Tôi đọc tin có tựa
“Nhà chùa “nô nức” sang nhà thờ Chúc… Noel” đăng trên trang mạng bee.net.vn mà lòng nặng trĩu. Ở đó, tên bài viết được giữ nguyên như thế, với dấu ngoặc kép trên từ “
nô nức” và dấu ba chấm trước chữ “
Noel”!
Đây cũng là lúc tôi đọc tác phẩm “Mẫu thượng ngàn” của
Nguyễn Xuân Khánh, đến đoạn tiểu chùa làng Đình bỏ chùa, kết hôn với một
cô gái nghèo khổ, rồi dắt díu nhau đến nhà thờ xóm Đình Đạo, xin cải
đạo:
“Cha Colombert mỉm cười, nghĩ rằng một người theo đạo Phật nay
cải giáo theo đạo Thiên Chúa là một điều rất tốt lành. Cha liền cho chú
tiểu đất đai và làm nhà cho ở”.
Tuy nhiên, cha đạo vẫn “không hài lòng”, cho rằng “lông bông”, “thiếu trung thực”, “không xứng”. Nói gọn lại là cha đạo khinh chủ tiểu cải đạo ấy, dù vẫn giúp đỡ vật chất.
Suy cho cùng, không mời mà đến, rồi xin thì người ta khinh cũng phải (1).
Trở lại câu chuyện “Nhà chùa “nô nức” sang nhà thờ chúc … Noel”,
thì nếu người đứng đầu nhà thờ (linh mục chánh xứ, một chức vụ tương
nhiệm với trụ trì chùa phía Phật giáo chúng ta) có lời mời, trên tinh
thần đoàn kết tôn giáo, thì vị trụ trì của nhà chùa cũng trên tinh thần
đoàn kết tôn giáo, tự mình hoặc dẫn đầu một đoàn nhỏ, đến thăm viếng và
chúc mừng Noel, thì thế mới bảo đảm sự tự trọng và đoàn kết.
Bởi lẽ, đoàn kết luôn phải được xây dựng trên tinh thần tương hợp,
tương kính tôn trọng giữa hai bên. Ví dụ, nếu linh mục mời mà chỉ có
Phật tử sang nhà thờ dự lễ Noel và chúc mừng, thì không phải lẽ, và
thiếu đoàn kết, thiếu lịch sự.
Chúng ta thường đọc các tin các vị lãnh đạo cao cấp Phật giáo đến
nhà thờ chúc mừng Noel, với sự đón tiếp của chức sắc cao cấp nhất của
phía đạo Thiên chúa, và ngược lại, phía đạo Thiên chúa cũng làm như thế
đối với việc chúc mừng Phật Đản. Như thế thì mới giữ được lịch sự, tương
hợp, tương kính, những điều tối thiểu của sự đoàn kết tôn giáo.
Còn nếu ngược lại, có sự khập khiểng, chênh lệch chức vụ, hay không
mời mà đến, thì kết quả sẽ không tốt. Nếu điều đó được đưa lên phương
tiện truyền thông, làm bạn đọc bất bình, phản ứng, thì việc phản tác
dụng, gây mất đoàn kết còn gia tăng bội phần.
Không thấy có nói đến có một lời mời (chưa nói việc thăm đáp lễ trở
lại với những cư xử tương ứng ở cấp tương nhiệm), hình ảnh người nhận
quà tặng Noel từ người trụ trì trao dường như là một tín đồ (ghi chú ảnh
là người đại diện nhà thờ), và việc nhận quà tặng, một việc trang
trọng, ấy thế mà lại tiến hành ngoài sân (!), không phải trong nội thất
của phòng khách hay trong nhà thờ, cho thấy một điều không tương hợp, mà
lẽ ra không nên, có, nếu phía vị trụ trì chùa có sự tự trọng cần thiết.
Bản tin giới thiệu rõ đoàn phía nhà chùa có nhiều sư thầy, người có chức vụ cao nhất là trụ trì chùa.
Với chức vụ như vậy, người sang nhà thờ “chúc… Noel” đã là một chức
sắc của phía Phật giáo (trụ trì là một chức vụ được bổ nhiệm bằng văn
bản hành chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam).
Vì vậy, cuộc viếng thăm không còn mang màu sắc cá nhân. Khác với
việc riêng một vị tu sĩ Phật giáo nào đó ngẫu hứng tỏ tình đoàn kết tôn
giáo tự mình vào nhà thờ mừng Noel dù không có lời mời. Nếu thăm riêng,
đó có thể là một việc bình thường và không trở thành một tin.
Bản tin đã trở thành một tin gây được chú ý, vì người làm việc đó là vị trụ trì,
trong điều kiện không được ghi nhận là có lời mời, và… “nô nức” như nội
dung bản tin. Vấn đề trở nên “hot”, lạ lùng và đầy tính chất biếm nhẽ.
Nó mang màu sắc mỉa mai tỷ lệ thuận theo chức vụ phía đến thăm không
được mời.
Việc vị trụ trì chùa đến nhà thờ chúc mừng không có lời mời và
không có sự trọng thị cần thiết làm tôi cảm thấy buồn như đọc đoạn chú
Tiểu Đơm chùa Đình đến gặp cố đạo Tây xin cải đạo để được giúp đỡ. Nếu
chú tiểu Đơm đói khổ vì bỏ chùa cưới vợ, rồi được cha cố nhân từ chủ động đến giúp đỡ, thì còn xem ra không đến nỗi! Còn đàng này, tự mình tới nhà thờ…
Trong bối cảnh hiện nay câu chuyện bịa đặt về một vị nữ “chân tu”
“trở lại đạo” vẫn còn được một số trang mạng Thiên Chúa giáo người Việt ở
nước ngoài đăng tải như một “phép mầu” để phục vụ cho việc cải đạo tín
đồ Phật giáo, thì đối với những việc làm có thể gây ngộ nhận, bị lợi
dụng cần hết sức thận trọng.
Nay có chuyện vị trụ trì chùa dẫn đầu đoàn tu sĩ và tín đồ Phật
giáo “nô nức” đến nhà thờ chúc mừng… Noel, không thấy nói đến lời mời.
Có việc tặng quà, nhưng ở ngoài sân, với người đại diện không có chức vụ
đã được báo chí khai thác với dấu ngoặc kép, dấu ba chấm, thì với sự
việc đã rồi đó, chúng ta cần coi đây là một bài học cay đắng.
Chỉ mong đến Phật Đản, linh mục hoặc chức sắc cao cấp của giáo họ
mà đoàn chùa Phật giáo đã đến chúc mừng Noel và tặng quà lịch sự để có
chuyến thăm đáp lễ. Khi đó, người trụ trì chùa, với tinh thần đoàn kết
tôn giáo, sẽ tiếp và nhận quà tặng trong phòng khách hay trên chánh điện
hay giảng đường chùa chứ không phải ngoài sân. Có vậy thì mới phải lẽ,
có đoàn kết tôn giáo thực sự, có sự tương kính, tương ái.
Xem Nguyễn Xuân Khánh: Mẫu thượng ngàn, phần VIII, chương 2.