Hoạt động của Phật giáo Hàn Quốc này có ý nghĩa gì? Dưới đây chúng ta cùng nhau bàn luận.
Trước hết, đây là một hoạt động rất đặc biệt, vì đoàn Phật giáo Hàn Quốc là đoàn từ Hàn Quốc đầu tiên đến Bình Nhưỡng, kể từ khi căng thẳng giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc lên đến đỉnh điểm với những sự kiện nóng, như Hàn Quốc cáo buộc CHDCND Triều Tiên đánh chìm một chiến hạm của nước này, và sau đó cuộc pháo kích qua lại giữa 2 bên ở vùng biển biên giới, trong đó phía Hàn Quốc nói có vài người chết.
Đến mới đây, căng thẳng trở nên dịu lại đôi chút, vì nguyện vọng của đa số người dân trên bán đảo Triều Tiên là hòa bình, thống nhất đất nước.
Quá trình gia tăng căng thẳng và dịu bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đều có sự tham dự ít nhiều của các tôn giáo lớn, mà chuyến đi thăm mới đây của đoàn Phật giáo Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng là một ví dụ.
Nhưng nói sự tham gia của tôn giáo tức là có nhiều tôn giáo, và tiến trình ở đây là cả 2 mặt: căng thẳng và hòa dịu.
Chúng ta đều biết hai miền Triều Tiên đã đi đến hòa dịu cực điểm với một cuộc gặp thượng đỉnh 2 miền tại Bình Nhưỡng. Nhiều hoạt giao lưu văn hóa đã được tổ chức, trong đó có việc Phật giáo 2 miền cử hành khóa lễ chung theo nghi thức cổ truyền.
Trong khi ở CHDCND Triều Tiên không có sự thay đổi nhân sự, thì ở Hàn Quốc có một vị Tổng thống mới theo đạo Tin Lành, và từ đó tình hình hòa dịu chuyển sang căng thẳng.
Chúng ta đều biết, chủ trương của Tin Lành Hàn Quốc là chống cộng cực điểm, với khẩu hiệu quen thuộc: “Ai không theo Chúa là theo cộng sản”.
Chống cộng thì tất nhiên không thể có hòa dịu, hòa giải, hòa hợp dân tộc trên bán đảo Triều Tiên. Đạo Tin Lành phát triển mạnh ở miền Nam Triều Tiên, với chủ trương chống cộng, đã đào sâu hố ngăn cách hai miền.
Việc thái độ của CHDCND Triều Tiên từ hòa dịu sang đối đầu là hệ quả tất yếu, đáp trả quan điểm chống cộng của Tổng thống Tin Lành ở miền Nam.
Những người Tin Lành, không phải chỉ là người Hàn Quốc, đã ra tay tạo nên sự căng thẳng bằng nhiều chiến dịch. Họ báo buộc miền Bắc đàn áp đạo Tin Lành, tung mục sư vượt biên xâm nhập miền Bắc, đưa Kinh Thánh, sách, dĩa thuyết giảng vào CHDCND Triều Tiên bằng khinh khí cầu, và qua ngả Trung Quốc, dựng cây thông Noel cao ở biên giới…
Lạ nhất là việc tung mục sư vào CHDCND Triều Tiên để “loan báo tin mừng”, truyền bá đạo Tin Lành. Dù vượt biên trót lọt, một người lạ có mặt trong một đất nước khép kín như CHDCND Triều Tiên sẽ bị phát hiện ngay, nói chi đến việc tổ chức truyền đạo.
Người truyền đạo bị bắt. Và thế là chiến dịch truyền thông chống cộng, chống CHDCND Triều Tiên được thiết kế, chuẩn bị sẵn được khởi động.
Các đài VOA, RFA… đồng loạt đưa tin Bắc Triều Tiên bắt nhà truyền giáo.
Nếu Tin Lành Hàn Quốc kích động chống cộng để chia rẽ dân tộc Triều Tiên, thì trái lại Phật giáo Hàn Quốc lại hướng về hoạt động hòa giải, hòa hợp dân tộc.
Còn nhân dân hai nước Triều Tiên muốn hướng đến hòa dịu, hòa hợp, hòa giải dân tộc, giảm căng thẳng, thì cách đầu tiên, cũng phải dựa vào Phật giáo.
Bởi lẽ rất đơn giản và hiển nhiên, Phật giáo là di sản tinh thần, là truyền thống chung của cả hai miền. Hơn nữa, bản chất Phật giáo là ôn hòa, từ bi.
Hai nước trên bán đảo Triều Tiên muốn giảm căng thẳng, xích lại gần nhau, nói chuyện hòa bình, thì phải tìm lấy những điểm chung. Bên cạnh thể thao (đoàn thể thao 2 nước ở Đại hội Olympic đã từng diễn hành chung dưới lá cờ mang hình toàn bán đảo Triều Tiên) thì Phật giáo là yếu tố có vai trò quan trọng, vì Phật giáo chính là một phần của văn hóa truyền thống Triều Tiên cho cả hai miền.
Vì vậy, tin phái đoàn Phật giáo Hàn Quốc là đoàn từ Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng đầu tiên là điều tất yếu.
Điều có thể xảy ra là Tin Lành Hàn Quốc có thể có phản ứng tiếp theo theo tinh thần “không theo Chúa là theo cộng sản”!
Cũng vừa mới đây, một tổ chức Hàn Quốc, dạng những tổ chức thả Kinh Thánh, đĩa DVD, VCD truyền giảng bằng khinh khí cầu, đã dự định tổ chức một kênh truyền hình vệ tinh phát xuống lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Họ cho rằng, tổ chức “truyền đạo” ở CHDCND Triều Tiên bằng đĩa và sách qua ngõ Trung Quốc, thả khinh khí cầu, phát thanh radio chưa đủ.
Người ta cũng hiểu, là làm sao người dân miền Bắc có thể mua và đặt những dĩa thu vệ tinh trên nóc nhà để có thể xem những chương trình như vậy? (Đài VOA, tối 7/8/2011).
Nhưng những người chủ trương việc này vẫn làm, để kích thích tinh thần chống cộng, chống miền Bắc từ một bộ phận những người theo đạo Tin Lành, qua việc quyên góp, như họ đã từng làm để có kinh phí dựng cây thông Noel biên giới, thả khinh khí cầu rao giảng tin mừng.
Qua đấy, chúng ta có thể thấy các tôn giáo ở Triều Tiên góp phần vào tiến trình làm căng thẳng và hòa dịu ở bán đảo Triều Tiên như thế nào.
Tất nhiên, từ đó, có thể thấy rằng, chỉ Phật giáo Hàn Quốc và Phật giáo CHDCND Triều Tiên, với cương vị là tôn giáo truyền thống của đất nước Cao Ly, sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thống nhất đất nước duy nhất trên thế giới còn lâm vào tình trạng chia cắt và bất ổn này.
Minh Thạnh