Tại hội thảo sữa học đường quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại
Việt Nam (trong hai ngày 25-26/11), bà Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện
Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho biết, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em
nước ta hiện nay đứng thứ 20 thế giới, mức rất cao.
Số liệu cũng cho thấy, chiều cao trung bình của người Việt Nam những
năm gần đây cải thiện rất chậm. Cụ thể sau 10 năm, chiều cao trung bình
chỉ tăng thêm 1 cm (trong khi ở Thái Lan, Trung Quốc con số này là 2
cm).
Bà Mai cho rằng do nhiều vùng ở nước ta còn nghèo, thêm vào đó phụ
huynh chưa thực sự quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn, dẫn đến
tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. "Các em chỉ được ăn đủ về mặt số lượng
thức ăn, chứ chưa đầy đủ về các chất dinh dưỡng cũng như vi chất khoáng,
canxi... Hơn nữa vấn đề ăn uống không đúng cách còn tiềm ẩn nguy cơ mắc
bệnh béo phì ở trẻ", bà nói.
160 chuyên gia về dinh dưỡng trên khắp thế giới tham dự hội thảo,
chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ,
trong đó tập trung vào lứa tuổi mầm non và tiểu học.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, ngoài công tác vận động phụ
huynh cải thiện chất lượng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, thì việc bổ sung
thêm sữa tươi vào khẩu phần ăn hàng ngày sẽ giúp trẻ tăng chiều cao,
cân nặng, giảm suy dinh dưỡng, bệnh tật... Sữa tươi còn cung cấp năng
lượng, đạm, sắt, vitamin, canxi và các khoáng chất, giúp trẻ phát triển
toàn diện về thể lực và trí tuệ.
Hơn nữa việc uống sữa hàng ngày với nồng độ chất béo được khống chế ở
mức vừa đủ giúp trẻ tránh được nguy cơ béo phì, bởi thay cho nước ngọt
có gas và thức ăn vặt. "Uống sữa càng nhiều đồng nghĩa với việc tiêu thụ
đường càng ít, vì nó thay thế cho nước ép trái cây và nước uống có
gas", chuyên gia dinh dưỡng Sandra Tuijtelaars khẳng định.
Hiện nay ở các nước phát triển như Ba Lan, Nga hay Thái Lan, chính
phủ đã có những chương trình hỗ trợ cấp quốc gia, tập trung cho dự án
đưa sữa tươi 100% vào học đường cho học sinh uống. Chương trình này đã
đạt hiệu quả cao trong việc cải thiện sức khỏe, thể trạng cũng như khả
năng tập trung của trẻ.
Trong khi đó, theo thống kê của Viện dinh dưỡng Việt Nam cho thấy,
tỷ lệ dùng sữa trên đầu người ở nước ta hiện rất thấp: 14 lít một người
trong một năm (trong khi Thái Lan là 23 lít, Trung Quốc là 25 lít và
Nhật Bản là 70 lít). Đáng bận tâm là nhiều trẻ em vùng sâu, xa, vùng đặc
biệt khó khăn thì hoàn toàn không biết đến nguồn dinh dưỡng từ sữa.
"Do vậy, chương trình sữa học đường đặc biệt cần thiết và cấp bách
hiện nay cần sự chung tay toàn xã hội, để đưa sữa đến trẻ em hàng ngày",
bà Mai nhìn nhận.
Theo thống kê từ năm 2008 đến nay, Quỹ sữa vươn cao Việt Nam của Quỹ
Bảo trợ trẻ em Việt Nam mới chỉ cung cấp 18 triệu ly sữa miễn phí cho
gần 300.000 trẻ em nghèo, khuyết tật trong cả nước.
Hiện nay cả nước chỉ có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư ngân sách và
sự đóng góp của cộng đồng, đầu tư 90 tỷ đồng hằng năm giúp cho 40.000
trẻ em ở các trường mầm non trong tỉnh được uống sữa miễn phí.
Các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Đồng Nai... cũng đang học hỏi mô hình
này nhưng bước đi còn nhỏ lẻ nên chưa phát huy được hiệu quả.
Nhận thấy Việt Nam cần học tập các nước khác để có một chương trình
cấp quốc gia nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, ông Đàm Hữu Đắc, Thứ
trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, trước mắt cần ưu
tiên phát triển mô hình sữa học đường ở 62 huyện nghèo nhất nước, gồm
894 xã với khoảng 420.000 trẻ. Đề án này dự kiến thực hiện trong 3 năm
(từ nay đến 2013) với tổng kinh phí dự tính 1.050-2.000 tỷ đồng, đã được
Bộ trình Chính phủ phê duyệt.
Nếu đề án này thực hiện thì theo đó, mỗi trẻ em ở vùng khó khăn sẽ
được uống 250 ml sữa một ngày (tương đương 50 lít sữa một năm) hoàn toàn
miễn phí. "Chúng tôi hy vọng rằng nếu triển khai được chương trình này,
chắc chắn thể trạng, trí tuệ, tầm vóc của con em đồng bào nơi đây sẽ
được tăng trưởng”", ông Đắc nhìn nhận.
Tuy nhiên một vấn đề khiến nhiều đại biểu quan tâm là hiện người dân
Việt Nam chưa có thói quen uống sữa. Do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên
truyền để các bậc phụ huynh cũng như trẻ em hiểu biết hơn về tầm quan
trọng của loại thực phẩm dinh dưỡng này trong sự phát triển trí lực, thể
lực của bé.
Chương trình "Sữa học đường" được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp
thế giới (FAO) phát động lần đầu tiên vào tháng 9/2000, mục tiêu nhằm
cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên toàn thế giới. Số lượng
các quốc gia thành viên của dự án đang ngày càng lan rộng trên toàn cầu
với khoảng 80 nước.
Mô hình sữa học đường còn giúp phát triển ngành nông - nông nghiệp
chăn nuôi bò sữa, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng trưởng GDP...
Thi Ngoan