Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Trăn trở của một vị Tăng trẻ
15/04/2013 08:54 (GMT+7)



Thượng cầu hạ hóa nghe tưởng chừng như cao xa, tưởng chừng như là viễn cảnh. Nhưng là người xuất gia học Phật thì điều ấy là sự hiển nhiên rõ ràng nhất. Đơn giản thôi, chúng ta hãy chịu khó.

Tăng Ni sinh học Phật, gìn giữ oai nghi,
tế hạnh nghiêm mật, đó là bài pháp độ chúng sinh thiết thực - Ảnh minh họa

Chư Tổ đã dành cả cuộc đời của mình cho sự hóa độ chúng sanh. Rồi đây, sự nghiệp ấy chúng ta phải là người nhận lấy. Và điều quan trọng hơn hết, chúng ta không phải đợi đến ngày ngồi lên pháp tòa hay tham gia các công tác Phật sự mới gọi là hoằng pháp độ sanh. Ngay trong lúc chúng ta thực tập công phu, ngay trong nếp sống Thiền môn, trong trường học chúng ta cũng đã là hành giả hóa độ chúng sanh rồi. Đó chính là “thân pháp”.

Người xưa từng nói:

Khoan hãy nói điều cao diệu vợi

Hãy nói lời làm người trước tiên

Phật giáo xây dựng con người hoàn thiện, và mỗi một tu sĩ trẻ chúng ta là hình ảnh đang đi vào sự hoàn thiện đó. Vì sự hoàn thiện mà lúc bước chân vào Chùa chúng ta phải học làm tư cách của một vị tu sĩ. Những năm tháng bên thầy, bên đại chúng; học và hành theo Luật đã, đang và sẽ uốn nắn chúng ta, bồi đắp cho chúng ta hoàn thiện và nâng cao giá trị tâm hồn lẫn hành động. Và đây cũng chính là hình tượng chung của tu sĩ Phật giáo.

Oai nghi tế hạnh trong đi đứng nằm ngồi càng trở nên huyền diệu hơn. Bởi nó không còn là “chuyện của riêng ai” nữa, nó không phải chỉ là chuyện của mình mà nó trở thành bài pháp tinh tế cho mọi người hành trì. Oai nghi - thân pháp...

Trong cuộc sống hiện đại, Phật giáo chuyển mình phát triển theo nhịp ấy. Tăng Ni trẻ lại có nhiều hơn cơ hội để học, để tu và để độ sanh. Tuy nhiên, vấn đề oai nghi tế hạnh vẫn là nền tảng, là thước đo chuẩn mực để chúng ta khẳng định hình ảnh tu sĩ với cuộc đời.

Trong Thiền môn hay ra giữa dòng đời thì cử chỉ lời nói đều được mọi người chú ý. Đi đứng nằm ngồi, vào ra ăn nói đều được quan tâm. Có hành giả vì trong lúc vội vàng mà quên oai nghi đi đứng; có hành giả trong lúc vui miệng mà quên oai nghi nói cười. Và còn nhiều vấn đề khác nữa... Những vấn đề này phản ánh trở lại cho Phật giáo là điều không thể tránh khỏi. Tăng Ni trẻ là vấn đề quý ngài tôn túc luôn thao thức, trăn trở.

Niềm tin từ cuộc đời, niềm tin của những bậc tôn túc đều đặt vào nơi Tăng Ni trẻ chúng ta. Đạo pháp hưng suy, chúng sanh lợi lạc hay lầm than đều đặt vào chí nguyện của chúng ta. Chính vì thế, nỗ lực, tinh cần và nhiếp thân cùng tâm trong oai nghi tế hạnh là việc tất yếu phải làm. Tương lai chưa nói đến, hiện tại này, bằng hình ảnh người tu tròn đầy tế hạnh là bài pháp đầy lợi lạc cho chúng sanh.

Niềm tin vào Tam bảo của thập phương thiện tín được khơi gợi từ Tăng Ni chúng ta. Hình ảnh Tăng Ni là điều đầu tiên để cho niềm tin ấy bám vào và phát triển. 

Chúng ta hãy vì đạo pháp, vì chúng sanh mà thuyết bài pháp - “Thân pháp”. Có bài pháp này thì tương lai sẽ có nhiều chất liệu để cho chúng ta mang đến với chúng sanh.

Chấn Đạo
(chùa Tra Am, P.An Tây, TP.Huế)

(*) Chư tôn thiền đức trẻ có những trăn trở nào về cuộc sống, tu học, hoằng pháp cũng như mọi lĩnh vực khác? Xin gửi chia sẻ ấy về tòa soạn, Giác Ngộ sẽ làm nhịp cầu chuyển tải những gửi gắm của quý vị! Bài vở vui lòng e-mail về: phatgiaovatuoitre@gmail.com Trân trọng!

http://giacngo.vn/bandoctoasoan/bandoc/2013/04/14/32D60B/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang