Đi
tìm câu hỏi vì sao ở Việt Nam, Phật giáo đã thực sự có được chỗ đứng
vững chắc trong cuộc sống và tâm linh của đông đảo người dân, đồng hành
cùng sự phát triển của dân tộc. Nhân Đại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành
lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi đối
thoại thú vị với ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo
Chính phủ).
Luôn đi đầu thực hiện đại đoàn kết dân tộc
Thưa
ông, ông có thể lý giải cơ duyên gì đã đưa Phật giáo đến với vị thế như
ngày hôm nay ở đất nước Việt Nam và trong lòng người dân Việt?
-
Nước ta hiện có 12 tôn giáo với trên 22 triệu tín đồ, gần 70 ngàn chức
sắc, gần 22 ngàn cơ sở thờ tự. Trong đó, Phật giáo có trên 10 triệu tín
đồ, hơn 45 nghìn chức sắc , gần 17 nghìn cơ sở thờ tự, con số đó đủ nói
lên Phật giáo là tôn giáo có số lượng lớn so với các tôn giáo khác.
Trước
khi Phật giáo du nhập tới nước ta, đã có một số tôn giáo từ nước ngoài
truyền sang như Khổng giáo, Lão giáo từ Trung Quốc, trong nước đã có một
số hình thức tín ngưỡng bản địa như thờ Mẫu, thờ Thánh, thờ thần nước,
thờ thần rừng,…, sau khi Phật giáo du nhập vào nước ta theo thời gian
còn có một số tôn giáo khác từ nước ngoài tiếp tục được truyền tới và
trong nước có một số tôn giáo nội sinh.
Với
triết lý nhân văn, được thể hiện qua tư tưởng từ bi, vô ngã và vị tha
rất phù hợp với tình cảm, lối sống, suy nghĩ thương người như thể thương
thân, lá lành đùm lá rách, trách nhiệm của mỗi con người trước cộng
đồng.. của người Việt nên Phật giáo đã được đông đảo người Việt đón nhận
và được thực hiện trong đời sống xã hội ngày một sâu rộng.
Trải
qua nhiều biến cố lịch sử, trong suốt thời gian khá dài Phật giáo luôn
tỏ rõ là một tôn giáo gần gũi, có nhiều đóng góp tạo nên lịch sử hào
hùng của dân tộc và góp phần không nhỏ xây dựng bản sắc văn hóa Việt
Nam. Phật giáo đã được nhiều các nhà lãnh đạo đất nước trong các giai
đoạn lịch sử khác nhau đánh giá là tôn giáo yêu nước, gắn bó đồng hành
cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử gần 2000 năm có mặt tại Việt
Nam
Phật
giáo còn thể hiện qua việc góp phần vào việc xây dựng khối đại đoàn kết
dân tộc. Bằng chứng là các vị minh quân từ xưa tới nay đã biết khai
thác tư tưởng, triết lý lục hòa của Phật giáo để qua đó xây dựng khối
đại đoàn kết, quy tụ lòng dân. Tư tưởng đạo Phật là tư tưởng từ bi,
khoan dung, vô ngã không nghĩ tới cá nhân mà chỉ nghĩ đến những điều lớn
lao cho mọi người, đó là xây dựng một xã hội an lạc, xây dựng một quốc
gia hòa bình vì hạnh phúc chung của mọi người.
Chính
điều đó đã giúp cho mọi người nhận thức được chân giá trị của mình
trong đời sống xã hội, triệt tiêu mâu thuẫn giữa phe này nhóm khác và
cùng nhau đoàn kết để xây dựng xã hội phát triển qua việc bảo vệ cuộc
sống bình yên, chống giặc ngoại xâm, chấn hưng đất nước.
Xưa
đã thế thì nay cũng thế, Phật giáo luôn là tôn giáo đi đầu gương mẫu
trong thực hiện đoàn kết các tôn giáo để góp phần thực hiện đại đoàn kết
toàn dân tộc. Phật giáo là tôn giáo luôn đi đầu trong xây dựng xã hội,
hưởng ứng và thực hiện tích cực các chương trình xóa đói giảm nghèo,
giúp đỡ người khó khăn, giúp nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hàng
năm, Phật giáo huy động hàng trăm tỷ đồng để giúp cho đồng bào bị thiên
tai dịch bệnh những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Riêng năm 2010, Phật
giáo đã huy động gần 700 tỷ đồng để giúp đỡ đồng bào khó khăn bị thiên
tai, dịch bệnh, ốm đau...
Những
hoạt động, đóng góp của Phật giáo luôn là tấm gương để các tôn giáo
khác noi theo, cũng đã có những hoạt động từ thiện hiệu quả góp phần
cùng nhau xây dựng xã hội mới tốt đẹp. Đó cũng chính là một trong những
biểu hiện để khẳng định vai trò và giá trị đạo đức của tôn giáo.
Duy trì cân bằng đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế
Có
nhận định rằng, là một tôn giáo nhưng Phật giáo đã có rất nhiều đóng
góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Nhìn từ góc độ
quản lý nhà nước về tôn giáo, ông nghĩ sao về nhận định này?
-
Xin khẳng định ngay rằng, Phật giáo đã có sự đóng góp rất to lớn, không
thể phủ nhận trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Trước
hết xin nói về đường hướng hành đạo, là một tổ chức tôn giáo nhưng Phật
giáo luôn đảm bảo giữ vững quan điểm của một tổ chức tôn giáo yêu nước
và đồng hành cùng dân tộc. Tại sao lại nói vậy? Vì nếu ngược dòng lịch
sử thì có thể nói 2000 năm qua với truyền thống yêu nước lúc nào Phật
giáo cũng gắn bó với đất nước, dân tộc, thể hiện lòng yêu nước, sự mong
muốn độc lập dân tộc, tự cường.
Còn
trong giai đoạn lịch sử hiện tại thì Phật giáo là tôn giáo luôn ủng hộ
chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong con đường xây dựng
XHCN ở Việt Nam, qua đường hướng “Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã
hội” mà Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định từ khi
thành lập năm 1981.
Đường
hướng này khẳng định phương châm hành đạo nhưng đồng thời cũng thể hiện
triết lý yêu hòa bình, hướng tới sự an lạc, đó là triết lý, là tư tưởng
Phật giáo và đó cũng là mục đích của chủ nghĩa xã hội. Bản lĩnh này
của Phật giáo đã có tác động rất lớn đến các tôn giáo khác, để các tôn
giáo khác cũng phải có sự so sánh và điều chỉnh lại hành động của mình
vì đất nước, vì dân tộc.
Về
mặt kinh tế, tuy Phật giáo ít trực tiếp tạo ra sản phẩm kinh tế nhưng
lại góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Nói như vậy
vì cần phải nhìn ở góc độ Phật giáo tích cực bảo tồn những giá trị vật
chất mà tự nhiên đã có và con người đã làm ra.
Ví
dụ, theo lời dạy của Phật giáo thì nếu muốn chặt cây, bắt cá cũng không
được tận thu mà phải chừa cây con, cá bé lại để chúng tiếp tục có cơ
hội sinh tồn, phát triển để là nguồn cung cấp cho người sau. Phật giáo
cũng khuyến khích lao động thông qua đề cao việc mọi người phải tự
giác lao động, mưu sinh qua một triết lý “Nhất nhật bất tác, nhất nhật
bất thực” có nghĩa là một ngày không làm là một ngày không ăn.
Người
theo đạo Phật có thể không trực tiếp làm ra của cải nhưng thay vào đó
là việc tu nhân tích đức để làm gương cho người khác học theo, làm theo
nhằm duy trì một xã hội tích cực, ổn định thông qua việc “ làm điều
lành, không làm điều xấu”. Sự đóng góp quan trọng nhất của Phật giáo
trong lĩnh vực kinh tế chính là sự nỗ lực giao dục con người duy trì sự
cân bằng trong phát triển đời sống, tự nhiên và xã hội
Về
mặt văn hóa, nhà bác học nổi tiếng Anhxtanh đã từng nói đại ý rằng:
Nhân loại này muốn có một tôn giáo cho tương lai, gắn liền tôn giáo với
khoa học, phù hợp với đời sống hiện đại thì tôn giáo đó không gì khác
ngoài Phật giáo. Qua đó thấy rằng, những người theo đạo Phật không đơn
thuần chỉ là học triết lý nhà Phật mà đã đạt tới kiến thức khoa học căn
bản rất thiết thực.
Từ
đấy có thể nói truyền bá tư tưởng Phật giáo là truyền bá tư tưởng khoa
học vào đời sống con người. Mặt khác, Phật giáo có nhiều đóng góp ở giá
trị đạo đức vì theo ngĩa của Phật giáo: Tu học chính là sửa mình, sửa
bỏ những thói quen xấu để luôn làm việc tốt nhằm có lợi cho mình và cho
xã hội.
Ở Việt Nam, Phật giáo luôn có cơ duyên để phát triển
Hiện
nay, ở Việt Nam có rất nhiều tôn giáo và có thể nói các tôn giáo đều có
cơ hội, vận mệnh phát triển như nhau trong hành lang chính sách, chủ
trương của Đảng và Nhà nước. Từ đây, ông có thể cho biết xu hướng vận
động của Phật giáo trong thời gian tới sẽ ra sao?
-
Đảng và Nhà nước ta ngay từ khi lập nước đã có chủ trương rất rõ ràng
với tôn giáo, Sắc lệnh về tôn giáo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày
3/9/1945 là một minh chứng. Tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng của
nhân dân được Sắc lệnh khẳng định, tiếp đến điều đó đã được cụ thể hóa
trong Hiến pháp và nhiều các văn bản pháp luật khác về sau và gần đây
nhất là Pháp lệnh về Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định 22 hướng dẫn thực
hiện Pháp lệnh.
Tất
cả chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan
tới tôn giáo đều nhằm đạt mục đích là: Làm sao để thực hiện tự do tín
ngưỡng tôn giáo đối với tất cả mọi người theo hoặc không theo tôn giáo;
đảm bảo tự do tín ngưỡng tôn giáo trong khuôn khổ của pháp luật nhằm
phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội
đồng thời hạn chế việc lợi dụng tôn giáo chống lại lợi ích của nhân
dân, của đất nước.
Cũng
cần nói thêm rằng Nhà nước Việt Nam không có chính sách riêng biệt cho
bất kỳ tôn giáo nào mà chủ trương bình đẳng mọi tôn giáo. Hiện nước ta
có 12 tôn giáo và 33 tổ chức tôn giáo đã được công nhận.
Còn
nói về xu hướng vận động của Phật giáo thì hiện Phật giáo đang có cơ
hội phát triển đặc biệt trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam;
vì từ năm 1999 LHQ đã chọn ngày Tam hợp Đức Phật làm ngày văn hóa tôn
giáo thế giới. Sự lựa chọn này chứng tỏ Phật giáo đã có tính ưu việt hơn
từ rất nhiều những giá trị mà nhân loại tìm thấy ở Phật giáo, trong đó
có một số giá trị như tôi đã nói ở trên.
Ở
Việt Nam, Phật giáo đã gắn bó với đất nước, dân tộc suốt 2000 năm qua
và hiện có những cơ duyên để Phật giáo phát triển hơn xuất phát từ nhu
cầu tín ngưỡng của người dân cùng với chính sách tôn trọng tự do tín
ngưỡng của Đảng và Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Hoa – Nguyệt Thương
(Báo PLVN)