Những ngày tháng 7, vượt hàng trăm cây số
trước khi "vượt vũ môn", đó có thể là lần đầu tiên cô cậu học trò xa
nhà, bài học mới toanh và phải thực hành ngay đó là bài học tự lập.
Cầu nguyện mùa thi tại chùa Xá Lợi (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: Vũ Giang
Đâu phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để ba mẹ
"được" đi cùng con trong hành trình chinh phục ước mơ dẫu ba mẹ cũng rất
muốn đi cùng con, đồng hành trong mỗi bước con đi! Và, đâu phải ba mẹ
nào đi cùng con cũng có thể... giúp được con bởi sự quê mùa của chính
mình - cũng là lần đầu đi xa như con nên không khỏi lóng ngóng, song, đi
cùng con cũng là một niềm an ủi khác, để bớt lo canh cánh đường xa, xe
cộ, người ngợm nơi phố xá có làm con mình lạc bước, hư hao...
Cha
mẹ bao giờ cũng vậy, luôn lo cho con, nhất là trước những bước ngoặt
cuộc đời, như là thi cử, đi xa, thành gia lập thất... Vì thế mà tháng 7
dường như yêu thương và lo lắng trở nên căng đầy hơn trong nếp nghĩ và
hằn sâu hơn nơi trán cha, trán mẹ, nơi mỗi ước mơ con trẻ cần được tiếp
sức để bay cao, bay xa.
Hiểu
được nỗi lo của sĩ tử, của phụ huynh các em trong mỗi mùa tháng 7 về
nên Phật giáo với tinh thần nhập thế đã chung tay tiếp sức cho những ước
mơ. Không chỉ hướng dẫn, đưa đón mà còn tạo điều kiện cho ăn, ở miễn
phí tại các chùa và nhà Phật tử. Đặc biệt, còn tổ chức những buổi lễ tâm
linh - cầu nguyện mùa thi, giúp thí sinh vững chãi hơn trong cuộc "vượt
vũ môn" cam go, khó nhọc... |
Rồi
cuộc đời cứ thế trôi đi, được mấy người con xa vòng tay của cha mẹ,
được dắt tay đi từ những bước chập chững vào đời, cụ thể bằng lần được
đưa đi thi ở phố xá Sài thành, Đà thành, Hà thành... nhớ mà thương, và
trở về vun vén cho gia đình, cho cha mẹ đỡ quạnh quẽ tuổi già?
Có
câu nói "Nước mắt chảy xuôi" để chỉ cho sự hiển nhiên rằng, cha mẹ sinh
con ra là phải lo cho con, còn con cái có lo cho mình không thì... tùy
nó. Hầu như bậc làm cha, làm mẹ nào cũng vô điều kiện như thế, và cũng
hiểu được điều đó như một phương ngôn nằm lòng, bởi trước khi là cha mẹ
thì cũng từng là con cái, thậm chí đang là con cái...
Tháng 7, phố xá đón những người lạ, vội vã đến rồi vội
vã về trong nỗi lo ngập lòng. Con thi đỗ hay thi chưa đỗ cũng đều có
cái lo riêng, cái lo mang tên "nhà mình nghèo", bao giờ cũng thường trực
chuyện áo cơm, chuyện tương lai con cái sẽ thế nào. Đậu thì không tiền
đi học hoặc sẽ chật vật với đời sinh viên, sẽ nhịn đói nơi giảng đường
để dành tiền mua giáo trình, đóng học phí, nhưng rồi sẽ qua, và biết đâu
đó lại là động lực cho thành công.
Nhưng, không đậu thì... sẽ
còn những năm tiếp theo, cuộc thi có đậu, rớt là đương nhiên, và cái
quan trọng là mình không đánh mất niềm tin nơi chính mình cũng như hi
vọng ở mai sau.
Cuộc sống sẽ sắp bày giúp mình một vài thứ, cho mình
một vài cơ hội, nếu mình tinh tế nhận ra và nắm bắt. Do vậy, chuyện rớt
có khi cũng không phải là điều gì đó đáng thất vọng, biết đâu nó cho
mình cơ hội tìm ra một hướng đi mới phù hợp hơn?
Tháng 7, đang giữa mùa thi mà nói chuyện đậu rớt thì quả là... hợp thời sự, và cũng mong là sẽ hợp lòng người.
Đợt
1 có gần 1 triệu thí sinh dự thi, trong đó sẽ có những người ngút cao
điểm số nhưng cũng có người sẽ ở dưới sàn, định vị cho cuộc sống này
những lẽ đương nhiên - có người giỏi, người chưa giỏi, người thành công
nhiều, người ít. Âu cũng là duyên-nghiệp, mà đã là duyên-nghiệp thì ta
phải chấp nhận, tư duy tích cực về nó mà sống tốt lên, bắt đầu từ bây
giờ, trong khả năng riêng của mình, ít ra là để cảm ơn những nỗi lo canh
cánh của cha mẹ mình!
L.Đ.L
http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/doisongquanhta/2013/07/04/16D202/