Trong mục Tạp chí cộng đồng, phát trên Đài Phát
thanh Quốc tế Pháp RFI, một nhà hoạt động xã hội trong cộng đồng người
Việt ở Ba Lan, khi trả lời về sinh hoạt Phật giáo tại Ba Lan, đã nói đến
những đóng góp của các cơ sở thờ tự cá nhân trong việc phát triển sinh
hoạt Phật giáo tại Ba Lan.
Đại ý, ông nói với những cơ sở thờ tự cá nhân thành lập tại nhà đã là
nơi quy tụ các Phật tử thân hữu đến tổ chức các sinh hoạt tôn giáo, đã
là những nơi sinh hoạt tôn giáo trước khi có chùa. Chúng ta có thể hiểu
đó là một dạng chùa tạm thời.
Ngôi chùa đang nói đến trong chương trình phát thanh Tạp chí cộng
đồng cũng là do riêng một Phật tử hảo tâm xây dựng, rồi hiến tặng lại
cộng đồng.
Chúng tôi cũng nghe nói xu hướng “cải gia thành tự” cũng phát triển
mạnhtrong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Được biết, nhiều vợ chồng Phật
tử lão niên, sống tách biệt với con cái, đã thọ Bồ tát giới, biến nhà
riêng thành nơi thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng, có khi quy tụ thành một
đạo tràng cùng nhau tu tập.
Loại chùa này, có khi là biệt thự, có khi là nhà phố, và đặc biệt có khi là căn hộ chung cư.
Tất nhiên, chùa dù dưới dạng nào, cũng đều tốt cho Phật giáo. Có
chùa, chủ nhân xây dựng thinh sư về trụ trì, có khi tự chủ nhân trở
thành những ông từ trông nom việc thờ phượng Tam bảo.
Tưởng cũng cần phân biệt, dạng chùa cải gia thành tự được nói ở đây,
là cơ sở thờ tự tư nhân được công cộng hóa từng bước, trở thành nơi phục
vụ cho đông đảo Phật tử ngoài gia đình, khác với kiểu chùa gia đình,
hay tông tộc, hoạt động khép kín, chỉ dành riêng cho sinh hoạt tín
ngưỡng của gia đình, dòng họ, đóng cửa với người ngoài. Loại chùa tư gia
này thường nghe nói đến nhiều ở Huế.
Trước năm 1975, hình thức cải gia thành tự này được Giáo hội Phật
giáo lúc bấy giờ ở miền Nam khuyến khích, dù có thể trực thuộc giáo hội,
có thể không, mà một số thường được gọi dưới tên “Niệm Phật đường”.
Qua thời gian, đa số các Niệm Phật đường đã trở thành chùa.
Một số Phật tử Hoa tông thì lập thành các “A lan nhã”, hay nhiều tên
gọi khác mà không phải dùng tới từ chùa, cũng có chính điện, thờ Phật
nghiêm trang, quy tụ cư sĩ đến sinh hoạt, nhất là các ban hộ niệm.
Thật sự, “cải gia thành tự” cũng có mặt trái của nó. Tại Việt Nam,
chúng ta đã nhiều lần nghe nói đến chùa giả, với cả chục hòm công đức,
dựng nên quanh những nơi khách thập phương thường hay đến, “ăn theo” các
ngôi chùa thật.
Còn ở Mỹ chẳng hạn, đối với chùa cải gia thành tự, đây đó có ý kiến
cho rằng một trong những mục tiêu lập chùa là… trốn thuế. Người viết
không rõ thực hư thế nào, chẳng biết luật thuế ở Mỹ có thể dùng chùa để
lách không, nhưng có vài vị sư than phiền, rằng sau khi chủ chùa hoàn
tất quá trình cải gia thành tự, thu được tiền hương khói, thì đuổi tăng
ni đi…
Nếu xét kỹ, thì trong hoạt động nào, dù tốt đẹp đến mấy, cũng có thể
có người xấu trục lợi. Chùa công còn có tiêu cực, nữa là chùa tư công
cộng hóa.
Nhưng cân nhắc lợi và hại, được và mất, rõ ràng không nên bỏ qua
những chùa “cải gia thành tự” vì sự nghiệp phát triển Phật giáo. Hiện
tượng một số lớn Niệm Phật đường trở thành chùa thật sự ở miền Nam trong
mấy chục năm qua là một sự khẳng định hiển nhiên và thuyết phục.
Có một thiểu số Phật tử thấy tượng Phật là dán tiền, là bỏ tiền lẻ
vào hòm công đức, nhưng có một số đông Phật tử cân nhắc khi cúng dường,
“chọn mặt gửi vàng”.
Vậy nên, lẽ nào vì một số Phật tử hay khách thập phương thiển cận
kia, mà thiếu sự quan tâm đối với một phương thức có thể góp phần vào sự
phát triển Phật giáo Việt Nam?
Hiện nay, hoạt động cải gia thành tự là một nhu cầu, thực tế đã diễn
ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức. Tất nhiên, họ không thể treo bảng,
không thể nhận ra chùa, dù có khi ở đó có tăng ni thật sự tu hành.
Từ đó, phát sinh các “am”, “thất”, “a lan nhã”, “đường”, “cốc”,
“viên”…, đứng ngoài những quy chuẩn, điều tiết, kiểm soát của giáo hội.
Có nơi treo bảng một cách cách điệu, như tạc vào đá, vẽ thành tranh thư pháp, tạo thành chữ trên nền cây kiểng…
Thiết tưởng, đã đến lúc Giáo hội quan tâm đến những cơ sở như vậy,
nhưng không phải để quản lý hành chính, mà để thúc đẩy sự phát triển,
ủng hộ hoạt động “cải gia thành tự” bằng những hình thức thích hợp,
thông thoáng, tôn trọng quyền tư hữu cơ sở thờ tự, nhưng vẫn có hình
thức bảo hộ nào đó, tạo điều kiện cho hoạt động cải gia thành tự phát
triển mạnh, từng bước chuyển ngôi nhà của những Phật tử thuần thành có
tâm nguyện muốn nâng cấp nhà thành chùa có thể thực hiện được trong hoàn
cảnh tốt nhất, đúng với chánh pháp nhất.
Khuyến khích tăng ni ở chúng để tu học dưới sự giám sát của tập thể, cũng như hạn chế chùa giả, là lẽ đương nhiên.
Nhưng bỏ mặc cho “thất”, “cốc”, “am”, “a lan nhã” phát triển tự phát,
tạo một quỹ đạo riêng, trong đó, họ không được nâng đỡ, bảo hộ, trợ
giúp từ Giáo hội cũng là điều không nên.
Nếu đã có nhu cầu cải gia thành tự và đã hình thành quá trình trên
thực tế, thì nên thừa nhận, giúp đỡ và tạo ảnh hưởng lên hoạt động đó.
Không nên tìm cách “quản lý”, kiểm soát, vì có thể có nhiều người e
ngại, rút vào bí mật hơn nữa, càng tạo ra sự ngăn cách đối với Giáo hội.
Có thể hướng đến hình thức “Niệm Phật đường” như Giáo hội Phật giáo
tại miền Nam trước đây đã làm, xây dựng quan hệ, tạo ảnh hưởng trên tinh
thần chính pháp đối với những cơ sở thờ tự Phật giáo tư nhân, hướng đến
việc chuyển đổi chùa, thúc đẩy việc “chùa hóa” một cách nghiêm trang,
trong tinh thần tôn trọng.
Xét kinh nghiệm từ quá trình đã có ở miền Nam, nếu có phương thức
quan hệ đúng đắn, sau khoảng một thế hệ, sẽ có thêm một số lượng đáng kể
những ngôi chùa nhỏ, có thể ở mặt tiền, trong hẻm sâu, trên chung cư,
không rơi vào tình trạng “cải tự hoàn gia”, làm thiệt hại đáng tiếc cho
Phật pháp.
Tất nhiên, ngày nay vấn đề đã phức tạp hơn nhiều so với tình hình
miền Nam Việt Nam 35 năm về trước. Chùa giả nhiều hơn, tinh vi hơn, nên
để có những bước đi thích hợp, vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo.
Còn nếu không quan tâm gì thì quá trình vẫn diễn ra, những kiểu chùa
không phải gọi là chùa vẫn tiếp tục ra đời trong trạng huống cách xa,
tách rời với Giáo hội.
Rồi cũng có thể nó trở thành những thứ “điện”, “miễu”, “dinh”…, xa rời chính pháp.
MT