Một danh ngôn, một bài viết, một tác phẩm văn học, triết học…
có thể có nhiều cách hiểu, nhìn nhận, cách lý giải, cách cảm nhận khác
nhau tùy theo góc nhìn, quan điểm riêng, đặc điểm tâm lý, trình độ người
đọc…
Dưới đây là những điều suy nghĩ, tâm đắc của riêng tôi đối với bài viết “Nguồn sinh khí mùa xuân” của Hòa thượng Thích Trí Quảng, đăng trên Báo Giác Ngộ số Tết Tân Mão.
Bài viết được đăng trong tư cách cá nhân của tác giả, một nhà báo tu sĩ, không phải với những chức vụ của Hòa thượng.
Nhưng với vị trí trang trọng mở đầu số Giác Ngộ đặc biệt Xuân Tân
Mão, tờ báo Phật sự duy nhất mà Phật giáo Việt Nam hiện có, tờ báo Phật
giáo có số độc giả lớn nhất, phát hành cả nước và có mặt ở cả nhiều nước
trên thế giới, và với các chức vụ cao cấp của Hòa thượng trong giáo hội
mà chúng ta điều biết, riêng tôi, tôi hiểu bài viết cũng thể hiện phần
nào quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với những vấn đề của
Phật giáo Việt Nam hiện đại.
Trước hết, đây là một tín hiệu đáng mừng, vì ngoài những nội dung có
tính chất đạo từ thông lệ, sách tấn, tu học nói chung, đi vào các vấn đề
Phật học thường thấy ở những bài viết trước đây của Hòa thượng, nay,
chúng ta đã thấy những vấn đề có tính chất thời đại, quan hệ giữa Phật
giáo Việt Nam với thời đại, về sự hưng suy của Phật giáo Việt Nam đã
được đề cập đến.
Chúng tôi chia sẻ điều vui mừng này đối với các bạn đọc của Phattuvietnam.net,
những người luôn luôn mong mỏi từ các vị tôn túc sự quan tâm đối với
các vấn đề của Phật giáo trong mối quan hệ với thời đại, với những
chuyển biến có thể tích cực, có thể tiêu cực liên hệ đến Phật giáo.
Điều tâm phục trước tiên tinh thần chung của bài viết của HT. Thích Trí Quảng là sự gắn bó giữa việc tu học và thời đại.
Bài viết mở đầu bằng tấm gương của Thiền sư Vạn Hạnh đời Lý:
“Mỗi khi nghĩ về truyền thống Phật giáo Việt Nam, tôi thường nghĩ
tới Thiền sư Vạn Hạnh ở đời Lý, một bậc thiền sư ngộ đạo, có tầm nhìn
sáng suốt và xa rộng.
Ngài đã dấn thân trong tinh thần hộ quốc an dân,
khéo léo sắp đặt mọi việc hệ trọng thuận lý, khế hợp lòng người, với
niềm tin trong sáng và mãnh liệt vào con đường phát triển của đất nước,
ngài đã vận dụng nhiều cách để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sau này trở
thành bậc lãnh đạo quốc gia có nhiều đóng góp quan trọng cho dân tộc,
nổi bật nhất là việc chuyển kinh đô từ Hoa Lư chật hẹp và hiểm trở về
Đại La – với thế đất bằng phẳng và rộng lớn hơn – đổi tên là Thăng Long,
tức Hà Nội ngày nay.
Thăng Long tròn 1.000 năm tuổi, năm vừa qua chúng ta đã tổ chức
đại lễ kỷ niệm rất trọng thể. Đối với Phật giáo, sự kiện này có ý nghĩa
quan trọng, là dịp để nhớ về công hạnh của chư vị Tổ sư, thiền sư trong
lịch sử, học hạnh gương sáng của chư vị đã dấn thân để đưa giá trị Phật
pháp vào đời sống, để ý thức hơn nữa những đặc điểm của Phật giáo Việt
Nam trong tương quan mật thiết với dân tộc là luôn có sự đồng hành, đồng
sự, chia sẻ trách nhiệm trước các yêu cầu của đất nước”.
Chúng ta đều biết, lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến nay có
rất nhiều gương sáng chư vị tổ sư, với nhiều hạnh nguyện khác nhau.
Có các vị tổ sư ẩn tu, lấy đức giáo hóa, không nghĩ tới quá khứ, tương lai.
Có những vị tổ sư tích cực nhập thế, có tầm nhìn sáng suốt xa rộng,
hạnh nguyện làm cho tương lai bao giờ cũng tốt hơn hiện tại. Sự nghiệp
tu học của các ngài đặt ở ngày mai của đạo pháp và dân tộc.
Một trong những vị thiền sư như thế là ngài Vạn Hạnh, với tầm nhìn
sáng suốt xa rộng, là tấm gương mà HT. Trí Quảng nêu lên để sách tấn
chúng ta.
Việc nước, nhất là việc lập ngôi vua, vì tương lai của cả dân tộc và
đạo pháp, không thể như chuyện ẩn cư và tu tập thuần túy. Chuyện triều
đình phế lập là cực kỳ căng thẳng. Ngài Vạn Hạnh đã chọn hướng đi đó.
Nay HT. Trí Quảng mở đầu bài viết đầu xuân 2011 bằng tấm gương của
ngài Vạn Hạnh là đặt trước chúng ta nền tảng của sự lựa chọn hướng đi.
“Mũ ni che tai”, đóng cửa nhập thất, không màng việc lớn việc nhỏ,
chỉ chuyên trì hạnh nguyện của mình. Điều đó cũng tốt. Nhưng đó không
phải là con đường mà ngài Vạn Hạnh đã chọn, mà là ngược lại.
Đó chính là con đường mà Hòa thượng Trí Quảng muốn sách tấn chúng ta.
Con đường trên nền tảng Phật giáo dấn thân giải quyết các vấn đề của
Đạo pháp và Dân tộc.
Những vấn đề đó là gì? Nội dung phần trung tâm bài viết của Hòa thượng Trí Quảng đã chỉ ra rất rõ ràng:
“Có nhiều người lo xa tỏ ra bi quan và lo âu về tương lai của
Phật giáo Việt Nam tụt hậu trước các bước tiến của xã hội. Tôi thì không
nghĩ như vậy.
Cuộc đời là vô thường. Có thịnh thì có suy. Sau suy đồi ắt sẽ đến
giai đoạn hưng thịnh. Đối với đạo Phật, sự phát triển thường được đánh
giá qua sự hiện diện của các bậc cao tăng đắc đạo, được nhân dân tín
ngưỡng. Sự suy đồi là lúc tu sĩ Phật giáo không lo tu học, kiến thức và
đạo pháp nghèo nàn.
Theo tôi, đừng quá lo xa rồi đánh mất việc rất quan trọng cần phải làm, cần phải thực hiện cho được, đó là siêng năng tu học, giữ gìn giới pháp một cách trọn vẹn song song với các Phật sự tùy duyên mà ứng phó trong khả năng và hoàn cảnh cho phép.
Điều quan trọng nữa là luôn sống nhịp nhàng theo sự vận hành
chung của xã hội, của Giáo hội, của luật pháp. Cần tĩnh tâm để nhìn ra
những nguyên nhân của sự hưng thịnh, suy đồi để có được cách sống hài
hòa, và bồi đắp chí hướng tu hành hướng đến giải thoát giác ngộ như đức
Phật đã dạy ngày mỗi thêm kiên định trong lòng.
Kinh nghiệm của tôi là nếu gặp lúc suy thì đừng nản lòng mà cần phải nỗ lực siêng năng học và tu, càng tinh tấn càng tốt. Không có điều gì là không thể thay đổi được”.
Không có điều gì là không thay đổi được. Đoạn văn đầy lạc quan, thắng khí, tin tưởng, thấm đượm tinh thần Vạn Hạnh.
Trước khi đi đến kết luận như một lời đại nguyện đại hùng đại lực đó,
Hòa thượng Trí Quảng đã có những phân tích thâm sâu, tinh tế, mà nghiền
ngẫm kỹ chúng ta mới hiểu được, ngộ được.
Càng suy nghĩ về lời của Hòa thượng chúng ta càng thấm thía bản chất trí tuệ của ngài.
Hòa thượng Trí Quảng từ chất thâm trầm, sâu lắng, hướng nội. Ngài ít
đi vào cách nói rõ ràng, cụ thể, mà thiên về cách diễn đạt gợi ý, định
hướng cho chúng ta suy nghĩ, để tự đi đến những kết luận đúng đắn.
Chúng ta hãy cùng suy niệm lời ngài.
Trước hết, Hòa thượng đã đề cập đến vấn đề thịnh suy Phật giáo, với tỷ lệ khoảng 1/3 bài viết.
Như đã nói, điều đó cho thấy Hòa thượng hết sức gắn bó với Đạo pháp, luôn lắng nghe và thấu hiểu.
Những chuỗi sự kiện gần đây của Đạo pháp đã được Hòa thượng quan tâm.
Vì thế sự thịnh suy của Đạo pháp không thể không có trong bài viết có
tính chỉ đạo đầu năm của ngài.
Chúng ta chú ý, trước hai mặt thịnh/suy, ngài đã dẫn vào từ việc so sánh 2 cách nhìn nhận khác nhau.
Nếu phần trên bài viết khi đề cập đến thiền sư Vạn Hạnh, “một bậc thiền sư ngộ đạo” Hòa thượng đã dùng cụm từ “có tầm nhìn sáng suốt và xa rộng”.
Tiếp theo đó, Hòa thượng nêu lên vấn đề “Có nhiều người lo xa tỏ ra bi quan và lo âu về tương lai của Phật giáo Việt Nam tụt hậu trước các bước tiến của xã hội”.
Như vậy, cũng là cùng nhìn xa, nhưng có 2 cách khác nhau:
- “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng” (như của Thiền sư Vạn Hạnh).
- “lo xa tỏ ra bi quan và lo âu về tương lai của Phật giáo Việt Nam” (như của nhiều người hiện nay).
Đã “lo xa” thì không thể “sáng suốt”, không thể tích cực, mà chỉ “bi quan”, “lo âu”.
“Tầm nhìn sáng suốt và xa rộng” hoàn toàn đối lập với “lo xa”.
“Lo xa” là cái nhìn về tương lai không có nền tảng trí tuệ. Còn “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng” thì ngược lại.
“Lo xa” phản ánh tình trạng nhìn về phía tương lai trong một tâm trạng quẫn chí, bế tắc, không hướng giải quyết.
“Tầm nhìn sáng suốt và xa rộng” thì tự tin, chủ động, dự báo, tiên đoán được vấn đề.
Do vậy, tất nhiên Hòa thượng không nghĩ theo cách “lo xa” (Hòa thượng viết: “tôi không nghĩ như vậy”).
Đó là lẽ đương nhiên.
Cũng như Hòa thượng, chúng ta hướng về “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng”.
Cũng cần chú ý, Hòa thượng Trí Quảng nhấn mạnh cả 3 yếu tố: “sáng”, “xa” và “rộng”. Chỉ “xa” thôi là không đủ.
“Sáng” là phải thấy, phải soi rọi được tất cả những diễn
biến xảy ra chung quanh. Sáng là nói khả năng lý giải, thấu hiểu, cả đối
với sự việc quá khứ, hiện tại và vị lai.
“Rộng” là không bỏ sót một sự việc gì trong không gian, không chủ quan, phiến diện, chỉ thấy một phía, một góc, một phần.
“Xa” là có tầm nhìn vượt thời gian, không bị giới hạn trong
vài ngày, vài tháng, vài năm, mà nhìn trước hàng chục năm, hàng trăm
năm.
“Lo xa”, vì không có trí tuệ, nên có thể đi lệch hướng, như Hòa thượng nói “đánh mất việc rất quan trọng cần phải làm”.
Còn “sáng suốt và có tầm nhìn xa rộng” là “tùy duyên mà ứng phó trong hoàn cảnh cho phép”.
Như vậy, gián tiếp Hòa thượng đã chỉ ra những vấn đề của Phật giáo
Việt Nam hiện nay, vấn đề hưng thịnh/suy đồi, thông qua việc đề ra
phương hướng chung để giải quyết: “tùy duyên mà ứng phó”. CHÍNH LÀ CÓ VẤN ĐỀ, NÊN PHẢI CÓ VIỆC ỨNG PHÓ.
Đi vào chi tiết hơn, Hòa thượng đã dẫn ra 3 tiêu chí của việc ứng phó là: “… theo sự vận hành chung của xã hội, của Giáo hội và luật pháp”.
Trong 3 tiêu chí mà Hòa thượng nêu ra ở trên, thì tiêu chí luật pháp
là tiêu chí ổn định hơn cả. Luật pháp có thay đổi, bổ sung, tu chính,
hoàn thiện, nhưng những nguyên tắc cơ bản hầu như đã ban hành vững chắc.
Sự vận hành của giáo hội cũng tương đối ổn định, có định hướng, rõ
ràng, các nguyên tắc chính cũng được xác định. Sự thay đổi đột ngột hầu
như không có. Các văn bản được ban hành từ trước đến nay đều theo một
hướng chung, số lượng và tần suất cũng tương đối ít.
Vì vậy, sự vận hành có độ lệch với giáo hội và luật pháp trong việc
giải quyết các vấn đề quan trọng của Phật giáo Việt Nam hiện đại không
là vấn đề lớn, nếu chúng ta xác định từ đầu yêu cầu đó. Mà theo đúng chủ
trương luật pháp và Giáo hội là lẽ đương nhiên, bắt buộc, ắt phải.
Đại lượng thứ ba là sự vận hành của xã hội. Đây là vấn đề lớn, vì tốc
độ vận hành của xã hội rất nhanh chóng (gồm cả các yếu tố chính trị,
kinh tế, tập quán, tiến bộ khoa học kỹ thuật, lối sống, quan điểm, xu
thế…).
Cái cần của sự “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng”, gương sáng của thiền sư Vạn Hạnh mà Hòa thượng Trí Quảng nhắc nhở chúng ta cần thiết ở chỗ này.
Không có “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng” thì không bao quát
hết mọi việc đang xảy ra chung quanh, không nắm bắt được thực tế, không
chủ động ứng phó, ngơ ngẩn như những người chỉ biết “lo xa”, “bi quan” và “lo âu”.
Nói theo cách nói của nhà Phật: “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng” là người trí. Còn chỉ “lo xa”, “bi quan”, “lo âu”, không biết cách “ứng phó” là kẻ vô minh.
Hòa thượng chỉ ra nguyên nhân của sự suy đồi “Sự suy đồi là lúc tu sĩ Phật giáo không lo tu học, kiến thức và đạo pháp nghèo nàn”. Như thế, thì làm sao có “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng” được.
Ở đây, ta thấy có 2 vấn đề song song: “kiến thức và đạo pháp”. Kiến thức mà nghèo nàn thì cũng không thể có “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng”, vì đương nhiên, có biết gì đâu để nhìn sáng, nhìn xa, nhìn rộng.
Càng chiêm nghiệm bài viết khai thị đầu năm của Hòa thượng ta càng
thấy trí tuệ của Hòa thượng, càng thấy Hòa thượng gần gũi với Phật tử
chúng ta, những người không muốn bó hẹp tầm nhìn trong hiện tại, mà chỉ
theo gương, trên là thiền sư Vạn Hạnh, sau là Hòa thượng Trí Quảng,
trong hướng hành động với “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng”.
Trong phong cách kín đáo, thâm trầm cố hữu của mình, Hòa thượng Trí
Quảng chỉ đưa ra vấn đề thịnh/suy nói chung, nhưng không đưa ra nhận xét
cụ thể. Như vậy, theo tôi cũng là quá đủ, để chúng ta hiểu.
Một vị Bồ tát, hay thánh tăng, cao tăng không phải trụ thế để thỏa
hiệp, hay dửng dưng với vấn đề. Ngài Địa Tạng đến để phá địa ngục. Ngài
Văn Thù đến để phá mê mờ. Ngài Quán Âm đến để lắng nghe và cứu giúp
chúng sinh khỏi đau khổ. Ngài Vạn Hạnh đến để đưa Phật ra khỏi tình
trạng nhà sư bị hôn quân róc mía trên đầu làm vui. Ngài Quảng Đức đến để
giải trừ pháp nạn gây ra do bàn tay ngoại đạo…
Vì vậy, Hòa thượng Trí Quảng, dù không xác định thịnh suy, nhưng đã gởi gấm cho chúng ta những lời tâm huyết:
“Kinh nghiệm của tôi là nếu gặp lúc suy thì đừng nản lòng mà
cần phải nỗ lực siêng năng học và tu, càng tinh tấn càng tốt. KHÔNG CÓ
ĐIỀU GÌ LÀ KHÔNG THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC” (người trích dẫn nhấn mạnh).
Chúng con hiểu những ý tứ thâm sâu của Hòa thượng và tuyệt đối tin tưởng nơi lời dạy của ngài, đặc biệt là tinh thần tinh tấn.
“Tinh tấn” là tiến thủ, tích cực, không thụ động, luôn luôn tâm niệm cho mình “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng”.
Nhân bài viết của Hòa thượng Trí Quảng khai thị tân niên, cũng là lúc
tiến đến húy kỵ của Hòa thượng Thiện Hoa, cựu Viện Trưởng Viện Hóa đạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là bậc tôn sư của Hòa thượng Trí
Quảng và nhiều thế hệ hậu học/
Xin kính thành đãnh lễ giác linh cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa, một
vị cao tăng đã có “tầm nhìn sáng suốt và ra rộng” trong thế kỷ XX, sớm
nhận diện tình trạng suy vong của Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX,
nỗ lực dấn thân góp phần quan trọng vào sự nghiệp chấn hưng Phật giáo
Việt Nam, chuyển nguy thành an, suy thành hưng, mở Phật học đường Nam
Việt, đào tạo gầy dựng được thế hệ cao tăng thừa kế, trong đó có các Hòa
thượng tên tuổi như Thanh Từ, Trí Quảng…, đã có nhiều công sức duy trì
sự hưng thịnh Phật giáo Việt Nam trong một thời gian, và vẫn đang truyền
thừa tinh thần chấn hưng Phật giáo, như Hòa thượng Trí Quảng viết “nếu gặp lúc suy thì đừng nản lòng”.
Xin nhắc lại tác phẩm “50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam” của HT. Thiện Hoa tác phẩm thể hiện tinh thần “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng”, mà hôm nay, tinh thần đó lại được HT. Trí Quảng nhắc lại từ khởi thủy thiền sư Vạn Hạnh.
Chắc chắn, dưới sự chỉ đạo của HT. Trí Quảng, mở đầu với bài viết “Nguồn sinh khí mùa xuân”, Phật tử chúng ta không thể là kẻ chỉ biết “lo xa”, “bi quan”, “lo âu”, không biết gì hết, hay bàng quan trước cuộc thịnh suy của Phật giáo, ngẩn ngơ như những kẻ vô minh.
Đây mới chỉ là ý kiến khởi đầu nhân dịp đầu năm của HT. Trí Quảng.
Điều chắc chắn là Hòa thượng sẽ có thêm ý kiến chỉ đạo nữa, theo tinh
thần “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng” của thiền sư Vạn Hạnh, Hòa thượng Thiện Hoa…
Chúng ta hãy chờ đợi trong sự tin tưởng chắc chắn.
Và với bài viết “Nguồn sinh khí mùa xuân”, chính Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng sẽ là nguồn sinh khí của phong trào chấn hưng Phật giáo hiện tại.
Bài viết của Hòa thượng Trí Quảng có thể xem là văn bản cơ sở, có
tính định hướng, đề ra các tiêu chí để những Phật tử có hạnh nguyện chấn
hưng Phật giáo căn cứ vào đó để thực hiện tinh tiến, nỗ lực vì sự hưng
thịnh của đạo pháp, đẩy lùi mọi biểu hiện suy vong, xuống dốc của Phật
giáo, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng.
Không thể có điều gì khác đi như thế.