Nhờ khế lý nên tư tưởng luôn phong phú, sâu sắc mà
mình vẫn là mình. Do khế cơ nên mọi hình thái sinh hoạt, thể hiện, truyền đạt
luôn đa dạng, gắn bó mà không hề mất gốc. Có thể tạm so sánh: khế lý là phần
nội lực; Khế cơ là phần chuyển mình để đi tới, vươn tới cùng hội nhập. Như thế
thì chuyển mình để đi tới, vươn tới cùng hội nhập, trong bất cứ hoàn cảnh nào
cũng phải dựa trên nền tảng là nội lực.
Nội lực của Phật
giáo Việt Nam
có thể chia làm 2 phần là hình thức và nội dung.
Hình thức là chỉ cho phần trụ xứ (tự viện, thiền viện, tịnh xá, thiền
thất…) giảng đường, cách thức thờ tự, tượng đài, pháp phục, lễ phục, cờ phướn
trang hoàng v.v…
Nội dung thì bao gồm 2 phần là tu tập và tu học(1).
Tu tập là phần tụng niệm, hành thiền, ứng phú, trai đàn, chẩn tế, truyền giới,
thọ giới, an cư, kiết hạ… Tu học là phần giáo dục theo thứ lớp từ thấp đến cao,
thuyết pháp, diễn giảng, in ấn phát hành kinh sách, báo chí, biên dịch, soạn
thuật… Toàn bộ phần tu tập - tu học ấy đều được dựa trên nền tảng là Tam tạng Kinh Luật Luận bằng tiếng
Việt, tức là Đại tạng kinh Việt Nam.
Gút lại, bàn về phần chính của nội lực ở đây là bàn về Đại tạng kinh Việt
Nam cùng những hệ luận và khai triển: Thánh điển Phật giáo Việt Nam, Tục
tạng Phật học Việt Nam, Bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Bộ Văn học Phật giáo
Việt Nam, Bộ Từ điển bách khoa Phật giáo Việt Nam, Bộ Giáo khoa Phật học Việt
Nam, Bộ Danh Tăng Phật giáo Việt Nam… Chúng tôi xin lần lượt bàn tóm tắt
qua từng mục.
1. Đại tạng kinh Việt Nam: Sau gần 40 năm
thực hiện(2), đến nay (cuối năm 2011) sự nghiệp phiên dịch để hoàn
thành Đại tạng kinh (ĐTK) Việt Nam
đã đạt được những thành tựu rất đáng phấn khởi:
a. ĐTK Việt Nam - Phần
Phật giáo Nam
truyền:
* Bốn bộ Nikàya (Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng bộ, Tăng chi bộ) đã được
Hòa thượng Minh Châu Việt dịch.
* Kinh Tiểu bộ (Gồm 15 mục) cũng đã được nữ Cư sĩ Trần Phương Lan Việt
dịch.
* Tạng Luận và Tạng Luật (?) cũng được chư vị bên Nam tông Việt
dịch.
Như vậy, cần có sự tập hợp thông qua để khẳng định ĐTK Việt Nam phần Phật giáo Nam truyền đã hoàn thành.
b. ĐTK Việt Nam - Phần
Phật giáo Bắc truyền: ĐTK Việt Nam - Phần Phật giáo Bắc truyền,
hiện tại là Việt dịch từ ĐTK chữ Hán (sau này có điều kiện sẽ tham khảo thêm
ĐTK chữ Tây Tạng). Ngoại trừ Bốn bộ A Hàm (Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A
Hàm, Tăng Nhất A Hàm) đã được Việt dịch do Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam ấn hành, hiện nay, theo chỗ chúng tôi được
biết thì có 3 (ĐTK) Việt Nam
đã và đang thực hiện.
* ĐTK Linh Sơn Pháp Bảo: Do Hòa
thượng Tịnh Hạnh (định cư ở Đài Loan) sáng lập và bảo trợ, hoạt động từ năm
1994, đã in được Tạng kinh gồm 70 tập: Việt dịch từ 17 tập nơi Tạng kinh của
Đại tạng kinh Đại chánh tân tu (ĐTK/ĐCTT): Tập 1 đến tập 17. Không dịch bộ Mật
giáo (Từ tập 18 " 21) chỉ đưa Kinh Thủ Lăng Nghiêm
(ĐTK/ĐCTT Tập 19, N0 945, 10
quyển) đã được ĐTK/ĐCTT sắp vào bộ Mật giáo lên bộ Kinh tập, biên tập theo bản
Việt dịch của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.
* ĐTK Việt Nam:
Do Thượng tọa Tuệ Sỹ chủ biên: Đã in phần Tạng Thanh văn.
* ĐTK Tuệ Quang: Do Cư sĩ Nguyên Hiển (Bác sĩ Trần Tiễn Huyến) sáng lập và bảo trợ, hoạt
động từ năm 2006, đến đầu năm 2012 thì dịch xong Tạng Luận: Việt dịch từ
8 tập nơi Tạng Luận (tập 25 " tập 32) của ĐTK/ĐCTT, đang chuẩn bị
in 2 tập 25, 26. Sau Tạng Luận thì đến Tạng Luật.
Như thế, trong vòng 2 - 3 năm nữa, ĐTK Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền
sẽ hoàn thành, tức ĐTK Việt Nam bước đầu đã hoàn thành, là một Phật sự lớn, góp
phần chính để khẳng định bản sắc của Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo
Việt Nam
đã và cần có những quan tâm hơn nữa đối với những hoạt động của các ĐTK kể trên(3).
Có ĐTK Việt Nam
thì các vấn đề như Nghi lễ, Nghi thức tụng niệm v.v… sẽ được điều chỉnh một
cách thuận hợp.
2. Bộ Thánh điển Phật giáo Việt Nam: Vì ĐTK Việt Nam, nhất là phần Phật giáo Bắc truyền là
quá nhiều, nên cần có bộ Thánh điển Phật giáo Việt Nam(4)
mang tính rút gọn và tiêu biểu đối với ĐTK Việt Nam, làm chỗ dựa cho mọi sự
nghiên cứu - trừ trường hợp nghiên cứu chuyên sâu thì tham khảo nơi ĐTK Việt
Nam - trích dẫn, giảng dạy, diễn giảng… Thư viện của các trường trung cấp
Phật học, cao đẳng Phật học… có thể không có ĐTK Việt Nam, nhưng đều
phải có bộ Thánh điển Phật giáo Việt Nam. Các tự viện lớn, các thiền
viện, tịnh xá lớn, kể cả các thư viện tư nhân cũng thế. Tất nhiên, chư vị thực
hiện công việc tuyển chọn cho nội dung bộ Thánh điển Phật giáo Việt Nam
sẽ có những trao đổi, những tham khảo hợp lý(5). Công việc ghi chú,
chú thích giữ vai trò quan trọng trong bộ Thánh điển Phật giáo Việt Nam.
* Ghi chú về các từ ngữ, thuật ngữ, nhân danh, địa danh… được Hán dịch
qua các đời.
* Ghi chú về các thuật ngữ Phật học nơi Ba tạng Kinh Luật Luận có ít
nhiều khác nhau giữa hệ cựu dịch và tân dịch.
* Ghi chú về các tài liệu tham khảo nơi Hán tạng hoặc các bản dịch sang
tiếng Anh, Pháp, Đức…
3. Bộ Tục tạng Phật học Việt Nam: Trước năm 1975, đã có vị
trong Hội đồng Phiên dịch Tam tạng (ĐTK Việt Nam) nêu câu hỏi: “Những bộ Luận
do chư Tổ Việt Nam sáng tác, có nên đưa những tác phẩm ấy vào Tam tạng Việt Nam
không?” và Hội đồng Phiên dịch Tam tạng - Do Hòa thượng Trí Tịnh làm Trưởng
ban, Hòa thượng Minh Châu làm Phó ban - Ngày ấy chư vị còn là Thượng tọa - đã
biểu quyết là phải đưa vào ĐTK Việt Nam nếu xét thấy tác phẩm có giá trị(6).
Biểu quyết như thế là hợp lý. Vì nếu tham khảo nơi ĐTK Đại chánh tân tu của
Trung Hoa, chúng ta nhận thấy toàn bộ các tác phẩm soạn thuật, biên khảo, sớ
giải của các Đại sư, các nhà Phật học Trung Hoa qua các đời, đều được đưa vào
ĐTK này nơi các bộ Sớ giải (Kinh Luật Luận), Chư tông, Sử truyện… Tuy nhiên,
theo chúng tôi, vì ĐTK Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền đã quá nhiều, chúng
ta nên tạo một bộ phận riêng có thể mang tên là Tục tạng Phật học Việt Nam,
tập hợp thâu nhận toàn bộ các tác phẩm biên soạn, khảo cứu, chú giải của chư vị
thiền sư, các nhà Phật học Việt Nam trong quá khứ - kể cả những bản Việt dịch
Kinh Luật Luận của chư vị nơi thời cận đại, nhưng đã không sử dụng để đưa vào
ĐTK Việt Nam. Tất nhiên các tác phẩm kia, nếu viết bằng Hán văn thì phải được
Việt dịch. Nếu là tác phẩm chữ Nôm thì phải được phiên âm, khảo đính. Nếu là
tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ thì cần được biên tập, đọc duyệt.
4. Bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam: Hiện chúng ta đã
có được 2 bộ sử Phật giáo Việt Nam, biên soạn công phu, có nhiều giá trị. Đó là
tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận 1, 2, 3 của Nguyễn Lang, Lịch sử
Phật giáo Việt Nam 1, 2, 3 của Lê Mạnh Thát. Bộ sử của Nguyễn Lang, ngay
sau khi tập 1 được xuất bản vào năm 1974, đã tạo được tiếng vang rộng lớn và
tốt. Các tập 2, 3 xuất bản tiếp theo cũng thế. Năm 1992, toàn bộ tác phẩm đã
được Nhà xuất bản Văn Học tái bản, và sau đấy thì tái bản nhiều lần. Bộ sử của
Lê Mạnh Thát mới xuất bản đến tập thứ 3, còn ít nhất là hai tập nữa. Đây là bộ
sử Phật giáo Việt Nam được biên soạn theo phương pháp mới: Phân chia thời kỳ
lịch sử theo nhân vật chứ không theo triều đại như các bộ sử khác. Nhất là tài
liệu tham khảo rất dồi dào, với những phát hiện, công bố, kết luận mới. Ví như
năm mất của Quốc sư Vạn Hạnh. Tác giả của tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh.
Tác giả của bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà không phải là của Lý Thường Kiệt
như trước nay đã công nhận… Chư vị nghiên cứu về lịch sử, các vị giảng dạy môn
Lịch sử Phật giáo Việt Nam tại các trường cao đẳng Phật học, Học viện Phật giáo
Việt Nam - kể cả chư vị giáo sư sử học, văn học nơi các Trường Đại học Quốc
gia, cần nên tham khảo để có những kiến thức cập nhật cần thiết về Lịch sử Phật
giáo Việt Nam. Nói chung, Sử học là bộ phận mà Phật giáo Việt Nam hiện đại đạt
được những thành tựu nổi bật nhất.
5. Bộ Văn học Phật giáo Việt Nam: Đây cũng là bộ sách mà Phật giáo Việt Nam hiện đại
cần có. Lý do thì đã quá rõ:
* Thứ nhất: Chư vị Thiền sư Pháp Thuận (915 - 990), Khuông Việt (933 - 1011)… được
xem là những nhà thơ mở đầu cho nền Văn học cổ điển Việt Nam. [Đó là chưa kể
những công bố của học giả Lê Mạnh Thát về các tác phẩm của Mâu Tử (160 hoặc 164
- 230), Khương Tăng Hội (200 - 280)…].
* Thứ hai: Ni sư Diệu Nhân (1041 - 1113) và Nguyên phi Ỷ Lan (? - 1117) là hai
gương mặt thơ nữ đầu tiên của Lịch sử Văn học Việt Nam.
* Thứ ba: Văn học Phật giáo Việt Nam đã giữ vai trò chủ đạo trong suốt năm thế kỷ
đầu (từ đầu thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 15, với danh xưng quen thuộc là Thơ Văn Lý
Trần) của Lịch sử Văn học Việt Nam.
* Thứ tư: Từ thế kỷ 15 trở đi, cho đến thế kỷ 19, 20, các tác phẩm truyện, thơ, thi
kệ - kể cả những bài kệ Thị tịch, Kệ truyền pháp của chư vị thiền sư… đều có
nhiều giá trị văn chương, triết lý, mà số lượng chư vị danh tăng cũng nhiều,
như học giả Lê Mạnh Thát đã công bố - tất cả đều phải được tập hợp, giới thiệu.
* Thứ năm: Phật giáo đã có ảnh hưởng rất lớn rất đậm đối với văn học Việt
Nam, nhất là nơi văn học Hán, Nôm. Hầu hết các gương mặt thơ tiêu biểu của văn
học cổ điển... đều chịu ảnh hưởng đậm từ Phật giáo.
Ngoài ra, sách Văn học Phật giáo Việt Nam sẽ giới thiệu, phân tích
đầy đủ hơn về một số tác giả, tác phẩm mà ở phần lịch sử Phật giáo chỉ nhắc sơ
qua hoặc không nói đến. Lấy thí dụ như tác phẩm Phật giáo lược khảo của
học giả Phạm Quỳnh (1892 -
1945) được viết vào năm 1920. Sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3 của
Nguyễn Lang đã có hai lần nhắc đến Phạm Quỳnh mà không hề nói tới tác phẩm Phật
giáo lược khảo. Nhưng nơi sách Văn học Phật giáo Việt Nam, khi viết về
Văn học Phật giáo thời kỳ 1885 - 1928 thì không thể không nói đến sách Phật
giáo lược khảo. Đó là tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của văn học
Việt Nam khảo cứu về Phật giáo tương đối đầy đủ và nghiêm túc, do một tri thức
Việt Nam thực hiện. Không chỉ giới thiệu tác phẩm, sách Văn học Phật giáo
Việt Nam còn phải dành một số trang để biện chính, bác bỏ một số luận điểm
hoàn toàn sai lạc của Phạm Quỳnh đối với Phật giáo, kể cả những cách đọc sai,
giải thích sai của sách (như Tứ diệu đế thì đọc là Tứ diệu đề: Khổ đề, Tập đề,
Diệt đề, Đạo đề. Bồ đề tát đỏa đọc là Bồ đề tát thùy. Ngũ ấm thì cho là Ngũ
trọc…).(7)
6. Bộ Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam: Đây là một công
trình đòi hỏi rất nhiều trí tuệ và công sức cũng như cần có những đóng góp từ
nhiều lĩnh vực. Trước năm 1975, học giả Lê Mạnh Thát đã bắt đầu thực hiện công
việc biên soạn Từ điển Bách khoa Phật học, nhưng rồi không tiếp tục.
Hiện tại thì có Thượng tọa Nhật Từ - Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam tại
thành phố Hồ Chí Minh, đang chủ biên để thực hiện công trình đồ sộ này. Phần
“Dự thảo phân loại các mục từ nơi Từ điển Bách khoa Phật giáo” cũng như “Quy
cách biên soạn”(8) đã cho thấy những nỗ lực của người chủ biên trong
công việc gồm thâu, mô tả vừa chi tiết vừa gọn đủ và nội dung của bộ sách. Cái
khó là tập hợp cùng sử dụng các thành phần cộng sự. Chúng ta đi sau, có thể
tham khảo những công trình của người đi trước vốn có ít nhiều liên hệ. Ví như
tham khảo phương thức làm việc của Đại Từ điển Phật Quang. Tham khảo Từ
điển Phật học của Lữ Trừng và Ấn Thuận, được trình bày theo cụm chủ đề. Còn
đây là ý kiến của Hòa thượng Trí Quang: “Nói về việc làm từ điển thì kinh
nghiệm cho thấy đừng làm theo Phật học Đại Từ điển, Phật Quang Đại từ điển.
Phật học Từ điển của Vọng Nguyệt cũng phải thu xếp lại xem chỗ nào cần
làm như vậy. Nói thí dụ chữ Kiếp có Đại kiếp, Trung kiếp, Tiểu kiếp, bốn từ tất
cả. Nếu giải thích tất cả vào trong từ Kiếp thì tra mau và dễ hiểu hơn. Vấn đề
ở chỗ làm Mục cho kỹ một chút…”(9). Nói tóm tắt, bộ Từ điển Bách
khoa Phật giáo Việt Nam là một trong những đỉnh cao góp phần xác nhận sự
lớn mạnh về nội lực của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Trong chiều hướng sánh vai
với Phật giáo năm châu bốn biển, Phật giáo Việt Nam không thể không có bộ từ
điển ấy. Đây là thời điểm mà Phật giáo Việt Nam hầu như đã hội đủ nhân duyên
cần có để thực hiện. Xin hết sức tùy hỷ và cầu mong công trình lớn ấy sớm thành
tựu.
7. Bộ Giáo khoa Phật học Việt Nam: Bộ phận này đã
được ổn định từ lâu. Trước 1975, chúng ta có bộ Phật học phổ thông của
Hòa thượng Thiện Hoa (1918 - 1973). Sau ngày Phật giáo hợp nhất, chúng ta có bộ
Phật học khái luận của Hòa thượng Chơn Thiện. Gần đây lại có bộ Phật học
cơ bản của Ban Hoằng pháp Trung ương (do Hòa thượng Trí Quảng chủ biên).
Trong tương lai, chúng ta có thể có thêm những bộ giáo khoa Phật học nữa, hoặc
chuyên sâu hơn, hoặc mở rộng hơn, hoặc thể hiện rõ tính chất giáo khoa hơn.
8. Bộ Danh Tăng Phật giáo Việt Nam: Phần này cũng có được những thành quả, vì đấy là hệ
luận của lịch sử. Hiện nay, vị chủ biên bộ Danh Tăng Phật giáo Việt Nam thế
kỷ 20 là Thượng tọa Đồng Bổn (Trưởng ban Phật giáo Việt Nam thuộc Viện
Nghiên cứu Phật học Việt Nam) đang chuẩn bị xuất bản tập 3. Sau chư Tăng là chư
Ni cùng các cư sĩ, học giả tiền bối hữu công.
Điểm qua tám danh mục thuộc nội lực của Phật giáo Việt Nam như trên, theo
chúng tôi, thật là lý thú khi từ đấy đã hiện rõ câu trả lời vừa đầy đủ vừa dứt
khoát đối với câu hỏi đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa có lời giải đáp thỏa
đáng(10): Thế nào là bản sắc của Phật giáo Việt Nam? Phật giáo Việt
Nam có những khác biệt gì so với Phật giáo Trung Hoa? (Hay chỉ là một bản sao
lôm côm của Phật giáo Trung Hoa, như có nhà nghiên cứu đã nhận định?). Lời giải
đáp đã hiện rõ: Bản sắc của Phật giáo Việt Nam là những đặc điểm nơi một nền
Phật giáo của một dân tộc mang tên là Việt Nam, gồm có:
* Một bộ ĐTK gồm đủ Ba tạng Kinh Luật Luận được biên dịch bằng tiếng Việt
Nam.
* Một bộ Thánh Điển Phật giáo được biên soạn bằng tiếng Việt Nam.
* Một bộ Tục Tạng Phật học Việt Nam tập hợp toàn bộ các tác phẩm
biên dịch, soạn thuật, trứ tác của các nhà Phật học Việt Nam qua các đời.
* Một, hai bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam có giá trị.
* Một bộ Văn học Phật giáo Việt Nam mang đủ tính chất toàn thư.
* Một bộ Từ điển Bách khoa Phật học Việt Nam.
* Nhiều bộ Giáo khoa Phật học Việt Nam.
* Một bộ Danh tăng Phật giáo Việt Nam.
Đây là những điểm khác biệt của Phật giáo Việt Nam, không chỉ đối với
Phật giáo Trung Hoa mà là đối với Phật giáo của khắp các nước trên thế giới.
Như vậy, bàn về nội lực của Phật giáo Việt Nam cũng là gián tiếp bàn về bản sắc
của Phật giáo Việt Nam
Tám danh mục thuộc về nội lực như đã nêu, có thứ Phật giáo Việt Nam hiện
tại chưa có, nhưng rồi sẽ có, sẽ có đầy đủ. Tất nhiên là Giáo hội Phật giáo
Việt Nam hoàn toàn có đủ tầm nhìn để thấy rõ mình có thể làm gì để giữ vững
những thứ nội lực đã có cũng như tạo điều kiện cho những thứ nội lực chưa có,
sẽ được hình thành. Vì đó mãi mãi là nền tảng để cho không chỉ Giáo hội Phật
giáo Việt Nam trong thế kỷ 21 chuyển mình, khế cơ, mà là Giáo hội Phật giáo
Việt Nam trong các thế kỷ sau cũng vậy.
-----------------------------
(1) Mọi sự phân loại đều chỉ có giá trị tương đối.
Sự phân chia của chúng tôi về tu tập, tu học ở đây cũng thế.
(2) Chúng tôi tính từ năm 1973, năm Viện Tăng thống
của GHPGVN thống nhất quyết định thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng: Hòa
thượng Trí Tịnh làm Trưởng ban, Hòa thượng Minh Châu làm Phó ban (ngày ấy hai
vị còn là Thượng tọa). Xem: Biên bản hội nghị toàn thể Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng. 1973 - 2517. Bản in ronéo - Lưu hành nội
bộ. Năm 1990, Ban Thường trực HĐTS Trung ương GHPGVN quyết định thành lập Hội
đồng chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành ĐTK Việt Nam: Hòa thượng Minh Châu làm chủ
tịch. Xem: Lễ tiếp nhận và phát hành hai tập kinh đầu tiên của ĐTK Việt Nam. Bản in của
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Phật lịch 2535 - 1991.
(3) Như Hòa thượng Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa
Trung ương GHPGVN đã liên hệ với ĐTK Tuệ Quang để in Tạng Luận của ĐTK Tuệ
Quang.
(4) Có vị đã dùng tên là Thánh kinh Phật giáo Việt Nam. Theo chúng
tôi thì nên dùng danh hiệu: Bộ Thánh điển Phật giáo Việt Nam. Bộ Thánh
điển này hầu như chỉ đặt ra đối với ĐTK Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền.
(5) Thí dụ nơi Tạng Kinh, Bộ Bát Nhã: Chỉ chọn Kinh
Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa: N0
220, 600 quyển, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng. Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật:
N0 223, 27 quyển, Hán dịch là
Pháp sư Cưu Ma La Thập. Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật: N0 227, 10 quyển, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập. Kinh
Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật: N0
235, 1 quyển, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập. Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật
Đa: N0 251, 1 quyển, Hán dịch là
Pháp sư Huyền Tráng…
(6) Xem: Biên bản Hội nghị toàn thể Hội đồng Phiên
dịch Tam Tạng. TL đã dẫn, tr.6.
(7) Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Bước đầu đề
xuất một chương trình giảng dạy văn học Phật giáo Việt Nam. Nguyệt san
Giác Ngộ số 143 " 148. Tháng 2, tháng 7-2008.
(8) Xem: Dự thảo phân loại các mục từ nơi Từ điển
Bách khoa Phật giáo. Thích Nhật Từ soạn.
(9) Xem: Trí Quang tự truyện. Nhà xuất bản Tổng Hợp
TP. HCM 2011. Trang 47 - 48.
(10) Ví như có người giải đáp: Bản sắc của Phật giáo Việt Nam là luôn gắn
bó đồng hành với dân tộc... Vẫn còn là giải đáp chung chung, vì Phật giáo Trung
Hoa, Nhật Bản... cũng luôn gắn bó, đồng hành với dân tộc của họ. Tất nhiên
những sự gắn bó, đồng hành đặc thù của Phật giáo Việt Nam với dân tộc Việt Nam
đã được các bộ phận Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Văn học Phật giáo Việt Nam nêu
bày đầy đủ