày ước ao", "Muốn sang phải bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ
phải yêu kính thầy"?
Ảnh: Internet
Người cô bà con của tôi sống với con gái trong một
căn nhà trọ ở quận Tân Bình. Cô tôi làm nghề bán hàng rong, còn con gái
làm công nhân trong khu công nghiệp. Hàng tháng cô con gái chịu tiền
nhà, các khoản chi phí còn lại do cô tôi gánh vác. Mỗi tháng cô con gái
bỏ ra mấy trăm ngàn đóng tiền nhà là xem như làm tròn trách nhiệm đối
với gia đình. Chiều đi làm về đến nhà, ăn cơm xong thì lên gác nằm xem
tivi hoặc bấm điện thoại tán gẫu với bạn bè. Sáng thức dậy thì xách giỏ
đi làm, hôm nào nghỉ thì đi chơi, muốn đi chừng nào thì đi, muốn về
chừng nào thì về, cái quần cái áo, chén bát nồi niêu không màng giặt
rửa, việc bán buôn của mẹ cũng chẳng hề quan tâm phụ giúp. Có khi quá
bận rộn, cô nhờ con gái phụ giúp thì nhận được lời đáp lại hững hờ:
"Con đi làm đã mệt lắm rồi, mẹ còn bắt con làm việc nhà nữa!". Giữa cô
và con gái thường xảy ra bất đồng ý kiến, thỉnh thoảng cô lại nghe con
gái "lên giọng" bằng những lời như kim châm vào lòng: "Nhà của con thuê
nên con có quyền!".
Không ít con cái ngày nay cho rằng việc nuôi con,
chăm lo cho con là bổn phận, trách nhiệm của cha mẹ, là điều cha mẹ
phải làm (vì sinh ra thì phải nuôi), còn con cái chỉ có bổn phận trách
nhiệm với con cái sau này của mình. Như thế thì con cái không có bổn
phận, trách nhiệm đối với ông bà cha mẹ? Đây là thái độ vô ơn, vong bản
(mất gốc), là hành vi phi đạo đức. Thế hệ trẻ không nghĩ rằng, nếu con
cháu của mình sau này cũng có suy nghĩ như thế thì mình sẽ ra sao?
Đức Phật từng dạy: "Cha mẹ đối với con, ân đức cao
nặng sâu dày. Ân đức sản sinh, cho con bú mớm, ẵm bồng; ân đức tắm
giặt, dạy con đi đứng, nói năng; ân đức nuôi nấng cho con trưởng thành;
ân đức cung cấp các món cần dùng cho con; ân đức chỉ dạy cho con cách
sống ở đời. Cha mẹ luôn luôn muốn con được vui, không buồn không khổ,
cha mẹ không bao giờ xao lãng nhớ con, thương con như ảnh theo hình" (Kinh Bổn Sự). Hay "Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu thảo, điều ác lớn nhất không gì hơn bất hiếu" (Kinh Nhẫn Nhục),
"Làm con đối với cha mẹ biết cung kính, hiếu dưỡng, đem lễ mọn cúng
dường thì được phước vô lượng, làm chút điều bất thiện đối với cha mẹ
thì tội cũng vô lượng" (Kinh Tạp Bảo Tạng). Đạo lý truyền thống của người Việt Nam cũng dạy: "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".
Thật đáng lo ngại khi những giá trị đạo đức - nhân
văn đang dần dần mai một, mặc dù xã hội ngày càng phát triển và thời
đại này được xem là văn minh, tiến bộ. Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nhắc nhở:
"Các bạn trẻ ngày nay thích làm nhánh cây vươn cao đón ánh nắng mặt
trời, nhưng lại vô tư, vô tâm đón nhận những chất dinh dưỡng từ rễ cây
đưa lên mà quên nguồn gốc đó. Nên nhớ, những cành lá tốt tươi vươn cao
bao giờ cũng phải được vun bồi từ gốc rễ. Nếu bạn không biết ơn, sẽ như
một cành cây khô héo, một ngày nào đó sẽ trụi lá, trơ cành xác xơ...
Bất cứ ở đâu, ở thời đại nào cũng vậy, hành vi vô ơn luôn bị lên án!".
Sống đẹp là biểu hiện của nếp sống văn minh, mà sống đẹp không thể là
lối sống không có văn hóa và đánh mất những giá trị đạo đức, nhân văn.
Nếu gia đình, nhà trường và xã hội không có đường hướng giáo dục
tốt, xem thường những giá trị đạo đức, nhân văn thì những nỗ lực của xã
hội sẽ trở nên vô ích, những tư tưởng lệch lạc, lối sống tiêu cực của
thế hệ con em chúng ta cũng sẽ làm sụp đổ những thành quả mà ông cha đã
tạo dựng. Như Hòa thượng Thích Minh Châu đã từng nói: "Muốn thành tựu
tư cách của con người trên đường đời cũng như trên đường đạo, không thể
không nghĩ đến lòng biết ơn và hạnh báo hiếu".
Phan Minh Đức