Như đã trình bày qua bài viết Kinh nghiệm đối phó hiểm họa cải đạo ở Liên Bang Nga,
với cú hích “dị giáo hóa” truyền hình Nga, toàn xã hội Nga, từ người
dân đến đại biểu Duma quốc gia, tổng thống, từ báo chí đến cơ quan chấp
pháp đều bừng tỉnh và tích cực đối phó với hiểm họa cải đạo, bảo vệ các
tôn giáo bản địa (Chính thống giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Do Thái giáo)
bằng mọi biện pháp, từ vận dụng Hiến pháp, xây dựng các đạo luật mới,
tới những cuộc đi thăm thường xuyên của tổng thống đến thánh đường Chính
thống giáo, Hồi giáo, chùa chiền Phật giáo, áp dụng chặt chẽ các đạo
luật để bảo vệ tôn giáo bản địa.
Những việc này không phải là vi phạm tự do tôn giáo, mà hoàn toàn đúng
với luật pháp Liên Bang Nga. Trong khi đó, nội dung Hiến pháp và các đạo
luật về tôn giáo của Liên Bang Nga được xây dựng trên quan điểm bảo vệ
các giá trị truyền thống của Liên bang, trong đó, các tôn giáo truyền
thống là một trong những giá trị quan trọng.
Trong khi ở Liên Bang Nga, việc đối phó với hiểm họa cải đạo là nhận
thức và hành động của toàn xã hội, trong đó, tu sĩ và tín đồ của các tôn
giáo được nhà nước bảo vệ đóng vai trò tích cực, thì trong khi đó tình
hình tại Việt Nam hoàn toàn khác.
Xã hội, chính quyền, người dân, các tôn giáo bản địa… hầu như không hề
có nhận thức đầy đủ và hành động cụ thể đối phó với hiểm họa cải đạo
thường trực và nặng nề.
Trước tiên, là vì tại Việt Nam, các thế lực cải đạo không tiến hành hoạt
động cải đạo lộ liễu, ầm ĩ, gây sốc cho công chúng, trường hợp chiếm
lĩnh truyền hình như ở Nga, mà hoạt động âm thầm, lặng lẽ, sử dụng biện
pháp truyền thông, gọi là thuyền thông liên cá nhân (interpersonal
communication), thay vì truyền thông đại chúng (mass communication), như
trường hợp ở Liên Bang Nga.
Có thể có nhiều nguyên nhân:
- Tại Việt Nam, các lực lượng cải đạo không thể sử dụng các phương
tiện truyền thông đại chúng một cách hữu hiệu, chẳng hạn như không được
phép sử dụng kênh truyền hình nội địa hàng đầu, mà chỉ có thể sử dụng
đài phát thanh sóng ngắn từ nước ngoài phát vào, rất ít thính giả.
- Lực lượng tiến hành cải đạo trong nước người bản địa, thông thạo
tiếng Việt đã có sẵn, nên sử dụng truyền thông cá nhân thuận lợi hơn là
dùng truyền thông đại chúng.
- Có thể, phản ứng có tác dụng ngược của việc ồ ạt sử dụng phương
tiện truyền thông đại chúng ở Liên Bang Nga đã là một kinh nghiệm. Các
thế lực cải đạo tại Việt Nam không muốn tạo thành một cú sốc phản tác
dụng như vậy nữa.
- Hoạt động cải đạo bằng truyền thông liên cá nhân tại Việt Nam (dạng như tác giả bài Mối lo hiểm họa cải đạo thường trực và các ý kiến đóng góp đã miêu tả), đã có hiệu quả, ít tốn kém, nên được ưu tiên sử dụng là lẽ đương nhiên.
- Phía thế lực cải đạo có châm ngôn: “vết dầu loang”, “làm cho con bò
chảy máu”. Cải đạo trong thầm lặng đối với tôn giáo bản địa giống như
là chích máu một con bò vậy. Mất máu đến lúc nào đó “con bò” sẽ quị
xuống, sau đó, sau đó, “con bò” sẽ hấp hối, và cuối cùng “con bò” chết,
mà dường như trên thân thể nó không có một tổn thương nào để có thể dễ
dàng nhận thấy.
Trong phương thức nói trên, tôn giáo bản địa bị cải đạo sẽ không
nhận biết gì hết, hoặc nhận thức không đầy đủ, dẫn đến việc “trúng kế”,
chủ quan, không đối phó, dẫn đến hậu quả chết dần chết mòn, hết sức có
lợi cho các thế lực cải đạo.
Trong bối cảnh hoạt động cải đạo tại Việt Nam, có lẽ, sự việc đã rơi vào tình trạng trên.
Ngoài một số trang web mà hầu hết bạn đọc Phật tử đều biết rõ, một số
lớn tờ báo giấy và trang web Phật giáo đều im lặng trước hiểm họa cải
đạo tín đồ Phật giáo, chừng như là không có việc gì xảy ra cả.
Có trang web, trước đây còn đăng một số ý kiến cảnh báo về hiểm họa
cải đạo tín đồ Phật giáo nhưng sau đó đột ngột im bặt trước đề tài này.
Nếu như ngay cả các cơ quan truyền thông Phật giáo, những bộ phận
nhạy cảm nhất của một tôn giáo, lại không cảm nhận đầy đủ về hiểm họa
cải đạo thường trực, thì làm sao đại đa số tăng ni Phật tử nhận thức
được đầy đủ hiểm họa đang làm chảy máu tín đồ Phật giáo một cách lặng
lẽ.
Nếu chính tôn giáo bản địa còn không nhận thức đầy đủ hiểm họa cải
đạo tín đồ của chính mình, thì làm sao công luận xã hội, báo chí, nghị
viện, quan chức chính quyền quan tâm đến việc bảo vệ tôn giáo truyền
thống bản địa như Liên Bang Nga đã làm.
Đề xuất của chúng tôi, trước hết, là hướng về các cơ sở truyền thông
Phật giáo, từ trang mạng đến các tờ báo giấy, tạp chí, xuất bản phẩm
định kỳ.
Báo chí Phật giáo cần có mục “Hộ pháp”. Không nói đến bất kỳ một tôn
giáo cụ thể nào hết nhưng những việc có liên quan đến tác động cải đạo
tín đồ Phật giáo thì cần nói cụ thể, rõ ràng, kể cả biện pháp đối phó.
Câu chuyện những đứa con cải đạo nói với người cha, người mẹ hấp hối,
theo lời một bạn đọc kể lại, báo trước việc sẽ không thờ cúng sau khi
cha mẹ qua đời, có thể là một câu chuyện bi kịch gia đình do việc cải
đạo đưa lại.
Thực tế đã có nhiều trường hợp tương tự như vậy. Ở đám tang cha,
người trong gia đình đã lập bàn thờ Phật, nhưng con cái đã cải đạo không
chịu dự lễ cầu siêu mà hằn học đứng ngó. Con cái cải đạo còn đến đập
phá những biểu tượng Phật giáo trên mồ mả ông bà cha mẹ, vì cho rằng đó
là những biểu tượng ma quỷ, dị đoan.
Những chuyện như vậy bây giờ đem ra kể không hết…
Vì lòng từ bi, Phật tử chúng ta quan tâm đến việc hộ pháp, tích cực
đối phó với hiểm họa cải đạo, bảo vệ tín ngưỡng bản địa, chính là bảo vệ
sự hòa thuận an lạc trong mỗi gia đình Phật tử Việt Nam. Những tín đồ
cải đạo có cư xử rất khác với người Phật tử, họ sẵn sàng gây ra các bi
kịch tàn nhẫn vì quyền lợi các tôn giáo ngoại lai, để chiếc vé đi Thiên
đàng thêm giá trị.
Cuối bài viết, tác giả xin có lời cảm ơn tác giả Nguyễn Bá Duy.
Đạo hữu đã giúp tôi cảm thấy mình không cô độc trong định hướng hộ pháp
của mình và thêm tinh thần để tiếp tục loạt bài về việc cải đạo tín đồ
Phật giáo, tu hạnh hộ pháp, đối phó với hiểm họa lớn của Phật giáo Việt
Nam hiện nay.
MT