Những
con số của đời người và tầm vóc của một nghệ sĩ lão thành tỉ lệ nghịch
với căn phòng lụp xụp 17m2 mà Hồ Kiểng đang sống gần 30 năm qua. Vậy mà
ông vẫn vui sống với tình yêu nghệ thuật sắt son.
Gia tài không mua được bằng tiền
 |
NSƯT Hồ Kiểng |
Gọi là nhà
nhưng nơi ở của nghệ sĩ Hồ Kiểng giống như một căn phòng hơn. Một tối
nọ, ông ngồi trên giường, chân buông thõng xuống đất và gắp miếng thịt
kho. Bàn cơm của ông là chiếc ghế con kê tạm, trên đó đặt đĩa thịt kho
và tô canh rau má. Hai bộ quân phục treo ở đầu giường cùng những bằng
khen, bằng công nhận kỷ lục gia và nhiều ảnh cá nhân treo trên vách.
Ngoài ra còn có một giá gỗ đặt ở đầu giường. Trên chiếc giá gỗ
có cả tài sản mà ông quý nhất là chiếc túi đựng 4 album. Tất cả được đặt
trong khoảng không gian chừng 8m2 của gian trước căn nhà, dưới ánh đèn
nê-ông tù mù cùng với mùi ẩm mốc phảng phất.
Gian sau căn nhà cũng chẳng khang trang hơn. Thứ duy nhất đáng
giá trong nhà là chiếc tủ lạnh mini. Còn lại là đủ thứ đồ đạc bày biện
trên chiếc tủ gỗ đã cũ. Một phụ nữ lớn tuổi đang loay hoay dọn dẹp.
Tưởng Hồ Kiểng may mắn có bạn trăm năm thủ thỉ lúc tuổi già, hóa ra
người phụ nữ này là vợ cũ của ông. Lấy nhau một thời gian, ông thấy bà
thích sống ở nước ngoài nên khuyên bà lấy một ông chồng được diện đi
nước ngoài. Rồi bà cũng ly dị ông và lấy một người như vậy. Đến khi được
xuất ngoại, người đàn ông ấy đã bỏ rơi bà.
Không đành tâm đuổi bà ra đường, ông để bà sống chung trong căn nhà này, với không gian riêng là căn gác 6m2. Ông cám cảnh: “Không lẽ tôi cũng đuổi bà ra đường thì tàn ác quá. Cho nên tôi vẫn để bà ở đây từ năm 1992 đến nay”.
Vậy là, gần 20 năm nay, trong căn nhà lụp xụp, đã tồn tại một
mối “duyên cầm sắt đổi ra cầm kỳ”. Nhà có hai lối đi, ông một lối, bà
một lối. Chỗ của bà ở trên gác. Bà lo cơm nước giúp ông, mỗi tháng ông
trả bà 720.000 đồng tiền chợ.
 |
Những
con số của đời người và tầm vóc của một nghệ sĩ lão thành tỉ lệ nghịch
với căn phòng lụp xụp 17m2 mà Hồ Kiểng đang sống gần 30 năm qua. |
Ông đã ở
trong căn nhà hiện nay từ năm 1980. Ngày đó, ở đây là khu tập thể Đài
truyền hình TP. HCM. Ông là chủ nhiệm phim nên được cấp một căn trên
lầu. Lúc đó, vợ ông cũng được cơ quan cấp căn nhà số 15 Thủ Khoa Huân
(Q.1 – TP. HCM). Ông trả nhà để về ở với vợ. Rồi vợ ngoại tình, ông ly
dị và ra ngủ ở vỉa hè đường Bùi Thị Xuân.
Sau đó, ông làm đơn gửi đài truyền hình xin nhận lại nhà nhưng
lúc đó Đài báo đã hết nhà và cho ông được ở nhà hiện nay. Khi đó, căn
nhà này được chia làm hai, một nửa là phòng phát điện, một nửa là phòng
đổ rác. Ông về dọn dẹp sạch sẽ rồi ở từ đó cho đến nay.
“Nhà tôi ở ngay mặt tiền, anh em, bạn bè muốn tìm đến cũng rất dễ. Mọi
người cứ vô nhà khỏi cởi dép. Tôi không phải chăm chút nhà cửa, để dành
thời gian làm nghệ thuật”, ông tươi cười cho biết.
Tuy nhiên, căn nhà trông vẫn còn rất lụp xụp. Mảng tường cũ nham
nhở, những vết nứt chạy dài dưới nền nhà. Hỏi ông có phải chưa từng sửa
chữa căn nhà, ông bảo mình không có chủ quyền nhà và cũng không được
phép sửa chữa. Ông chỉ ở đây như khách trọ, mỗi tháng đóng 130.000 đồng
tiền nhà. Như ngầm hiểu nỗi áy náy của khách về cảnh tuổi già phải sống
tạm bợ, ông nói luôn: “Cuộc đời tôi
không ham nhà cửa, tiền bạc, đất đai. Ai đó đem cho tôi những thứ này
tôi ngại lắm, bởi vì có rồi thì mình phải có trách nhiệm với nó, không
làm nghệ thuật được”.
Ông kể, năm kia, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có cấp cho ông
một căn nhà ở lầu 4, thuộc khu chung cư trên đường Trần Hưng Đạo, TP.
HCM. Lúc đó, ông chưa có máy trợ tim, bác sĩ không cho leo lầu nên ông
đã chọn cho con gái út căn nhà ấy.
Hai trái tim, một nhịp đập
Đã tuổi bát thập, ông vẫn giữ được một trí nhớ tốt để có thể
thuộc lòng nội dung hàng trăm vai diễn, hàng trăm bài vè, bài thơ cùng
nhiều sự kiện lớn nhỏ trong hơn nửa thế kỷ theo nghiệp diễn. Ông lật
từng trang album lòng kín những hình ảnh, bằng phong tặng danh hiệu nghệ
sĩ ưu tú, các giấy chứng nhận kỷ lục gia, những bài báo cùng thư của
khán giả được ông gom góp, nâng niu như kỷ vật của đời làm nghệ thuật.
 |
Nghệ sĩ Mạc Can và Hồ Kiểng |
Trong album đó có mảnh báo cắt, trích lời của nghệ sĩ Mạc Can dành cho ông bạn già thân thương: “Tôi
học được ở anh Hồ Kiểng hai điều lấy làm tâm đắc. Thứ nhất, đi bất kỳ
đâu, diễn bất kỳ vai gì, không cần thắc mắc chuyện vai lớn hay vai nhỏ,
vai chính hay vai phụ, thù lao bao nhiêu. Thứ hai, dù đời sống có như
thế nào đi nữa, thì chính nghề đã nuôi sống mình, đã cho mình quá nhiều
điều, đừng bao giơ phụ bạc hay trách cứ nghề. Có trách là trách bản thân
mình kém tài, hay chưa đủ đam mê mà thôi”.
Ở một trang khác là mẩu thư tay của một Việt kiểu Úc gửi ông cách đây 1 tháng: “Bác
Hồ Kiểng kính mến, cháu xin có chút quà gửi đến bác. Cháu thương bác
một đời cống hiến cho nghệ thuật đến tuổi này vẫn còn cơ cực. Khi nào có
dịp về thăm quê hương, cháu sẽ đến thăm bác”. Không giấu giếm
niềm vui, ông kể, nghệ sĩ Thành Lộc đã ghé nhà chuyển cho ông mẩu thư
này cùng 300 đô-la Úc. Ông bảo, đó là những ân tình mà suốt đời ông
không đền đáp nổi.
Trong 4 cuốn album mà ông gìn giữ cẩn thận còn có cả những câu
thơ theo thể đường luật, viết về những người con gái, những người vợ,
100 loài hoa, 100 con đường. Tất cả như những nét chấm phá, nhẹ nhàng,
hóm hỉnh và cũng man mác buồn, tạo nên một bức chân dung về cuộc đời và
sự nghiệp của nghệ sĩ Hồ Kiểng. Đến 3 lần tai nạn chạm cửa tử thần cũng
được ông phóng bút thành Tứ kỳ môn tử đầy lãng mạn, lạc quan:
“Đóng phim miền Bắc ở Cao Bằng / Té ngựa ba lần xương sống băng / Nghệ
sĩ liệt giường nhưng chẳng chết / “Rừng xà nu” vẫn đẹp đêm trăng..”
Ít ai ngờ một nghệ sĩ thích hợp với những vai diễn bợm nhậu, già
dê, ăn mày như Hồ Kiểng lại là người luôn giữ nếp sống thanh đạm. Suốt
đời ông không rượu bia, thuốc lá, một phần do nề nếp của gia đình từ
nhỏ, một phần do căn bệnh tim của ông gần chục năm nay.
Ngoài bảng thành tích dày cộm ông còn có thêm một kỷ lục là lồng
ngực có đến hai trái tim. Trái tim thật của ông đập thưa quá, chỉ
41nhịp/phút. Bác sĩ nói, nếu tim ông đập thưa xuống thêm chút nữa, chỉ
còn 35 nhịp/ phút, là ông chết ngay. Để duy trì sự sống ông phải gắn máy
trợ tim. Lão nghệ sĩ dở áo cho xem dấu trái tim nhân tạo cộm tròn như
đồng xu dưới lớp da ngực và nói: Đây nè, cái máy trợ tim này giống như cái ổn áp điện vậy. Nó điều tiết để tim thật của tôi đập ổn định từ 60 – 70 nhịp/phút”
Trái tim thứ hHộai này, ông được gắn vào tháng 6 – 2006. Lúc đó,
phải nhờ i Chữ thập đỏ Quốc tế và anh em nghệ sĩ giúp đỡ. Cứ 7 năm phải
thay pin một lần. Bác sĩ hẹn ông đến ngày 02 – 12 năm nay là đúng 6 năm
rưỡi phải đi kiểm tra để thay pin.
“Nghệ thuật là muôn đời”
Ngoài nhà cửa, vật chất thì hạnh phúc riêng cũng là một trong
những giá trị mà Hồ Kiểng chấp nhận đánh đổi vì mối tình sắt son với
nghệ thuật. Ông 3 lần cưới vợ thì cũng đã 3 lần ly dị. Ông gói ghém niềm
riêng để nói lời chia tay. Đi lưu diễn triền miên, khi về nhà, ông lại
nhận ra tình cảm vợ dành cho mình đã nhợt nhạt. Cho nên, thấy bà vợ nào
muốn ly dị, ông đều gợi ý chia tay sớm, bởi ông không muốn họ khổ vì
ông.
 |
Ông vẫn vui sống với tình yêu nghệ thuật sắt son. |
Hồ Kiểng có
tất cả 4 người con gái mà ông gọi là “tứ tử nữ nhi” của mình, nhưng đã
mất 2 người. Hai con gái ông đã yên bề gia thất.
“Hai đứa con của tôi đều không dư dả gì, lại còn phải lo cho gia đình
riêng. Lúc khỏe mạnh, tôi không muốn con cái phải bận lòng. Tôi chỉ buồn
vì cuộc sống của mình cũng phải đong đếm chi tiêu hàng ngày nên không
dành dụm được gì cho con”, ông nói mà rơm rớm nước mắt.
Trước đây, ông nhận lương hưu hơn 1,8 triệu đồng/ tháng, gần đây
được tăng lên 2,8 triệu đồng. Khoản tiền đó cộng thêm cat-sê vài chục
ngàn một ngày nếu có đi diễn, trung bình thu nhập của ông trên dưới 3
triệu đồng tháng. Đau ốm thì nhờ cậy vợ cũ và hàng xóm, còn nằm viện thì
hai con gái thay nhau đến chăm sóc.
Hiện nay, ông có mong ước lớn nhất là làm sao hai trái tim luôn
chạy tốt để ông còn đủ sức khỏe cống hiến cho nghệ thuật. Hễ ai mời đóng
vai phụ cho một bộ phim nào đó, hay đi tấu hài, dù xa cách mấy, dù mệt
cỡ nào, ông cũng mừng như mở cờ trong bụng, lại thấy mình tràn đầy sức
khỏe và lên đường ngay. Ông nói: “Khán giả còn thương và trân trọng thì còn sống ngày nào là mình còn phục vụ ngày đó”.
Chia tay, nghệ sĩ Hồ Kiểng còn tiễn chân khách bằng câu thơ: “Nghệ thuật là muôn đời / Bầu trơi thay nhà ở / Trần gian chưa hết nợ / Ngang trái hóa sân chơi”.
Mới hay, 4 cuốn album trong căn nhà lụp xụp cùng nụ cười tươi và ánh
mắt hấp háy sau đôi kính không tròng (để lên hình, lên phim được đẹp) ấy
là cả một gia tài mà đời người không dễ mấy ai có được…
Theo Mốt và Cuộc sống